Nói chuyện túc cầu: Kết quả bất ngờ với 2 giải Merdeka 1966 & U23 AFC 2018
I/ Tưởng chừng như cổ tích
Chuyện không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra.
Khởi đầu, Hội Tuyển Quốc Gia Việt Nam qua sự dìu dắt của Huấn Luyện Viên Weigang đã thắng Singapore 2-1. Rồi đè bẹp Nhật Bản với tỷ số 2-0. Sau đó hạ “sát ván” Đài Loan với kết quả 3-0 để vào cầm đầu bảng 1 đụng độ trong trận chung kết với Miến Điện. Cuối cùng một kỳ tích đã xảy ra khi Việt Nam đá thắng được Miến Điện 1:0 qua quả đá phá lưới của tiền đạo Nguyễn Văn Chiêu vào phút thứ 71 để đoạt cúp vàng Merdeka 1966 (xem Nguồn 1 phía dưới)
Vâng, câu chuyện tưởng chừng như cổ tích đã thực sự xảy ra trước đây 52 năm đã mang niềm vui tưng bừng bất tận cho giới hâm mộ túc cầu thời đó. Cả miền Nam VN lúc đó hãnh diện tưng bừng tiếp đón Hội Tuyển VN trở về với chiếc cúp vàng Merdeka. Đặc biệt là xảy ra 3 cuộc tình lãng mạn giửa “tài tử và giai nhân“. Sau đó tiến đến đám cưới của Thủ quân Tam Lang với “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, Trung vệ Phạm Văn Lắm sánh duyên với ca sỹ Mỹ Dung và Tiền đạo Nguyễn Văn Ngầu với một cựu nữ sinh Gia Long (xem Nguồn 2) .
Nhìn kỹ lại thì Việt Nam rất xứng đáng đoạt cúp vàng Merdeka vì có đấu pháp tấn công mạnh mẽ 4-2-4 liên tiếp đá phá lưới khiến đối phương đều phải e sợ. Việt Nam đứng đầu trên 9 quốc gia được lọt vào tham dự giải vô địch bán chính thức Á Châu, trong đó gồm có Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ, Miến Điện, Nam Hàn, Thái Lan, Hongkong và Mã Lai (xem Nguồn 1).
Thực là một thời rạng rỡ vinh quang cho nền túc cầu VN mà chưa bao giờ có được cho đến bây giờ.
Thủ quân Tam Lang và cúp vàng Merdeka 1966
Nửa thế kỷ sau (1966 – 2018) bây giờ lại xảy ra chuyện quá bất ngờ trong giải U23 Á Châu 2018. Đội Tuyển Việt Nam với Huấn Luyện Viên Park Hang Seo đá huề với Syria 0-0 và hạ Australia (Úc) 1-0 để đứng hạng nhì trong bảng D và lọt vào tứ kết đụng độ với Iraq. Trong trận “sống chết” này Việt Nam đã dẫn trước nhưng bị gỡ huề 1-1 lại để đá thêm 2 hiệp phụ và lại dẫn trước 3-2 nhưng đến 4 phút cuối bị gở lại 3-3. Vào đá luân lưu penalty, thủ môn Bùi Tiến Dũng xuất sắc đã bắt được 1 trái để Việt Nam thắng 5-3 và vào bán kết gặp Qatar. Trong trận này, Việt Nam bị phạt penalty không rõ ràng vào phút thứ 39, sau đó gở huề 1-1 vào phủt 69, rồi lại bị dẫn trước 1-2 và đến phút thứ 88 đá lọt luới gở huề 2-2. Cuối cùng đá thêm 2 hiệp phụ bất phân thắng bại nên phải vào đá luân lưu. Dịp này, thủ môn Bùi Tiến Dũng trổ tài bắt được 2 trái khiến Việt Nam thắng 4-3 để vào trận chung kết gặp Uzbekistan.
Trận chung kết diễn ra vào ngày thứ bẩy 27/01/2018 trong một tình trạng đặc biệt chưa hề xảy ra trong lịch sử túc cầu thế giới. Đặc biệt là vì chưa có bao giờ một trận chung kết được tổ chức trong hoàn cảnh thời tiết quá xấu. Sân đá ngập tuyết mà vẫn phải đá. Nếu bên Âu Mỹ thì trọng tài lập tức ngưng trận đấu vì sợ tại nạn cho các cầu thủ và không thể đá banh theo đúng nghĩa.
