Nỗi lo: Tập Cận Bình đưa ra những cảnh báo gay gắt với kẻ thù trong đảng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nỗi lo: Tập Cận Bình đưa ra những cảnh báo gay gắt với kẻ thù trong đảng

(Lê Minh Nguyên dịch – Nhận xét: Tập Cận Bình đang trong tình trạng thù bên trong và bao vây bên ngoài, rơi vào hoàn cảnh xấu của những chế độ độc tài là các phản ứng đều không thích hợp. Cứng lên thì leo thang vỡ đảng, mềm xuống thì bị coi là yếu kém, mà yếu kém trong chế độ dân chủ thì không gây biến động chính trị vì có nhiệm kỳ, còn yếu kém trong chế độ độc tài thì rất dễ bị giựt chân ghế. Với việc phá bỏ định chế chuyển quyền sau khi ngồi hai nhiệm kỳ, Tập sẽ gặp sóng gió từ đây cho đến Đại Hội thứ 20 vào mùa thu năm 2022)

Giới thiệu

Mặc dù vị trí của Chủ tịch Tập Cận Bình là chính trị gia quyền lực nhất ở Trung Quốc dường như không còn ai nghi ngờ gì nữa, nhưng ông đang bận rộn càn quét những bất đồng hiện đang gia tăng rõ ràng trong các cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).  

Được công nhận rộng rãi là “lãnh đạo cốt lõi trọn đời” của ĐCSTQ, ông Tập cũng là Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTƯ), đã đưa ra một loạt cảnh báo cứng rắn bất thường chống lại kẻ thù thực sự và tiềm tàng.  

Điều này xảy ra, mặc dù thực tế tuy có mâu thuẫn với các phe phái đối thủ, họ không đồng ý với các chính sách của ông hay tham vọng cá nhân quá lớn của ông, nhưng họ dường như không có một phong trào thống nhất chống lại sự cai trị sắt đá của ông.

Chỉ ra “Những tiếng nói bất hòa và khó chịu”

Trong ấn bản 2021 vừa được đưa ra có tên “Những Bài Giảng Chọn Lọc Của Tập Cận Bình Về Sự Lãnh Đạo Đảng Toàn Diện Với Tính Nghiêm Trọng”, ông Tập đã đề cập đến điều mà ông gọi là “những tiếng nói bất hòa và hỗn loạn” trong đảng.  Ông trích dẫn các cán bộ giấu tên nói rằng, “trong 5 năm qua, chúng ta đã tập trung đầy đủ [quyền lực] và sự thống nhất trong đảng… [và] từ bây giờ chúng ta phải chú trọng đến sự phát triển dân chủ trong đảng”.  Ông Tập cho rằng “những lý thuyết lạ và kỳ quặc như vậy là gây rối chính trị và làm hoang mang tinh thần… cũng như những nỗ lực của những người có động cơ thầm kín để thực hiện các chương trình nghị sự [xấu xa]”

Một số những chỉ trích của ông Tập dường như nhắm vào cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những người tương đối ôn hoà sau lưng ông.  Xét cho cùng, “dangnei minzhu” là điểm chính về việc cởi mở có chừng mực các định chế vào thời kỳ Hồ (2002-2012), và nó là một trong những sáng kiến ​​cải cách lớn trong Báo cáo năm 2007 của Hồ trước Đại hội Đảng thứ 17, có tiêu đề “Giương Cao Khẩu Hiệu Vĩ Đại của Chủ Nghĩa Xã Hội với Đặc Tính Trung Quốc và Phấn Đấu cho những Chiến Thắng Mới trong việc Xây Dựng một Xã Hội Thịnh Vượng Ôn Hoà trên Mọi Phương Diện”.  Tuy nhiên, mặc dù ông Hồ xanh xao ốm yếu (sinh năm 1942) đã có mặt cùng các trưởng lão khác của đảng và Chủ tịch Tập đến Bắc Kinh để đánh dấu kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ  thành lập ngày 1/7, người đứng đầu Đoàn Thanh niên Cộng sản này được nhiều người cho là không còn tham vọng chính trị nữa.

