Nỗi khổ xa xỉ của người Đức

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nỗi khổ xa xỉ của người Đức

29/09/2017

clip_image002
Bà Angela Merkel sẽ tiếp tục là Thủ tướng Đức, nhiệm kì thứ tư. Ảnh AP
Sau mười hai năm cầm quyền, bà Angela Merkel một lần nữa sẽ là Thủ tướng Đức, nhiệm kì thứ tư. Như xe hơi, máy giặt, giày thể thao, dao kéo, ốc vít Germany, Thủ tướng Đức cũng bền, dùng mãi không hỏng.

Kết quả đó đã được báo trước nhiều tháng, và như phần lớn mọi điều diễn ra ở đất nước này, ngày bầu cử hôm nay, Chủ nhật 24 tháng Chín, không hứa hẹn một bất ngờ nào quá lớn. Bất ngờ là thứ xếp hạng chót trong bảng nhu cầu của người Đức và mọi ưu điểm cũng như nhược điểm của họ dường như đều liên quan đến đặc tính đó. Họ không hứng lên làm cái gì cả, hứng cũng phải chuẩn bị. Tiền vệ Đức không bao giờ gây sửng sốt vì một cú sút trời giáng. Giá nhà thuê ở Đức không bao giờ vọt lên tùy thích. Khoai tây không bao giờ đột ngột biến khỏi thực đơn Đức hàng ngày. Cầu đường Đức không bao giờ tự nhiên sập. Cảnh sát Đức không bao giờ bỗng nhiên hư cấu chuyện mật vụ Việt Nam bắt cóc người Việt giữa Berlin. Đến thời tiết Đức cũng không bao giờ hửng nắng ngoài dự báo. Phác thảo một cuộc đời Đức điển hình thường là các đường ngang bằng sổ thẳng, không có những lối tắt ngỡ ngàng, những khúc quanh hồi hộp. Nhìn một người Đức là biết rõ gia thế, nghề nghiệp, học thức, thu nhập, sở thích, món khoái khẩu và lương hưu. Lenin có câu nói nổi tiếng: “Cách mạng ở Đức ư? Không đời nào. Người Đức trước khi tấn công một nhà ga còn phải xếp hàng mua vé”. Song không hẳn như vậy. Nếu bây giờ định làm cách mạng thì người Đức sẽ đặt lịch, mua sẵn vé trên mạng từ nhiều tháng trước và đến đúng giờ. Họ chấp nhận thay đổi, nhưng ngẫu hứng và mạo hiểm thay đổi thì không đời nào.
Ngày bầu cử trôi qua cũng bình lặng như toàn bộ đợt tranh cử. Suất diễn ồn ào nhất và duy nhất là cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình ba tuần trước giữa hai nhà lãnh đạo hai đảng lớn: bà Merkel, đương kim Thủ tướng, Chủ tịch Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và ông Schulz, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), người quyết tâm giành ghế Thủ tướng lần này. Song thay vì cãi cọ loạn xị, ăn miếng trả miếng như trong suất diễn dưới tầm thắt lưng của người Pháp hay gầm ghè nhe nanh vuốt trong suất diễn mày chết tao sống của người Mỹ thì hai đối thủ chính trị Đức trình bày cảnh thường tình của một cuộc hôn nhân lý trí, tế nhị tránh nói đến tình yêu, gật gù tôn trọng lẫn nhau, nhìn chung là đồng thuận trong đại cục, và có trái ý nhau trong những việc đổ rác rửa bát quét nhà thì cố gắng nhẹ giọng. Hai đảng đã nhiều lần liên minh cầm quyền và đang liên minh cầm quyền. Lỡ phải chung chăn gối bốn năm nữa, thậm chí ai nằm trên ai nằm dưới đều đã rõ, thì biết dọn đi đâu những mỹ từ quăng vào mặt nhau bây giờ. Giá trị giải trí của vụ tranh luận này nhìn chung ngang với việc theo dõi hai đài khí tượng thủy văn cùng khu vực. Cả hai cũng không có bê bối giường chiếu nào để đem đồ lót bẩn nhà người ra giặt giữa quảng trường. Vợ ông Schulz làm nghề kiến trúc cảnh quan, chồng bà Merkel là Giáo sư hóa lượng tử. Từ thời trang, tuổi tác đến những thứ khác, cả hai đều không có gì để phục vụ báo chí lá cải. Tôi thấy ông Giáo sư đáng yêu. Đến chỗ quần là áo lượt nhất nước Đức là Liên hoan Âm nhạc Bayreuth, ông nhăn nhó trong bộ đồ lớn đóng vội, khuy cài lệch.
clip_image004