Đội tuyển U23 Việt Nam từ lúc sinh ra lớn lên có bao giờ được đi trên tuyết chớ đừng nói là chơi đá banh trên tuyết với nhiệt độ lạnh đóng băng. Vậy mà vẫn đá huề 1-1 để vào 2 hiệp phụ. Uổng quá đến phút chót 120 (xem Nguồn 3) cầu thủ Sidorov của Uzbekistan đã đội đầu lọt lưới thắng 2-1 để đoạt huy chương vàng.
“Mưu đồ” của Huấn Luyện Viên Park Hang Seo là muốn thủ huề để tái diễn đá luân lưu như trong 2 trận trước, cho nên vào phút thứ 80, ông đã có quyết định “chiến lược” đổi người cho tiền đạo Công Phượng ra ngoài và thay thế vào đó tiền vệ Bùi Tiến Dụng để thủ thành. Kế hoạch này suýt thành công, bởi vì đến đầu phút chót thứ 120, VN vẫn thủ huề được 1-1. Tiếc thay chỉ thiếu chưa đầy 1 phút thôi thì VN vào đá vòng luân lưu thì chắc chắn sẽ đoạt giải vì có thủ môn Bùi Tiến Dũng rất xuất sắc như trong hai trận trước đã chứng tỏ.
Huấn Luyện Viên Park Hang Seo và huy chương bạc U23 AFC 2018
II/ Ai thắng ?
Trong bất cứ giải thể thao nào cũng có kẻ thắng người bại. Như vậy cho giải U23 Á Châu 2018 cũng không thoát thông lệ đó .
1) Uzbekistan đã thắng lớn khi đoạt giải được huy chương vàng. Nhứt là quốc gia này dân số chỉ bằng một phần ba Việt Nam và chưa hề thắng một giải túc cầu quốc tế nào. Lần này đoạt giải tựa như bất ngờ được “trúng số độc đắc” vì trước đó không có một bình luận gia nào đoán ra nổi. Độc đáo là đã thắng vẽ vang Trung Cộng với 1-0 có dân số đông gấp 40 lần. Lẫy lừng hơn hết là đã hạ “đo ván” 2 cường quốc túc cầu Nhật Bản với tỷ số khủng khiếp 4-0 và Nam Hàn với 4-1. Chỉ nội thành tích rực rỡ đó cho thấy Uzbekistan rất xứng đáng thắng giải kỳ này.
Câu hỏi then chốt được đặt ra là tại sao Uzbekistan đột nhiên đá banh quá hay cách xa một trời một vực với trước.
Câu trả lời rất đơn giản: Nền chính trị xứ này bắt đầu “đổi mới”. Nhà độc tài già nua Islom Karimov cầm quyền 26 năm (1990 – 2016) cho đến chết và nay được thay thế bởi lớp người mới với Tổng thống Shavkat Mirziyoyev có nhiều dấu hiệu cải cách chính trị qua việc ” cởi trói” báo chí. Cũng nhờ đó nền túc cầu Uzbekistan được cải cách tận cùng để nhân tài như ông Ravshan Khaydarov được huấn luyện đội tuyển và thành công ngay qua sự kiện thắng giải kỳ này (xem Nguồn 4). Tương tự cũng đã xảy ra nhiều trường hợp mà điển hình nhứt Nam Hàn dẹp bỏ chế độ độc tài quân phiệt vào năm 1988 và nay đã trở thành cường quốc túc cầu trên thế giới.
2) Đội tuyển Việt Nam cũng ở trường hợp tương tự như vậy. Rất bất ngờ được vào chung kết vượt quá mọi sự tiên đoán và mong ước trước khi đi tham dự. Nhứt là lại được phép tham dự vào giờ chót trong vai trò “lót đường” mà thôi. Bên cạnh đó, Đội tuyển Việt Nam được dân chúng thương mến thực sự vì thấy thể sức nhỏ yếu mà phải đá 3 trận dài kèm 2 hiệp phụ hơn 120 phút. Tội nghiệp nhứt là đá trận chung kết tuyết đỗ đầy sân lạnh đóng băng mà từ xưa tới nay chưa hề thấy.
III/ Ai bại ?
Trung Cộng là kẻ thảm bại nhứt.
