Niềm Tự Hào của Bắc Ninh – Đoàn Thanh Liêm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Niềm Tự Hào của Bắc Ninh – Đoàn Thanh Liêm

Tôi là người quê gốc ở Nam Định thuộc vùng đồng bằng sông Hồng mà ngày trước lại có tên là Trấn Sơn Nam, nhưng lại có duyên gặp gỡ quen biết với nhiều bạn hữu xuất thân từ vùng đất xưa kia vẫn được gọi là Trấn Kinh Bắc. Và đặc biệt trong mấy năm gần đây, tôi lại có dịp tham dự buổi Hội Ngộ Đầu Xuân do Hội Ái Hữu Bắc Ninh tại Nam California tổ chức hàng năm. Và còn tham gia viết bài cho Đặc San Xuân Bắc Ninh mỗi năm nữa.

Năm Ất Mùi 2015, tôi xin viết về một vài nhân vật xuất thân từ đất Bắc Ninh mà được nhiều người mến chuộng và thật xứng đáng với cái danh hiệu là “niềm tự hào của Bắc Ninh” vậy.

1 – Trước hết là Cụ Nguyễn Trọng Tấn vị ân nhân đáng kính của người dân trong Phủ Kiến Xương, Tỉnh Thái Bình.

Cụ Nguyễn Trọng Tấn là thân phụ của các anh Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Phách, Nguyễn Ngọc Bích là những người rất nổi tiếng tại Việt nam trước năm 1975 cũng như tại hải ngọai hiên nay. Vào thập niên 1930, Cụ Tấn làm quan tri phủ tại Phủ Kiến Xương thuộc Tỉnh Thái Bình.

Trong thời gian làm việc tại địa phương này, Cụ đặc biệt ra tay cứu giúp toàn thể số dân trong một làng bằng cách vận động cho họ chuộc lại các thửa đất ruộng đã bị bán hết vào tay người dân ở một làng khác – đến nỗi người dân ở đó không còn đất để cày cấy trong những vụ trồng lúa nữa. Vì thế mà người dân chỉ còn cách đi làm thuê, làm mướn cho các làng lân cận. Với uy thế của một vị quan đứng đầu tại địa phương, Cụ Tấn một mặt làm áp lực để bắt buộc những người chủ đất mới phải cho chủ đất cũ chuộc lại đất đai mà trước đây do nợ nần túng thiếu họ đã phải bán đi, mặt khác Cụ lại xin với cấp trên cho dân làng này được miễn khỏi phải nộp thuế nông nghiệp trong mấy năm. Nhờ vậy, mà người dân trong làng này mới lấy lại được đất ruộng để làm kế sinh nhai lâu dài cho chính mình và cho con cháu sau này nữa.

Để tỏ lòng biết ơn đối với vị ân nhân đáng kính này, dân làng đã cùng nhau phong cho Cụ Nguyễn Trọng Tấn là một vị Thần và lập miếu thờ vị Sinh Thần này ngay từ lúc Cụ còn sinh tiền. Đó là một việc hiếm có do chính tập thể dân làng vì lòng biết ơn công đức lớn lao của Cụ mà họ đã có sáng kiến đứng ra trực tiếp phong cho Cụ là vị Thần của địa phương.  Chứ đây không phải là một vị Thần do một Sắc phong của Nhà vua ban hành – như trường hợp của các vị Thành Hòang mà thường được kính bái nơi các ngôi đình khác tại các thôn làng ngày xưa.

Và rồi sau này về nghỉ hưu, thì Cụ dọn cả gia đình trở về sinh sống tại đất Bắc Ninh. Đến khi được tin Cụ qua đời tại quê nhà vào năm 1946, thì dân làng đã cử cả một phái đòan từ Thái Bình đến Bắc Ninh để kính viếng linh cữu của vị Ân nhân và tham dự tang lễ tiễn đưa Cụ nữa.

Vào những năm sau 1954, thì do chính sách quá khích của nhà nước cộng sản là triệt phá cơ sở tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền, miếu đình – thì miếu thờ Cụ Nguyễn Trọng Tấn nói trên cũng bị phá hủy nữa. Nhưng rất may, người dân trong làng đã cất giữ được một mảnh tường có ghi danh tính của Cụ. Rồi gần đây, với tình hình cởi mở thông thóang hơn tại miền quê, thì dân làng lại đã cùng nhau góp tiền bạc, công sức để tái lập miếu thờ Cụ như hồi trước năm 1945.

Và hiện nay qua thế kỷ XXI, thì các cháu của Cụ cũng đã chung nhau góp tiền bạc để làm quỹ khuyến học giúp cho lớp trẻ trong làng thi đua học tập hầu có được tương lai bảo đảm vững vàng. Như vậy là mối duyên ân tình tốt đẹp khởi sự từ thập niên 1930 của Cụ Nguyễn Trọng Tấn xuất thân từ đất Bắc Ninh đối với người dân trong tỉnh Thái Bình đang được tiếp nối với thế hệ thứ ba là lớp cháu của Cụ cũng như của người dân ở làng quê xưa kia mà đã từng được Cụ cứu giúp thóat khỏi cơn ngặt nghèo bĩ cực vậy.

