Những người nô lệ Việt Nam giữa thế kỷ 20 trên đất Pháp – Nguyễn Hoài Vân
Vào lúc cuộc thế chiến thứ hai bùng nổ, từng đoàn người Việt Nam đã bị bắt lùa vào những trại tập trung để chờ được đưa sang “mẫu quốc” Phú Lang Sa. Họ sống chồng chất lên nhau suốt nhiều tuần, nhiều tháng, trong những điều kiện tàn nhẫn, trước khi bị nhồi nhét xuống tàu như súc vật, khiến ta không khỏi nhớ lại tấn thảm kịch của những người nô lệ trước đó không đầy 100 năm…
(Nhân ngày kỷ niệm bãi bỏ nô lệ 10 tháng 5)
Người Pháp sẽ kỷ niệm 150 năm người nô lệ được trả tự do vào năm 1998 này. Từ thời xa xưa nhất của xã hội loài người, nô lệ đã hiện hữu. Thông thường, người nô lệ thuộc một sắc dân khác với các “chủ nhân” của họ. Chế độ nô lệ cổ điển là một hệ luận của tư tưởng dân tộc ưu thắng, cho dân tộc của mình là cao quý hơn dân tộc khác. Người Tây Phương đã mang mặc cảm tự tôn này suốt một phần lớn của lịch sử tiếp cận với các dân tộc sống trên các vùng đất ngoài Âu Châu, của họ. Mặc cảm tự tôn, dẫn đến thái độ miệt thị, rồi rẻ khinh giá trị con người của những sắc dân khác, rồi sử dụng những con người bị tước đoạt phẩm giá ấy như những thú vật, hay như đồ đạc có thể mua bán, trao đổi, hay dùng xong vứt đi cho đỡ vướng bận…
Nền tảng luân lý và tôn giáo của xã hội Tây Phương cũng đã thích nghi hóa với khuynh hướng tự tôn phi nhân này. Từ nền Dân Chủ Athène, ngày nay vẫn còn được tôn sùng, sang thể chế “pháp trị” La Mã, khuôn mẫu của đa số các nền “pháp trị”, cho đến chế độ thoát thai từ cuộc chiến dành Độc Lập của Hoa Kỳ, cũng như phần lớn các Giáo Hội Ky Tô Giáo đều đã từng là những thành viên đắc lực hoặc đồng lõa của sự buôn bán và khai thác nô lệ. Năm 1685, Giáo Hội Công Giáo ban hành bộ “Luật Đen” (Code Noir), chính thức biện minh cho việc sử dụng nô lệ tại các thuộc địa Mỹ Châu. Người ta cũng không quên việc Tòa Án Giáo Hội họp tại Valladolid để xét xem những người thổ dân châu Mỹ có phải là những con người hay không? Một trong những lý lẽ đưa ra để biện minh cho nhân tính bị nghi ngờ của những người này, là… họ biết cười!
Quả thực, họ biết cười, ngay cả trong điều kiện thê thảm của họ và dân tộc họ. Trước lúc người Âu Châu đến Châu Mỹ, tại lục địa này có khoảng 80 triệu dân. Chỉ vài năm dưới sự đô hộ của người Âu Châu, 80 phần trăm trong số họ đã thiệt mạng. Đảo Hispanola, ngày nay là Haiti, có từ 7 đến 8 triệu dân năm 1492 lúc được Christophe Colomb “khám phá” ra, xuống dưới 4 triệu vào năm 1496, và chỉ còn vỏn vẹn… 125 người năm 1570! Ngày nay đại đa số dân Haiti là hậu duệ của những người đến từ Phi Châu. Thật vậy, để bù đắp vào sự “thất thoát”, sự “đào ngũ” thiếu tế nhị này của đám nhân công “da đỏ” ấy, người ta đã phải nỗ lực nhập cảng từ Phi Châu hàng chục triệu nô lệ. Khi làm như thế, người ta cũng đã tiêu hủy phần lớn cấu trúc của các xã hội Phi Châu, với di hại cho đến bây giờ.
