Nước Anh đổi hướng chiến lược

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nước Anh đổi hướng chiến lược
Đăng ngày 06-10-2016 Sửa đổi ngày 06-10-2016 14:25
mediaThủ tướng Anh Theresa May tại Đại Hội Đảng Bảo Thủ ở Birmingham, ngày 02/10/2016.REUTERS/Toby Melville
Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh vừa kết thúc phiên hội nghị toàn quốc với bài diễn văn của thủ tướng Theresa May đưa ra một con đường hoàn toàn mới cho nước Anh, mà một số chuyên gia kinh tế đánh giá là từ bỏ chính sách tự do có từ thời Thatcher và gia tăng mức độ kiểm soát của chính phủ vào nền kinh tế.
Thông tín viên Lê Hải – Luân Đôn06/10/2016Nghe
Theo nhận định của thông tín viên RFI Lê Hải từ Luân Đôn, thì có vẻ như giới lãnh đạo nước Anh đã chuẩn bị xong cho con đường phát triển một mình bên ngoài cơ cấu Liên hiệp châu Âu.
Lê HảiChange has got to come, đó là câu chữ mà thủ tướng Theresa May nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của mình, có nghĩa là đã đến lúc cần phải thay đổi. Bà nêu ra các vấn đề cần thay đổi và kết thúc bài diễn văn với lời kêu gọi hãy đi theo bà để thực hiện các thay đổi đó. Một khẩu hiệu khác nữa được dùng để trang trí bục phát biểu là hàng chữ trên nền cờ Anh – một đất nước hoạt động vì mọi người. Nội dung bài phát biểu không chỉ đơn giản là hướng đến các đảng viên và những người ủng hộ cho tư tưởng Bảo thủ, mà nhắm thẳng vào những người dân lao động bình thường, một động tác mà giới bình luận cho rằng lãnh đạo của đảng Bảo Thủ nay không muốn ở bên cánh hữu mà tiến sâu vào chiếm giữ khu vực trung tâm trong nền chính trị Anh, tức là thu nhận luôn một phần tư tưởng của giới cần lao bên phe cánh tả. Song song đó, từ những ngày trước, chính phủ Anh mới có thêm một cơ quan định hướng chiến lược phát triển cho các ngành công nghiệp, và giờ đây, trong bài diễn văn, bà thủ tướng tuyên bố chính phủ sẽ bước vào chấn chỉnh thị trường nếu thị trường hoạt động sai lệch, một hướng đi có thể coi như là từ bỏ chính sách kinh tế tự do mà đảng Bảo Thủ cũng như nước Anh đã theo đuổi từ thời Thatcher và Reagan.
RFI: Giới kinh tế hầu hết đều đánh giá rằng kinh tế nước Anh sẽ thiệt hại nặng nề sau ngày rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, vậy mà lúc này bà thủ tướng lại đưa ra một chính sách kinh tế mới thì có quá mạo hiểm hay không?
Lê Hải:Trước hết, bà thủ tướng có vẻ rất tự tin khi trình bày thông điệp của bà. Bà bắt đầu bài phát biểu bằng cách gây cười từ chính bài diễn văn của mình, đang trình bày một cách nghiêm trang, trang trọng đến khó hiểu, lại chen ngang bằng một câu đùa nhắm vào bộ trưởng ngoại giao Boris Johnson, khiến cả hội trường cười phá lên, và hoàn toàn rơi vào tầm kiểm soát của diễn giả. Bài diễn văn cũng được truyền trực tiếp trên mạng Facebook, với vô số ký hiệu ngón tay tán thưởng và quả tim hồng, cùng với lời khen trên báo chí và truyền hình, chắc chắn sẽ giúp lan tỏa tầm ảnh hưởng của nội dung mà bà Theresa May muốn giới thiệu. Ý của bà thủ tướng là trong lúc nước Anh phải thực hiện ý nguyện của người dân là rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thì cũng nên đồng thời phải thay đổi, và ngay từ bây giờ đã phải đi con đường riêng của mình để chỉnh sửa toàn bộ. Hồi đầu tuần, bộ trưởng tài chính Philip Hammond đã tuyên bố từ bỏ kế hoạch thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2020 mà chính phủ trước của đảng Bảo Thủ đã đề ra, hay quyết định trước đó của bà thủ tướng hủy hợp đồng cho phép Trung Quốc đầu tư xây nhà máy điện nguyên tử, tất cả đều cho thấy nước Anh đang đi theo một con đường kinh tế – chính trị hoàn toàn mới, mà bài diễn văn vừa rồi là bản kế hoạch chiến lược về tư duy cụ thể và đầy đủ nhất. Mới đây quỹ tài chính quốc tế IMF xếp hạng nước Anh là quốc gia đang tăng trưởng nhanh nhất trong khối G7 với tỷ lệ tăng trưởng là 1,8%, và dự báo năm sau mặc dù ảnh hưởng của Brexit nhưng Anh sẽ vẫn tiếp tục giữ tỷ lệ tăng trưởng là 1,1%, cho nên có thể nói chính sách kinh tế mới của nước Anh sẽ bị giới doanh nghiệp chỉ trích nhưng không quá mạo hiểm về kinh tế, mà đồng thời lại lấy được lá phiếu của người lao động. Như vậy xét một cách ngắn hạn thì đây là con đường khôn khéo mà các chiến lược gia đã vạch ra cho bà thủ tướng cũng như là đảng Bảo Thủ.
RFIVấn đề di dân là một trong số các lý do khiến người dân Anh bỏ phiếu Brexit, vậy chương trình hành động của thủ tướng Theresa May sẽ làm gì về chuyện này?
Lê HảiCon số vài trăm ngàn người mỗi năm nhập cư từ các nước Liên Hiệp Châu Âu được coi là điểm nóng trong các cuộc đàm phán Brexit sắp tới đây, nhưng trong nội bộ chính phủ Anh thì có vẻ như là bà thủ tướng đã giao toàn bộ trách nhiệm cho bộ trưởng mới là bà Amber Rudd xử lý. Một loạt các qui định mới đang chuẩn bị được ban hành và bà bộ trưởng sẽ là người gánh chịu áp lực của báo chí và dư luận, cũng như là doanh nghiệp là khu vực chịu thiệt hại nặng khi siết chặt di dân. Thế nhưng các lập luận chính trị lại nhắm vào sự ủng hộ của dân chúng, ví dụ như là ra qui định về ngành nghề nào mà dân châu Âu có thể được phép vào Anh làm việc để khỏi cướp mất chỗ làm việc của người dân Anh, hay yêu cầu các công ty phải huấn luyện cho người địa phương thích ứng với công việc mới, và đặc biệt là các công ty phải niêm yết số lượng người nước ngoài đang làm việc, và gần đây các trường học phải nhanh chóng nộp số liệu thống kê về tỷ lệ học sinh không mang quốc tịch Anh. Bài phát biểu của bà Amber Rudd đã được trình bày trong ngày trước đó, trong đại hội toàn quốc của đảng Bảo Thủ, và bị báo chí chỉ trích gay gắt vì mức độ mà họ coi là phân biệt chủng tộc. Và đến bài diễn văn vừa rồi của thủ tướng Theresa May thì bị tờ Guardian đánh giá là đã đổ hết tất cả mọi rắc rối của nước Anh, và đặc biệt là quyết định Brexit vừa rồi, sang cho vấn đề người nước ngoài. Tờ The Times cảnh báo rằng lập luận chính trị này có thể sẽ quay ngược lại gây hại cho con đường chính trị của đảng Bảo Thủ.