Rõ ràng là người dân miền quê ở Thái Bình đã luôn ghi nhớ công đức của vị quan rất mực nhân hậu này và Cụ Nguyễn Trọng Tấn thật là một nhân vật đã làm rạng danh cho đất Bắc Ninh là quê hương bản quán của mình vậy.

2 – Giáo sư Phạm Xuân Yêm, một nhà khoa học tài danh của Bắc Ninh.

Trên đây, tôi viết về một vị tiền bối vai vế như cha bác của tôi vì Cụ là thân phụ của các anh Linh, Phách, Bích là những người bạn mà tôi luôn quí mến. Còn tiếp theo, tôi xin viết về một người bạn học cùng trang lứa với mình, mà lại có sự thành đạt kỳ diệu nhất trong số những bạn đồng môn tại trường Chu Văn An ở Hà nội đã trên 60 năm trước.

Đó là anh Phạm Xuân Yêm một nhà giáo từng dậy học lâu năm trong bộ môn Vật lý tại Đại học Sorbonne ở Paris. Chúng tôi học chung với nhau tại lớp Đệ Nhất ban Toán tại trường Chu Văn An niên khóa 1953 – 54, lại ngồi cạnh nhau trong một bàn nữa – do đó mà rất thân thiết gắn bó với nhau. Kỳ thi Tú Tài phần II năm 1954, Yêm lại là người đậu Thủ khoa với hạng Bình vượt trội hơn tất cả mấy trăm thí sinh chúng tôi hồi đó ở Hà nội.

Di cư vào miền Nam, chúng tôi lại cùng cư ngụ trong Khu Đại Học Xá Minh Mạng ở Chợ Lớn. Và rồi với thành tích học tập xuất sắc ở Đại Học Sài Gòn, bạn Yêm lại được cấp học bổng đi học tiếp ở bên nước Pháp từ năm 1956.

Vào năm 1970, tôi có dịp qua Pháp gặp lại bạn Yêm, thì anh đã có bằng Tiến sĩ Khoa học và được giữ lại làm Giáo sư dậy môn Vật lý tại Sorbonne. Và sau đó, cả bà xã của Yêm là chị Minh Châu cũng là Giáo sư dậy môn Hóa học ở Sorbonne. Rồi thì đến lượt con trai là Phạm Xuân Huyên cũng lại là một Giáo sư dậy môn Toán ở Sorbonne nữa. Còn cháu gái là Phạm Yên Thư thì cũng có bằng Tiến sĩ Khoa học nữa. Như vậy là cả 4 người trong một gia đình, thì tất cả đều có bằng Tiến sĩ Khoa học và ba người đã là Giáo sư của Đại học Sorbonne rồi. Đó là một thành công to lớn – mà ngay trong các gia đình người Pháp chính hiệu cũng ít có trường hợp đạt được thành tích vượt trội như vậy.

Nhưng điều quan trọng hơn cả đối với một Giáo sư Đại học, đó là phải có công trình nghiên cứu có giá trị mà được các bạn đồng nghiệp công nhận và đánh giá cao. Giáo sư Phạm Xuân Yêm đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện trong khuôn khổ của Phòng Thí Nghiệm Vật Lý Lý Thuyết và Năng Lượng Cao (Laboratoire de Physique Théorique et Hautes Énergies = LPTHE). Những công trình này đã được công bố nơi những tập san chuyên môn hay được trình bày trong các hội nghị quốc tế về khoa học. Và qua những công trình nghiên cứu như thế, anh đã có nhiều dịp trao đổi, thảo luận với giới khoa học tại nhiều quốc gia trên thế giới nữa.

Và để cho dễ phổ biến rộng rãi, Phạm Xuân Yêm đã hợp tác với Hồ Kim Quang một vị giáo sư khác dậy học ở Canada để cùng biên sọan một cuốn sách viết bằng tiếng Anh xuất bản năm 1998 với nhan đề là “Elementary Particles and Their Interactions” (Hạt Cơ Bản và Những Tương Tác của Chúng). Gần đây, phía bên Trung Quốc còn xin phép các tác giả để dịch cuốn sách này sang tiếng Trung hoa để cho số rất đông sinh viên người Hoa tham khảo học tập nữa.

Là người bạn thân thiết với Yêm từ trên 60 năm qua, mà mãi đến gần đây vào năm 2012 khi đến thăm và sinh sống với gia đình bạn tại nhà riêng trong thị trấn Bourg-La Reine ở ngọai ô Paris, tôi mới được biết bạn Yêm của mình lại là người gốc gác từ đất Bắc Ninh. Vì thế, mà tôi xin ghi lại ít điều về thành tích của Phạm Xuân Yêm và có thể nói được rằng anh quả thật xứng đáng với cái danh hiệu là niềm tự hào cho quê hương bản quán đất Bắc Ninh của cha ông mình vậy.

Costa Mesa California, Tháng Giêng 2015

Đoàn Thanh Liêm