Những sự kiện làm thế giới đảo lộn năm 2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Những sự kiện làm thế giới đảo lộn năm 2016
BBC
17/12/2016

BBC Tiếng Việt mời nhà báo Hồng Nga của BBC và nhà báo tự do Phạm Cao Phong điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong năm 2016 của thế giới, cả hai ý kiến cùng cho rằng đây là một năm đầy bất ngờ và biến động, với những hệ quả sẽ còn ảnh hưởng và kéo dài trong những năm tới.
Nhà báo tự do Phạm Cao Phong lựa chọn ba vấn đề chính là “sự thắng lợi giấu mặt nhưng toàn diện và gần như áp đảo của Tổng thống Vladimir Putin trong tất cả các mặt trận,” việc Thủ tướng Đức đón tiếp “thành công” hàng triệu di dân, và sự kiện người dân và Quốc hội Nam Hàn phế truất nữ Tổng thống Park Guen-hye.
Trong khi đó nhà báo Hồng Nga nhắc tới sự kiện được cả thế giới quan tâm là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, phán xử của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, và phân tích về nhân vật gây tranh cãi ở châu Á, ông Rodrigo Duterte.
BBC tóm lược một số nét chính từ cuộc thảo luận hôm 14/12. Quý vị có thể xem lại toàn bộ chương trình chất lượng cao tại đây.

‘Tại sao là Vladimir Putin?’

Putin and Trump mural in LithuaniaImage copyrightSEAN GALLUP/GETTY IMAGES
Image captionTranh vẽ Tổng thống Nga và tân Tổng thống đắc cử Donald Trump ở Lithuania
Nhà báo Phạm Cao Phong: Tổng thống Vladimir Putin là người kiến tạo ra những nhà lãnh đạo của thế giới hôm nay.
Ông Putin chơi ván bài Syria, mà nếu thực sự muốn đánh Daesh [tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, còn biết đến là IS] thì với tiềm năng quân sự của Nga với Hezbolla, với quân đội Syria có thể đánh được.
Nhưng Putin không đánh mà có một kiểu trả thù lại Liên minh châu Âu đã phản đối khi sát nhập Crimea vào Nga, thì Putin chơi kiểu gì? Đánh để cho dân chạy rồi lại đánh, mà không quây lại để đánh – tạo ra gánh nặng.
BBC: Vậy những gì đang diễn ra ở châu Âu một phần do tác động của cuộc khủng hoảng di dân?
Nhà báo Phạm Cao Phong: Gánh nặng đó khủng khiếp vì chúng ta phải chìa tay ra giúp đỡ, những giá trị nhân đạo của châu Âu bắt buộc phải làm điều đó.
… Vladimir Putin lợi dụng điều đó để hàng mấy triệu người Syria, Afghanistan vào châu Âu và làm đảo lộn tiến trình phát triển kinh tế, tiến trình văn hóa.
Nhà báo Hồng Nga: Không ai có thể phủ nhận là khủng hoảng di dân hiện đang ảnh hưởng tới tất cả những diễn biến hiện nay trên toàn cầu, nhưng chưa đủ chứng cứ để có thể kết luận được đó có chính là bàn tay của Vladimir Putin.
Một khía cạnh nữa, là trong những cuộc chiến, như Syria chẳng hạn, hay những cuộc chiến khác, thì những nước nhỏ, yếu bao giờ cũng bị kẹt giữa các cường quốc. Có thể nói rằng đó là Mỹ, Anh hay Nga, nhưng cuối cùng thì những người chịu chết chóc là ai, cũng chính là dân thường.

