Nỗi đau của nền tư pháp Việt
9-1-2018
Đầu năm 2018, cố chần chừ đợi chờ để đề cập đến điều vui mà không thể được. Ba vụ án quá lớn về tầm quan trọng và hậu quả như ba tiếng sấm động trời còn ngân dài không chỉ trong một tháng đầu năm.
Bắt đầu là vào ngày 3/1/2018 TAND Đắk Nông tuyên án tử hình người nông dân đứng lên cầm súng Đặng Văn Hiến chỉ sau hai ngày xét xử. Một làn sóng bất bình dâng lên trong công chúng khắp nước.
Chưa kịp lắng xuống thì ngày 8/1/2018, đồng loạt ở Hà Nội và TP HCM tiến hành cùng lúc xử hai vụ đại trọng án. TAND Hà Nội xử vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh cùng một loạt cán bộ cấp cao của PVN qua nhiều thời kỳ với sức tàn phá khủng khiếp. Không phải chỉ 1,2 tỷ đô la của dự án nhiệt điện Thái Bình 2, mà thực chất là hàng triệu tỷ đồng làm lụn bại ngành dầu khí Việt Nam.
Còn TAND TP HCM thì xử vụ án Trần Công Danh – Trầm Bê cùng với nhiều cán bộ chủ chốt của ngân hàng mà Trần Bắc Hà đang trên đường rơi vào ống ngắm. Sức tàn phá của đại án ngân hàng ở TP HCM là vô cùng thảm khốc. Không phải ở mức 6000 tỷ đồng cụ thể tại VNCB như đã nêu. Mà nguồn gốc trực tiếp của nó là sự tăng lãi suất điên rồ lên đến 20-25%/năm, trong suốt một thời gian dài, làm điêu đứng toàn bộ 90 triệu dân cả nước. Hàng trăm ngàn gia đình và doanh nghiệp mất nhà cửa đất đai thế chấp, rơi vào cảnh không tài sản. Hàng chục ngàn người rơi vào cảnh khốn cùng phải lừa đảo để trả nợ, đến phải sống chui lủi trốn tránh. Hàng ngàn người vướng vào vòng lao lý. Trong số đó có các lãnh đạo PVN như ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh… là những dẫn chứng đau đớn.
Bởi thế vụ đại trọng án Trịnh Công Danh – Trầm Bê phải dẫn đến vụ đại trọng án lớn hơn của toàn bộ ngành ngân hàng Việt Nam, mà người đứng đầu là các thống đốc ngân hàng nhà nước qua các thời kỳ từ năm 2000. Họ đã đẻ ra một chuỗi các ngân hàng què quặt. Họ đã đẻ ra các chính sách tiền tệ bệnh tật làm khuynh gia bại sản hàng triệu con người. Họ không thể chối bỏ trách nhiệm. Họ không thể thoát đại trọng tội.
ĐÂU LÀ VỤ ÁN CÓ OAN SAI NHẤT TRONG BA VỤ ÁN NÊU TRÊN?
Trong ba vụ án vừa nêu, diễn ra trong các ngày đầu năm 2018, đâu là vụ án có oan sai nhất?
Vụ án Đặng Văn Hiến có oan sai là rõ ràng. Còn các vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh và Phạm Công Danh – Trầm Bê mới chỉ bắt đầu mà chưa tuyên án thì làm sao mà nói có oan sai? Và làm sao biết là oan sai nhất. Câu hỏi trên tưởng như là chưa chính xác. Nhưng không. Câu trả lời nằm ở những điều sau.
Trong bài viết “Tội của ông Đinh La Thăng và phiên tòa 8-1-2018” đã đề cập đến sự chủ ý bỏ qua các tội hối lội và nhận hối lộ của nhiều bị can. Càng rõ ràng hơn, là sự chủ định chỉ xét xử trong phạm vi của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và vụ góp vốn 800 tỉ đồng vào Ocean Bank mà không phải là trong phạm vi toàn bộ hoạt động của PVN.
