Nói chuyện kinh tế Trump
Câu chuyện đàn hặc TT Trump cũng chẳng khác gì câu chuyện tranh cử bên đảng DC, nhàm chán đến độ kẻ này vừa viết vừa ngủ gật.
Bây giờ, đành phải thay đổi đề tài để đầu óc tỉnh táo lại cũng như để có dịp thu hút sự chú ý của độc giả, chứ không thì các độc giả cũng bắt đầu ngủ gật và chẳng ai còn đọc diễn đàn này nữa. Tuần này, ta bàn chuyện kinh tế Trump chơi.
Bài này được viết một phần vì kẻ này tình cờ vừa đọc được một bài viết về kinh tế Trump của một cụ tỵ nạn cuồng chống Trump, dĩ nhiên chê bai kinh tế Trump trong khi bôi bác ông về nhiều chuyện khác.
Tựa đề bài viết “Trump, Nhà Kinh Tế Đại Tài?” khiến người ta tưởng đó là một tiểu luận nghiêm chỉnh bàn về chính sách kinh tế. Rất tiếc, chuyện kinh tế chiếm chưa tới một phần ba bài viết. Phần còn lại chẳng liên quan gì đến kinh bang tế thế hết, mà chỉ là bôi bác, sỉ nhục cá nhân ông Trump, tố ông ta là gian ác, trốn thuế, chuyên gia lường gạt, keo kiệt không chi tiền cho các việc phước thiện, vua nói láo,… Những công kích ‘đường mòn’ không một chút sáng tạo, nhai đi nhai lại, mà thiên hạ đã đọc gần như mỗi ngày từ ngày ông Trump chưa được bầu làm tổng thống. Bây giờ có lập lại những ‘tội’ này thì cũng bằng thừa. Chỉ những người có thành kiến ghét ông Trump sẵn mới đọc một cách say sưa vì được gãi đúng chỗ ngứa.
Hiển nhiên, tác giả không phải chuyên gia kinh tế, nói chuyện kinh tế hơi khó, dặn ra được một phần ba bài viết là hết sức, trong khi sỉ vả lăng nhăng dễ hơn nhiều.
Cấu trúc bài viết dưới đây giản dị: nêu nguyên văn vài điểm chê bai chính (chữ nghiêng) kèm với lời bàn của kẻ này. Cũng chỉ bàn đến các đề tài kinh tế, không rảnh bàn những ý kiến thù ghét, sỉ vả cá nhân vớ vẩn.
Phải nói ngay, đúng với nguyên tắc của DĐTC, kẻ này sẽ không bàn về cá nhân tác giả, không bao giờ xiá vào “đời tư” bất cứ ai, chỉ bàn về những luận cứ của bài viết với mục đích hiển nhiên là lý luận ‘trái chiều’ với những lập luận đó để bàn dân thiên hạ có một cái nhìn khác. Ai đúng ai sai, hiểu sao tùy mỗi người, không cần phải sỉ vả hay vái lạy nhau.
NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT: VAI TRÒ CỦA TỔNG THỐNG
Trong kinh tế cũng như trong chính trị, bao giờ cũng có khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ, rồi trong mỗi khuynh hướng còn có đủ loại ‘trường phái’. Họ đều có cách chẩn bệnh và chữa bệnh khác nhau, cho dù cùng một con bệnh và cùng một bệnh. Nhận định tài hay dốt dựa trên phe đảng chính trị kiểu cứ thích là tài, ghét là dốt là chuyện làm vớ vẩn của người không hiểu biết. Khác biệt chính kiến một cách lương thiện là chuyện bình thường, nhưng khi cố tình bóp méo dữ kiện để xuyên tạc thì đó là chuyện của người thiếu tư cách.
Trước khi bàn đến cái tài hay cái dốt của tổng thống, cần phải hiểu quyền hạn của tổng thống Mỹ trong vấn đề kinh tế và tài chánh rất giới hạn.
Nước Mỹ theo chế độ kinh tế thị trường thật sự, tất cả đều do luật cung cầu do cả triệu doanh gia và cả trăm triệu người mua và bán quyết định. Tổng thống và cả lập pháp, đều chỉ có thể điều hành kinh tế một cách gián tiếp qua các luật thuế, luật kinh doanh,… khuyến khích đường hướng này, cổ võ chính sách nọ.
