Obama đọc Thông điệp Liên bang
TT Obama đang đề cập nhiều vấn đề sống còn của xã hội Hoa Kỳ
Chính sách kinh tế của ông Obama, được ông gọi là nền ‘kinh tế trung lưu’, bao gồm việc nâng thuế đối với người giàu. Về vấn đề an ninh, ông kêu gọi Quốc hội cho phép sử dụng vũ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. Ông cũng khẳng định tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga do xung đột ở Ukraine, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi lập trường ngoại giao đối với Cuba và Iran. Các vấn đề về an ninh mạng cũng được đề cập đến trong bài diễn văn vào lúc 9:10 phút tối ngày 20/1, giờ địa phương (9:10 sáng giờ Hà Nội).
Kinh tế trung lưu
Ông tuyên bố “bóng tối của khủng hoảng đã bị đẩy lùi, tình hình liên bang vẫn vững mạnh”. “Vào lúc này, nền kinh tế đang phát triển, thâm hụt ngân sách đang giảm xuống…” “Nền kinh tế trung lưu đang phát huy hiệu quả”, ông nói. Ông kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật trong đó đảm bảo cho phụ nữ được trả thù lao ngang với nam giới. Ông cũng công bố một số cải cách về giáo dục, trong đó có việc miến học phí tại các đại học cộng đồng, mà ông tin là đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho “nền kinh tế của thế kỷ 21”. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ cho nền kinh tế, bao gồm cầu, đường tàu và phủ sóng internet. Đề cập đến vấn đề giao thương, ông Obama nói các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần tăng cường bán sản phẩm trong nước ra nước ngoài. “Ngay lúc này, Trung Quốc đang muốn viết quy định cho khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Điều đó khiến các lao động và doanh nghiệp của chúng ta đứng trước bất lợi,” ông nói. “Hơn một nửa các nhà sản xuất nói họ đang tìm cách đem việc làm từ Trung Quốc về lại Mỹ. Hãy cho họ thêm lý do để làm điều đó”.
An ninh
Về vấn đề an ninh, ông Obama nói Hoa Kỳ cần tránh hành động “hấp tấp, phản ứng theo các tin tức được đăng tải thay vì sử dụng trí óc”. “Câu hỏi đặt ra không phải là liệu Hoa Kỳ có đang lãnh đạo thế giới hay không, mà là Hoa Kỳ cần lãnh đạo ra sao”, ông nói. “Nếu phản ứng đầu tiên của chúng ta trước một thách thức là điều động quân đội, chúng ta có nguy cơ sẽ bị lôi vào những xung đột không cần thiết và quên đi chiến lược lớn hơn là xây dựng một thế giới an toàn, phồn thịnh hơn”, ông nói. “Thay vì gửi một lượng lớn quân đội ra nước ngoài, chúng ta đang hợp tác với các quốc gia từ Nam Á đến Bắc Phi nhằm khiến những kẻ khủng bố muốn đe dọa nước Mỹ không còn nơi ẩn náu”. Ông nói thay vì bị lôi vào một cuộc chiến khác tại Trung Đông, Hoa Kỳ đang lãnh đạo một liên minh rộng lớn nhằm tiêu hao lực lượng của IS để cuối cùng tiêu diệt tổ chức này. Ông Obama khẳng định “sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, với sức mạnh quân sự của chúng ta” đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản IS, và kêu gọi Quốc hội cho phép sử dụng vũ lực chống lại tổ chức này tại Iraq và Syria. “Nỗ lực này sẽ tốn nhiều thời gian, cần sự tập trung cao độ, nhưng chúng ta sẽ thành công”, ông nói. Về vấn đề an ninh mạng, ông Obama nói “không có quốc gia hay kẻ tin tặc nào được phép đánh sập các mạng lưới của chúng ta, đánh cắp những bí mật thương mại hay xâm phạm quyền riêng tư của các công dân Mỹ”. “Tôi đề nghị Quốc hội thông qua dự luật cần thiết để chúng ta có thể đối phó tốt hơn với các cuộc tấn công mạng …” ông nói. “Nếu không hành động, chúng ta sẽ khiến quốc gia và nền kinh tế của mình dễ bị tổn thương”.
Chính sách đối ngoại
Đó là phong cách lãnh đạo của Hoa Kỳ – không làm ầm ĩ, mà thay vào đó, sử dụng những giải pháp vững chắc, kiên trì – Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ đang tiếp tục giữ vững lập trường rằng những nước lớn không được phép bắt nạt các nước nhỏ. “Một số người đã cho rằng hành động xâm lược của Putin là ví dụ điển hình cho tài chiến lược và sức mạnh”. “Thế nhưng ngày nay, chính Hoa Kỳ là nước vững mạnh và đoàn kết với các đồng minh của mình, trong khi Nga đang bị cô lập và gặp nhiều khó khăn về kinh tế.” “Đó là phong cách lãnh đạo của Hoa Kỳ – không làm ầm ĩ, mà thay vào đó, sử dụng những giải pháp vững chắc, kiên trì”. Về vấn đề Cuba, ông Obama cho rằng lập trường ngoại giao của Hoa Kỳ suốt 50 năm qua đã “không phát huy hiệu quả”. “Đã đến lúc thử một hướng đi mới”, ông nói, đồng thời kêu gọi Quốc hội gỡ bỏ cấm vận với Cuba trong năm nay. Về quan hệ với Iran, ông nói hiện các bên đang có cơ hội tiến tới một thỏa thuận toàn diện nhằm ngăn ngừa Iran phát triển vũ khí hạt nhân và bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Israel, trong khi vẫn có thể tránh xảy ra thêm xung đột tại Trung Đông. “Tất cả các lệnh trừng phạt mà Quốc hội thông qua vào lúc này sẽ khiến nỗ lực ngoại giao hiện nay thất bại, khiến Hoa Kỳ bị các đồng minh xa lánh và làm Iran tái khởi động chương trình hạt nhân”, ông nói. “Vì vậy, tôi sẽ bác bỏ tất các các dự luật trừng phạt mới có khả năng ảnh hưởng đến quy trình này”. Tại Châu Á Thái Bình Dương, ông Obama cho biết Hoa Kỳ đang “cải tiến” các mối quan hệ đồng minh và đảm bảo “các nước khác tuân theo luật chơi” trong vấn đề thương mại lẫn giải quyết tranh chấp trên biển. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng quan tâm đến việc các nước làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình, trong đó có việc không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như phản ứng trước thiên tai, ông nói thêm.