Ông Thủ tướng chưa yên? (phần 2)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ông Thủ tướng chưa yên? (phần 2)

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) – Kể từ khi Phạm Quý Ngọ tạ thế vào tối 18/2/2014, dõi theo hơn chục trang diễn đàn với hàng trăm phản hồi, người ta thấy đầy những đồn đãi, nghi ngờ, bàn tán theo nhiều quan điểm và lý lẽ khác nhau.

“Hậu” Phạm Quý Ngọ
Ngay trong giới luật gia – luật sư, có vẻ cũng còn nhiều ý kiến trái chiều quanh vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Tất nhiên, ai cũng biết “khởi tố vụ án” và “khởi tố bị can” là hai quyết định riêng rẽ. Ông Ngọ không phải người duy nhất là nghi can trong vụ án, bởi còn một số người bị Dương Chí Dũng xướng đích danh.
Nguyễn Như Phong – một người rất thân và rất tôn quý Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, một nhà báo nổi tiếng xả thân vì sự nghiệp “báo chí cách mạng”, từng bị nhiễm độc nặng [1] do tự tay dùng nước giếng cổ tại sa mạc Sahara rửa mặt và nhấp thử một ngụm, nhưng may mắn đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa – cho biết [2]:
“Trước Tết Giáp Ngọ, tôi được nói chuyện với ông qua điện thoại và được ông cho biết sẽ đi nước ngoài để kiểm tra lá gan để cấy ghép. Ông cũng nói rằng: “Anh chẳng còn được bao lâu nữa đâu. Các bác sỹ bảo cấy ghép gan cùng lắm là được 6 năm. Nhưng anh đã được hơn 5 năm rồi”. Rồi ông cũng nói về việc rất mong muốn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ sự thật về những lời khai của Dương Chí Dũng trước Tòa. Mặc dù không nói thẳng, nhưng trong câu chuyện ông tỏ ra rất buồn, bởi ông ra đi mà sự việc chưa được làm sáng tỏ”.
Đúng vậy. Ung thư các loại thường kéo dài trong một số năm nhất định. Người ta cũng biết, căn bệnh này sau nhiều năm “ủ” âm thầm, bệnh nhân mới phát hiện. Một chút nước độc trong giếng cổ thấm vào lưỡi vào môi ông Phong, không chắc ảnh hưởng dài lâu sức khỏe và cũng không thể làm giảm đi nhiệt huyết của nhà báo có tâm và sung sức.
Tâm nguyện cuối đời của ông Ngọ thông qua nhà báo Nguyễn Như Phong thật chính đáng, do đó phải làm sáng tỏ vụ việc để trả lại thanh danh cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ. Nếu gia đình anh em Dương Chí Dũng – Dương Tự Trọng được tôn kính bằng cách gọi [3] “danh gia vọng tộc đất Cảng”, thì ông Phạm Quý Ngọ xứng đáng để gọi là “đỉnh cao thanh bạch nước CHXHCNVN”. Vả lại, cơ quan điều tra Việt Nam được ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, khẳng định là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới với việc phá án nhanh, nhất định không thể để dây dưa như việc đặt mìn tại nhà Giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên, dù tốn trên hai năm vẫn chưa thể đưa thủ phạm ra trước vành móng ngựa [4] mà Thứ trưởng Bộ Công an – Đặng Văn Hiếu cho biết do người trong nội bộ công an gây ra.
Trả lại sự thanh bạch cho ông Ngọ là việc cần làm ngay. Điều này không chỉ cho riêng dòng tộc ông Thượng tướng công an cống hiến công sức trong nhiều năm, nó còn trở thành cơ hội rất tốt để giúp dập tắt tất cả đàm tiếu đang dậy sóng dư luận, ảnh hưởng nặng nề uy tín của “đảng và nhà nước”. Điều này hoàn toàn trong tầm tay ông Thủ tướng, với “Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm” (tức là Ban 138CP) do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu [5].
Ban 138CP được lập ngày 01/10/2013, trên cơ sở sáp nhập “Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em” cùng với “Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm” và xét trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an – Trần Đại Quang [6].
Casino và kỹ nghệ tình dục.
Ông Nguyễn Tấn Dũng chưa thể yên với nỗi lo lớn lao về kinh tế bao lấy nội các chính phủ, khi kỳ đại hội đảng diễn ra vào năm 2016, đang đếm lùi thời gian.
Nền kinh tế Việt Nam trở nên rất tồi tệ với nhiều biểu hiện u ám và đầy khuất tất, trong đó nổi rõ nhất là ngân sách nhà nước thất thu và bội chi trong nhiều năm qua. Dù bằng mọi cách để thoát khỏi tình trạng này, nhưng hệ thống chính trị – tư tưởng cùng quan điểm, luật lệ, cung cách quản lý hiện nay đã cản trở và kéo lùi đất nước tụt hậu quá xa so với khu vực và thế giới. Nếu không dám “xé rào” để tìm lối thoát, quả thật Việt Nam không thể “ngóc đầu” lên nổi.
