Những ‘vùng tối’ của chuyến du hành ‘tư’ của bốn dân biểu và nghị-sĩ Pháp – Nhữ Đình Hùng
Cuộc du-hành ‘tư’ của bốn dân-biểu và nghị-sĩ Pháp tại Syrie để gặp tổng-thống Bachar al Assad tại Damas vào ngày thứ tư 25.02.2015 đã bị ‘thủ tướng phủ Matignon’ cũng như ‘tổng-thống phủ Elysée’ chỉ-trích, cả hai nơi đều coi Bachar al Assad là người không thể giao-du được.
Nhưng, theo các dân-biểu tham dự chuyến du-hành này, trước khi đi họ đã có tiếp xúc với các viên chức ở phủ tổng thống và phủ thủ tướng.
Trở về Paris ngày thứ năm, nhóm dân-biểu nghị-sĩ này đã là đề tài cho sự chỉ-trích đã giao-thiệp với một nhân-vật có bàn tay vấy máu của nhân-dân nước họ. Như Jean-Christophe Cambadélis, bí-thư thứ nhất của đảng xã-hội ‘ tôi hoàn-toàn lên án chuyến đi này, Bachar không phải là một nhà độc-tài, đó là một đồ-tễ’.Trong khi đó, phát-ngôn-viên của chánh-phủ, Stéphane Le Foll nói rằng ‘đây là một sáng-kiến dù trong bất-kỳ trường-hợp nào cũng không là sáng-kiến chánh-thức của Pháp’.
Những dân-biểu và nghị-sĩ này khi ở Damas đã từ-chối nói rõ nội-dung cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng với ông al-Assad, cho biết sẽ ‘phúc-trình cho người có thẩm-quyền’. Trả lời phỏng-vấn báo-chí tại khách-sạn nơi nhóm cư-ngụ, ông Jacques Myard, dân-biểu UMP ở Yvelines nói ‘Juppé rồi Fabius ( cựu và đương kim tổng-trưởng ngoại-giao) không ngừng nói với chúng tôi rằng Bachar đang ở điểm sắp rơi. Vậy mà, bốn năm sau ngày có khủng-hoảng, ông ta vẫn luôn luôn ở đó. Dù người ta muốn hay không, ông ta là một yếu-tố cho giải-pháp chánh-trị sắp tới’.
Dân-biểu Jacques Myard được biết tới ở quốc-hội như một người trực-tính. Ông coi rằng việc các nhóm djihadhistes ở Syrie cũng như nhóm Ei ( hay Daech) tăng gia thế-lực buộc người ta phải nối lại đối-thoại với Damas. ‘ Chiến-tranh đã thay đổi bản-chất. Daech là một ung-thư ác-hoá. Bachar quả không phải là gà con mới nở. Nhưng cái hay của ngoại-giao, chính là nói chuyện với những người mà người ta không thích’.Người đưa ra sáng-kiến làm chuyến du-hành tư là dân-biểu Gérard Bapt thuộc đảng xã-hội, ông này là chủ-tịch nhóm thân-hữu Pháp-Syrie ở Quốc-Hội. Ông cho biết là giữ đúng cam-kết với ‘Quai d’Orsay’ (Bộ ngoại giao), ông không gặp tổng-thống al Bachard. Điều này cho thấy ông đã có tiếp xúc với Quai d’Orsay và có những giới hạn cho chuyến đi Syrie. Khi về Pháp, ông không đưa ra các tuyên-bố gì thuộc loại đao to búa lớn. Ngay cả khi ở Beyrouth, trước khi đến Damas, ông cũng chỉ nói ‘đây là một bước nhỏ, một bước đầu tiên…Nếu người ta có thể đem lại một điều gì để làm giảm nỗi thống khổ, đó sẽ là một kết-quả tốt’.
Nếu như ông Gérard Bapt nói rằng ông ta không đến gặp ông Bachar al-Assad, các hình ảnh buổi gặp gỡ tổng thống al Bachar cho thấy ông lên thang ở phủ tổng thống với các đồng sự Pháp.