Diễn biến Biển Đông

Vietnamese protest against China in Manila, PhilippinesImage copyrightTED ALJIBE/GETTY IMAGES
Image captionNgười Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc về Biển Đông hồi tháng 8/2016 tại Manila, Philippines
Nhà báo Hồng Nga: Về phiên tòa The Hague hôm 12/07, đã có sự phấn khích trước khi có phán xử của tòa… Nhưng rất đáng buồn là từ đó đến giờ không có gì thay đổi ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn giữ những gì mà họ đã chiếm, họ vẫn cơi nới những gì họ đã có trong tay, họ vẫn tiếp tục tuần tra, ngăn cản ngư dân của các nước khác đánh bắt.
Vậy câu hỏi là những phiên tòa như vậy, các tổ chức quốc tế đi đến đâu nếu như không có chế tài thực hiện cụ thể nào, và ai sẽ là người đứng ra để thực hiện các chế tài nếu có.
Như anh Phong nói, là trong năm nước thường trực trong Hội đồng Bảo an thì Trung Quốc nằm ở đấy rồi, và hiện giờ Nga bỗng trở thành đồng minh ruột của họ. Vậy ai sẽ giúp để áp đặt những chế tài đó và thực hiện như thế nào?
Nhà báo Phạm Cao Phong: Donald Trump lật lại ván bài hệt như Kissinger chơi với Việt Nam năm 1972, là sử dụng một nước nhỏ đề kiềm chế một nước đang lên.
… Donald Trump ngày 09/12 đã điện cho bà Thái Anh Văn, là đã chơi ván bài đó. Trung Quốc có dám dằn mặt Đài Loan không? Tôi nghĩ là không.
Trung Quốc cũng cần một Biển Đông ổn định để xuất khẩu đi, vì nếu xuất khẩu mà tình hình trên biển căng thẳng như thế, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mà dưới 6% thì sẽ loạn, hơn 1 tỷ người sẽ không có công ăn việc làm.
Và còn những thế lực như Nhật Bản, rồi các Hạm đội 3, Hạm đội 7 của Mỹ có để cho như vậy không?
Philippines president Rodrigo DuterteImage copyrightROSLAN RAHMAN/GETTY IMAGES
Image captionNhân vật gây tranh cãi ở châu Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Nhà báo Hồng Nga: Khi nhắc tới sự kiện Biển Đông thì cũng cần nhắc tới những nhân tố khác như Việt Nam và Philippines. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte là một nhân vật rất gây sóng gió, gây bàn luận, gây tranh cãi trong cả một năm nay.
… Ông ta là nhân vật màu mè, cũng như ông Donald Trump gây ra nhiều xáo trộn rồi tranh cãi, nhưng ông ta cũng chỉ làm những gì mà ông ta nghĩ là có lợi cho đất nước ông ta.
Lãnh đạo Việt Nam có lẽ sẽ không lấy làm lạ khi thấy rằng vì lợi ích của Philippines mà ông ta phải xích lại gần với Trung Quốc, phải tách ra xa Hoa Kỳ một chút, và vì người dân mà phải hòa hoãn một chút với Trung Quốc để người dân có thể được đánh bắt ở vùng tranh chấp – tuy là giữ nguyên phán quyết nhưng không làm cho tình hình rối ren, phức tạp hơn.
Qua vụ này Việt Nam càng trở nên cô đơn hơn lúc nào hết trong lập trường ở Biển Đông. Vì xưa nay, nước nhỏ mà yếu như Việt Nam phải có bạn, phải có đồng minh ít nhất là về mặt lập trường, chủ trương, chính sách, nhưng trong năm vừa rồi nhiều cuộc khủng hoảng, rối ren như vậy mà bạn bè hoặc đồng minh hiện giờ chưa thấy.
Rất khó cho Việt Nam, nếu đơn thương độc mã, để giải quyết những vấn đề không chỉ đối nội mà còn là đối ngoại phức tạp như Biển Đông.

Biến động

Nhà báo Phạm Cao Phong: Mọi người đều nghĩ sẽ có nhiều sự biến động trong năm tới và năm nay là năm bản lề cho những biến động ấy. Donald Trump lên thì có rất nhiều sự kiện cần theo dõi, chẳng hạn như không phải là Một Trung Quốc nữa, thì Trung Quốc sẽ xử sự thế nào.
Và chúng ta cần nhìn nhận cuộc chiến khủng bố như thế nào? Như Tổng thống Obama và cũng như Thủ tướng Manuel Valls của chúng tôi nói, đây là một cuộc thế chiến, vì nó xảy ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở Pháp, ở nhiều nước khác.
Chúng ta cần nhìn thấy vấn đề là sự co cụm, sự thoái lui của Toàn cầu hóa và tư tưởng dân túy thắng lớn ở gần như tất cả các nước châu Âu.
Bấm vào đây để xem đánh giá, bình luận của các nhà báo về năm 2016.