Những quan điểm khác nhau về Hồ Chí Minh
Người Việt Nam và người ngoại quốc có quan điểm khác nhau về Hồ Chí Minh như thế nào? Và tại sao?
“Hồ Chí Minh”. LIFE Magazine số 22 tháng Ba, 1968, trang 22-23
Xin “tóm tắt” và “dài dòng” vài ý kiến thuộc loại “nói chung” như sau:
1. Nói chung người Bắc Việt Nam đa số yêu Hồ Chí Minh, người miền Nam đa số dửng dưng hoặc ghét Hồ Chí Minh. Người Việt Hải Ngoại lớp lớn tuổi ghét, lớp trẻ không quan tâm.
2. Hồ Chí Minh có thể vẫn còn là “thần tượng” tại các nước cựu thuộc địa Á-Phi nhưng tại các nước cựu cộng sản Đông Âu hình ảnh Hồ Chí Minh không còn gì mấy hoặc không còn gì hết.
3. Người Tầu có cảm tình với Hồ Chí Minh nhưng không viết sách ca ngợi Hồ Chí Minh vì họ vẫn nghĩ Hồ là học trò của Mao, cũng như cái nhìn của họ đối với Võ Nguyên Giáp : không có sự huấn luyện, giúp đỡ toàn diện của họ thì cộng sản Việt Nam không thể thắng Pháp, thắng Mỹ được. Bởi thế không phải ngẫu nhiên mà năm 1979 Đặng Tiểu Bình đánh cộng sản Việt Nam để “dậy cho một bài học”. Người Nga cũng nghĩ như người Tầu nên cũng không ca ngợi Hồ Chí Minh. Stalin xem Hồ Chí Minh là tay chân cấp dưới phụ trách phong trào cộng sản ở một nước thuộc địa nhỏ, sau giao cho Mao trông nom. Thời Khrushchev và Brezhnev khi Mỹ đã sa lầy trong chiến tranh Việt Nam hình ảnh Hồ Chí Minh nổi bật trên thế giới nên được Liên Xô đối xử lịch sự, trọng vọng một cách vừa phải.
4. Pháp thua Điện Biên Phủ nên kính nể Hồ Chí Minh dù biết Mao đứng ngay sau lưng Hồ. Cho rằng bị Mỹ hất cẳng ở Miền Nam Việt Nam, bị Mỹ ép buộc giải thể Đế quốc Pháp người Pháp lại càng có cảm tình hơn với Hồ Chí Minh và cộng sản Bắc Việt. Người Pháp cũng khó mở miệng chỉ trích chế độ cộng sản hà khắc của Hồ Chí Minh vì mặc cảm tội lỗi về quá khứ thực dân tàn nhẫn, bóc lột của chinh nước Pháp khi trước.
5. Lịch sử đã cho thấy cuộc tranh đấu tư bản/dân chủ và cộng sản/chuyên chế sau cùng tư bản/dân chủ đã thắng vì hiệu năng cá nhân nói chung cao hơn, xã hội được tổ chức và vận hành phù hợp bản chất con người hơn. Tuy nhiên trước khi đạt được kết quả sau cùng ấy Mỹ (tư bản/dân chủ) đã vất vả và thất bại nhiều lần. Chiến tranh Việt Nam là một. Chiến tranh Việt Nam là nơi đụng độ nóng bỏng nhất, lâu dài nhất và quan trọng nhất của 2 phe trong suốt thời kỳ “cold” war.
(Đối với dân tộc Việt Nam cuộc chiến tranh này chẳng cold tí nào, nó là cuộc chiến tranh thực sự tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc, một cuộc chiến có thể tránh được hoặc không nhất thiết phải kéo dài và tàn khốc như vậy).