Đúng là dân biểu đảng xã hội không có gặp tên đồ tễ
Quả vậy, ngày nay với ‘drive’ thật là tiện dụng
Ngoài các dân-biểu, nghị-sĩ, còn có sự hiện-diện của các ông Stéphane Ravion, Patrick Barraquand và Jérôme Toussaint. Ông Ravion được phiá Syrie mô tả như ‘cố-vấn an-ninh cho sứ-quán Pháp ở Beyrouth’. Sứ quán Pháp ở Beyrouth đính chánh việc ông này là nhân-viên sứ-quán. Nhưng Ravion trong chương mục LinkedIn tự nhận là ‘cố vấn về vấn đề chiến-lược’ và luân-phiên sống ở Beyroth và Bagdad. Ông này là người có lai-lịch, là cựu ký-giả và là ‘bạn đường’ trước đây của em gái vua Maroc Về Patrick Barraquand, Damas đã giới-thiệu ông này là ‘tổng thanh-tra bộ quốc-phòng Pháp’ và ‘tổng thư ký của ủy ban chánh-phủ về liên-hiệp Địa Trung Hải (UPM).Sự thực không đúng vậy, ông này chỉ là nhân-viên thân-cận của Nicolas Sarkozy và Henri Guaino và sau khi Nicolas Sarkozy thất-cử, ông này về làm ở bộ tài chánh với chức vụ tổng kiểm-soát-viên kinh-tế tài-chánh! Nhưng trong quá khứ, Barraquand có làm việc cho các xí-nghiệp về vũ-khí nhu Eurocopter và Safran. Người thứ ba, Jérôme Toussaint, không phải là dân cử cũng không phải là viên-chức chính-phủ, không rõ lý do về sự hiện-diện của ông trong phái đoàn. Bộ ngoại giao, qua lời phát-ngôn viên bộ ngoại-giao Romain Nadal, nói rằng ‘những người này không đại diện cho chánh-quyền, họ không có một sứ mệnh gì, họ không mang một thông điệp nào’.. Về vai trò của ba người tháp-tùng, các dân-biểu và nghị-sĩ trong chuyến đi Damas không đưa ra lời giải-thích nào!
Tại Pháp, chuyến đi Damas của bốn dân-biểu và nghị-sĩ đã bị giới chánh-trị nói chung chỉ trích mạnh mẽ. Thủ tướng Valls coi đó là một lỗi về đạo đức, tổng-thống Hollande nói những người này tự ủy nhiệm để gặp một nhà độc tài người đã là nguồn gốc một trong những trận nội-chiến nghiêm-trọng nhất của những năm vừa qua, đã làm 200.000 người chết’.Trong khi đó,cựu tổng-thống Sarkozy gọi những dân-biểu nghị sĩ này là ‘gugusses’ ( hề) thì ngược lại, cựu thủ tướng của ông là François Fillon lại cho rằng ‘họ có lý để đi đến đó, phải nghe cả mọi phiá..nếu tôi có cơ-hội đi Syrie, chắc chắn tôi sẽ đi’. Về phiá đảng cực hữu FN, phó chủ-tịch đảng Florian Philippot coi đây là ‘một sáng kiếng có vẻ lành mạnh, thông minh’.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Syrie có lẽ là giữa chế-độ Damas và Nhà Nước hồi giáo EI (Daech), đâu là cái tồi-tệ nhất; và giữa chế-độ Damas và Liên hiệp quốc gia Syrie (CNS), bên nào có khả năng để chống lại EI. Chưa kể việc CNS gồm các quân nhân trước đây thuộc chế-độ Damas đã nghĩ rằng có thể lật đổ chế-độ này như ở Tunisie, Ai Cập hay Libye, và, chế độ Damas đã có việc bầu lại tổng thống trong năm qua và ông Bachar đã tái đắc cử, nói khác đi chế độ của ông Bachar có sự ủy mệnh của nhân-dân Syrie!
Trở lại chuyến đi Damas của bốn dân-biểu và nghị sĩ Pháp, khó có thể nói Élysée và Matignon không biết. Các dân-biểu và nghị sĩ đã có tiếp-xúc với các phòng sở có trách-nhiệm, Quai d’Orsay đã khuyên không nên đi,…Chuyến đi đã được tổ chức chu đáo, được hoạch-định và điều chỉnh đến phút chót, chương-trình di-chuyển đã thay đổi để tránh bị khủng bố. Từ Beyrouth đến Damas, phái-đoàn đã được an-ninh của Liban hộ tống bằng xe bọc sắt và kế đó là lực lượng an-ninh Syrie tiếp chuyển. Có thể đó là an-ninh dành cho chuyến đi tư ?