Cần ghi nhận trong nội các Mỹ, không có bộ trưởng kinh tế, cũng không có bộ trưởng tài chánh. Người thường được gọi là bộ trưởng tài chánh thật ra chỉ là bộ trưởng ngân khố -Treasury Secretary, lo giữ tiền và in tiền, đóng vai trò cố vấn cho tổng thống lấy quyết định, chẳng hạn như giảm thuế. Mà ngay cả việc giảm thuế cũng phải là quyết định qua một luật do lưỡng đảng quốc hội thảo và phê chuẩn, chứ không phải tổng thống ban sắc lệnh là xong. Quyền lực tài chánh thật sự nằm trong tay Hội Đồng các chủ tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (12 vị) mà các thành viên đều do nhiều đời tổng thống bổ nhiệm rồi Thượng Viện phê chuẩn, nhưng với những quyền hạn hoàn toàn độc lập với tổng thống, nội các và quốc hội.
Bất cứ tổng thống nào cũng được bao quanh bởi cả dàn cố vấn và phụ tá thượng thặng với đủ thứ bằng cấp cùng với cả mấy chục năm kinh nghiệm thực tế, cả nội các, cả trăm dân biểu, nghị sĩ, chưa kể cả ngàn chuyên gia, doanh gia ngoài chính quyền góp ý hay áp lực. Ít ra cũng có tới nửa tá Hội Đồng Cố Vấn về mọi lãnh vực như kinh tế, tài chánh, lao động, kinh doanh, mậu dịch,… Thành ra một quyết định nếu có hậu quả không tốt thì không thể nói đó là vì tổng thống dốt, hay tất cả ê-kíp siêu chuyên gia của tổng thống là một đám dốt. Ngược lại, có hậu quả tốt cũng không phải do một tổng thống và ê-kíp là thiên tài. Dĩ nhiên tổng thống là người lấy quyết định cuối cùng, nhưng chỉ sau khi đã cân nhắc cả trăm ý kiến.
Ta cũng không thể quên tổng thống lấy quyết định, bất cứ về chuyện gì, kinh tế hay quốc phòng,… cũng đều phải cân nhắc mục tiêu và hậu quả chính trị.
Chẳng hạn như kinh tế trì trệ, thất nghiệp kéo dài lê thê dưới thời TT Obama không nhất thiết vì ông ta ‘dốt’ kinh tế, mà có thể đó là bài toán cố tình của TT Obama, khi ông coi phát triển kinh tế không phải là ưu tiên mà tái phân phối lợi tức cho công bằng mới là ưu tiên, giải quyết nạn thất nghiệp cũng có thể bất lợi cho ông vì bớt người lệ thuộc trợ cấp, mất đi một số cử tri cho đảng DC và cho chính ông. Hay TT Trump có làm khó Tây Âu cũng không phải vì ‘phản bạn’ mà vì tính toán cho quyền lợi Mỹ mà ông có trách nhiệm bảo vệ. Tổng thống được bầu để bảo vệ quyền lợi của nước mình, không phải để làm vui lòng các nước khác dù là đồng minh.
Yếu tố may rủi cũng quan trọng không kém. Nhiều người ca tụng TT Clinton ‘giỏi’ về kinh tế vì ông đã đẻ ra thặng dư ngân sách, là điều ít tổng thống làm được.
Ngân sách của TT Clinton thặng dư nhờ 3 yếu tố mà cả 3 đều ngoài tầm tay của ông ta: 1) TT Bush cha tăng thuế, 2) kỹ nghệ điện toán bộc phát, đóng thuế khẩm, và 3) CH chiếm đa số tại Hạ Viện năm 1994, chặn hết chi tiêu của TT Clinton.
Trong khi tiền thuế thu vào tăng mạnh thì chi tiêu lại bị Hạ Viện CH khoá tay, dĩ nhiên ngân sách của Clinton thặng dư. Nhưng cả 3 nguyên nhân vừa nêu chẳng đến từ bất cứ quyết định nào của TT Clinton, nên không thể nói ông này ‘giỏi’ về kinh tế. Chỉ là chuyện may mắn. Hay chính xác hơn nữa, phải nói là công của CH khi TT Bush cha tăng thuế và Hạ Viện CH chặn chi tiêu.
