Ông Trump có thể xoay trục sang châu Á theo cách mà ông Obama chưa từng làm
Theo Tin Tức Hằng Ngày
16/12/2016
Hiện nay, không có cường quốc đơn lẻ nào, thậm chí là cả Mỹ, có thể định hình sự phát triển riêng của mình ở châu Á, trong đó có việc bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp. Chính quyền của ông Trump sẽ phải hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chí hướng để xây dựng một sự cân bằng quyền lực ổn định ở châu Á.
Chiến lược “xoay trục” của Tổng thống Mỹ Barack Obama sang châu Á, được công bố năm 2012, đã thu hút được nhiều sự chú ý của quốc tế nhưng lại làm được rất ít để chế ngự cách tiếp cận bằng sức mạnh của Trung Quốc với các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và thương mại. Quả thực, với việc Mỹ tập trung vào thế giới Hồi giáo, việc xoay trục sang châu Á được nói đến nhiều của ông Obama dường như lạc lối ở đâu đó trong vòng cung giữa Iraq và Libya. Liệu cách tiếp cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump sang châu Á sẽ khác?
Trong cuộc họp đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ sau chiến thắng đầy bất ngờ trong cuộc bầu cử hôm 8/11, ông Trump đã mang một thông điệp trấn an đến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Về phần mình, ông Abe đã miêu tả ông Trump là “nhà lãnh đạo đáng tin cậy”. Trong một động thái ngoại giao khôn khéo, ông Abe đã có chặng dừng chân đặc biệt ở New York hôm 17/11 khi trên đường tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru để gặp trực tiếp ông Trump, người có chung quan điểm bảo thủ, xu hướng dân tộc chủ nghĩa.
Ngày nay, châu Á phải đối mặt với nỗi ám ảnh về sự mất cân bằng quyền lực. Nhiều người lo ngại ông Trump có thể từ bỏ chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama khi thể hiện một chính sách biệt lập nhưng lại phớt lờ đi một việc là chính sách xoay trục này vẫn chỉ mang tính khoa trương hơn là thực tế. Ngay cả khi ông Obama chuẩn bị rời khỏi nhiệm sở, thì chiến lược xoay trục này – được đổi tên là “tái cân bằng” – đã không có được bất kỳ nội dung chiến lược cụ thể nào.
Dù gì thì khái niệm của một thuật ngữ dễ nhớ, “xoay trục”, đã giúp che khuất thách thức chủ chốt mà Mỹ phải đối mặt: Duy trì là cái neo an ninh chính ở châu Á đối mặt với một sự thúc đẩy không ngừng nghỉ của một nước Trung Quốc theo chủ nghĩa xét lại nhằm mở rộng biên giới và phạm vi ảnh hưởng của mình.
Quả thực, ông Trump có thể phải đối mặt với một thử thách ý chí sớm từ một Trung Quốc quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận “lát cắt salami” để đạt được sự chi phối trong khu vực. Ngược lại với chiều hướng xâm lấn chính thức của Nga, Trung Quốc đã hoàn thiện nghệ thuật leo thang, che đậy chiến tranh bí mật nhằm tìm kiếm một “lát cắt” lãnh thổ vào một thời điểm nhất định bằng vũ lực.
Với việc ông Obama đã ngày càng nhượng bộ cho Trung Quốc tại châu Á trong nhiệm kỳ của mình, Bắc Kinh cảm thấy được khích lệ, bằng chứng là việc họ gia tăng bành trướng ở Biển Đông và hai dự án con đường tơ lụa của mình trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Con đường tơ lụa trên biển chỉ là một cái tên mới cho chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, không phải trả bất kỳ cái giá nào trên trường quốc tế, Trung Quốc đã tích cực tiếp tục đẩy biên giới của mình tiến vào vùng biển quốc tế theo một cách mà chưa có cường quốc nào đã làm.