Đường nào cũng dẫn tới Damas
Cũng trong lúc đó, một nguồn tin cho biết phe đối lập Syrie cũng đang thương thuyết một lối thoát cho cuộc chiến ở Syrie tại Moscou. Ngoài ra, một nguồn tin khác cho biết các sở tình-báo Syrie có được danh sách nhũng người quốc-tịch Pháp đang chiến đấu trong hàng ngũ EI. Các djihadistes này sẽ là một bận tâm lớn cho nước Pháp một khi họ quay trở lại Pháp. Nước nào có thể cung cấp tin tức cho Pháp về những người này? Vấn đề chống lại Daech cũng được xét tới. Liệu rằng các cuộc oanh-tạc đủ để tiêu diệt các lực lượng Daech? Nếu phải chiến-đấu trên đất liền, họ có thể trông cậy vào lực lượng nào? Có lẽ phát-biểu của nghị-sĩ François Zochetto nói rõ về điều này hơn hết ‘Khó có thể nói người ta muốn chống lại khủng-bố ở Pháp và không biết điều gì xảy ra ở Syrie. Syrie là Nhà Nước thế tục cuối cùng của Trung Đông và đó là điều làm khó chịu hơn hết. Nhà nước thế-tục này có thể biến mất ngày mai..Vì ngày nay, không còn đối-lập Syrie ôn-hoà’! Tuy rằng nghị-sĩ này nói thêm chuyến-đi của họ không nhắm làm ‘ chánh-đáng-hoá cho chế độ’.
Về mặt quốc-tế, người ta ghi nhận có một vài thay đổi đối với Syrie. Người trung-gian hoà-giải của LHQ, Staffan de Mistura vào ngày thứ sáu 13 tháng hai đã nói ‘ tổng-thống Bachar al Assad nằm trong giải-pháp cho Syrie…tôi tiếp-tục có những thảo-luận quan-trọng với ông ta.’
Ngày 17.02, Staffan de Mistura đệ trình cho HĐBA LHQ một dự án nhằm làm ngừng cuộc nội-chiến và theo ông, chế-độ Damas đã đồng ý ngưng oanh-tạc bằng không-quân và ngưng pháo-kích trong sáu tuần lễ để có thể có ngưng bắn tại địa phương. Ông cũng nói là chánh-quyền Damas sẽ ngưng pháo kích các thành-phố và quân chống đối được yêu cầu ngưng bắn súng cối và rốc-kết ‘vào một ngày sẽ được loan báo từ Damas’ và ông de Mistura sẽ đi Damas ngay khi có thể để “thảo luận về các điều-kiện ngưng bắn địa-phương”. Tuy nhiên, Staffan de Mistura nói thêm là ông ta không có ‘ảo tưởng’ vì việc thi-hành kế-hoạch này sẽ khó vì trong quá khứ đã có nhiều lần thất bại, dù vậy, ông vẫn có một tia hy vọng!
Trong ngày 17.02, Staffan de Mistura đã có hội đàm điện-thoại với Khaled Khoja, chủ tịch của liện-hiệp quốc-gia Syrie (CNS) và Khoja đã cho biết quan-điểm cua ông ta về kế hoạch ngừng giao tranh ở Alep cũng như sáng-kiến về chấm dứt chiến-tranh ở Syrie. CNS đã đưa ra một dự-án về nguyên-tắc căn bản để giải-quyết chánh-trị ở Syrie gồm 13 điểm cũng như các điều kiện để lập lại tiến-trình thương thuyết dưới sự bảo trợ của LHQ và đặt nền tảng trên các nghị quyết của HĐBA, thông-cáo ở Genève và sáu điểm của Kofi Annan. Lập trường của CNS xem chừng không thay đổi vì vẫn đòi hỏi việc thực hiện một cơ-quan chuyển-tiếp có thẩm quyền hành-pháp với sự thay đổi triệt để và toàn diện về hệ-thống chính-trị, nghĩa là bứng tận gốc rễ chế-độ của Assad, các phe nhóm, biểu tượng, các lực lượng an-ninh của chế độ và thiết lập một nhà nước dân sự đa nguyên và dân-chủ. Trong khi, trên thực tế, CNS đang ở giữa hai gọng kìm là Daech và chế độ Damas. Trước đây CNS gồm cả Daech và Front al Nosra, giờ thì ‘lực lượng nổi dậy ôn-hoà’ chỉ được sự ủng-hộ của các nước tây-phương nhưng nỗ lực chánh của những nước này vẫn là chống Daech!
Quân phiến-loạn Syrie tấn-công lực-lượng của chế-độ Damas tại Alep ngày 17.02. (Salih Mahmud Leyla / ANADOLU AGENCY)
Như vậy, Staffan de Mistura đã không thành-công trong việc thuyết-phục phe nổi dậy CNS, phe này tiếp tục đòi một giải pháp cho toàn Syrie chố không chấp-nhận một giải-pháp ‘thí điểm’ ở Alep! Nhưng Staffan de Mistura không đưa ra lời bình-luận nào về vị-thế của CNS, ông tiếp tục cuộc viếng thăm ở Damas, đặc biệt một chùng viện gần thủ đô Damas để bày tỏ sự liên-đới với cộng-đồng thiên-chuá-giáo mà một tuần trước đó đã có 220 bị EI bắt cóc!
