Những sự mất mát từ Biển Ðông
Theo VOA
22.05.2014
Cuộc tranh chấp ở Biển Đông, xoay quanh việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến khu vực thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chưa biết sẽ dẫn đến đâu. Tuy nhiên, hiện nay, người ta đã thấy rõ một số khá lớn những sự mất mát.
Mất mát đầu tiên, thuộc về chính quyền Việt Nam, là uy tín về khả năng đối phó với hiểm họa xâm lấn biển và đảo của Trung Quốc. Từ cả chục năm nay, một số khá đông giới trí thức Việt Nam đã nhận ra sai lầm của nhà cầm quyền Việt Nam trong các chính sách liên quan đến Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào khẩu hiệu Bốn Tốt và phương châm 16 Chữ Vàng. Nhưng chính quyền vẫn bất chấp những lời phê phán và cảnh báo ấy. Nhiều người vẫn cứ tin chính phủ. Tin một cách mù quáng, nhưng vẫn tin. Bây giờ, khi tranh chấp nổ lớn, giới quan sát quốc tế, trên các tờ báo lớn, đều nhận thấy rõ là chính quyển Việt Nam hoàn toàn lúng túng, không biết đối phó ra sao cả. Sự lúng túng ấy cho thấy, lâu nay, mặc dù được nhiều người cảnh giác, họ vẫn ngây thơ hoặc lì lợm không tin và do đó, không chuẩn bị trước một chiến lược nào cho nhất quán và hiệu quả. Sự lúng túng ấy, như tôi đã từng phân tích trong bài “Trung Quốc đã thắng trên Biển Đông”, là một sự thua cuộc. Thua ngay từ ván đầu.
Mất mát thứ hai, thuộc lãnh vực kinh tế, qua các cuộc xuống đường bạo động của các công nhân Bình Dương và Hà Tĩnh khiến nhiều nhà máy và công ty bị đập phá, hôi của, hoặc phải đóng cửa. Trước mắt, các cuộc bạo loạn này sẽ dẫn đến ba cái hại: Một, số công nhân thất nghiệp sẽ gia tăng; hai, số nhà máy và công ty cần một thời gian mới phục hồi lại nhịp điệu sản xuất như trước; và ba, nhiều công ty và nhà máy của Trung Quốc sẽ ngần ngại trong việc đầu tư vào Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Khi sự phát triển chậm lại, gánh nặng sẽ oằn lên, trước hết, trên đôi vai của giới thợ thuyền.
Nhưng mất mát thứ ba này, theo tôi, là quan trọng nhất: dân chủ và nhân quyền có nguy cơ bị đe dọa nặng nề.
Khi cuộc tranh chấp mới bùng nổ, chính quyền tự đứng ra tổ chức và cho phép một số nhóm xã hội dân sự tổ chức xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại ba thành phố lớn: Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Ngỡ như từ đó, chính quyền sẽ dần dần hợp pháp hóa các cuộc biểu tình chống ngoại xâm của dân chúng. Nhưng có vẻ như không phải. Sau các cuộc bạo loạn của các công nhân ở Bình Dương và Hà Tĩnh, nhân danh việc tái lập trật tự và an toàn xã hội, chính quyền ra tay bắt bớ những người họ cho là đứng sau lưng xúi giục quần chúng. Và, quan trọng hơn, tăng cường sự theo dõi đối với những người vốn thường xuyên mang tư tưởng chống Trung Quốc. Trên facebook, mấy ngày vừa qua, khá nhiều người cho biết chung quanh nhà của họ lúc nào cũng đầy nhóc công an và an ninh khu vực canh giữ cả ngày lẫn đêm. Họ đi đâu cũng có người bám theo sau. Mức độ theo dõi, như vậy, nghiêm trọng hơn hẳn trước đây. Chúng ta không thể loại trừ khả năng, sắp tới, có thể sẽ có một số người bị bắt với lý do xúi giục dân chúng bạo loạn.