Cả 3 đại cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc đều dốc toàn lực. Mỹ chi 140 tỉ Mỹ Kim theo thời giá của năm 1975. Tầu chi một tỉ lệ GDP còn lớn hơn của Mỹ dù dân đang chết đói. Xe tăng T-54, hỏa tiễn Sam, phi cơ MiG, đại pháo 130 của Liên Xô liên tục đổ vào chiến trường Việt Nam mặc dù kinh tế trì trệ, suy kém. Hồ Chí Minh, lãnh tụ “bộ phận tiền phong của Cách mạng vô sản thế giới” trách nhiệm cung cấp… người. Hồ Chí Minh chấp nhận giá khủng khiếp về nhân mạng người Việt Nam, chấp nhận đất nước Việt Nam bị tan tành để nước Tầu… khỏi bị tan tành vì bom Mỹ, để Mỹ-Liên Xô khỏi đụng độ trực tiếp rồi tiêu diệt nhau bằng vũ khí nguyên tử. Hồ Chí Minh đồng thời tạo được hình ảnh một lãnh tụ anh hùng, nổi bật của một dân tộc nhỏ bé đang “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” dám đánh tay đôi với đế quốc Pháp, rồi với đế quốc Mỹ để dành độc lập, thống nhất. Hồ Chí Minh đã nhận được sự ngưỡng mộ, kính phục của công luận thế giới kể cả công luận Mỹ trong những năm tháng ấy. Trong khối cộng sản mặc dù GDP đứng hạng chót (chắc gần bằng zero) nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh được xem gần như là Anh Ba, sau Anh Cả Liên Xô và Anh Hai Trung Quốc.
(Hồ Chí Minh trong di chúc bầy tỏ ý muốn đứng ra giản hòa Nga-Tầu để bảo vệ phong trào cộng sản thế giới và chắc đã khi còn sống đã đủ tự tin về vị thế mới của mình để bắt đầu làm công việc này).
6. Mặc dù có cạnh tranh giữa Liên Xô và Trung Quốc, phe cộng sản đã có một sách lược đánh Mỹ rất khôn ngoan không những trên chiến trường Việt Nam mà trên toàn thế giới, trong chính trường, trên bàn hội nghị, trên mọi diễn đàn… tận dụng các lợi thế của chế độ độc tài toàn diện leninist và khai thác tối đa những “điểm yếu” của chế độ tư bản/dân chủ nói chung và nước Mỹ nói riêng. Chẳng hạn như kinh tế khủng hoảng theo chu kỳ, sự phân quyền, hệ thống lưỡng đảng hay đa đảng với đảng đối lập luôn luôn đả kích đảng cầm quyền, Tổng Thống 4 năm phải bầu lại như ở Mỹ, chính quyền thay đổi xoành xoạch như tại Châu Âu, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do đi lại, xã hội đa nguyên với đủ mọi khuynh hướng, các nhóm áp lực với quyền lợi khác nhau, môi trường đại học tràn ngập các sinh viên, giáo sư, trí thức khuynh tả, cộng sản công khai, cộng sản nằm vùng, ngụy hoà, cấp tiến, chống chiến tranh để khỏi phải đi quân dịch và… “tất cả những thằng ngu hữu dụng” (dùng chữ của Lenin). Phe cộng sản kéo dài chiến tranh bất kể tổn thất nhân mạng, khoét sâu mâu thuẫn gây rối loạn trong hàng ngũ địch. Chiến tranh Việt Nam một thời len lỏi khắp nơi trong xã hội Mỹ cùng với hình ảnh Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh vì thế đã trở nên huyền thoại ngay với người Mỹ. Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã thua nhưng không phải trên chiến trường mà trên mặt trận truyền thông.
(Trong những trận đánh giữa Mỹ và Cộng sản Bắc Việt/Việt Công tỷ lệ thương vong thường là 1/5 hoặc là 1/10 nhưng phía cộng sản bao giờ cũng tuyên bố thắng trận vì “hôm nay quân ta đã diệt được 100 tên giặc Mỹ” và tuyệt đối không nói gì đến việc “quân ta” chết 1000″. Khi gặp một đối thủ đánh thí mạng như vậy và sẵn sàng đánh thêm 20 năm “cho đến người Việt Nam cuối cùng” thì việc Kissinger lén lút đi Tầu để xin hòa cũng hiểu được và… đành thông cảm !).