Nhiều quốc gia Âu Châu đã làm giàu nhờ buôn nô lệ. Gần nơi tôi ở, có thành phố Nantes là một hải cảng xây dựng sự trù phú của mình trên xương máu người nô lệ. Từ 1715 đến 1789, có 1427 cuộc hải trình buôn nô lệ phát xuất từ Nantes, với số tử vong không dưới 15 phần trăm…
Cách Mạng Pháp bãi bỏ việc buôn nô lệ năm 1794, bằng một nghị định hình thức chẳng ai thèm áp dụng. Mãi đến năm 1848 người nô lệ mới được trả tự do. Đến nay, là 150 năm.
Mặc dù vậy, rất gần với chúng ta, vào lúc cuộc thế chiến thứ hai bùng nổ, từng đoàn người Việt Nam đã bị bắt lùa vào những trại tập trung để chờ được đưa sang “mẫu quốc”. Họ sống chồng chất lên nhau suốt nhiều tuần, nhiều tháng, trong những điều kiện tàn nhẫn, trước khi bị nhồi nhét xuống tàu như súc vật, khiến ta không khỏi nhớ lại tấn thảm kịch của những người nô lệ trước đó không đầy 100 năm. Điều khác biệt là, như chúng ta sẽ thấy, trong những điều kiện mới, cuộc hành trình ấy đã biến thành một thiên anh hùng ca.
Họ là bốn vạn công binh và chiến binh Việt Nam, hàng đợt bị cưỡng bách đưa sang Pháp đóng góp vào cuộc thế chiến thứ hai (thiểu số duy nhất tình nguyện là lính khố đỏ). Lịch sử của họ, phải nói là thiên anh hùng ca của họ, đã được Đặng Văn Long, một nhân chứng và học giả kể lại trong một tác phẩm rất giá trị vừa được “Tủ sách Nghiên Cứu” (BP 246 , 75224 Paris Cedex 11) phát hành năm 1997, với tựa đề “Người Việt tại Pháp 1940-1954”. Họ chính là tập thể đông đảo nhất trong số người Việt tại Pháp lúc bấy giờ. Ngoài họ ra, chỉ có một số trí thức còn đang học hay đã đi làm, ít bồi bếp, vú em, theo chủ Pháp “hồi hương”, vài thủy thủ, thương gia, và lính phu bị bắt sang Pháp từ thế chiến thứ nhất.
Cần nhắc lại là Hoàng Tử Cảnh, khi sang Pháp năm 1787, đã ký hiệp ước nhận đóng góp binh sĩ cho Pháp khi cần, và sau này triều đình Huế, năm 1939, lại ký thêm một thỏa ước nhượng cho Pháp 5 trăm ngàn người, gửi sang “mẫu quốc” phục vụ. Cũng như ở Phi Châu, thực dân luôn tìm được sự đồng lõa nơi một số người cầm quyền bản xứ…
Đời sống của những người lính tha hương này vô cùng cơ cực. Không những họ bị hành hạ bởi các quan tây trịch thượng rẻ khinh bọn “mọi thuộc địa”, mà còn bị đám đội quản, thông ngôn, giám thị Việt Nam dựa thế Tây hống hách bóc lột, ăn lận lương thực, áo quần, giầy dép. Đó là chưa kể đến bọn du đãng hoành hành trong các căng trại, với các tệ nạn say sưa, cờ bạc, đĩ điếm… nhằm bòn rút trong hầu bao của những người lính xa nhà này chút lương tiền chắt chiu còn dành dụm được. Một số công binh đi làm cho các sở tư, thì bị ăn chặn tiền lương, chỉ được lãnh có 1 phần 6 số lương chủ trả. Đa số đều không biết chữ, kể cả chữ quốc ngữ, đừng nói chi đến chữ Pháp, nên chẳng thể nào tự bảo vệ quyền lợi của mình. Ai rục rịch phản kháng là lập tức bị tống giam trong gông cùm dã man, thời gian không dưới ba tháng rưỡi. Đói lạnh, ăn ở thiếu vệ sinh mà lỡ có đau ốm thì phải đút lót hối lộ mới được chạy chữa, kể cả trong bệnh xá dành cho họ. Một thống kê thực hiện trên 14846 Công Binh, cho biết có 1050 người chết, đại đa số do bệnh tật, tức hơn bảy phần trăm, con số tử vong cao hơn bất cứ tập thể quân hay dân sự nào ở Pháp trong cùng thời kỳ …