Hai bài báo bất thường được xuất bản vào tháng 6 bởi trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, cơ quan cao nhất của đảng trong việc thực thi các quy tắc nội bộ và chống tham nhũng, đã đề cập đến những “kẻ phản bội” ​​được ngụy trang kỹ lưỡng trong đảng đang âm mưu chống lại “người cốt lõi”.  Những bài báo này đã nêu lên tiêu chuẩn thời Mao về “bốn kiểu phục tùng”.  Mao Trạch Đông nói vào năm 1938 rằng “cá nhân phục tùng tổ chức;  thiểu số phục tùng đa số;  cán bộ cấp dưới phục tùng cấp trên;  và toàn bộ đảng phục tùng trung tâm [zhongyang, nghĩa là lãnh đạo cao nhất] ”.  Trong thuật ngữ chính trị TQ, “trung tâm” dùng để chỉ bất kỳ ai duy trì quyền lực với tư cách là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của đảng.

Một bài báo đã trích dẫn ví dụ về hai “kẻ phản bội” ​​được cho là đã thách thức Mao: Truơng Quốc Đào (Zhang Guotao 1897-1979) và Vương Minh (Wang Ming 1904-1974).  Trương là một thành viên sáng lập của ĐCSTQ và là một nhà chiến lược quân sự tài ba, người đã có lúc điều khiển một đội quân (Đệ Tứ Hồng Quân) ít nhất có quy mô gấp đôi của Mao.  Đầu năm 1938, Trương bị thanh trừng khỏi ĐCSTQ và đào thoát sang Quốc Dân Đảng (Kuomintang).  Đầu năm 1949, khi ĐCSTQ đang chuẩn bị thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Mao đã gọi Trương là “cựu ủy viên Trung ương ĐCSTQ, kẻ phản bội, đào ngũ và phản trắc”.  Trương sống lưu vong ở Hồng Kông vào năm 1949 và sau đó sang Canada.  Vương Minh, một đảng viên đầu tiên khác của ĐCSTQ được đào tạo ở Moscow, được bổ nhiệm làm quyền tổng bí thư ĐCSTQ với sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản (Comintern) vào năm 1931. Vương và các lãnh đạo ban đầu của ĐCSTQ do Moscow đào tạo được cho là đã coi thường Mao, họ coi Mao như một anh hùng nông dân không được học hành nhiều.  Nhưng Vương đã thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực chống lại Mao vào năm 1937, bị phe Mao cho là một lỗi lầm của “chủ nghĩa phiêu lưu cánh tả”.  Mặc dù Vương vẫn ở trong đảng, nhưng ông bị cho đứng bên lề với một vị trí không có thực quyền sau năm 1949.

Trong một bài bình luận khác do CCDI phát hành vào ngày 19/6, có tựa đề “’Không bao giờ phản bội đảng’ không phải là một lời thề suông”, các ủy viên kỷ luật đã trích dẫn một trong những người xếp gián điệp đầu tiên của đảng, ông Cố Thuận Chương (Gu Shunzhang 1903-1934).  Là một người tham gia sớm vào phong trào công nhân Thượng Hải, ông Cố đã được đào tạo về gián điệp ở Moscow và trở thành người đứng đầu cơ quan an ninh của ĐCSTQ và cũng giữ vai trò ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị ĐCSTQ.  Ông Cố đào tẩu sang Quốc Dân Đảng năm 1931 và do sự hiểu biết sâu sắc về các chi bộ ngầm ở nhiều thành phố khác nhau, nên những lời khai của ông đã dẫn đến cái chết và ở tù của hàng chục thành viên hoạt động đảng.  Theo lệnh từ Mao, Chu Ân Lai, cấp trên trực tiếp cũ của ông Cố, đã dẫn đầu một nhóm sát thủ đến nhà của ông Cố ở Thượng Hải vào năm 1931 và giết chết 16 thân nhân và bạn thân ông Cố để trả thù.  Các vụ giết người tàn bạo, được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Thượng Hải vào thời điểm đó, đã phủ bóng đen lên danh tiếng của ĐCSTQ.  Ông Cố mất sự ủng hộ của Quốc Dân Đảng ngay sau đó và bị xử tử vào năm 1935.  Khi nêu lên lịch sử về ông Cố, bài bình luận của CCDI nhắc rằng câu “không bao giờ phản bội đảng” không chỉ luôn được đưa vào lời thề của đảng viên ĐCSTQ trong suốt lịch sử của nó, mà còn đại diện cho “lằn ranh chính trị cuối cùng” của ĐCSTQ.  CCDI cảnh báo những người — như ông Cố — chống lại đảng là bán linh hồn của họ và sẽ phải đối mặt với một kết cục ảm đạm.