Trên thực tế, việc tăng cường năng lực hải quân và triển khai sức mạnh ra bên ngoài là trọng tâm trong tham vọng của Trung Quốc nhằm tạo ra một châu Á mạnh mẽ với Trung Quốc là trung tâm. Tự hào là một trong những nước có hạm đội tàu ngầm phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc hồi đầu tháng 11 đã tuyên bố chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này, tàu Liêu Ninh, đã sẵn sàng chiến đấu. Các động thái như vậy chắc chắn sẽ thử thách những giới hạn đối với chính quyền mới ở Mỹ.
Cách tiếp cận cứng rắn hơn
Trong bối cảnh ấy, rất khó để chứng kiến cách thức ông Trump có thể cắt giảm những hoạt động triển khai quân sự và các tài sản của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều khả năng ông Trump sẽ giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình để đầu tư nguồn lực lớn hơn cho quân đội. Bằng cách nới lỏng một số ràng buộc trong thời kỳ ông Obama, ông Trump, nhằm giữ gìn hình ảnh “cứng rắn” của mình, có thể cho phép hải quân và không quân Mỹ bắt đầu các chiến dịch trinh sát và tự do hàng hải nhiều hơn ở Biển Đông. Ông cũng có thể chọc giận Trung Quốc khi để Nhật Bản cùng Mỹ tham gia tuần tra trên không và trên biển trong vùng biển tranh chấp này.
Ông Trump cũng được cho là sẽ quyết đoán về mặt ngoại giao hơn ông Obama, người đã từ chối lên tiếng ngay cả khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough, địa điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Việc này xảy ra năm 2012 bất chấp một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, theo đó cả Bắc Kinh và Manila đồng ý rút tàu của mình khỏi khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ đã không làm gì để đáp trả động thái của Trung Quốc dù có hiệp ước bảo vệ lẫn nhau với Philippines. Hành động đó đã giúp sức cho Trung Quốc điên cuồng xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Vào cuối năm 2013, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền nhưng không kiểm soát ở biển Hoa Đông, ông Obama một lần nữa do dự. Thật vậy, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ hoãn chuyến thăm Bắc Kinh để bày tỏ phản đối của hành động của Trung Quốc thì Washington lại khuyến nghị các hãng hàng không thương mại nước này tôn trọng ADIZ – một hành động đi ngược với lời khuyến nghị của Nhật Bản đối với các hãng hàng không nước này là phớt lờ yêu cầu của Trung Quốc phải thông báo trước các kế hoạch chuyến bay khi đi qua khu vực này. Trong thực tế, Mỹ đã dung túng cho hành động thiết lập ADIZ của Trung Quốc.
Hành động bị nhiều người chỉ trích của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong việc nối lại quan hệ với Trung Quốc có liên quan đến hàng tỷ USD trong những cam kết đầu tư của Trung Quốc nên được nhìn nhận trong bối cảnh này. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhiều khả năng chỉ duy trì cho đến khi Trung Quốc có một cuộc xâm lấn lớn tiếp theo. Nghịch lý ở đây là sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh đã giúp Mỹ trở lại trung tâm sân khấu châu Á – nhưng ngay cả khi Trung Quốc đã trở nên hiếu chiến hơn với các nước láng giềng thì chính quyền của ông Obama lại lung lay trong việc làm thế nào để kiềm chế sự bành trướng ấy hay trấn an các đồng minh châu Á đang hốt hoảng của mình. Trong thực tế, Trung Quốc càng quyết đoán hơn trong việc gây sức ép trong các tuyên bố về lãnh thổ và lãnh hải của mình, từ biển Hoa Đông tới dãy Himalaya thì chính quyền của Tổng thống Obama lại càng do dự hơn trong việc đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở châu Á – dù rằng những tranh chấp này tập trung vào những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng với các đồng minh hoặc đối tác chiến lược của Mỹ.
Điều không kém phần quan trọng nữa là sự thất bại của ông Obama trong việc tạo ra sức nặng chiến lược trong chính sách xoay trục sang châu Á của mình. Bằng cách cố tránh né những tranh chấp với Trung Quốc trong nỗ lực cân bằng mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia châu Á chủ chốt, chính quyền của ông tránh xa những lựa chọn chiến lược khó khăn. Ngay khi chính sách xoay trục này được công bố thì lại cần phải có sự điều chỉnh, với việc chính quyền đã hạ thấp các khía cạnh quân sự trong chính sách xoay trục này và nhấn mạnh đến sự hợp tác kinh tế lớn hơn giữa Mỹ và châu Á. Ngay cả biện pháp khiêm tốn để thường xuyên luân phiên 2500 thủy quân lục chiến Mỹ ở khu vực Darwin của Australia cũng chưa được thực hiện đầy đủ.