Lúc nào cũng huênh hoang sẽ vô dịch thế giới qua chương trình đầu tư vĩ đại vào lãnh vực túc cầu. Kỳ này dành được tổ chức giải, Trung Cộng tin chắc sẽ đoạt giải. Ai ngờ kết quả cho thấy sự yếu kém túc cầu của Trung Cộng. Qua đó đã thua Uzbekistan 0-1 và thua Qatar 1-2. Cuối cùng họ đứng hạng 3 trong bảng A để không được vào vòng tứ kết và phải chôn vùi tham vọng đoạt giải này.
Một sự kiện khác khiến cho cấp chỉ huy túc cầu Trung Cộng bị “mất mặt” là vận động được trọng tài Ma Ning của họ được vinh dự thổi trận chung kết. Nhưng không ngờ được giới hâm mộ túc cầu Việt Nam đã phản đối dữ dội đưa ra bằng chứng trong quá khứ đã bắt thiên vị bất lợi cho VN. Cuối cùng Tổng cuộc túc cầu Á Châu đành quyết định thay vào đó là trọng tài Ahmed Abu Bakar Said Al-Kaf của xứ Oman. Điều này cho thấy giới lãnh đạo túc cầu quốc tế không tin vào tinh thần ngay thẳng vô tư của nhân viên Trung Cộng.
IV/ Giải U23 AFC 2018 thực sự quan trọng?
1) Dĩ nhiên đối với Uzbekistan đã thắng giải này thì họ phải cho rằng có tầm quan trọng và dân chúng đã tưng bừng tiếp đón đoàn quân đoạt giải với huy chương vàng trở về. Tổng thống Shavkat Mirziyoyev đại diện cho người dân tặng mỗi cầu thủ U23 một chiếc xe Chevrolet (xem Nguồn 5).
Tuy nhiên dư luận bị vô tình hoặc cố ý bị lường gạt bởi hệ thống tuyên truyền cứ tưởng đây là giải túc cầu Á Châu quan trọng rất lớn. Nhưng sự thực giải này không gì quá quan trọng cả. Nếu để ý thì đã thấy khán giả vắng hoe trong trận tứ kết (Việt Nam vs Iraq) chỉ có 980 người xem vào trong trận bán kết (Việt Nam vs Qatar) chỉ có 630 người xem. Còn trận chung kết (Việt Nam vs Uzbekistan) chỉ có 6200 khán giả lẽ loi xem trong một sân banh to lớn chứa 38000 chổ ngồi (xem Nguồn 2). Điều này nói rõ tầm nhỏ bé của giải này (xem Nguồn 6).
2) Thực ra những giải về loại U (thí dụ U23 ở Á Châu hoặc U21 ở Âu Châu hoặc U20 Thế giới) không có gì đáng quan trọng đối với túc cầu, vì tập trung các “mầm non” chuẩn bị trước khi được lựa chọn vào đá trong Hội Tuyển Quốc Gia. Thí dụ đội U20 Anh Quốc đoạt giải U20 Thế Giới 2017 tại Nam Hàn, mà trong đó không có cầu thủ nào chính thức trong Hội Tuyển Quốc Gia Anh Quốc.
3) Chỉ có Á Châu mới có giải U23, còn các cường quốc túc cầu như Âu Châu thì không có loại “mầm non“ đó nữa. Cho nên trong các đội U23 của Nhựt, Nam Hàn và Úc không có các cầu thủ chính lấy từ Hội Tuyển Quốc Gia. Bởi vậy họ đá “kém hơn“. Trong khi đó Trung Cộng “ma giáo” thì xử dụng rất nhiều cầu thủ Hội Tuyển Quốc Gia cho đội U23.
4) Cho nên phải rõ “không ảo tưởng rằng chức á quân giải U23 châu Á của đội tuyển Việt Nam vừa rồi giúp chúng ta đạt tới trình độ hàng đầu của bóng đá châu lục. Còn rất nhiều điều phải hoàn thiện, để đội tuyển U23 nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung có thể vươn tới trình độ đó” (xem Nguồn 6). Ông bà mình đã dạy đừng nên “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng“. Chính cầu thủ Tam Lang trước đây – khi thắng giải Merdeka 1966 – đã nhận định “phải cần chuẩn bị ít nhứt 30 năm nữa VN mới đủ sức tham dự được giải túc cầu thế giới“.
