Nỗi bẽ bàng bị động của người hùng Putin
Cách đây 2 tháng, khi ông Putin quyết định lao vào cuộc chiến ở Syria với những cuộc không kích mạnh mẽ, nhiều nhà bình luận khen ông đã có một quyết định cao mưu, chủ động làm thay đổi cán cân lực lượng ở Trung Đông, cho thấy Nga đang trở lại trên lĩnh vực ngoại giao cũng như quân sự trong tư thế một cường quốc đáng nể. Nhiều người ca tụng nước cờ cao tay của người hùng Putin đã làm quên đi cơn khủng hoảng ở Ukraine và việc xâm chiếm bán đảo Crimea – hai sự kiện đã làm cho Nga bị thế giới trừng phạt.
Trên báo Pháp Le Monde hồi đó (ngày 26/8/2015) đã có lời bình rằng Hoa Kỳ và phương Tây bị thua một ván cờ, bị động lúng túng đối phó khi nước cờ cao của Putin đã làm thay đổi cục diện, xáo trộn các lá bài trên mặt trận Syria. Lực lượng quân sự Nga được phô trương tại hải cảng quân sự Latakia nước sâu và căn cứ quân sự Hmeymim gần đó, với lực lượng không quân và hải quân hiện đại, như nhiều phi đoàn Su-24, tên lửa phòng không và tuần dương hạm Moskva. Nước Nga đã trở lại Trung Đông với thế mạnh của một cường quốc.
Thế của Tổng thống Syria al- Assad đang thua to, bỗng nhiên được Putin ứng cứu bằng hàng trăm cuộc oanh kích và hàng trăm tên lửa phóng đi từ biển Caspian tập trung đánh vào các lực lượng nổi dậy chống al-Assad, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nhắm vào các mục tiêu của IS (Nhà nước Hồi giáo) đang bị liên minh các nước phương Tây cùng các nước Ả-rập tấn công.
Nhược điểm của ông Putin là đã đến quá muộn, khi al-Assad – bạn đồng minh hiếm hoi – đã bị mất nhiều vùng đất rộng lớn, bị mất hết uy thế do gây nên nhiều vụ tàn sát dân thường. Ông Putin cũng đã chậm chân vì IS đã chiếm được một vùng lãnh thổ rất rộng – 1/3 diện tích Syria và 1/4 diện tích Iraq – thực hiện chính sách giết người man rợ, chuyên chặt đầu tù binh và con tin, trở thành kẻ thù chính của toàn thế giới.
Nước cờ đã tưởng là cao tay của ông Putin hóa ra là nước cờ quá thấp, trái khoáy. Cho đến khi máy bay hàng không dân dụng của Nga bị IS đặt bom làm chết hơn 200 thường dân Nga, ông Putin mới tỉnh ra đôi chút, buộc phải coi IS thực sự là kẻ thù của mình để tập trung các cuộc không kích vào nhóm cuồng chiến man rợ này, nhưng ông Putin không chịu buông bỏ al-Assad, vẫn chơi trò 2 mang, tỏ ra thiếu viễn kiến, thiếu sự bén nhạy của một sỹ quan tình báo lão luyện. Ông còn tiếp đón al-Assad tại Moscow một cách rất thân tình. Sau khi chuyển sang tập trung đánh vào IS, ông Putin vẫn còn tiếc rẻ, tiếp tục đi theo lối mòn cũ, giả dối cam kết với Hoa Kỳ và Liên Âu sẽ tập trung không kích mạnh hơn các cơ sở của IS, nhưng vẫn dành một tỷ lệ cao các cuộc oanh kích đánh phá các nhóm nổi dậy chống al-Assad, trong đó có các nhóm người gốc Thổ ở phía Tây Bắc Syria, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Và tai nạn không bất ngờ đã xảy ra. Theo loan báo của Thổ Nhĩ Kỳ, một máy bay Sukhoi Su-24 của Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và đã bị máy bay F-16 của Thổ bắn hạ. Ông Putin lên án Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng chiếc Su-24 không hề vi phạm không phận Thổ, và tố cáo Thổ cố tình «đâm sau lưng» Nga. Ông Putin rất cay khi Tổng thống Barack Obama khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có quyền chính đáng bảo vệ không phận quốc gia, đồng thời kêu gọi 2 bên tránh leo thang đối đầu. Liên Âu cũng có lập trường tương tự. Mối liên lạc quân sự Nga – Thổ Nhĩ Kỳ bị cắt đứt, nhưng 2 bên đều thấy không thể căng thẳng thêm.
Ông Putin thêm bẽ bàng vì 1 trong 2 phi công từ chiếc Su-24 nhảy dù ra bị thiệt mạng. Hai trực thăng Mi-8 của Nga đến cấp cứu thì một bị bắn rơi, 1 người lái trúng đạn, gây ra một tổn thất kép cho phía Nga trong vụ này. Phía nổi dậy người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nói thẳng ra rằng nếu như ông Putin giữ lời hứa tập trung không kích IS là kẻ thù chung, từ bỏ chủ trương đánh phá các nhóm người Syria và người Thổ Nhĩ Kỳ, xem họ là đồng minh cùng chống al- Assad, thì đã không thể xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy.
Họ đã nói trúng tim đen của người hùng Putin, vì ông vẫn còn giữ ảo vọng duy trì al-Assad bằng mọi giá, vì là bạn hiếm, cánh hẩu mua nhiều vũ khí Nga và còn để Nga sử dụng lâu dài những căn cứ hải quân nước sâu và căn cứ quân sự ở Latakia – là những căn cứ quý hiếm ở Trung Đông. Chính do những tính toán như trên mà ông Putin ở trong tình trạng bất an, và hay bị bất ngờ.
Sau các cuộc khủng bố lớn của nhóm IS ở Paris ngày 13/11, chúng còn dọa sẽ gây sự ngay ở Nga và ở các nước Hồi giáo láng giềng của Nga ; đã có vài trăm người ở các nuớc này sang Syria để được nhồi sọ tôn giáo và huấn luyện khủng bố, ông Putin buộc phải tỏ quyết tâm tham gia mạnh mẽ hành động nhằm tiêu diệt IS – kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại. Ông khẳng định lập trường này trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Moscow ngày 26/11 vừa qua, tuyên bố Nga sẽ đẩy mạnh các cuộc không kích, nhận sự phân công chung là không quân và tên lửa Nga sẽ đánh mạnh hơn vào các mỏ dầu và nhất là các đoàn xe quân sự, xe bồn to chở dầu của bọn IS, giáng mạnh vào nền kinh tế tài chính của chúng, đồng thời thỏa thuận sẽ cùng nhau trao đổi thông tin quân sự và tình báo rộng rãi, kịp thời giữa các nước tham gia trận chiến diệt IS.
Đó là con đường duy nhất để khôi phục uy tín của nước Nga, hòa nhập với thế giới hiện đại. Thực tế đã mở mắt thêm cho người hùng Putin về tình hình thực tiễn ở Trung Đông.
Tìm cách khôi phục tư thế cường quốc hàng đầu bằng những tính toán riêng tư thiển cận theo chủ nghĩa Đại Nga chỉ là lặp lại những ảo tưởng lạc lõng của các Nga hoàng xa xưa và của các hoàng đế CS Stalin và Lenin trước đây.
Lời hứa trên đây của ông Putin còn phải được chứng minh ngay trong hành động trong những ngày sắp tới ở Trung Đông.
Bùi Tín