Để vượt qua, cần phải có… “tiền”. Có thật nhanh và thật nhiều. Nguồn thu từ đâu? Hiện nay, có thể nói casino và kỹ nghệ tình dục trở thành phương tiện thiết thực nhất, trong khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt dần.
Đối với lợi ích từ casino, có lẽ không còn gì để bàn cãi, khi nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh hiệu quả về nhiều mặt do nó mang tới trong hành chục năm qua, ngay cả quốc gia có vẻ nghiêm khắc như Singapore cũng đã chấp nhận loại hình này với doanh thu vọt lên hơn 6 tỉ đô/năm, sau chỉ 3 năm hoạt động.
Dù Việt Nam coi bài bạc là bất hợp pháp, trên thực tế, mỗi ngày có hơn 1.300 người Việt qua Campuchia [7] đánh bài. Lượng tiền đổ vào bài bạc tại Việt Nam ước tính hàng chục triệu USD một ngày, mỗi năm lên tới hàng tỷ USD [8]. Trong khi đó, mỗi năm riêng thuế của lĩnh vực này, nếu được hoạt động có thể thu đến 800 triệu USD, đó là chưa kể doanh thu các dịch vụ và chi phí ăn uống đi kèm. Loại hình kinh doanh này cũng giúp giải quyết khá nhiều lao động thất nghiệp ngày một gia tăng, cùng các ngành xuất nhập khẩu và nông – thủy sản v.v… đang cần vực dậy.
Ước tính Việt Nam có thể thu được hơn 3 tỉ USD mỗi năm [9] từ casino khi đi vào hoạt động và trong tương lai, doanh thu có thể tăng nhanh nếu quản lý khoa học với nghệ thuật, kinh nghiệm kinh doanh do các chủ đầu tư thế giới mang tới. Hiện nay, theo VNExpress: “Các hãng casino lớn cho biết họ đang theo sát thị trường Việt Nam, nhưng vẫn không đặt cược vào sự thay đổi chính sách ở đây”. Sự e dè này xuất phát từ lý do ai cũng hiểu.
Phóng sự mang tên “The invisible children of HCM city” [10]  do đài RFA thực hiện cho thấy cảnh trạng não lòng của rất nhiều trẻ em, thiếu niên đường phố. Biết bao nhiêu nguy cơ rình rập, đe dọa và sẵn sàng cướp ngay sinh mạng, cuộc đời chúng. Những đứa trẻ bơ vơ tội nghiệp, không thân phận, không nguồn gốc, tìm đến nhau. Một bé gái bị xã hội đẩy vào con đường mại dâm để kiếm sống và trở thành mẹ vào tuổi 15. Cô bé cho biết, sẵn sàng quay trở lại “nghề” nếu như không còn con đường nào khác để lo cho hai đứa con, trong đó một bé bị bại não!
Năm 2013, thống kê (chưa đủ) cho biết có hơn 33.000 người bán dâm [11]. Trẻ mồ côi trên 150.000 người, nhưng chỉ khoảng 12.000 trẻ tạm coi là được chăm sóc [12], cùng hàng ngàn cô gái, bé gái kể cả bé trai và mại dâm nam vẫn là hiện thực không thể chối bỏ.
Không cần phải e ngại và xấu hổ khi đề cập đến hai lĩnh vực này, một khi nó được hoạt động hợp pháp theo luật định. Hãy bỏ qua nếp nghĩ thiển cận và đạo đức giả bấy lâu nay, như người viết đề cập trong phần 1. Thời đại bây giờ, làm gì có lợi cho dân tộc, cho quốc gia lại không vị phạm chuẩn mực nhân quyền thế giới mà lại thiết thực, cần mạnh dạn thực hiện. Nhu cầu đánh bạc và mại dâm vẫn tồn tại, dù có cấm ngặt đi chăng nữa. Do đó, vấn đề là quản lý hữu hiệu với luật pháp được xây dựng khoa học, nghiêm minh, thay vì ngăn cấm nó để rồi phát sinh hậu quả nghiêm trọng, rộng khắp mà nhà nước này không thể nào gánh nổi, trong khi mọi thiệt thòi,  đau khổ đều trút hết lên người dân.
Dường như các “cao ốc” bỏ hoang, các “thành phố ma” không bóng người có vẻ cũng có chút khao khát được cứu rỗi khi hai loại hình này hoạt động?
Mặt khác, khi casino và kỹ nghệ tình dục hoạt động công khai, hợp pháp theo luật định, nó còn giúp cho người lao động trực tiếp hành nghề ngày càng thêm kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ, cũng như xã hội giảm dần đến mức thấp nhất và trong vòng kiểm soát được các loại tệ nạn: cho vay nặng lãi, bảo kê, ma cô, tú bà, bạo hành v.v… và cả bảo vệ danh dự người lao động cũng như phòng tránh hữu hiệu các loại bệnh về tình dục. Từ đó, Quyền Con Người được phổ cập nhanh và mở rộng hơn trong thành phần mà nhiều người e ngại họ chưa đủ khả năng để tiếp cận và hiểu rõ.
