Ông Nguyễn Xuân Thành: Tăng trưởng kinh tế quý I thấp là do hệ thống ngân hàng yếu kém
26/04/2017
Theo vị chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Fulbright Việt Nam, nguyên nhân chính của tăng trưởng kinh tế thấp là do yếu kém về mặt cơ cấu, đặc biệt là ở lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Trong buổi seminar cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2017 diễn ra hôm nay (26/4), ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển ĐH Fulbright Việt Nam, giảng viên Khoa Chính sách công và quản lý ĐH Fulbright Việt Nam đã chỉ ra nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế yếu trong ba tháng đầu năm 2017.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết đã khá ngạc nhiên trước kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I vừa qua chỉ là 5,1%, bởi trước đó kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc. Vì thế, theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế sẽ là sức ép rất lớn đối với chính phủ trong nhiệm kỳ này.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 ở mức 6,7% là khó đạt được bởi để đạt mục tiêu thì 3 quý sau phải tăng trưởng trên 7% bù cho quý I, điều khó có thể xảy ra.
Xét về cung – cầu trong nền kinh tế, ông Thành cho rằng tăng trưởng kinh tế thấp không phải do sức cầu tiêu dùng hay đầu tư. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý I/2017, tích lũy tài sản (đầu tư) tăng 2,27%, so với 1,56% quý I/2016. Tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng cũng tăng tới 7,25% so với mức tăng 5,39% của quý I/2016. Tăng trưởng kinh tế thấp theo ông Thành là do tình trạng thâm hụt thương mại.
Phân tích các nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế quý I ở mức thấp như vậy, ông Nguyễn Xuân Thành đã loại bỏ những lý do khá phổ biến được chỉ ra như kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, niềm tin của doanh nghiệp, người yêu dùng thấp hay những lý do liên quan tới rào cản thể chế.
Theo vị chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Fulbright Việt Nam, nguyên nhân chính của tăng trưởng kinh tế thấp là do yếu kém về mặt cơ cấu, đặc biệt là ở lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Nền kinh tế Việt Nam rõ ràng đang chịu gánh nặng từ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, các khoản thua lỗ trong các dự án đầu tư … Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng chính hệ thống ngân hàng là lực kéo lùi tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng chính thức đến tháng 12/2016 của các ngân hàng là 2,46%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, cùng với nợ xấu tại VAMC và nợ xấu tiềm ẩn theo đánh giá của NHNN lên tới 8,85%.
Về tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng trong 2016 và đầu 2017, tín dụng tại Việt Nam tăng mạnh chỉ bởi hai yếu tố: thứ nhất là đảo nợ để nuôi lãi dự thu hay có thể nói là tín dụng ảo; thứ hai là việc tăng mạnh tín dụng dành cho tiêu dùng. Như thế, dù tăng trưởng tín dụng cao nhưng các doanh nghiệp không phải là đối tượng được hưởng lợi từ phần tín dụng tăng này.
Gánh nặng cho nền kinh tế, theo ông Thành chính là bởi nợ xấu và những vấn đề yếu kém trong hệ thống ngân hàng không hề giảm, thậm chí còn tăng lên và nền kinh tế lại buộc phải tiếp tục tăng tín dụng để duy trì tăng trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng đưa ra một số định hướng chính sách cần thực hiện mạnh mẽ trong thời điểm này. Đó là đề xuất điều chỉnh Luật các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, với việc đưa ra trình tự cụ thể cho tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém; tăng quyền tối đa để các tổ chức tín dụng thu hồi tài sản và bán nợ.
Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Thành khuyến nghị cần tập trung tái cấu trúc 5 ngân hàng thương mại bao gồm 3 ngân hàng thương mại được mua với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank, GPBank), ngân hàng Đông Á và ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo ông Thành, cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc tái cấu trúc, những ngân hàng 0 đồng có thể cho phá sản, những ngân hàng còn lại thì Nhà nước cần bỏ tiền ra trước để dọn dẹp những yếu kém, sau đó mới đem bán được và thu tiền về cho Nhà nước.
Nếu không bỏ tiền thật ra thì gánh nặng hệ thống ngân hàng sẽ khiến nền kinh tế không tăng trưởng được. Đây là bài học rút ra từ xử lý, khắc phục khủng hoảng từ châu Á những năm 1998 – 1999 tới Mỹ năm 2008.
Phương Nguyễn
Theo Kinh tế & Tiêu dùng