Đối với những nước phải chịu đựng gánh nặng từ các chính sách xâm lược của Trung Quốc, sự thiếu rõ ràng này không chỉ gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ mà còn khiến cho những nước này phải phó mặc số phận cho kẻ săn mồi trong khu vực. Điều này đã buộc nhiều nước phải đối xử thận trọng quá mức trước những mối quan ngại và lợi ích của Trung Quốc.
Củng cố các liên minh
Trái ngược với việc rút khỏi châu Á, Mỹ dưới thời ông Trump nhiều khả năng sẽ tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác với các quốc gia xung quanh ngoại vi của Trung Quốc. Chính quyền của ông thậm chí còn có thể hỗ trợ cải cách an ninh quốc gia và hiến pháp Nhật Bản, dựa trên giả định rằng một nước Nhật Bản làm nhiều hơn cho quốc phòng của mình sẽ giúp ngăn chặn được sự mất cân bằng quyền lực gây mất ổn định ở khu vực Đông Á. Sự hỗ trợ như vậy cũng sẽ rất hợp với ưu tiên hàng đầu của ông Trump là ngăn chặn sự suy giảm quyền lực của Mỹ thông qua việc đổi mới trong nước một cách toàn diện, trong đó có việc kiềm chế sự thâm hụt ngân sách đang gia tăng của Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông Trump đắc cử đã làm mờ đi các triển vọng thực hiện đầy đủ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia. TPP, trong đó không chỉ Trung Quốc mà còn có cả bạn bè thân thiết của Mỹ như Ấn Độ và Hàn Quốc không tham gia, đã được ông Obama đánh giá là thành tố quan trọng nhất trong chính sách xoay trục của mình sang châu Á. Trong thực tế, TPP khó có thể là sáng kiến mang tính thay đổi: Với một nửa số thành viên của hiệp định đã có hiệp định thương mại tự do song phương với Washington thì hiệu quả chính của TPP sẽ có là để tạo ra một thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật Bản và Mỹ, hai nước chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm quốc nội của các nước ký kết TPP.
Thương mại là một lĩnh vực mà ông Trump phải thực hiện theo các lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình còn nếu không ông sẽ phải đối mặt với sự mất lòng tin của các cử tri “cổ cồn xanh”, những người đã giúp ông thắng cử. Chính quyền của ông không chỉ sẽ tìm cách đàm phán lại với các nước còn lại trong TPP – điều gây khó xử cho ông Abe, người từng biến thỏa thuận thương mại này thành một trụ cột trong các cải cách kinh tế của mình – mà còn khó có khả năng trao cho cho Trung Quốc cơ hội tự do thao túng các hoạt động thương mại của mình. Vì lý do này và nhiều lý do khác, quan hệ Mỹ-Trung có thể phải trải qua một thời kỳ khó khăn.
Vào thời điểm khi tương lai của trật tự châu Á còn bấp bênh, ông Trump có thể xoay trục sang châu Á theo cách mà ông Obama chưa từng làm. Nhưng hiện nay, không có cường quốc đơn lẻ nào, thậm chí là cả Mỹ, có thể định hình sự phát triển riêng của mình ở châu Á, trong đó có việc bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp. Chính quyền của ông Trump sẽ phải hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chí hướng – từ Nhật Bản và Australia đến Ấn Độ và Việt Nam – để xây dựng một sự cân bằng quyền lực ổn định ở châu Á.
Brahma Chellaney
Hương Trà (gt)
*Tác giả Brahma Chellaney là một chuyên gia về chiến lược địa chính trị. Bài viết đăng trên Tờ “Nikkei Asian Review” (ngày 21/11).
(Nghiên Cứu Biển Đông)