Nói thật và nói sự thật
Theo Viet-studies – Nguyễn Trọng Bình –19-01-2015
1. Có thể thấy sau những phát ngôn của Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng về những vấn đề liên quan đến cơ chế kiểm soát và cung cấp thông tin trong thời đại công nghệ hiện nay thì gần như ngay lập tức nhiều cơ quan truyền thông, những người báo chuyên lẫn không chuyên đều tỏ ra vui mừng phấn chấn. Mới đây, báo Tuổi trẻ số ra ngày Chủ nhật, 18 tháng 1 cũng đã tổ chức một diễn đàn xung quanh vấn đề này [1]. Một lần nữa, hầu hết những người tham gia diễn đàn này đều đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó. Đặc biệt, mọi người đều nhất trí cho rằng việc kịp thời và công khai, minh bạch thông tin cho người dân về tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội là giải pháp quan trọng nhằm giành lại “trận địa thông tin” trong tình hình bùng phát thông tin trên các trang, mạng xã hội hiện nay.
Bây giờ chúng ta hãy thử đặt câu hỏi để xem đây có phải là một giải pháp tốt hay không? Câu hỏi là, giả sử trong trường hợp các cơ quan truyền thông chính thống đã chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời và minh bạch rồi nhưng nhân dân vẫn không tin thì sao? Hay người dân sau khi có thông tin từ các cơ quan truyền thông chính thống nhưng họ vẫn muốn tìm thông tin ở chỗ không chính thống như một cách để kiểm chứng mức độ chân thật của sự việc nào đó thì sao? Bởi nói cho cùng, việc hoài nghi hay không tin vào một thông tin liên quan đến một vấn đề, một sự kiện nào đó cũng là quyền của mỗi người dân và không ai hay một cơ chế nào có thể ngăn cấm họ.
2. Đặt câu hỏi mang tính phản biện như trên, người viết bài này muốn nhắc lại đây quan điểm của giáo sư Lê Ngọc Trà trong một bài viết cách đây gần 30 năm. Chính xác là năm 1988 – thời điểm được xem là lần “đổi mới tư duy thứ nhất” của Đảng những 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, sau khi đã được Đảng “cởi trói”, Giáo sư Lê Ngọc Trà có nêu quan điểm rằng:
“Mặt khác phải thấy rằng nói thật và nói sự thật không phải bao giờ cũng là một. Có khi anh chân thành đấy nhưng vì nói một chiều, định hướng của anh sai nên thành ra chỉ nói được một nửa sự thật. Chẳng phải mấy chục năm qua phần đông nhà văn chúng ta cũng tin mình nói thật đó sao? Mà có lẽ đúng như vậy. Nhưng bây giờ thì trừ những người “yêu quá khứ” vì yêu mình ra, mấy ai nghĩ rằng văn học ta đã nói hết được sự thật?” [2].
Từ quan điểm trên của Giáo sư Lê Ngọc Trà có thể nói, sắp tới đây việc chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch cho người dân của các cơ quan truyền thông chính thống nước nhà thật ra chỉ mới đáp ứng được một nửa sự thật về một vấn đề, một sự kiện nào đó mà thôi. Nói cách khác, việc chủ động kịp thời và minh bạch thông tin về sự kiện nào đó của đất nước mới là “điều kiện cần” trong vấn đề xây dựng niềm tin đối với nhân dân của các cấp chính quyền và lãnh đạo Nhà nước. Vậy thì nửa sự thật còn lại nằm ở đâu? Hay cái “điều kiện đủ” ở đây là gì? Xin thưa đó là tâm thế và thái độ của người cung cấp thông tin hay chính xác hơn là tâm thế và thái độ của lãnh đạo Nhà nước và chính quyền đối với nhân dân trong việc cung cấp thông tin về những sự kiện liên quan đến hiện tình đất nước là như thế nào? Vấn đề này có thể nhìn nhận ở 3 phương diện quan trọng sau:
Một, thông tin được cung cấp có mang tính chia sẻ và sẵn sàng đối thoại với nhân dân để tìm sự đồng thuận hay chỉ nhằm mục ban phát trong sự áp đặt suy nghĩ và tư tưởng người dân; như một mệnh lệnh để thi hành và không cho phép người dân được quyền phản biện lại hay có cách nhìn khác, góc nhìn khác?
Hai, thông tin được cung cấp có thực sự nhằm phục vụ lợi ích của đại bộ phận công chúng và nhân dân hay chỉ phục vụ lợi ích cho một người hay nhóm người nào đó?
Ba, chỉ số và mức độ công khai, minh bạch của những sự kiện được cung cấp như thế nào, độ tin cậy của những vấn đề ra sao; đâu là những sự kiện mà người dân đương nhiên phải được chính quyền cung cấp (ngoài những vấn đề, những thông tin liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia) để mà “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”…?
3. Thời gian qua, có một thực tế mà ai cũng nhìn thấy là, trước một vấn đề nào đó (nhất là vấn đề liên quan đến đời tư của các lãnh đạo cấp cao hay thông tin về những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia về biển đảo…) thì về phía các cơ quan truyền thông chính thống, đa phần chỉ cung cấp cho người dân ở mức độ “vừa phải” hay chủ yếu là “nói tránh”, “nói giảm” đi cái bản chất thật của những sự việc (ví như đồng chí X, Y, Z hay ngư dân của ta bị “tàu lạ” đâm chìm…). Ở chiều ngược lại, các cơ quan truyền thông phi chính thống lại có khuynh hướng đưa tin theo kiểu nói quá, nói phóng đại hay thổi phồng lên. Đây là gì nếu không phải là thái độ và tâm thế của những bên cung cấp thông tin đến với người dân?