Casino và kỹ nghệ tình dục hoạt động hợp pháp là một trong các cách giải quyết hiệu quả mệnh đề nâng cao dân trí đi đôi với cải thiện dân sinh tại Việt Nam.
UPR và nhân quyền.
Ông Nguyễn Tấn Dũng càng khó yên với tình hình nhân quyền Việt Nam hiện nay. Tất nhiên từ “nhiều thế lực” như ông Phạm Bình Minh đã phàn nàn. Một trong các “thế lực” đó xuất phát trước nhất từ lực lượng “công an nhân dân”.
Trả lời phỏng vấn báo VNN sau phiên điều trần UPR vào hôm 05/2/2014, Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Trưởng phái đoàn Việt Nam khẳng định [13] : “Với những ý kiến thể hiện định kiến [về nhân quyền], chưa phản ánh đúng tình hình trong nước, do thiếu thông tin hay vì những lý do khác, theo tôi, cách tốt nhất đối với những người có ý kiến như vậy là về Việt Nam để tận mắt chứng kiến những thực tế đã đạt được trong 4 năm rưỡi qua…”.
Ngày 13/2/2014, nghĩa là chỉ cách phiên điều trần 1 tuần lễ, báo Tuổi Trẻ cho biết [14]: “Thêm một người chết sau khi làm việc với công an” tại tỉnh Đắc Nông. Ngoài bức ảnh cho thấy 95% tấm lưng của nạn nhân tím rịm máu bầm, bài báo nói: “… khám nghiệm tử thi ban đầu, nạn nhân N. có tổng cộng 33 vết thương, vết bầm tím trên cơ thể, trong đó có chín vết bầm tím trên đầu, mặt”. Trước đó, cũng tại tỉnh Đắc Nông, một hình ảnh không kém ghê rợn của ông Hoàng Văn Ngài [15] với thân thể tím đen vào tháng 3 năm ngoái, cũng do công an đánh đến chết.
Thay vì ông Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cần quốc tế đến Việt Nam “tận mắt chứng kiến” thêm nữa thì xin mời ông coi tiếp [16]: hình ảnh cặp đùi đầy máu bầm được khâu lại của xác chết ông Nguyễn Mậu Thuận do công an Đông Anh – Hà Nội gây ra, hay người thanh niên Nguyễn Hữu Phước nhập viện với cặp mông phù nề đầy máu bầm do công an huyện Bình Chánh Tp.HCM thay phiên đánh đập, cho đến cậu bé 12 tuổi Ngô Đình Phát tại thành phố Huế cũng bị công an đánh dã man.
Nếu chưa thuyết phục được một người làm ngoại giao như ông Hà Kim Ngọc, có lẽ phải nhắc lại hình ảnh thương tâm của ông Trịnh Xuân Tùng bị công an Hà Nội đánh gãy cổ hay anh Nguyễn Công Nhựt bị hành hạ tới chết với hình ảnh bầm dập từ cổ kéo cho đến cả bộ phận sinh dục của nạn nhân cùng với việc gạ tình và gạ tiền vợ anh Nhựt – cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, nhưng bất thành từ công an Bình Dương.
Những hình ảnh thực tế vừa vật vã vừa xót xa đó, so ra còn bi thương hơn cả những viên đạn ghim thẳng vào tim, bởi nó kéo dài sự hành hạ đau đớn cho nạn nhân trước khi chết hẳn (?).
Những dẫn chứng trên không nhằm mục đích nung nấu lòng thù hận trong dân chúng, nhưng lẽ ra bên cạnh những hình ảnh Hoàng Dũng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Hoàng Vi v.v… bị công an đánh đổ máu, những người Việt Nam xuất hiện tại kỳ UPR vừa qua cất tiếng thay hàng triệu dân trong nước, nên tố cáo rõ ràng, bởi nó là sự thật. Một sự thật ghê rợn, tàn khốc mà những nạn nhân đó không có cơ hội cất tiếng kêu và cũng bởi vì những nạn nhân đáng thương đó, họ không hề làm một điều gì thuộc về cái gọi là “thế lực thù địch” (!).
Tạm kết
Quả thật, với cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đang đứng trước quá nhiều thử thách khốc liệt từ kinh tế cho đến nạn tham nhũng, hối lộ, bè phái, lợi ích nhóm và ông cũng phải đối diện với chính lương tâm mình về nhân quyền Việt Nam.
Liên Hiệp Quốc vừa đòi đưa Kim Jong Un ra Toà án Hình sự Quốc Tế (ICC), sau một năm khẩn trương điều tra về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của xứ sở cộng sản này. Những tội ác từ nhiều đời cộng sản Bắc Hàn dồn lại, đang đối mặt với dư luận toàn thế giới.
Hình như mức độ nhẫn nhịn của nhân loại văn minh đối với các chính thể độc tài dưới mọi hình thức đã đến lằn ranh chịu đựng cuối cùng? Ông Nguyễn Tấn Dũng có biết?
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Già