Trong tình trạng bi đát ấy, tiểu tổ BL của phong trào Đệ Tứ Quốc Tế hình thành, với sáu vị, gồm những người đào ngũ. Cơ cấu tiên khởi này được khuếch trương nhanh chóng, với sự tham gia của một số trí thức như Hoàng Đôn Trí, học trò của Tạ Thu Thâu. Sau khi nước Pháp được giải thoát khỏi sự đô hộ của Quốc Xã Đức, tổ chức vừa hình thành đã đắc lực hoạt động để giúp binh sĩ Việt Nam tại Pháp nhân dịp đứng lên đòi hỏi cải thiện đời sống, và lập nên các Ủy Ban Đại Diện, các tổ chức thanh niên thể thao, tương tế, tự vệ, v.v… Kết quả là bộ mặt các “căng trại” dần dần thay đổi, bọn cường quyền phải e dè, đám du đãng buộc phải rút đi, và đời sống binh sĩ Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn. Nạn mù chữ cũng bị đẩy lùi, một thành công lớn, cùng với việc dạy nghề cho binh sĩ.
Sự thành công của phong trào tự quản của Công Binh đã nổi bật đến nỗi gợi lên được ý thức cần đi đến việc thành lập một Ủy Ban Đại Diện chung cho toàn thể Việt kiều tại Pháp, với một mục tiêu xa hơn là tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Công việc này tiến hành khả quan với sự hình thành của một Ủy Ban Lâm Thời, gồm các nhân vật Đệ Tứ và Quốc Gia. Trong khi đó, phe CS hậu thân của Đệ Tam Quốc tế, kịch liệt tẩy chay mọi nỗ lực kết hợp người Việt không nằm dưới sự chỉ huy của họ. Đến tháng chạp năm 1944 thì Tổng Ủy Ban Đại Diện Việt Kiều ra đời sau một Đại Hội ở Avignon.
Hoạt động của Tổng Ủy Ban trước dư luận bản xứ là những đòn nặng đánh vào chính sách thực dân của Pháp. Chính quyền bản xứ ra lệnh giải tán Tổng Ủy Ban Đại Diện Việt Kiều vào tháng 10 năm 1945, và bắt giam một số đại biểu. Hai tháng sau, một Đại Hội được triệu tập tại Mazargues, và một tổ chức khác ra đời, lấy tên là Việt Kiều Liên Minh. Công cuộc gầy dựng một tổ chức người Việt tại Pháp đã thành hình được một cách vững chắc bất chấp sự cấm đoán của thực dân, chính là do công đầu của những người Công Binh Việt Nam.
Nhờ đó, vào năm 1946, khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh trở sang Pháp, thì Việt Kiều đã có tổ chức, nhưng không phải được tổ chức dưới ngọn cờ của Đảng CS. Công Binh và người Đệ Tứ lại có mặt trong hầu hết các tổ chức Việt Kiều, những người Đệ Tứ mà ông Hồ và các đồng chí Đệ Tam của ông đã gần như giết sạch trong quốc nội. Vì thế đảng CS không ngớt tấn công các tổ chức Việt Kiều đã được thành lập, bằng cách gây chia rẽ giữa người Quốc Gia và Đệ Tứ, rồi giữa Công Binh với nhau… Với Trần Ngọc Danh, người đại diện của chính phủ Hồ Chí Minh tại Pháp, những màn vu khống bôi bẩn đại diện Công Binh được giàn dựng công phu. Ông Danh liên kết với thành phần du đãng lưu manh không còn hoành hành được ở các căng trại nhờ chính sách tự quản của các Ủy Ban Đại Diện, để trở lại khuấy nhiễu đời sống của Công Binh, hành hung đại biểu, phá phách rồi gọi cảnh sát đến điều tra, khám xét. Đảng CS Pháp lúc ấy cũng nằm trong chính phủ, nên có sự đồng lõa bên phía công quyền, cảnh sát. Trong một cuộc ẩu đả do phe CS gây ra ở trại Mazargues, năm người thiệt mạng, Công Binh phụ trách Ủy Ban Tự vệ bị cảnh sát bắn chết, hàng chục người bị thương nặng, nhiều người tàn phế. Chưa hết, một số Công Binh còn bị truy tố ra tòa và phải lãnh án dù cho không có bằng chứng gì để buộc tội họ. Mặc dù tốn nhiều công sức với những phương tiện bá đạo và phi nhân, phe CS đệ tam cũng không kéo nổi những người Công Binh đã quen với sinh hoạt dân chủ về với chủ trương độc tài của họ (trong số 60 đại đội, gọi là cơ, compagnie, thì chỉ có một cơ rưỡi theo CS đệ tam).