Giáo sư Joachim Sauer (ngoài cùng, bên trái) tại Liên hoan Bayreuth 2017. Ảnh: DPA
Khi tôi trở lại châu Âu đầu những năm 90, giới trí thức cánh tả phương Tây đã bỏ xa thời vàng son sau lưng. Đọc lại những lời ông trùm cánh tả Jean-Paul Sartre viết về tiểu thuyết Tuyệt vọng của Nabokov, có cảm giác như tuyên giáo Hà Nội đã được một đại trí thức Pháp có tầm ảnh hưởng toàn thế giới hướng dẫn từ nửa thế kỷ trước về cách phê phán các nhà văn Việt Nam lưu vong mất gốc. Song lần đầu tiên đi bỏ phiếu mười hai năm trước, 2005, như theo một quán tính được mệnh danh bay bướm là “trái tim luôn đập ở bên trái”, tất nhiên tôi đã bầu cho Đảng Dân chủ Xã hội, phe tả. Kết quả là liên minh phe hữu CDU/CSU năm ấy thắng cử, tuy chỉ hơn vỏn vẹn 4 ghế Quốc hội trong một cuộc đua sát nút. Tôi đã không thể tin nổi là người phụ nữ của phe bảo thủ ấy sắp lãnh đạo nước Đức, với hai khóe miệng trễ xuống tận Nam cực, mái tóc không biết nên dính vào đâu cho đỡ mỏng, thân hình thô kệch trong những bộ quần áo chán ngắt, gương mặt không nói lên điều gì hết và diễn thuyết nhạt thếch bằng giọng hụt lưỡi. Tôi đã tự nhủ, tinh hoa chính trị mà thế thì nước Đức mạt vận.
Nhưng trong tất cả các đợt bầu cử tiếp theo, lần này cũng vậy, tôi đã bầu cho bà. Tóc bà không còn là thảm họa quốc gia. Thời trang “Full Merkel Jacket” của bà đã định hình một phong cách uncool bền vững tới mức thành cool. Trong ba nhiệm kỳ liên tục, bà đã nhấc đảng bảo thủ của mình sang dần phía trái, chiếm vị trí trung hòa giữa tả và hữu, thậm chí lấn sân của cả Đảng Dân chủ Xã hội lẫn Đảng Xanh. Giã từ cánh tả là câu chuyện dài của cá nhân tôi, nó chỉ ngẫu nhiên rơi vào thời điểm các tọa độ chính trị trong hệ thống đại nghị ở phương Tây bắt đầu xáo trộn và mất dần ý nghĩa cố hữu. Tôi sẽ là người đầu tiên tán thành mô hình chính trị tự do phi đảng phái. Nguyên thủ quốc gia thậm chí có thể và rất nên là một người máy. Người máy chỉ tốn vài đồng bạc điện, không ngốn hàng triệu dollar tiền tháp tùng phục dịch như nguyên thủ Mỹ. Người máy có lịch đi bảo trì kỹ thuật cố định, không tự nhiên biến mất như nguyên thủ Việt Nam.
Quyền lực chậm nhất sau hai nhiệm kỳ là bốc mùi. Mùi Hun Sen và mùi Putin, mùi Erdoğan và mùi Lý Hiển Long, mùi Teodoro Obiang Nguema Mbasogo và mùi Robert Mugabe…, toàn những mùi khó ngửi cho khứu giác của một nền dân chủ đủ chín chắn như ở Đức. Nên người Đức khổ sở vì biết rõ, một lần nữa lại Merkel, tổng cộng mười sáu năm, cả một thế hệ sinh ra và trưởng thành chỉ biết đến chính trị qua gương mặt của Mutti, “mẹ già dân tộc”. Nhưng dưới triều Merkel dài dằng dặc, nước Đức cứ bình lặng mà thực hiện Phép màu Germany. Đầu năm nay, hơn 90% người Đức cho biết rất hài lòng hoặc khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Trong sự buồn chán của ổn định trên đỉnh cao, hôm nay cử tri Đức đánh một tín hiệu của nhu cầu thay đổi: bà Merkel được phép ở lại, nhưng tất cả đã ngấy đến cổ cuộc hôn nhân bất đắc dĩ của hai đảng đang chung nhau cầm quyền. Cả hai đều mất nhiều phiếu hơn dự đoán. Lần đầu tiên sau 56 năm, một đảng cực hữu lại tiến vào Quốc hội Đức và lần đầu tiên nền đại nghị Đức sẽ phải thử bảng phối màu đen-vàng-xanh, liên minh khá trái cựa của CDU/CSU với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do. Không phải là một cuộc cách mạng và chưa ai cần mua sẵn vé để tấn công một nhà ga, song trong nỗi khổ xa xỉ của người Đức, những thay đổi đó mang lại chút kịch tính cho một ngày bầu cử bình yên. Hơi quá bình yên giữa một thế giới đầy xung đột.
24/9/2017
P.T.H.