V/ Kết luận
Theo bình luận gia đài BBC Anh Quốc thì HLV Park Hang Seo “đang viết nên một chương mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam” (xem Phụ Đính 1). Điều này rất có thể xảy ra vì càng ngày cho thấy yếu tố huấn luyện viên đóng vai trò then chốt cho sự thành công của một đội banh.
Nhìn lại quá khứ thì càng được chứng minh rõ hơn với sự xuất hiện của ông Weigang vào năm 1965 làm huấn luyện viên đã khiến Hội Tuyển Quốc Gia Việt Nam (VNCH) đạt được nhiều thành công rực rỡ và khiến cả Á Châu phải kiêng dè khi “đụng độ” (xem Phụ Đính 2).
1) Cả 2 ông này có một điểm chung rất quan trọng là dân xứ Đức và dân xứ Nam Hàn đều có dân tộc tính trọng kỷ luật & đúng giờ. Mà kỷ luật & đúng giờ chính là yếu tố then chốt để đội banh muốn thành công (xem Phụ Đính 2).
2) Nhưng lại có điểm khác biệt rất sâu sắc. Đó là cấp chỉ huy túc cầu ngày xưa được sống và hành động trong một chế độ cởi mở tự do hơn ở dưới thời VNCH. Cho nên họ cư xử rất tế nhị đắc nhân tâm & thành thực với huấn luyện viên. Còn cấp chỉ huy túc cầu bây giờ được trưởng thành trong xã hội cộng sản nên rõ ràng thiếu căn bản đó. Bằng chứng rõ rệt là HLV Weigang tình cảm rất khắn khít với cấp chỉ huy túc cầu và cầu thủ VNCH thời xưa (xem Phụ Đính 2). Chính vì tình nghĩa đó ông này đã quay lại giúp VN vào năm 1995 làm huấn luyện viên cho Đội Tuyển Việt Nam và liên tiếp thành công rực rỡ đoạt huy chương bạc SEA Games 1995 & huy chương đồng Tiger Cup 1996 (xem Phụ Đính 4). Cuối cùng, ông Weigang đành phải đau lòng chia tay Việt Nam vì thấy không còn được đối xử trong tình nghĩa qua những xung đột với giới chức chỉ huy túc cầu CSVN.
Nên nhớ rằng ông Weigang đã làm huấn luyện viên cho Hội Tuyển Quốc Gia vào năm 1965 thời VNCH hoàn toàn không nhận một đồng bạc tiền thù lao nào, bởi vì ấp ủ nổi đam mê túc cầu và một tấm lòng thương Việt Nam. Thiệt là một nhân vật khó kiếm ra trong cuộc đời nhiểu nhương đầy tham nhũng như bây giờ. “Mất” ông Weigang vào năm 1996 đã khiến nền túc cầu VN không còn phát triển đoạt giải gì quan trọng cho đến ngày nay.
3) Có lẽ đã thấy điểm khó khăn sinh tử đó, ông Park Hang Seo đã đòi hỏi nắm toàn quyền chỉ huy cả 3 đội banh quan trọng gồm: Đội tuyển quốc gia, Đội tuyển U23 và Đội tuyển Olympic.
Trong niềm hy vọng đó mong rằng ông Park Hang Seo sẽ thực sự thắng giải đoạt cúp vô địch túc cầu quốc tế nào đó (như ông Weigang đã làm !) về trong tương lai để mang niềm vui và hãnh diện cho dân tộc VN. Biết đâu tuổi trẻ VN nhờ đó biết đoàn kết & tự tin hơn và khiến cho đất nước Việt Nam sẽ chuyển mình.
Chuyện này đã xảy ra trong lịch sử Tây Đức khi bẩt ngờ đoạt giải vô địch thế giới 1954 và nhờ đó có niềm tin mãnh liệt sẽ thành công tái xây dựng lại đất nước thua trận từ “đống tro tàn“. Quả nhiên ngày nay nước Đức được tái thống nhứt (năm 1990) không tốn một giọt máu nào và trở thành quốc gia tự do dân chủ lãnh đạo Âu Châu với Nữ Thủ Tướng Merkel (rất đam mê túc cầu !)
Người Xứ Bưởi
28 Tháng 01, 2018