7. Trong cuộc tranh đấu giữa người Việt Nam với nhau xã hội miền Nam tốt hơn miền Bắc : mức sống cao hơn, xã hội tự do, cởi mở hơn nghĩa là người dân sống tương đối thoải mái hơn nhưng không lãnh tụ miền Nam nào có vị thế của Hồ Chí Minh. Ông Ngô Đình Diệm lương thiện, tử tế, yêu nước hơn Hồ Chí Minh nhưng lại không có phẩm chất cần thiết của một lãnh tụ trong một giai đoạn lịch sử hết sức khó khăn. Ông Diệm không phải đối thủ của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nên được so sánh với nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc Chí – rất mưu cơ sắc bén, mặc dù không phải là chiến lược gia (military strategist) như Tào Tháo. Tuy nhiên sự kiện Hồ Chí Minh cũng như Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hitler trở nên siêu đẳng, siêu phàm, được yêu quý, thờ phụng như Thánh, như Phật, như Chúa… chỉ là kết quả của tuyên truyền nhồi sọ, dai dẳng từ năm này qua năm khác. Trong một xã hội bị hoàn toàn bưng bít, chỉ có luồng thông tin duy nhất từ kẻ cầm quyền thì đầu óc con người còn cảm, nghĩ khác đi sao được nhất là đã được chiếu cố ngay từ tuổi thiếu niên, và nhất là guồng máy tuyên truyền cực kỳ quan trọng ấy lại được điều khiển bởi những tay phù thuỷ ngôn ngữ như Tố Hữu. Bài thơ sau đây chắc chắn đã làm miền Bắc Việt Nam ngập lụt trong nước mắt khi “Bác” Hồ qua đời năm 1969 là một thí dụ điển hình:
Trái bưởi vàng kia ngọt với ai
Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay
…
Bác ơi tim bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người
…
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
…
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
…
Tưởng tượng trong đêm thanh vắng được nghe Hồ Điệp hay Hoàng Hương Trang ngâm bài thơ não nùng đến rơi lệ này thì dù có biết chắc Hồ Chí Minh là thủ phạm chính giết 200.000 người trong Cải Cách Ruộng Đất, trong khởi nghĩa Quỳnh Lưu, Tết Mậu Thân ở Huế… cũng không nỡ gọi “Bác” là “tên đồ tể”, cũng như dù biết Tố Hữu cùng một tài hoa, một văn phong đã khóc “tên đại đồ tể” Stalin kẻ đã giết 40 triệu người :
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Có nhiều tác giả ngoại quốc yêu Hồ Chí Minh nhưng không thể “si tình” như người dân Bắc Việt Nam vì họ không cảm được thơ Tố Hữu (dịch là phản mất rồi), cái cảm quan của họ không phải là cảm quan của người Việt Nam, họ không bị ảnh hưởng bởi hàng trăm, hàng nghìn ông Tố Hữu lớn nhỏ trong mọi ngóc ngách của đời sống, họ không được hay không bị tràn ngập hay “điều kiện hoá” bởi guồng máy tuyên truyền/ thông tin “định hướng”, kiểm soát chặt chẽ tương tự như trong chế độ Stalinist còn sót lai ngày nay tại Bắc Hàn.