Nghiêm túc mà nói thì cả hai cách cung cấp thông tin đến người dân như trên đều là cố tình bóp méo và xuyên tạc bản chất thật của những sự việc. Thế nhưng, phía nào cũng khư khư cho rằng mình đang nói thật về một sự việc, sự kiện ấy. Và như thế tất cả người dân vô tình trở thành nạn nhân của những thông tin trái chiều ấy. Hay nói cách khác, mọi sự phân tâm và hoang mang của người dân đều bắt nguồn từ chỗ này. Vì một bên chỉ nói một nửa sự thật còn một bên có khi lại nói quá, nói vượt ra ngoài những sự thật ấy.
Rõ ràng, trong chuyện này cả hai phía chính thống và phi chính thống đều có lỗi trong cách cung cấp thông tin đến người dân, tuy nhiên công tâm mà nói thì lỗi của phía cơ quan truyền thông chính thống có phần nặng và đáng trách hơn. Bởi lẽ:
Thứ nhất, phía các cơ quan truyền thông chính thống được sự bảo hộ về cơ chế tiếp cận và khai thác thông tin thuận lợi hơn.
Thứ hai, những người đưa tin từ phía các cơ quan truyền thông chính thống được nuôi dưỡng bằng tiền thuế của người dân góp vào vậy mà họ chỉ cung cấp thông tin cho người dân không kịp thời và không đầy đủ.
Như vậy, nói theo ngôn ngữ bóng đá là với lợi thế “sân nhà” và “trọng tài nhà” nhưng nhìn chung đa phần các cơ quan truyền thông chính thống vì lsy do nào đó có khi chỉ im lặng không hề cung cấp thông tin cho người dân hoặc có cung cấp nhưng thông tin đến người dân vừa chậm lại thêm “nói giảm”, “nói tránh” hay chỉ nói có 50% sự thật xung quanh những những sự kiện mà họ biết rất rõ 100% thì khó mà trách sự xuyên tạc hay bóp méo của bên cung cấp thông tin không chính thống bằng cách nói quá nó lên. (Ở đây cũng mở ngoặc nói thêm là nếu xét trong từng trường hợp cụ thể thì không phải người làm báo nào trong cơ quan truyền thông chính thống cũng đáng trách, vẫn có không ít người rất có ý thức về chuyện này nhưng có khi vì cuộc sống nên trong từng vấn đề cũng nên thông cảm cho họ – những người chưa đến mức phải “bẻ cong ngòi bút” để tồn tại).
***
4. Dù sao cũng phải thừa nhận quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi yêu cầu xây dựng cơ chế hợp lý nhằm giúp các cơ quan truyền thông chính thống “đưa thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch” đến mọi người dân là một cái nhìn đúng đắn, kịp thời của người đứng đầu chính phủ trong hoàn cảnh bát nháo và nhiễu loạn thông tin hiện nay ở Việt Nam; là dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy và nhận thức của những người lãnh đạo trong vấn đề minh bạch thông tin trước nhân dân. Tuy vậy, có lẽ các cấp lãnh đạo cùng những người làm báo chính thống cũng không nên ảo tưởng rằng, nhân dân sẽ tin tưởng chính quyền khi họ được cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch. Vì như người xưa đã nói: “một lần bất tín vạn lần bất tin”.
Ngoài ra, trong tình hình xã hội và đất nước Việt Nam hiện nay, muốn có được hay lấy lại niềm tin của nhân dân thì như đã nói, tâm thế và thái độ của những người cung cấp thông tin mới là nhân tố quan trọng và quyết định nhất. Trước một sự kiện nào đó, người dân tuy được cung cấp một cách kịp thời và minh bạch nhưng nếu thông tin về những sự kiện ấy đã được “định hướng” và “dàn xếp” trước sao cho chỉ có lợi cho một số người, một nhóm người nào đó thì có khi chỉ làm nhân dân thêm mất niềm tin hơn mà thôi. Bởi lẽ, những thông tin như vậy thật ra chỉ mới đáp ứng được một nửa của sự thật. Mà một nửa sự thật thì như mọi người đã biết đó không phải là sự thật. Vậy nên, sắp tới đây, muốn người dân thật sự tin tưởng thì nhất định phải tuân thủ một nguyên tắc mà Giáo sư Lê Ngọc Trà đã nói cách đây gần 30 năm: “nói thật và nói sự thật bao giờ cũng kèm theo một điều kiện: quyền được nói thật và nói sự thật”[3] của mỗi người dân.
Nói cách khác, muốn người dân thật sự tin tưởng thì trước hết, Nhà nước và chính quyền phải tuyệt đối tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tư tưởng, tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận của người dân trước mọi sự kiện, mọi vấn đề của xã hội và đất nước mà họ được những cơ quan truyền thông cung cấp. Nhà nước và chính quyền phải dũng cảm để sẵn sàng đón nhận và lắng nghe những những lời nói thật cho dù đó là những lời chỉ trích, “quở mắng” của người dân về những quyết sách sai lầm hay những vấn đề có màu sắc tiêu cực khác. Lắng nghe là để nhận lỗi và sửa đổi chứ không phải lắng nghe để trù dập hay thậm chí trấn áp, đàn áp tinh thần họ. Có vậy may ra mới lấy lại niềm tin của nhân dân; mới thực sự là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”; thực sự là một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh.
Cần Thơ, 18/1/2015
—————–
Chú thích nguồn:
[1]: “Minh bạch để giành “trận địa thông tin” – Báo Tuổi trẻ – Số ra ngày 18/1/2015.
[2], [3]: Lê Ngọc Trà – “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực” (in trong sách “Lý luận và văn học”, nhà xuất bản Trẻ, 2005).
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-1-15