Tuy nói cứng như vậy, CNS đã có một phái-đoàn sang Moscou để thảo luận về việc tìm một giải pháp cho cuộc chiến Syrie. Ở đó, ngoài các đối thoại người Nga, còn có cả các đối-thoại người Syrie của chế-độ Damas. Moscou vẫn là đồng-minh chính của chế độ Damas, ngoài ra, chế-độ này còn có sự ủng-hộ của Iran.
Gặp gỡ giữa chủ tịch CNS và tổng-thống Pháp ngày 05.03.2015
Ngày 05.03.2015, chủ tịch CNS Khoja đã đến Pháp để gặp tổng-thống Pháp François Hollande. Về các tuyên-bố chánh-thức, trong cuộc họp này, tổng-thống Pháp đã nói tới ‘việc cần thiết phải làm không ngừng nghỉ việc tung trở lại các tiến-trình của Genève cho một cuộc chuyển tiếp chánh-trị ở Syrie…đó là giải pháp duy nhất có thể để tập-hợp nhân dân Syrie, đáp ứng lại các nguyện-vọng chánh-đáng, tận diệt các nhóm khủng-bố và tái-lập nền hoà bình dân-sự… Bachar al Assad đã là người trách nhiệm chính sự bất-hạnh của nhân dân ông ta và sự trỗi dậy của các nhóm khủng-bố ở Syrie…ông ta không phải là người đối thoại có thể tin được để chống Daech và chuẩn bị tương lai của Syrie’ Ông Hollande cũng lập lại với ông Khoja ‘sự hỗ trợ chính-trị và chiến-dịch của Pháp cho các lực lượng đối lập dân-chủ đang dấn thân ở tuyến đầu chống Daech’.
Việc viếng thăm Pháp của chủ-tịch CNS như thế là để tìm một hậu-thuẫn chánh-trị nhưng ông ta đã nhận được những hứa hẹn gì, khó có thể biết. Nhưng người ta ghi nhận trong cuộc họp báo sau đó một vài dấu hiệu. Ông Khoja nói đến ý định thành lập một liên-minh với các phong-trào hoạt-động trên diện địa để có sự chánh-đáng nhằm tung trở lại tiến-trình hoà-bình để đem đến một sự chuyển-tiếp chánh-trị. Nếu như trước đây CNS đòi việc Bachar al Assad phải ra đi như là điều kiện tiên-quyết, lần này, Khoja cho biết đây không còn là điều-kiện tiên quyết nữa!
‘Chúng tôi có một chiến-lược mới nhằm lấy các sáng kiến và đối-thoại với các phong-trào không nằm trong liên-hiệp…Mục tiêu tối hậu là có một đại hội đồng bao gồm mọi thành phần muốn có một nước Syrie mới và có một vị thế chung cho việc khả dĩ có thương thuyết với chế-độ, trên căn bản hiệp-định Genève I’.
Khaled Khoia, 49 tuổi, được bầu hồi tháng giêng vào chức chủ tịch liên-hiệp quốc-gia các lực-lượng cách-mạng và đối-lập Syrie, thường được biết dưới tên liên hiệp quốc-gia Syrie (CNS). Trong nội bộ có nhiều phân-tranh và mối liên-lạc với các lực-lượng vũ-trang khá tế-nhị, CNS là một thành-phần đối-thoại không thể thiếu trong việc giải-quyết chiến-tranh ở Syrie, nhờ sự ủng-hộ của các nước tây-phương. Nếu như trước đây các nươc ở tây-phương coi chế-độ Damas là không thể giao-thiệp được, ngày nay, Damas trở thành người đối-thoại cần-thiết trong việc chống lại Nhà Nước Hồi Giáo. Khi nói Bachar al Assad là người chịu trách nhiệm chính cho sự bất hạnh của nhân dân ông ta, phải chăng hàm ý là những người khác cũng là trách nhiệm nhưng ở mức kém hơn? Và khi nói đến sự hỗ trợ của Pháp cho những lực lượng dân chủ đang ở tuyến đầu chống Daech, phải chăng ông Hollande muốn nói rõ mục tiêu chánh của Pháp ở Syrie không còn là để lật đổ Bachar al Assad mà để chống Daech? Phải chăng Khoja đã nhận rõ thông điệp năm trên năm nên đã tuyên bố việc ra đi của Bachar al Assad không còn là điều kiện tiên quyết nữa cho việc chuyển-tiếp chánh-trị?
Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp bình-luận/09.03.2015
Tham khảo:
http://www.sudradio.fr/Actualite/Monde/EXCLUSIF-Deplacement-en-Syrie-Le-Gouvernement-savait
http://www.lorientlejour.com/article/913019/staffan-de-mistura-demain-au-liban-puis-en-syrie.html