8. Hồ Chí Minh đã chết hơn 50 năm, Vietnam War kết thúc hơn 45 năm, thế giới cộng sản sụp đổ gần 30 năm, Adam Smith, John Maynard Keynes đã đánh bại Karl Marx và hình tượng các tay tổ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao đã ra nghĩa địa hay đã vào nhà kho. Bụi đã lắng, huyền thoại không còn là huyền thoại. Người Việt Nam còn sôi nổi về công, tội của Hồ Chí Minh nhưng trong thế giới Tây Phương nói chung, Mỹ nói riêng không còn mấy ai để ý đến Hồ Chí Minh, không còn mấy ai thắc mắc nhân vật lãnh tụ cộng sản “thường thường bậc trung” này là loại lãnh tụ cộng sản gì – cộng sản “quốc gia” như Tito hay cộng sản “Chân Chính”, luôn luôn muốn là một thành viên tận tuỵ trong phong trào cộng sản quốc tế và cùng lúc muốn làm đàn em ngoan của cả đàn anh cộng sản số 1 và đàn anh Cộng sản số 2 ? Lẽ dĩ nhiên, câu chuyện có thể khác đi nếu Hồ Chí Minh để lại một nước Việt Nam (nơi Lăng Bác uy nghi nằm giữa thủ đô) là Rồng, là Cọp (như trường hợp của Đặng Tiểu Bình hay Phác Chính Hi) thay vì là Rắn, là Mèo ? Đó có phải là lý do trong mười mấy năm qua các tác giả phương Tây cũng không có tác phẩm nào đáng nói viết về Hồ Chí Minh ngoại trừ quyển “Ho Chi Minh : A Life” của William Duiker, một quyển sách được viết khá cẩn thận, khá chuyên nghiệp nhưng không có mấy độc giả ?
(Dù bỏ nhiều công phu Duiker cũng không có đóng góp quan trọng nào làm thay đổi những hiểu biết căn bản về Hồ Chí Minh và nếu Duiker có ý định thuyết phục mọi người rằng Hồ Chí Minh quả thực là Tito của Châu Á thì tác giả đã không thành công. Cần phải nói thêm rằng sau khi đế quốc Sô-viết tan vỡ, vì mất hẳn chỗ dựa nên đã có nhiều nỗ lực từ phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tuyên truyền về “cái gọi là” tư tưởng Hồ Chí Minh trong đó “play up” tư tưởng quốc gia và “play down” tư tưởng cộng sản của “Bác” trái hẳn với lúc “Bác” còn sống, khi Phong trào cộng sản quốc tế còn đầy triển vọng, “con người yêu nước” và “con người cộng sản” của “Bác” được trinh bầy như là một phối hợp quân bình ưu việt, tuyệt hảo, hoàn toàn không có gì mâu thuẫn. Vô tình hay cố ý sách lược “thích nghi để sinh tồn” như con tắc kè đổi mầu này đã được phụ hoạ và minh hoạ bởi một số tác giả phương Tây).
9. Không nên ngạc nhiên cùng một vấn đề, cùng một đề tài mà các tác giả Việt Nam và ngoại quốc nhìn khác nhau. Đúng ra, khác nhau là đương nhiên, giống nhau mới là bất bình thường. Cảm quan khác thì ý kiến khác. Cảm quan (perspective) do nhiều yếu tố : hệ thống giá trị, tư tưởng, tình cảm, kinh nghiệm, tâm lý, văn hoá, hoàn cảnh, trình độ, quyền lợi quốc gia, tính toán cá nhân và dĩ nhiên cả những hậu ý muốn dấu kín…Về trường hợp Hồ Chí Minh, người ngoại quốc cũng nhìn khác nhau, cái nhìn của người Pháp không nhất thiết giống người Mỹ, người Tầu, người Ba Lan, người Cuba. Việt Nam với nhau, người cộng sản tất nhiên nhìn ngược hẳn người quốc gia.
Câu hỏi quan trọng : “Tại sao các tác giả người Việt quốc gia ‘quá khe khắt’ với Hồ Chí Minh thậm chí vừa viết, vừa chửi trong khi các tác giả người Mỹ thì ‘ôn hòa và thường nghĩ tốt, nói tốt cho Hồ Chí Minh’ ?”