Kinh tế Mỹ cũng bị nhiều yếu tố phi kinh tế hay ngoài nước Mỹ chi phối, như chiến tranh, mậu dịch quốc tế, ảnh hưởng của truyền thông, chính trị thế giới,… Ví dụ mới nhất là thương lượng mậu dịch Mỹ-Trung Cộng sẽ gặp khó khăn khi TT Trump ký luật ủng hộ dân quyền Hồng Kông.
Nhưng tổng thống không phải ông phỗng đá ngồi nhìn diễn biến thời sự. Vai trò của ông đúng là vai trò ‘lãnh đạo’, đứng trên đỉnh núi chỉ hướng đi, để rồi các phụ tá, cố vấn, nội các tìm cách đi về hướng đó, khi đúng đường, khi trật đường, phải điều chỉnh, không ai hoàn hảo.
TT Obama có khuynh hướng thiên tả, chú trọng vào ‘công bằng’, tái phân phối lợi tức, củng cố quyền lực của Nhà Nước kiểm soát kinh tế, trong khi TT Trump chủ trương thả lỏng kinh tế thị trường, cắt giảm luật lệ, giảm thuế để người dân có nhiều tiền hơn, tự quyết định cuộc sống của mình và gia đình.
Phụ tá nào cùng chia sẻ hướng đi hay có khả năng làm được việc thì giữ, ai khác ý hay thiếu tài thì chia tay, chuyện bình thường của văn hóa thực tiễn của Mỹ, không bao giờ lẫn lộn chuyện công và tình cảm cá nhân. Nhìn TT Trump xử dụng người, phải hiểu đó là mô thức của một tổng giám đốc kinh doanh, business CEO nhìn vào thành quả, chứ không phải một chính trị gia chỉ lo vuốt, tính toán hậu quả chính trị.
TT Trump đắc cử vì nhiều người thấy chính sách của TT Obama đã không đáp ứng được nhu cầu của họ, đặc biệt là cả triệu dân lao động mất job đã hy vọng ông Trump sẽ mang lại job cho họ nên bầu cho ông ta. Ông ta không phải “được nâng lên vị trí đó bởi những kẻ ngu xuẩn” như một cụ tỵ nạn cuồng chống Trump đã khẳng định một cách hết sức phe đảng và ngớ ngẩn, theo kiểu chỉ có ta là thông minh, ai nghĩ khác là ngu hết.
Những người trong suốt cuộc đời chưa bao giờ biết chính trị là gì, kể cả chính trị cấp huyện, cấp làng, mà chê cả mấy chục triệu dân Mỹ là “ngu xuẩn’ chỉ là cóc ngồi đáy giếng bình loạn. Lý luận kiểu đó thì cứ nói chuyện với đầu gối để tự sướng chứ viết lên báo chỉ tổ làm người ta cười.
XX
Bây giờ ta bàn vào cụ thể, vào vài điểm công kích của bài viết vừa nêu.
THÂM THỦNG NGÂN SÁCH
Tác giả bài chỉ trích kinh tế Trump đã viết “Trong năm đầu làm Tổng Thống, tiền ngân sách thiếu hụt của Trump – $666 triệu dollars – đã vượt hẳn qua năm cuối cùng Obama tại chức”.
TT Trump tuyên thệ nhậm chức cuối tháng Giêng 2018. Năm đầu của TT Trump mà tác giả dẫn chứng theo người đọc hiểu là từ Tháng Hai 2018 tới cuối Tháng Giêng 2019. Nhưng năm tài chánh của Mỹ kéo dài từ đầu tháng 10 tới cuối tháng 9 năm sau. Nghĩa là ngân sách cuối cùng của TT Obama kéo dài từ đầu tháng 10/2017 khi ông còn làm tổng thống tới cuối tháng 9/2018. Có nghĩa là từ khi nhậm chức cho đến cuối tháng 9/2018, tức là trong 8 tháng đầu, TT Trump xài tiền trong ngân sách Obama vì ông chưa có ngân sách. Sau đó, nước Mỹ bị bế tắc ngân sách, hai chính đảng cãi nhau đưa đến đóng cửa Nhà Nước tháng 12/2018. Tức là trong khoảng thời gian từ tháng 10/2018 đến đầu năm 2019, TT Trump vẫn không được chuẩn chi ngân sách mới, vẫn phải xài tiền từ ngân sách Obama. Nghĩa là nguyên ‘năm đầu’ của Trump nằm trong ngân sách Obama.
