Nỗi sợ Nga phủ bóng lên vùng Baltic và Đông Âu
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen với bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Ba Lan – REUTERS
Theo RFI – Anh Vũ – Thứ Ba 02 Tháng Chín 2014
Cuộc khủng hoảng Ukraina cùng với thái độ hành động can thiệp của Matxcơva đang làm dấy lên bầu không khí sợ Nga trong nhiều nước vùng Baltic nói riêng và Đông Âu nói chung, những nước mà trong lịch sử gần đây từng có thời gian dài nằm trong vòng ảnh hưởng kiểm tỏa của Liên Xô. Đó có thể gọi là một nỗi sợ lịch sử.
Trước ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Estonia trên đường tới dự Hội nghị thượng đỉnh Nato vào ngày 04/09/2014 tới đây tại xứ Wales, phóng viên của AFP ghi nhận thấy bầu không khí sợ Nga đang bao trùm khắp nơi ở nhiều nước thuộc khối Xô Viết trước đây.
Có thể nói từ Talin thủ đô Estonia đến Vacxava của Ba Lan, người ta có thể dễ dàng cảm nhận trong dư luận người dân cũng như chính giới một tâm lý lo ngại nước Nga can thiệp.
Hơn 150 chính khách của nhiều nước vùng Baltic, trong đó có các cựu lãnh đạo như ông Arnold Ruutel, từng là chủ tịch Estonia dưới thời Liên Xô cũ (1983-1990) và sau đó trở thành Tổng thống của nước cộng hòa Estonia độc lập, hay ông Vytautas Landsbergis, nguyên thủ đầu tiên của cộng hòa Litva sau khi tách ra khỏi Liên Xô năm 1990, hôm qua (01/09/2014) đã công bố một bức thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Obama «bảo đảm cho sự hiện diện thường xuyên của liên quân» phương Tây trong đất nước.
Những người ký tên trong bức thư nhấn mạnh: «Chủ nghĩa đế quốc mới được Nga bộc lộ chỉ có thể làm chúng tôi lo sợ sẽ trở thành mục tiêu tiềm tàng trong giấc mơ bành trướng của người Nga» và họ khẩn thiết đề nghị Tổng thống Mỹ bảo đảm cho sự hiện diện thường trực quân đội đồng minh trên lãnh thổ các quốc gia của họ. Các chính khách vùng Baltic khẳng định: «An ninh tự do của cả châu Âu phụ thuộc vào điều đó».
Trên đường phố không khí lo sợ Nga can thiệp cũng hiển hiện trong dư luận dân chúng. Ông Janis Jason, 47 tuổi, một người dân Latvia được phóng viên hỏi chuyện ở khu chợ của thủ đô Riga cho rằng nếu người Nga thành công ở Ukraina, thì sớm muộn rồi họ cũng sẽ tới Latvia. Ông khẳng định chỉ có tham gia vào Nato thì mới bảo đảm không bị Nga can thiệp.
Nỗi lo sợ của dư luận vùng Baltic không phải là vô cớ, bởi nó được nuôi dưỡng từ thực tế là trong những nước tách ra từ Liê Xô cũ đều có những cộng đồng những người nói tiếng Nga mà phần đông trong họ ủng hộ Matxcơva. Riêng ở Estonia và Latvia, dân nói tiếng Nga chiếm tới ¼ dân số, khoảng 1,3 triệu người ở mỗi nước này.
Ai cũng hiểu cộng đồng người nói tiếng Nga trong các nước cộng hòa Liên xô cũ chỉ là thiểu số và không phải tất cả họ đều ủng hộ hành động của Matxcova, nhưng để phục vụ mục đích của Matxcơva thì kiều dân Nga vẫn thường được sử dụng như lá bài lớn tạo cớ can thiệp. Bài học gần đây nhất là vụ sáp nhập Crimée vào Nga vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Enn Toom, 75 tuổi, một nhà nghiên cứu toán học Estonia đã nghỉ hưu cho biết rất lo ngại chiến dịch mà ông gọi là «tuyên truyền đen» của Matxcơva. Ông nói với AFP: «Cách đây 6 năm, tôi tin là Nga không phải là mối đe dọa. Nhưng sau các sự kiện ở Gruzia năm 2008 và bây giờ là Ukraina, tôi nghĩ là Nga thực sự là mối đe dọa… Tôi quan sát thấy ở đây một nỗi sợ lớn» trước nước Nga.
Ở một đất nước khác là Ba Lan. Không thuộc Liên Xô cũ và đã là thành viên của Nato từ 15 năm nay, nhưng quốc gia đông Âu thành viên cứng của Liên hiệp châu Âu này vẫn có những mối lo sợ tương đồng với nhiều quốc gia vùng Baltic.
Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã từng tuyên bố ám chỉ hành động của Nga: «Dùng vũ lực quân sự để chống lại láng giềng, sáp nhập lãnh thổ của nước khác, ngăn chặn họ tự do lựa chọn chính sách quốc tế, những điều đó đang nhắc lại một cách đáng lo ngại những chương sử tồi tệ của châu Âu trong thế kỷ 20».
Trong khi đó bà Sandra Kalniete, cựu ngoại trưởng Latvia và cựu ủy viên châu Âu nhận định: «Nếu chúng ta không ngăn nước Nga lại bây giờ, thì họ sẽ tiếp tục vào ngày mai và ngày sau nữa» và sự hiện diện thường trực lực lượng Nato ở các nước vùng Baltic và Ba Lan có tầm quan trọng lớn «không chỉ cho an ninh của chúng ta mà cho an ninh cả châu Âu», cựu lãnh đạo ngoại giao Latvia kết luận.
Phải mất cả máu và nước mắt các quốc gia vùng Baltic và nhiều nước Đông Âu mới thoát ra khỏi vòng lệ thuộc tìm được con đường đi riêng cho mình, giờ đây cũng vì nỗi lo sợ cho độc lập chủ quyền bị xâm phạm các quốc gia này phải trông cậy vào mối quan hệ liên minh khác, với hy vọng có thể đối phó với «người láng giềng gần» muốn dùng sức mạnh áp đặt ảnh hưởng lên các nước nhỏ.