Thông điệp của hai bài báo này rất rõ ràng: phản bội đảng thông qua ý thức hệ bất chánh thống, không tuân theo chỉ thị của lãnh đạo tối cao, hoặc đào tẩu với kẻ thù của đảng sẽ không được dung thứ, và những kẻ phản bội như vậy sẽ phải chịu những hình phạt khắc nghiệt nhất.  Rất hiếm khi ban lãnh đạo đảng đề cập đến những nhân vật nhạy cảm như Truơng, Vuơng hay Cố, cho nên các bài báo của CCDI đã làm dấy lên suy đoán rằng các cá nhân hoặc phe phái trong ĐCSTQ có thể đã thực sự phản bội lòng tin của ông Tập.

Bảo vệ Cốt Lõi

Tuy nhiên, ông Tập có vẻ tự tin rằng chừng nào ông còn kiểm soát Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và bộ máy an ninh nhà nước, thì ít ai có thể đặt ra một thách thức đáng tin cậy để chống lại ông.  Sự tin tưởng vào khả năng kiểm soát của ông Tập đối với lực lượng an ninh được thể hiện trong một bài bình luận được xuất bản bởi Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân trước Ngày Quân Lực 1/8. Với tiêu đề “Dám đấu tranh, Dám chiến thắng”, bài bình luận nhắc lại cách Mao đã thành công vượt qua mọi trở ngại – bao gồm cả sự chống đối của các đối thủ bên trong đảng – để giành lấy chiến thắng cuối cùng vào năm 1949 và sau đó.  Bài báo dẫn lời Chủ tịch Tập nói rằng, “chúng ta đang trong quá trình khởi động các cuộc đấu tranh vĩ đại với nhiều đặc điểm lịch sử mới” và khẳng định rằng PLA dưới sự lãnh đạo của ông Tập làm “nòng cốt” đã luôn “dám tham gia đấu tranh  và đã dám chiến thắng ”.

Trong vài năm qua, ông Tập đã hoàn thành việc hoán chuyển các chỉ huy hàng đầu của PLA bằng cách đưa hàng chục nguời của ông vào các vị trí quan trọng.  Gần đây, ông đã thay thế người đứng đầu Cục An ninh Trung ương (CSB, còn được gọi là Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương), cơ quan chịu trách nhiệm về sự an toàn của các cán bộ cấp cao nhất bao gồm Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.  Theo báo cáo của các hãng tin Hồng Kông và Trung Quốc ở nước ngoài, Thiếu tướng Chu Hoành (Zhou Hongxu), người trước đây từng là Phó Tham mưu trưởng Lực lượng Bộ binh của Bộ Tư lệnh Quân khu phía Bắc, đã thay thế Trung tướng Vương Thiếu Quân (Wang Shaojun) làm Cục trưởng Cục An ninh Trung ương.  Là người thân cận ông Tập, Vương đã làm lịch sử khi trở thành người đầu tiên chỉ huy CSB mà được đưa về từ các tỉnh thay vì vươn lên thông qua các cấp bậc của bộ máy an ninh bán bí mật ở trung ương.