Tố TT Trump là thủ phạm thâm thủng ngân sách trong năm đầu tiên chứng tỏ người viết không hiểu gì về tài chánh công -public finance- của Mỹ.
Khi tác giả bài viết công kích việc năm đầu của TT Trump, ngân sách vẫn thâm thủng, người ta có cảm tưởng ông tác giả nghĩ kinh tế Mỹ là cái xuồng một người chèo trong một con lạch nhỏ tại Hậu Giang, tân tổng thống lên nắm quyền, ngày hôm sau là có chính sách mới hết rồi. Mà không hiểu kinh tế Mỹ là cái hàng không mẫu hạm khổng lồ mà muốn rẽ phải, rẽ trái, hay quay đầu lại, là chuyện cần rất nhiều không gian và thời gian, một hai năm đầu chẳng làm được bao nhiêu nhất là khi ông thuyền trưởng không hoàn toàn một mình nắm tay lái tàu.
Trong vấn đề này, có cụ tỵ nạn cuồng chống Trump phóng đại thâm thủng ngân sách của TT Trump đã lên tới “3.429 tỷ” (3.4 trillion). Theo báo phe ta New York Times, thâm thủng ngân sách cho tài khóa 2020 –sang năm- mới lên tới mức 1.000 tỷ, làrm sao bây giờ đã thâm thủng tới hơn 3.400 tỷ được?
Trong 8 năm Obama, thâm thủng ngân sách đã lên tới tổng cộng 7.300 tỷ, với trung bình của 3 năm đầu là 1.400 tỷ mỗi năm. Bây giờ chưa tới 1.000 tỷ đã lo phóng đại lên hơn 3.400 tỷ để có dịp chửi.
THÂM THỦNG MẬU DỊCH
“Xuất cảng dưới thời Trump vẫn thua nhập cảng: Năm 2017, nhập cảng nhiều hơn xuất cảng $566 tỷ dollars. Năm 2018, nhập cảng nhiều hơn xuất cảng $891 tỷ dollars. 7 tháng đầu của năm 2019, nhập cảng nhiều hơn xuất cảng $374 tỷ dollars, nhiều hơn 7 tháng đầu của năm 2018 là $346 tỷ dollars”.
Câu hỏi cho mọi người: tại sao sau khi ông Trump nhậm chức, cán cân mậu dịch phải hết thâm thủng ngay? Tân TT Trump không phải là người ra sắc lệnh phải nhập cảng hay xuất cảng bao nhiêu đúng theo kế hoạch như CS. Ông chỉ có thể ra những chính sách để thay đổi cách tính toán của các doanh gia trong ngành xuất nhập cảng, chẳng hạn như tăng thuế quan hàng nhập để giới hạn lại nhập cảng. Đó là việc ông đã làm. Nhưng thay đổi quan trọng liên quan đến 500 tỷ đô thâm thủng không phải là chuyện ra chợ mua bó rau về ăn phở. Ai theo dõi thời sự cũng đã biết TT Trump đang gắt gao điều đình với hai ông hàng xóm, các đồng minh Âu Châu, cả Nhật và Nam Hàn, và nhất là Trung Cộng để sửa lại cán cân mậu dịch. Và ai cũng biết những khó khăn chồng chất vì đụng chạm đến quyền lợi bạc trăm tỷ của các nước dính dáng. Chưa kể sự chống đối hay bất hợp tác của phe DC trong quốc hội, như thỏa ước mới về mậu dịch giữa Mỹ, Mễ, và Canada vẫn bị phe DC ngâm tôm từ mấy tháng nay, không chịu phê chuẩn.
Năm 2018, chưa có tăng thuế quan trên bất cứ hàng nhập từ xứ nào, trong khi tất cả mọi giao dịch quốc tế vẩn bị chi phối bởi chính sách cũ từ thời Obama.
