Nói thẳng về nợ công

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nói thẳng về nợ công
Nợ công, tính toán, thời gian và mức độ nguy hiểm. Ảnh: Báo Chính PhủBởi deholy
05/09/2015

Ts. Phan Minh Ngọc

Trần nợ công được Chính phủ và Quốc hội ấn định ở ngưỡng 65% GDP. Tuy nhiên, hiện nợ công tính trên GDP của Việt Nam đã tiến đến gần tỷ lệ 60%, với mức tuyệt đối tính đến cuối năm 2014 là 110 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Với đà tăng này trong khi tăng trưởng kinh tế đã và sẽ chậm lại rõ rệt so với những thập kỷ trước thì chuyện nợ công Việt Nam chạm và vượt ngưỡng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy vậy, bản thân ngưỡng 65% là một điều cần bàn. Cơ sở nào để ngưỡng này được chọn? Tại sao không phải là một con số cao hơn, nếu suy từ trường hợp của nhiều nước phát triển có mức nợ công cao hơn nhiều GDP của họ (tức tỷ lệ nợ công/GDP vượt 100%)? Ngược lại, tại sao không phải là một con số thấp hơn nhiều, nếu cứ suy từ những nước đang phát triển ngay trong khu vực như Indonesia, với mức nợ công chỉ khoảng 25%?

Ấn tượng đầu tiên về con số 65% của Việt Nam là có lẽ nó được đưa ra (vào năm 2011) khi nợ công của Việt Nam đã ở mức tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực (thực tế đã đạt tới 55,4% GDP vào năm 2011). Vì xu hướng nợ công của Việt Nam chỉ có tăng lên chứ khó mà giảm đi nên rất có thể những người làm chính sách đã phải lấy mức 65% – con số đủ cao và an toàn hơn mức 55,4% để làm ngưỡng “phấn đấu” và cũng là để làm yên lòng quốc dân.

Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn của thế giới đương thời thì con số trên cũng dường như không cho thấy có mối liên hệ mật thiết nào. Theo một số nghiên cứu đương thời (khoảng 2010 – 2012) của một nhóm tác giả là các học giả thuộc IMF như Reinhart và Rogoff – những người mà kết quả nghiên cứu của họ đã có ảnh hưởng lớn đến giới làm chính sách toàn cầu, thì có tồn tại một ngưỡng nợ công, cụ thể là 90% GDP. Nếu nợ công của nước nào đó vượt qua ngưỡng này thì sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của nước đó trong những năm tiếp theo. Như vậy, lẽ ra những nhà làm chính sách có thể “yên tâm” đặt ngưỡng cho nợ công của Việt Nam cao hơn nhiều con số 65% nói trên, không phải là 90% như mức an toàn của thế giới thì cũng là 80% hoặc 85% chẳng hạn, vừa bảo đảm đủ cao để có không gian xoay xở mà không phải lo đến sự vượt trần quá sớm, đồng thời vẫn không làm cho dân chúng âu lo vì mức trần này vẫn thấp hơn tiêu chuẩn an toàn của thế giới. Nhưng rồi 1, 2 năm gần đây đã xuất hiện những nghiên cứu không chỉ vạch ra sai sót trong việc tính toán (lỗi khi xử lý dữ liệu trên phần mềm văn phòng excel) để cho ra kết quả về ngưỡng an toàn nợ công 90% của nhóm tác giả IMF nói trên, mà còn chứng minh rằng không có ngưỡng nợ công nào có thể được coi là ngưỡng an toàn trên thế giới để nếu nợ công của một quốc gia vượt qua ngưỡng đó thì tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì thế mà căn cứ để xác định ngưỡng nợ công 65% của Việt Nam lại càng trở nên chông chênh, mang tính chủ quan và được đặt ra theo kiểu tình huống.

Như vậy, với đà tăng như hiện nay, Việt Nam khó có thể kê gối cao ngủ kỹ với con số nợ công hiện thời và trong tương lai. Với nợ công, quan trọng hơn việc xác định trần nợ công bao nhiêu thì hợp lý là việc xác định nợ công có hiệu quả thế nào đến tăng trưởng kinh tế. Ở nước ta, một phần đáng kể vay nợ công được dùng để chi trả chi phí thường xuyên trong ngân sách nhà nước (ví dụ như lương), trả nợ, đảo nợ, một phần khác được cho vay các doanh nghiệp nhà nước sử dụng một cách lãng phí, ít hiệu quả, thất thoát nhiều. Chẳng phải vô cớ mà hệ số ICOR (tỷ lệ vốn tăng lên để tạo thêm một đơn vị sản lượng) của Việt Nam thuộc hạng rất cao trong khu vực và trên thế giới, cho thấy mức độ kém hiệu quả của việc sử dụng vốn nói chung và vốn từ vay nợ công nói riêng.

Nghịch lý nội tại và cũng là vòng luẩn quẩn ở chỗ, vì đầu tư kém hiệu quả nên càng phải đầu tư nhiều để mong đạt được mục tiêu tăng trưởng dẫn đến vay mượn càng nhiều. Vay mượn nhiều thì mức trả nợ gốc và lãi càng lớn, dẫn đến phải vay nợ nhiều hơn nữa để đảo nợ, trả nợ, chứ chưa dám nói đến để bảo đảm nhu cầu vốn đầu tư.

Biết được vấn đề như vậy rồi thì giải pháp phải là hạn chế vay nợ công để chi tiêu và đầu tư, mặc dù, như đã phân tích, không có một ngưỡng nợ công tham chiếu nào trên thế giới để nói rằng mức nợ công như hiện tại (và trong tương lai, khi đạt đến 65% GDP) của Việt Nam là nguy hiểm và rủi ro cả. Nếu lo sợ không vay nợ thì không có tiền để đầu tư thì cần phải giảm thiểu vai trò của Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư lớn trong xã hội và, thay vào đó, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Nếu lo sợ không vay nợ thì không có tiền trả nợ, đảo nợ hoặc chi trả các chi phí thường xuyên như lương công nhân viên chức nhà nước thì phải giải quyết từ gốc (ví dụ, sự phình to quá nhanh và quá mạnh của đội ngũ những người hưởng lương nhà nước). Khi đã cắt giảm được chi tiêu rồi thì tự khắc nhu cầu vay nợ công sẽ giảm tương ứng.

– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150905/phan-minh-ngoc-noi-thang-ve-no-cong#sthash.Y1U7TbGM.dpuf