Nếu nói đến toàn bộ hoạt động của PVN thì các bị can là lãnh đạo PVN còn phạm nhiều trọng tội nữa trong sự thất thoát hàng triệu tỷ đồng. Ngoài tham nhũng còn là vô trách nhiệm. Không chỉ là 5 dự án đầu tư trong nước thất thoát lớn, mà còn là sự mất trắng hàng tỷ đô la ở nước ngoài khi không đủ năng lực lại bất chấp hiệu quả kinh tế, nhắm mắt quẳng tiền vào các dự án ở Venezuela, Kaxakhstan…
Ở mặt khác, như TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập là “không đánh một đòn cho đập đầu để không ngóc dậy mà để cho sửa để trưởng thành” và “đánh chuột nhưng không vỡ bình”. Từ đó thì thấy được sự chỉ đạo trước về bản án dành cho ông Đinh La Thăng và các bị can khác.
Từ hai mặt trên, rõ ràng ông Đinh La Thăng và các bị can khác trong vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh đã được chủ ý giảm tội. Đó là chưa nói đến tác động của các nhân tố khác. Trong số đó, thứ nhất là một số người có quyền lực không muốn mở rộng vụ án vì liên lụy đến họ. Và nhân tố thứ hai, là tác động của đồng tiền lên phán quyết của tòa án. Cho nên, tuy mới bắt đầu xét xử, nhưng đã dự báo trước được kết cục của vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh.
Cũng tương tự như vậy là vụ án Phạm Công Danh – Trầm Bê. Các bị cáo trọng vụ án này đều sẽ được giảm nhẹ hơn so với tội trạng đích thực của họ. Tất cả cũng do các nhân tố đã nêu cho trường hợp vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh.
Duy chỉ có trường hợp vụ án Đặng Văn Hiến là ngược lại. Đặng Văn Hiến chẳng những đã không được chỉ đạo giảm nhẹ án, lại cũng không được xử đúng án, mà còn bị chủ ý xử nặng hơn.
Bởi vậy Đặng Văn Hiến là người chịu oan sai nhất.
TẠI SAO ĐĂNG VĂN HIẾN BỊ CỐ TÌNH KHÉP TỘI TỪ HÌNH?
Oan sai của Đặng Văn Hiến không chỉ nằm ở thời hạn tù đày mà còn là án tử hình.
Về sự phi lý của bản án dành cho Đặng Văn Hiến đã được rất nhiều người đề cập đến. Ở đây không đi vào phân tích tình tiết của vụ án, mà sẽ đề cập trực tiếp đến lý do cội nguồn.
Về sự phi lý của bản án dành cho Đặng Văn Hiến đã được rất nhiều người đề cập đến. Ở đây không đi vào phân tích tình tiết của vụ án, mà sẽ đề cập trực tiếp đến lý do cội nguồn.
1. Lý do đầu tiên bắt Đặng Văn Hiến phải nhận án tử hình, là dám chống lại quyết định về đất đai của chính quyền địa phương.
2. Lý do thứ hai bắt Đặng Văn Hiến phải nhận án tử hình, là nỗi sợ hãi không tử hình thì sẽ tạo nên tiền lệ, dẫn đến bạo loạn chống đối quyết định về đất đai của các chính quyền địa phương khắp nơi.
3. Lý do thứ ba bắt Đặng Văn Hiến phải nhận án tử hình, là công ty Long Sơn dùng mọi phương tiện kể cả tiền bạc để gây tác động lên các nhân tố có quyết định bản án.
4. Lý do thứ tư bắt Đặng Văn Hiến phải nhận án tử hình, là án tử hình của Đặng Văn Hiến sẽ che lấp trách nhiệm của chính quyền địa phương và tội lỗi của công ty Long Sơn.
NGUYÊN NHÂN SÂU XA VÀ SỰ CỐ CHẤP MÙ QUÁNG CỦA MỘT BỘ PHẬN QUAN LẠI ĐỊA PHƯƠNG
NGUYÊN NHÂN SÂU XA VÀ SỰ CỐ CHẤP MÙ QUÁNG CỦA MỘT BỘ PHẬN QUAN LẠI ĐỊA PHƯƠNG
Khắp mọi nơi, từ vụ án Đoàn Văn Vươn, cho đến Đồng Tâm gần đây, và bây giờ là vụ án Đặng Văn Hiến, một bộ phận các quan lại địa phương đều lấy lý do tạo tiền lệ nổi dậy chống chính quyền, để trấn áp bằng mọi cách, kể cả án tử hình. Đó là sự cố chấp mù quáng.
Nguyên nhân sâu xa, là chính sách sở hữu toàn dân về đất đai. Chính sách này cho phép một nhóm người trong chính quyền trung ương và địa phương được quyền thu hồi đất đai của người này để cấp cho người khác. Đó là chính sách phi lý, ngược với cổ kim, ngược với Đông Tây.