Trước hết không nên so sánh quả cam với quả táo. Không thể so sánh khập khiễng quyển sách của Duiker dầy công nghiên cứu 6, 7 trăm trang với bài báo chợ dài 2 trang của Đào Nương đăng trên Sài Gòn Nhỏ. Độc giả chính của Duiker là giới trí thức phần lớn là người Mỹ đọc tiếng Anh. Độc giả của Đào Nương là giới bình dân người Việt đọc tiếng Việt. Nếu bài viết của Đào Nương hay của một ai khác có vẻ “hàng tôm, hàng cá”, “chống cộng cực đoan” gọi Hồ Chí Minh thằng nọ, thằng kia, lãnh đạo cộng sản là bọn bán nước “hèn với giặc, ác với dân”… thì nên hiểu rằng đây là chuyện chửi qua, chửi lại đã kéo dài hơn mấy chục năm qua khi bên kia gọi bên này thằng Diệm, thằng Thiệu, lính Nguỵ, bọn bồi bếp, đĩ điếm, cờ ba que…
Việc xuống thang “đấu võ mồm”, nếu muốn, phải làm từ cả hai bên giữa người Việt với nhau. Còn nếu chỉ trích, chê bai một bên thì một là không hiểu rõ vấn đề, hai là thiên vị và tất nhiên không phải là… apolitical. Ngày trước trong chiến tranh đài phát thanh, báo chí của cộng sản Việt Nam vẫn gọi thằng Johnson, thằng Nixon. Bây giờ giữa cộng sản Việt Nam và Mỹ cuộc chiến đã kết thúc 45 năm rồi nhưng giữa người Cộng sản Việt Nam và người Quốc gia Việt Nam thì chưa, ít nhất về phương diện tâm lý.
Người Mỹ “thua” tại Việt Nam nhưng không hận gì Hồ Chí Minh hay cộng sản Việt Nam cả. Hận là vô lý, mang quân đến đất người, đánh không thắng thì rút, cũng hơi mất mặt một chút nhưng… “not a big deal” ! Việt Cộng giết 50.000 lính Mỹ nhưng Mỹ giết tới 1 triệu Việt Cộng chưa kể bom đạn tàn phá, chưa kể làm những điều mà chính người Mỹ cũng thấy là tàn ác và ngu xuẩn như vụ Mỹ Lai. Vả lại, Mỹ đến Việt Nam là vì vấn đề nước Tầu, không phải để chiếm Việt Nam làm thuộc địa như Pháp. Tầu là tuồng chính, Việt Nam là tuồng phụ. Khi Kissinger giải quyết được vấn đề Tầu rồi còn lằng nhằng chuyện Việt Nam chi nữa ? Ngoài ra cho dù Mỹ có “thua” cộng sản tại Việt Nam nhưng cuối cùng thắng cộng sản trên toàn thế giới, vẫn tiếp tục làm trùm thiên hạ, trùm cả thằng được coi là “thắng” chiến tranh Việt Nam, còn định dùng nó làm quân cờ mới trong ván cờ chia thiên hạ với nước Tầu đang lên, như vậy là “ngon” quá rồi, thì còn hận nỗi gì ?
Đối với người Việt Nam quốc gia thì khác. Thù nhà, nợ nước. Làm sao quên được !? Nhà mình nó ở, vợ mình nó lấy, con mình nó bắt làm đầy tớ hay đi vác đạn ; nó đánh lừa 10 ngày học tập cải tạo, ai ngờ khổ sai mút chỉ 10 năm, (tù binh Mỹ trong tay cộng sản là “con tin” được “quý hoá” ăn uống đầy đủ, chăm sóc y tế cẩn thận để tương lai còn trao đổi với đế quốc giầu có, còn tù “nguỵ”, chết thằng nào, bớt thằng đó !). Bởi thế, chết mất xác trong rừng sâu, chết mất xác trên biển, hàng vạn, hàng vạn người…
Mặt khác, một triệu công an “còn đảng, còn mình” bảo vệ “bọn cướp nước” vẫn tiếp tục chia nhau chiến lợi phẩm, tham nhũng ngập ngụa mà miệng ra rả noi gương đạo đức của “Bác” Hồ vĩ đại, ca tụng sự nghiệp “trăm năm trồng người” của Hồ Chủ Tịch nhìn xa trông rộng… như vậy không chửi Hồ Chí Minh thì chửi ai đây ?