Tiến trình gia tăng thâm thủng mậu dịch đã bắt đầu từ lâu trước thời Trump, TT Obama chống mắt nhìn. Ít ra thì TT Trump đã có cố gắng sửa đổi tuy chưa thực hiện được gì. Như vậy làm sao cán cân mậu dịch có thể chuyển hướng ngay trong năm 2018 hay 2019 được? Đổ thừa tại Trump làm thâm thủng mậu dịch tiếp tục tăng năm 2018 nghe như cố bóp méo để chỉ trích.
Cũng phải nói thêm, qua năm 2019, quả là thâm thủng mậu dịch tăng vì cuộc chiến thuế quan do TT Trump khởi xướng để cắt giảm thâm thủng về lâu về dài, bảo vệ kinh tế Mỹ. Các doanh gia nghe phong phanh tăng thuế quan vội đi đặt mua hàng nhập tích trữ sớm, đưa đến gia tăng hàng nhập trong thời gian từ giữa năm 2018. Một hậu quả ngắn hạn của cuộc chiến mậu dịch, của chính sách mới của TT Trump.
GIA TĂNG CÔNG NỢ
“Không tiền vào mà Trump lại gia tăng chi tiêu cho các quỹ khác như Bộ Quốc Phòng, muốn xây tường biên giới với Mexico… Vì thế nợ công dưới thời Trump càng gia tăng trầm trọng”.
Gia tăng chi phí quốc phòng thì có, mà tất cả mọi người kể cả phe DC đều đồng ý trước hiểm họa bành trướng của Trung Cộng và mưu đồ phục hồi đế chế Liên Xô của Putin. Nhưng mới có ‘muốn xây tường’ (mà quốc hội cản nên chưa xài được đồng nào) mà chi tiêu và công nợ đã gia tăng thì quả là lý luận kiểu cưỡng hiếp sự thật.
Thật ra, ngân sách thâm thủng cũng như công nợ đã tăng vọt từ thời Bush con vì cuộc chiến chống khủng bố và hai cuộc chiến Afghanistan-Iraq, qua đến thời Obama thì tiếp tục tăng vì khủng hoảng kinh tế và chính sách vung tiền trợ cấp qua cửa sổ. Phải nói thẳng, chính quyền Obama đã lợi dụng khủng hoảng để cố thay đổi xã hội, tìm cách tái phân phối lợi tức, đúng như chánh văn phòng Rahm Emanuel đã nói “Không thể bỏ qua cơ hội của một khủng hoảng”. Thời Trump, cũng chẳng cản được mức tăng vì nhu cầu tiêu xài phần lớn cho trợ cấp mà Trump không thể cắt ngang được.
So sánh với các tổng thống tiền nhiệm, ta sẽ thấy trong cùng thời gian 3 năm đầu, TT Clinton vay thêm 800 tỷ (+19%), TT Bush con 1.100 tỷ (+20%), TT Obama 4.300 tỷ (+41%), và TT Trump 3.100 tỷ (+15%). [Nguồn: Yahoo Finance: https://news.yahoo.com/national-debt-just-barrelled-past-174151571.html]
Chỉ nhìn vào tỷ lệ thì biết ai tăng nhiều nhất, ai tăng ít nhất. Các cụ trước khi sỉ vả Trump về chuyện công nợ, xin nhìn biểu đồ cho kỹ.
GIA TÀI CỦA TT OBAMA
“Trump hưởng kinh tế sung túc từ Obama, đã không có khả năng tạo ra công quỹ dư thặng mà còn gia tăng nợ công gần kỷ lục thì là Tổng Thống quá tệ lậu”.
Obama tăng 41% nợ được gọi là tạo “kinh tế sung túc”; Trump tăng 15% khi chưa kịp thay đổi gì thì bị gọi là “tệ lậu”. Nghe có phe đảng không?
Nói “Trump hưởng kinh tế sung túc từ Obama” là bài ca ‘con cá vàng’ ngớ ngẩn nhất.