Nguyên nhân trực tiếp, là sự yếu kém của chính quyền của địa phương, lại bị tác động của lợi ích nhóm, nên đã tiến hành cưỡng bức thu hồi đất với giá đền bù bất hợp lý. Gây nên những mâu thuẫn đất đai gay gắt khắp mọi nơi, dẫn đến đổ máu, cướp đi sinh mạng nhiều người.
Họ mù quáng tin vào bạo lực sẽ đàn áp được dân. Họ muốn uy quyền của họ là tối thượng. Họ luôn cố thắng dân. Và đó chính là tại họa cho đất nước.
BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT LÀ YÊU NƯỚC
Muốn yêu nước thì trước hết phải yêu nhà. Muốn bảo vệ được đất nước thì trước hết phải bảo vệ được mảnh đất nhà mình sống.
Những người như Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến là những người đứng lên cầm súng. Họ biết bảo vệ mảnh đất của mình. Khi họ bị dồn vào đường cùng, bị cướp đất đai, không còn lối thoát khác, họ lấy mạng sống để bảo vệ mảnh vườn nhà. Đó là những chiến binh đích thực. Đó là những người dám đứng cầm súng khi giặc ngoại xâm tràn đến. Đó là khí tiết của người Việt do tổ tiên để lại, đời nối đời kiên cường bảo vệ tổ quốc toàn vẹn trước bao cuộc xâm lược của kẻ thù nước ngoài.
Nếu Đặng Văn Hiến đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ vườn nhà, anh đã không ân hận và không phải kêu oan ức.
Nhưng tại sao nếu chết trong cuộc chiến bảo vệ đất thì anh chấp nhận mà án tử hình thì anh lại kêu oan?
Không phải một mình Đặng Văn Hiến, mà đồng bào của anh khắp mọi nơi đều thấy anh bị oan.
Anh bị oan vì cuộc chiến bảo vệ chủ quyền đất của anh là thiêng liêng và chính nghĩa.
Anh bị oan vì kẻ xâm lược đất của anh là công ty Long Sơn lại vô tội.
Anh bị oan là vì kẻ chủ tâm thu hồi đất một cách phi lý của anh là chính quyền địa phương lại cũng vô tội.
Anh bị oan là vì anh thấy sự bất công khi người ta tước đoạt đất đai của người này để đưa cho kẻ khác làm giàu.
Anh bị oan là vì anh thấy các vị quan tòa đang tâm để cho kẻ có tội nhởn nhơ mà giáng cái chết lên đầu người khác.
Điều anh thấy, là nhẫn tâm, là bất công, là không còn niềm tin công lý, chứ không phải là mạng sống của anh. Mạng sống của anh thì anh đã chấp nhận mất nó trước khi cầm súng.
Một nền tư pháp què quặt. Một nền tư pháp không độc lập. Một nền tư pháp chịu chỉ đạo của quyền lực. Một nền tư pháp bị chi phối của tiền bạc. Một nền tư pháp của các quan tòa với kiến thức yếu kém. Đó là kết quả án tử hình của Đặng Văn Hiến.
Không ai muốn cầm súng bắn lại đồng bào mình. Không ai cổ súy cho việc dùng bạo lực đàn áp đồng bào mình. Không ai cổ động cho bạo loạn.
Trường hợp của Đặng Văn Hiến là bước đường tối cùng. Không phải là bước đường cùng của anh Pha trong “Hỗn canh hỗn cư” của Nguyễn Công Hoan. Những người như Đặng Văn Hiến sẽ nổi lên khắp mọi nơi dẫu có bao nhiêu án tử hình đi nữa. Bảo vệ chủ quyền đất là máu của người Việt. Không thế lực nào có thể khuất phục được.
Hy vọng rằng tòa án phúc thẩm sẽ nhìn thấy nguyên nhân đích thực của vấn đề mà xóa án tử hình và cả án chung thân cho anh Đặng Văn Hiến. Ở một một nước có nền tư pháp công minh, họ sẽ tuyên Đặng Văn Hiến vô tội.
Để giải thích cho các em học sinh tiểu học về sự vô tội của Đặng Văn Hiến, thì chỉ cần hai câu đơn giản:
Không có công ty Long Sơn thì Đặng Văn Hiến không phải cầm súng.
Không có quân Thanh thì không có trận Đống Đa lịch sử.