Rồi khi đa số Công Binh trở về nước, khoảng 1000 người đã ở lại Pháp, và tổ chức đại diện Công Binh biến thành Hiệp Đoàn Thợ Việt Nam, với báo “Tiếng Thợ” , tiếp tục truyền thống cũ.
Câu chuyện thường bị lãng quên của họ là câu chuyện của những đồng bào xa quê hương xứ sở, đã từ một tình trạng bị đối xử như súc vật, như nô lệ, không những vươn lên tranh thủ được quyền sống như những con người, mà còn vận dụng ý thức chính trị của mình để tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Họ là những con người đã giác ngộ phẩm giá của mình và hành động để phẩm giá ấy cũng như phẩm giá của mọi con người khác được tôn trọng. Hiện những vị còn lại trong số họ đều đã lớn tuổi, nhưng vẫn còn nỗ lực hoạt động dưới sự điều khiển của Hoàng Khoa Khôi, hưu trí tại Paris.
——-0——-
Ngày nay, chế độ nô lệ đã chính thức cáo chung, nhưng mặc cảm ưu thắng của người Tây Phương vẫn còn khá đậm nét. “Mẹ” Thérésa, được dựng lên như vị cứu tinh của dân nghèo Ấn Độ, là một biểu tượng khả kính của khuynh hướng này. Công nương Diana cũng phải thêm vào tuyển tập vô số phim ảnh về mình, hình ảnh nàng ôm vào lòng một đứa bé da đen (không phải “bé” Al Fayed đâu đấy nhé!) … Không cần phải nhắc đến những biểu tượng khác, thô bạo và trắng trợn hơn. Mặt khác, bên cạnh biện minh chủng tộc và tôn giáo, thế kỷ 20 đã phát minh thêm được một nguyên nhân mới để chà đạp nhân tính của người khác, đó là ý thức hệ. Goulag, trại tập trung, cải tạo, với hàng trăm triệu người bỏ mạng dưới gót giầy tàn ác của kẻ đồng hương, đồng chủng với mình, là những hình ảnh đặc thù của thế kỷ này. Một đặc điểm khác đáng gây chú ý của thế kỷ 20 là sự khiếm hụt nhân công của thời hậu thế chiến đã bị thay thế bằng một tình trạng ngược lại. Hầu như khắp nơi, nghèo cũng như giàu, người ta đều phải chống trả với nạn thất nghiệp. Và nếu người nô lệ khi xưa phải trả giá cho sự sinh tồn của mình bằng một nỗ lực lao động to lớn, thì ngày nay, người nghèo khổ trong nhiều xã hội là những người không có việc gì để làm cả! Sự ăn không ngồi rồi cưỡng bách của họ là điều kiện để những người khác, những người có công ăn việc làm, duy trì được đồng lương và mức sống, trong khi chờ đợi nền kinh tế phát triển thêm.
Giả sử chế độ nô lệ được tái lập lại vào năm 1998, thì có lẽ nó sẽ bị các nhà kinh tế phản đối mạnh, vì… phản kinh tế!
Nguyễn Hoài Vân