Gần đây, ông Tập cũng đã nặng tay gấp đôi đối với một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các công ty Internet bao gồm Alibaba, Tencent và gần đây nhất là Didi Chuxing, các công ty này đã phát triển lớn và nhanh đến mức chúng được coi là có thể gây ra các mối đe dọa đối với quyền lực của nhà nước-đảng.  Kể từ cuối năm 2020, các tập đoàn này đã bị điều tra bởi các đơn vị như Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường và Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cũng như các cơ quan thuế vụ, cảnh sát và an ninh công cộng.  Các viên chức quản lý của chính quyền đã đình chỉ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của công ty công nghệ tài chính Ant Group, một công ty con của Alibaba, vài ngày trước khi dự kiến ​​niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào cuối năm 2020.  Đầu tháng 7/2021, Bắc Kinh đã đình chỉ hoạt động của phần mềm ứng dụng ở TQ dùng cho việc quá giang xe Didi Chuxing, chỉ vài ngày sau khi công ty công nghệ khổng lồ này huy động được hơn 4 tỷ đôla trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.  Giờ đây, các cơ quan của nhà nước-đảng có thể đóng cửa hoặc trừng phạt các công ty công nghệ dựa trên bất kỳ một trong các hành vi vi phạm nào sau đây: thực hành độc quyền; tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh cốt lõi cùng một lúc; hoặc có nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân của công dân TQ ra nước ngoài, cái mà nhà nước coi là tài nguyên an ninh quốc gia.  Một đơn vị con của Didi có tên Chengxin Youxuan đã bị phạt 1,5 triệu RMB (232.000 đôla) vào tháng 3/2021 vì hành vi “định giá lừa đảo”.

Trong một tín hiệu mạnh mẽ về việc chính phủ thắt chặt giám sát ngành công nghiệp tư nhân, các viên chức quản lý của chính quyền từ 7 cơ quan khác nhau bao gồm cơ quan quản lý không gian mạng, nhân viên an ninh công cộng và các viên chức quản lý từ Cơ quan giám sát thị trường của Nhà nước đã được cử ra để tiến hành đánh giá toàn diện về an ninh mạng đối với những hoạt động của Didi.  Lãnh đạo của Didi về mặt chính trị có quan hệ chặc chẽ với Đảng, nhưng theo cách nói của một nhà bình luận trong ngành, thậm chí họ phải “bước ra ngoài vùng an toàn của sự tăng trưởng dã man” và “trả nợ” tức phải tuân thủ những yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.  Rõ ràng, không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể tránh được việc thề trung thành với sự lãnh đạo của đảng mà ông Tập là “cốt lõi”.

Kết luận

Trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới, ông Tập và những người ủng hộ ông được cho là sẽ ban hành nhiều quy định nội bộ và công khai hơn khẳng định cốt lõi lãnh đạo phải tiếp tục nắm quyền miễn là sức khỏe của ông Tập còn cho phép.  Một ấn bản vào cuối năm 2020 của tạp chí lý luận Qiushi của đảng lưu ý rằng việc đánh giá cán bộ phải dựa trên “thành tích họ trên tuyến đầu của các cuộc đấu tranh lớn”.  Đây là một ám chỉ để hướng dẫn là trong thực tế, khi các tranh cãi về chính sách hoặc nhân sự xảy ra trong đảng, tất cả các cán bộ phải chăm chỉ tuân theo đường lối của đảng để phản ứng lại.  Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn cả về kinh tế và đối ngoại.  Quốc gia này đang phải vật lộn để duy trì tốc độ tăng trưởng tối thiểu 6% trong năm nay để trả nợ (nợ bị tăng lên vì các biện pháp kích thích chống đại dịch) và thúc đẩy thị trường việc làm vẫn đang cần sự phục hồi.  Về mặt ngoại giao, TQ phải đối mặt với một liên minh “chống Trung Quốc” ngày càng tăng do chính quyền Joe Biden tổ chức với sự hỗ trợ của các nhóm lớn bao gồm NATO, liên minh Ngũ Nhãn và Bộ Tứ, cũng như sự gia tăng quan hệ song phương giữa Mỹ và các nước láng giềng của TQ chẳng hạn như Ấn Độ và Nhật Bản mà duờng như được củng cố bởi những mối quan tâm chung về TQ.  Bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ của ông Tập đối với cơ quan tuyên truyền nội bộ và bộ máy nhà nước-công an trị, ông phải đối mặt với những thách thức mạnh mẽ để duy trì quyền lực gần như chuyên chế của mình trong khoảng mười năm tới.

23/7/2021

Willy Wo-Lap Lam – Lê Minh Nguyên dịch

https://bit.ly/3j4aGwi