Bỏ qua việc thị trường chứng khoán bốc lên mây, một cách nhìn chính xác hơn để thấy khác biệt giữa kinh tế Obama và kinh tế Trump: lãi suất trên tiền Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (NHDTLB) cho các ngân hàng vay, mà Mỹ gọi là Federal Funds rate hay viết ngắn gọn là Fed Funds rate. Lãi suất liên bang là chuyện một tá thống đốc NHDTLB quyết định dựa trên cả vạn dữ kiện thống kê họ nghiên cứu, để kiểm soát kinh tế một cách gián tiếp. Dưới đây là biểu đồ lãi suất tiền Nhà Nước cho vay do NHDTLB ấn định:
Nhìn vào biểu đồ thì thấy ngay trong suốt 8 năm thời Obama (2009-2016), kinh tế ‘sung túc’ đến độ lãi suất gần mức zero để cố gắng kích động kinh tế nhưng không đi đến đâu. Rồi qua thời Trump, kinh tế bộc phát từ năm 2017, ngay từ một ngày sau khi ông đắc cử, thị trường chứng khoán đã vọt lên ngay dựa trên hy vọng vào chính sách phát triển kinh tế của ông. Rồi sau đó, kinh tế phát triển mạnh thật, đến độ NHDTLB phải tăng lãi suất để kìm hãm lại vì họ sợ kinh tế bốc quá nhanh sẽ gây lạm phát, giá cả gia tăng.
Nếu có một ly công tâm hay một ly hiểu biết về kinh tế nhập môn, hay biết nhìn biểu đồ, khó ai có thể nói kinh tế Trump là tiếp nối của kinh tế Obama.
Gia tài của TT Obama để lại thật ra có vài mâm cỗ lớn mà những người chống Trump không nhìn thấy, hay không muốn nhìn thấy, hay nhìn thấy mà không dám nói tới:
– Đó là cái công nợ 10.000 tỷ mà nếu chỉ tính tiền lãi không thôi cũng đã là gánh nặng hơn 200 tỷ một năm rồi, tính theo lãi suất trung bình 2,2% của công khố phiếu Mỹ trong những năm qua (nếu tính luôn tính tiền lãi trên số 10.000 tỷ nợ đã có từ trước thời Obama thì tiền lãi không đã xấp xỉ 400 tỷ một năm rồi). Ta cũng đừng quên dưới thời TT Obama, năm 2014, điểm tín dụng –credit rating- của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử đã bị hạ, với hậu quả là lãi suất Mỹ đi vay ngoài nước đã phải tăng, thêm một gánh nặng tài chánh lâu dài.
– Đó là những kỷ lục về trợ cấp đủ loại như trợ cấp thất nghiệp, lợi tức thấp, đông con, phiếu thực phẩm,… Từ kỷ lục số người lãnh đến kỷ lục về số chi của Nhà Nước, tất cả đã là gánh nặng bạc trăm tỷ trên chi tiêu trong ngân sách Nhà Nước mà TT Trump khó có thể cắt ngang nếu không muốn bị phe DC, TTDC và dân ăn trợ cấp tru di cửu tộc.
– Đó là cả núi luật lệ, thủ tục kinh doanh rườm rà nhất lịch sử, đưa đến một hệ thống công chức cồng kềnh, vĩ đại (một phần vì đó là cách TT Obama giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp), vừa làm tê liệt kinh tế và gây khó khăn vô tận cho giới kinh doanh, nhất là giới tiểu thương, vừa hao tốn ngân sách.
– Đó là Obamacare với gánh nặng tài chánh đè đầu đám dân trung lưu và nhất là giới kinh doanh tiểu và trung thương. Đưa đến tình trạng Obamacare bị giới trung lưu chống toàn diện trên cả nước ngay từ đầu khi Obamacare chỉ có thể được thông qua bằng cửa sau, qua một kẽ hở của thủ tục biểu quyết trong Thượng Viện mắc dù đảng DC nắm quyền tuyệt đối tại cả hai viện quốc hội.
XXX
Bất kể nhìn dưới khiá cạnh nào, kinh tế đã là điểm thành công lớn của TT Trump.
Cứ nhìn vào cả loạt tranh luận giữa các ứng cử viên DC thì thấy. Họ tranh cãi và công kích TT Trump đủ chuyện, nhưng tuyệt nhiên từ cả năm nay, chưa hề hé môi bàn về kinh tế. Trong các tranh luận công khai trên TV, TTDC đồng lõa cũng im re không dám đặt câu hỏi nào về kinh tế, về công ăn việc làm, về công nợ, về ngân sách, về thị trường chứng khoán,…
Họ cũng hiểu phải lái dư luận ra khỏi chuyện kinh tế, không cho TT Trump đấm ngực khoe công.
Bởi vậy mới hùng hục lo đàn hặc.
Vũ Linh