Hầu như đã thành quy luật trong sinh hoạt chính trị trên thế giới từ trước đến nay: Khi đất nước đối diện với đe dọa từ bên ngoài, cái bị bóp chết đầu tiên chính là dân chủ và nhân quyền. Điều đó xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Một, trong văn hóa chiến tranh, quần chúng thường có khuynh hướng tạm gác lại các bất đồng và tinh thần phản kháng để tập hợp chung quanh chính quyền. Tinh thần phê phán thường bị thay thế bởi tinh thần phục tùng. Kẻ thù càng lớn, nguy hiểm càng nhiều, người dân càng dễ quay về với chính phủ để chờ đợi mệnh lệnh. Hai, các chính phủ cũng thường lợi dụng văn hóa chiến tranh ấy để củng cố quyền lực của mình và loại trừ dần những kẻ đối lập hoặc bất đồng chính kiến trong xã hội.
Một trong những luận điểm nhà cầm quyền thường đưa ra nhiều nhất là: Để bảo vệ độc lập và chủ quyền, cần, trước hết, đánh thắng kẻ thù; muốn đánh thắng kẻ thù, cần sự đoàn kết; để đoàn kết, mọi người phải ủng hộ chính quyền; và để ủng hộ chính quyền, mọi người phải tự hy sinh những sự khác biệt về quan điểm, hay rộng hơn, tư tưởng; nói cách khác, hy sinh tự do. Và khi mỗi người tự hy sinh tự do của mình, cả nước sẽ hy sinh dân chủ.
Các luận điểm, nghe, có vẻ có lý, nhưng vì tính chất “có vẻ có lý” ấy, chúng trở thành nguy hiểm. Lý do: mọi người phải ngoan ngoãn đứng sau lưng chính phủ, nhưng nếu chính phủ sai thì sao? Hoặc, ngay cả khi chính phủ không hoàn toàn sai nhưng họ lại lợi dụng điều ấy cho các mưu đồ độc tài và trục lợi cho riêng họ thì sao? Một ví dụ rất rõ: Từ khi vụ tranh chấp chung quanh giàn khoan HD-981 bùng nổ, người được hưởng lợi đầu tiên có lẽ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế. Trước, bà bị phê phán gay gắt vì cả sự bất lực lẫn sự vô cảm trước sự xuống cấp của ngành y tế, và nhất là, trước sự lan tràn của bệnh sởi. Bây giờ, hầu như không ai quan tâm đến những vấn đề ấy nữa. Ngay cả khi có thêm vài chục hay vài trăm trẻ em bị chết vì dịch bệnh ấy, người ta cũng không quan tâm: Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Biển Đông.
Đó là lý do tại sao, trên khắp thế giới, từ trước đến nay, tất cả các chế độ độc tài đều muốn chiến tranh: Họ dùng chiến tranh bên ngoài để trấn áp người dân trong nước. Chắc chắn chính quyền Việt Nam đã học và ứng dụng bài học ấy, không phải bây giờ, mà từ cả sáu, bảy chục năm qua.
Với những kẻ nhẹ dạ, luận điệu ấy dường như có sức thuyết phục lớn. Sau năm 1975, có lúc có người đổ trách nhiệm làm mất miền Nam cho những người hay lên tiếng chống lại chính quyền. Hiện nay, không ít người cũng hăm he như thế với kiểu nghĩ: trong cuộc đấu tranh chống lại Trung Quốc, không những mọi sự phê phán nhắm vào chính quyền có hại mà bất cứ ý kiến đượm vẻ hoài nghi nào cũng đều có tác dụng tiêu cực: Chúng làm nản lòng mọi người để người ta chấp nhận thua cuộc ngay cả trước khi thực sự chiến đấu.
Chưa biết có đánh nhau hay không và chưa biết ai thua ai thắng nhưng hai nạn nhân đầu tiên đã xuất hiện: dân chủ và nhân quyền.