Olympic Rio thành công hay thất bại?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Olympic Rio thành công hay thất bại?
Image copyrightAFP
BBC

58 phút trước

 nhiều nhà phân tích và phê bình, quyết định từ năm 2009, cho thành phố Rio de Janeiro của Brazil đăng cai cuộc tranh tài Olympics 2016 đã là một quyết định mang tính rủi ro cao.
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), mà cụ thể là chủ tịch Thomas Bach, vốn xem đây là một cơ hội để quảng bá tinh thần thể thao, lại cho rằng quyết định để Rio đăng cai Olympic là một sự đánh cược xứng đáng.
“Người dân Brazil đã chứng minh là một chủ nhà xứng đáng và đoàn kết cho sự thành công của Olympic,” chủ tịch Thomas Bach nói. “Họ đã biến cuộc tranh tài thành một lễ hội cho tất cả mọi người.”
“IOC đã cho thấy khả năng tổ chức Olympic ở một nước không có GDP cao là hoàn toàn khả thi.”
Tuy nhiên, những sự cố khác cũng được IOC nhắc đến. Đó là tình trạng khán đài còn rất nhiều ghế trống, nước hồ bơi biến thành màu xanh lá cây, vận động viên bị trấn lột… nhưng nhìn chung, Olympic Rio, ngoài những gì đạt được trên khía cạnh thể thao, đã gây sự quan tâm chú ý của hơn một nửa dân số thế giới, theo một cách nào đó, và có thể còn nhiều hơn đối với Olympic Tokyo 2020.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng công chúng thờ ơ với sự kiện thể thao do các yếu tố liên quan đến vụ bê bối sử dụng thuốc kích thích và tham nhũng.
“Tôi nghĩ Olympic Rio là một bước lùi so với London,” một thông tín viên của tờ Daily Telegraph nhận định. “Đây là một sự thụt lùi, lớn hơn dự đoán của ban tổ chức và có lẽ mọi người sẽ trông mong vào Olympic Tokyo nhiều hơn.”

Rio có thành công trong việc tổ chức Olympic

Image copyrightAP
Trước khi diễn ra Olympic, ban tổ chức đã quan ngại với những cuộc biểu tình mang sắc thái chính trị, phản đối việc chi phí quá tốn kém và có tham nhũng, bên cạnh những lo ngại khác về an ninh, ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh do virus Zika.
Nhưng khi cuộc tranh tài diễn ra, thực tế cho thấy vấn đề ít người xem, làm giảm doanh thu mới khiến ban tổ chức đau đầu nhất.
Ban đầu, ban tổ chức cho rằng lỗi nằm ở việc có quá nhiều người phải xếp hàng mua vé nhưng sau lại nói công chúng Brazil chỉ thích xem hai môn thể thao là bóng đá và bóng chuyền.
Matthew Pinsent, người bốn lần vô địch Olympic môn chèo thuyền, nay là bình luận viên thể thao cho kênh BBC nói: “Tôi nghĩ vấn đề bán vé là một yếu tố quan trọng mà ban tổ chức phải tính tới từ lúc đầu và phải có sẵn giải pháp.”
Vé xem Olympic trong một ngày tương đương với số lương của một công nhân bình thường kiếm trong nửa tuần lễ, nhưng dù không vào bên trong sân vận động để chứng kiến các cuộc tranh tài, người dân địa phương cũng cảm nhận về lễ hội thể thao tại Brazil.
“Tôi nghĩ Olympic sẽ có tác dụng theo hướng tích cực, ví dụ như cho trẻ em có thể mơ ước và một ngày nào đó, biến ước mơ thành hiện thực,” Isabella Alves de Oliveira, 19 tuổi nói.

Ảnh hưởng của vụ bê bối sử dụng thuốc kích thích

Image captionYulia Efimova, từng bị cấm thì đấu, đoạt huy chương bạc nội dung 100 m bơi ếch
Vụ bê bối sử dụng thuốc kích thích của các vận động viên Nga là sự kiện diễn ra từ trước và kéo dài cho đến khi Olympic Rio 2016 tranh tài, nhưng, như dự đoán, sự trình diễn của các vận động viên Nga là tâm điểm của mọi sự chú ý.
Có nhiều vận động viên trong số 271 người của đoàn thể thao Nga bị khán giả la ó khi thi đấu, trong khi vận động viên bơi lội Yulia Efimova, người đã từng bị cấm thi đấu vì sử dụng thuốc kích thích, đã khóc khi ban tổ chức công bố thành tích đoạt huy chương bạc nội dung 100m bơi ếch.
Có một số vận động viên dương tính với thuốc kích thích nhưng số lượng quá nhỏ, so với sự căng thẳng về vấn đề này trước khi Olympic diễn ra.

Dịch bệnh liên quan virus Zika

Image copyrightAP
Image captionChính quyền Brazil xịt muỗi để phòng chống Zika
Dịch bệnh liên quan virus Zika là chủ đề được nói đến nhiều nhất trước khi Olympic Rio 2016 diễn ra, với một loạt vận động viên golf hàng đầu tuyên bố không tham gia tranh tài.
Rory McIlroy, Jordan Spieth, Jason Day và Dustin Johnson đều nói Zika là một nguy cơ lớn đối với vấn đề sức khỏe, cho bản thân và cả gia đình của những vận động viên này.
Thế nhưng, khi cuộc tranh tài diễn ra, hầu như chẳng mấy ai còn nói về chuyện này.
Muỗi đã tránh xa Olympic Rio 2016 tại Brazil.

Ai sẽ thay thế Bolt và Phelps?