(Thực ra, nghĩ cho cùng, tội nghiệp cho Hồ Chí Minh, về một phương diện ông ta là người đáng thương : “Bác” viết di chúc dặn phải thiêu, tro trải trên các miền đất nước nhưng những đệ tử “thân yêu, trung thành” nhất của “Bác” quyết định xác “Bác” còn có chỗ dùng – một cách nôm na là dùng làm “bùa” để bảo vệ chế độ, bảo vệ chính họ nên ruột gan mổ bỏ đi, xác bắt nằm ngu ngơ mấy chục năm không được chôn cất. Hàng năm TV ở Việt Nam trình diễn hình ảnh các đệ tử nối nghiệp “Bác” như đám Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh… – mà vàng bạc, ngà voi, thảm đỏ, tượng đồng, trống đồng… đã chất đầy nhà riêng như vua chúa, cả triệu người biết – lục tục vào Lăng Bác dâng hương tế lễ, sụt sịt nước mắt ngắn dài nguyện theo gương Bác, nào là “trung với nước, hiếu với dân”, nào là “cần kiệm, liêm, chính…”).
Người ta kể rằng trong một bài giảng ở đại học Hà Nội, phân khoa Sử, về thời đại đồ đá, đồ đồng một sinh viên đứng lên hỏi giáo sư sử gia Trần Quốc Vượng : “Thưa thầy, thời đại của chúng ta là thời đại đồ gì ?” Ông thầy già trả lời tỉnh bơ, “Thời đại Đồ Đểu chứ còn đồ gì nữa !”
Đấy, cảm quan (perspective) của người Mỹ và của người Việt khác nhau ở những chỗ này, có ai dịch cho William Duiker hiểu được không ?
10. Việt Nam là Quê Hương, Tổ Quốc của người Việt Nam, chuyện Việt Nam là chuyện “nội bộ”, chuyện trong nhà nên người Việt Nam bận tâm, trăn trở cả đời… là bình thường ; sách vở, báo chí của người Việt Nam viết về các vấn đề Việt Nam có quá nhiều cũng là bình thường. Tất nhiên nhiều như thế thì sách hay, báo hay thì ít, sách dở, báo dở thì nhiều. Ai cũng muốn đọc sách hay, báo hay chẳng ai đi tìm sách dở, báo dở để đọc trừ phi có hậu ý đặc biệt.
Những người quả thực muốn tìm hiểu về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh thì phải tìm đọc các tác giả Việt Nam hay nhất thay vì dở nhất để rồi có thể đối chiếu một cách công bằng với những tác giả phương Tây hay nhất để từ đó tìm câu trả lời : quan điểm của 2 loại tác giả Việt và ngoại quốc có khác nhau nhiều như người ta nghĩ không ; những quan điểm khác nhau nhìn từ những lăng kính, cảm quan khác nhau của những người trí thức trung thực, có thẩm quyền làm người đọc bị mê loạn hay lại thực ra giúp soi sáng các góc tối của nhân vật Hồ Chí Minh ? Để tóm tắt, xin đề nghị một số tác giả Việt Nam mà người viết mấy dòng này thành thực tin rằng ý kiến của họ về đề tài Hồ Chí Minh và chiến tranh Việt Nam ít nhất cũng có giá trị cùng đẳng cấp với ý kiến của các tác giả Tây Phương thường được coi là chuyên gia hạng nhất nghiên cứu về Việt Nam như Bernard B. Fall chẳng hạn. Những tác giả Việt Nam đề nghị để tìm kiếm và đọc trên Internet là : Nguyễn Ngọc Huy (đặc biệt bài viết “Hồ Chí Minh : Tội Phạm Nhơn Quyền”), Hà Sĩ Phu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Chí Thiện, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Gia Kiểng… Danh sách dĩ nhiên không đầy đủ và dĩ nhiên xin nhớ “tận tín thư, bất như vô thư”. Và, quan trọng hơn nữa “Văn hoá là cái gì còn lại khi người ta đã quên hết cả, là cái gì còn thiếu, khi người ta đã học đủ cả.” Và “Cái còn thiếu” ấy phải được bù đắp bằng sự suy luận, bằng khả năng phân tích và tổng hợp của chính mình. Không có cách nào khác !
Cao Tuấn
(02/09/2020)
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/18650-nh-ng-quan-di-m-khac-nhau-v-h-chi-minh