Image copyrightBBC
Image captionHai tượng đài Olympic: Usain Bolt và Michael Phelps
Thật khó mà tưởng tượng một ngày nào đó, Usain Bolt và Michael Phelps sẽ không còn tham dự Olympics, nhưng thể thao luôn cần những thần tượng và những ngôi sao mới đang nổi lên.
Đó là Katie Ledecky, 19 tuổi, người rời Rio với năm huy chương Olympic, trong đó có bốn huy chương vàng. Ledecky cũng là nữ vận động viên bơi lội Mỹ đầu tiên giành huy chương vàng ở các nội dung 200m, 400m và 800m tự do kể từ 1968.
Bên cạnh đó còn là Simone Biles, cùng 19 tuổi và cùng đội Mỹ, đã giành bốn huy chương vàng trong môn thể dục dụng cụ.
Đội Anh thì có Jason Kenny, đạt thành tích tương đương Sir Chris Hoy, với sáu huy chương vàng môn đua xe đạp. Nếu Jason Kenny tiếp tục thi đấu, bằng với thời gian của Sir Chris Hoy, vận động viên năm nay 28 tuổi sẽ còn hai kỳ Olympic để có thêm thành tích.

Đọc thêm:

Thế vận Rio 2016 thành công cho dù bị nhiều trở ngại

Tú AnhĐăng ngày 22-08-2016 Sửa đổi ngày 22-08-2016 15:59
mediaBế mạc Thế Vận Rio 2016.REUTERS/Vasily Fedosenko
Giã biệt Rio, hẹn tái ngộ tại Tokyo. Sau 16 ngày tranh tài với 306 bộ môn thi đấu, Thế Vận Hội 2016 kết thúc vào đêm chủ nhật 21/08/2016. Brasil có thể thở phào hãnh diện đã tổ chức thành công một đại hội thể thao quốc tế trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn : khủng hoảng kinh tế, chính trị, khủng bố đe dọa, báo động virus Zika….
Dù bị không ít trục trặc, dù số khán giả thưa vắng không bằng một phần của Thế Vận Hội Luân đôn bốn năm trước, nhưng Rio 2016 không có gì phải xấu hổ. Theo chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Thomas Bach thì có một Rio trước Thế Vận và một Rio sau Thế Vận tươi sáng hơn. Đây cũng là nhận định của nhiều người dân Brazil.
Cựu vận động viên huy chương vàng thuyền buồm Lars Grael, khi được hỏi cảm tưởng đã không giấu niềm hạnh phúc : Chúng tôi lo ngại công việc tổ chức sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng nhìn chung mọi việc đều trôi chảy.
Trước hết về mặt tổ chức : Một trong những điểm đen là yếu kém về chuyên chở công cộng. Sân vận động nằm xa trạm xe điện cuối cùng, phải đi bus, đi bộ trong không khí oi bức. Một khuyết điểm khác trong việc tổ chức là các cơ quan chính thức không phân phối kịp thời số vé ứ đọng ra thị trường. Chưa hết, hơn phân nửa số 280.000 vé phát không cho các gia đình nghèo không được sử dụng. Vé chuyên chở công cộng đắt đỏ so với túi tiền người dân đang bị khủng hoảng kinh tế cho nên họ chọn thái độ nằm nhà. 11% người mua vé cũng không xem các cuộc tranh tài.
Hệ quả là tuy ban tổ chức dự kiến hơn 84% ghế sẽ có người ngồi, nhưng trên thực tế khán đài thường xuyên thưa vắng trừ khi có những ngôi sao nổi danh như vận động viên chạy bộ nhanh nhất thế giới Usain Bolt thi đấu.
Tình trạng này là cơn ác mộng của giới doanh nghiệp, đầu tư những món tiền khổng lồ giành nhau thời lượng quảng cáo sản phẩm trên các đài truyền hình, theo nhận định của Yiannis Exarchos, Tổng giám đốc Olympic Brodcasting.
Thật ra, chính Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO cũng không noi gương sáng. Ngoài tai tiếng dùng thuốc kích thích doping bị cấm, một trong số lãnh đạo cốt cán của Ủy ban là ông Patrick Hickey, người Ailen bị bắt giam vì có dính líu vào một đường dây bán vé lậu.
Một vấn đề cốt lõi khác của Rio là nạn ô nhiễm : Chính quyền Rio cam kết là sẽ « làm sạch » nước biển Rio trước Thế Vận Hội nhưng đâu vẫn vào đấy. Hơn phân nửa hệ thống ống cống thải nước dơ của thành phố không được xử lý.
Điều may mắn là những dự báo bi quan đã không xảy ra. Báo động dịch bệnh Zika gây hoảng loạn trước Thế Vận có vẻ như quá phóng đại. Daech cũng không gây được một vụ khủng bố nào.
Về phần dân chúng, một bộ phận chống Thế Vận vì chống chính phủ mới, vì ủng hộ tổng thống bị truất phế, vì thấy tốn kém vô ích chỉ để phục vụ cho « người giàu ». Tuy nhiên, khi Thế Vận Hội khai mạc, đông đảo dân Rio đã tích cực tham gia, tạm quên các khó khăn trong đời sống, đoàn kết nhau trong hai tuần để đại hội thành công.
Một mục tiêu quan trọng mà mọi thành phố chủ nhà nào cũng kỳ vọng, đó là thu hút du khách. Theo số liệu chính thức, trong mùa Thế Vận Rio, khoảng một triệu du khách nước ngoài đến Brazil, mang lại 6,5 tỷ đôla ngoại tệ.
Thế Vận Hội kết thúc, Brazil trở lại cuộc sống bình thường với những vấn đề tồn đọng. Thứ năm này, Thượng viện sẽ tiến hành giai đoạn cuối cùng trong tiến trình cách chức tổng thống Dilma Rousseff.