Những ngày cuối cùng ở Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, 03/1975
Hòa bình đâu không thấy, chỉ thấy chiến cuộc ngày một khốc liệt hơn với sự thất lợi ở phía Việt nam Cộng Hòa. Nhu cầu về nhân lực cho chiến trường và các đơn vị yểm trở vẫn đòi hỏi rất cao. Ngày 20 tháng 2 năm 1975, khoá 21 Quân Y Hiện Dịch chúng tôi gặp nhau lần cuối để nhận nhiệm sở; 68 Y sĩ, 8 Dược sĩ và 5 Nha sĩ được phân phối đi phục vụ trên toàn quốc trong lúc cuộc chiến đang diễn ra một cách khốc liệt khắp mọi nơi. Chúng tôi chỉ còn đủ thì giờ để chụp tấm hình kỷ niệm với Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân chỉ huy trưởng trường Quân Y trước khi chia tay ra đơn vị.
Chiến trường đang sôi động, hầu hết các Quân Y sĩ đều ra phuc vụ ở các binh đoàn, Thủ khoa Nguyễn Phan Khuê đuợc bổ nhiệm về QYV Ban Mê thuột. Và vì nhu cầu trong chiến tranh, một số các cựu nội trú Ngoại khoa được bổ nhiệm về các Quân Y viện. Phan Thanh Hải và tôi về Tổng Y viện Duy Tân, Đà Nẵng, Nguyễn Dương Mỹ về QYV Nguyễn Tri Phương, Huế, Nguyễn Chí Vỹ và Trần Ngưu Tử về QYV Pleiku, Trần Văn Cương về QYV Ban Mê Thuột.
Và Mọi người rồi sẽ vất vả.
Bồi hồi khi trở lại Đà nẵng, nơi tôi đã lớn khôn dưới mái trường Trung Học Phan Chu Trinh; phấn khởi khi tìm lại những kỷ niệm ở chốn cũ trường xưa. Đầu tháng 3/1975, chúng tôi đã tìm phương tiện ra đà nẵng đến trình diện Y sĩ Trung Tá Lê Xuân Thảo (chỉ Huy Trưởng ) và Y sĩ Trung Tá Tạ Thúc Phú, chỉ Huy Phó. Đứng nghiêm, chào tay và xưng danh: “tôi Y sĩ Trung Uý BT Thức trình diện Trung tá Chỉ Huy Trưởng…” Hai vị đàn anh thấy thế khoát tay và nói ngay: “anh khỏi phải xưng danh trình diện nữa, tôi biết anh là ai rồi, anh có thể ngồi xuống đây nói chuyện….”
Bác sĩ Thảo và BS Phú lật quyển kỷ yếu của khoá 21 Hiện dịch của chúng tôi và cho biết các anh đã đọc qua và thông hiểu mọi thứ. Hai anh niềm nỡ chào đón chúng tôi và cho người đưa chúng tôi về thẳng khối Ngoại Khoa. Trưởng khối Ngoại Khoa là Y sĩ Thiếu tá Phạm Văn Lương và phụ tá là Y sĩ Đại Uý Phạm Bá Khá. Tôi đã nghe danh Thiếu tá Lương từ nhiều năm trước, khi ông mang lựu đạn ngồi trước thềm Hạ Nghị Viện để phản đối chính phủ và đòi điều tra về cái chết của bạn anh: BS Hà Thúc Nhơn. Giờ được diện kiến anh, người nhỏ nhằn rắn chắc, quyết đoán, nói giọng Miền Trung, nhỏ nhẹ, lưu loát. Anh chào đón chúng tôi chờ sự hợp tác nhiệt tình và hứa giúp đỡ những gì chúng tôi cần thiết trong phạm vi quyền hạn.
Trại Ngoại Khoa có khoảng 10 bác sĩ giải phẫu: ngoài anh Lương và anh Pham Bá Khá có anh Vũ Quốc Cương, Trưỏng khoa gây mê, các anh Nguyễn Ngọc Khôi, Trương Ngọc Thạch, Khưu Ngọc Tiên, anh Tuấn (không nhớ họ) trên tôi vài lớp, xuất thân từ khu tai mũi họng (ORL) của Bệnh viện Nguyễn Văn Học… Tôi và Phan Thanh Hải là hai tân binh.
Một ngày sau khi chúng tôi trình diện thì anh Nguyễn Văn Hiếu cũng đến trình diện. Anh Hiếu trên chúng tôi mấy lớp vì trục trắc về tình trạng Quân dịch nên trình diện trễ vào khoá Trưng tập 16, học chung hành Chánh Quân Y với chúng tôi. Anh Hiếu rất nhiều năm làm Nội trú ở Khu Thần Kinh Giải phẩu, là đệ tử của thầy Đặng Văn Chiếu.
Ba người “chân ướt” chúng tôi được giao nhiệm vụ ngay. Anh Hiếu coi khu Thần Kinh Giải Phẩu thay Y sĩ Đại Uý Nguyễn Đăng Tri thuyên chuyên đi nơi khác, Phan Thanh Hải về khu chỉnh trực (Orthopédie) còn tôi thì về khu Tê Liệt thay thế Y sĩ Trung Uý Đặng Văn Chất được thuyên chuyển về Sài gòn. Tôi thất vọng khi về khu Tê Liệt vì đây không phải là chuyên môn của tôi, nhưng là lính mới tò te, tôi chấp nhận nhiệm sở, cố gắng hòan thành nhiệm vụ và hy vọng ngày mai trời lại sáng.
Khi xuống trại Tê Liệt, ông Y tá trưởng, Thượng sĩ Thọ đã cho nhân viên “dàn chào” tiếp đón tôi. Tất cả 15 Y tá và nhân viên xếp 2 hàng, nghiêm chỉnh chào tay khi tôi bước về bàn giấy. Một chút ngỡ ngàng và hãnh diện vì là lần đầu tiên trong đời tôi được chào đón theo nghi lễ với chút địa vị và trách nhiệm đi kèm.
Bàn giấy còn tên của BS tiền nhiệm: Y Sĩ Trung Uý Đặng Văn Chất, Trưởng Khu Tê Liệt; bên cạnh là điện thoại và tủ sắt đựng dụng cụ Y khoa, một ít thuốc men và vật dụng cá nhân; tôi được trao chìa khoá để xử dụng. Sau vài câu chào đón và đáp lễ, Thượng sĩ Thọ lấy lòng tôi: “mong rằng chúng em được học hỏi thêm nhiều kiến thức Y khoa từ Bác sĩ.” Tôi cũng nói vài câu đưa đẩy nhưng không khách sáo.
Vạn sự khởi đầu nan, một việc khó xử đối với tôi chỉ vài phút sau đó. Thượng sĩ Thọ đưa ra một xấp giấy khá dày và xin tôi ký tên, ông nói đó là danh sách thuốc của bệnh nhân ngày hôm nay; nếu không có chữ ký của tôi, tất cả bệnh nhân trong trại khoảng 60 người sẽ không có thuốc dùng. Tôi ú ớ, không biết mô tê gì cả.
Thuốc cho bệnh nhân nhưng bệnh nhân là những ai? Họ bị bệnh ra sao, đã dùng thuốc bao lâu rồi, tất cả tôi đều không biết gì hết. Tôi dùng dằng chưa muốn ký, định đi hỏi anh Lương và anh Khá nhưng thì giờ không cho phép. Tôi phải cắn răng mà ký tên và định sẽ đem vấn đề này trình với anh Lương.
Y sĩ Trung úy Nguyễn Đăng Tri người tạm thay anh Chất kiêm nhiệm Trại Tê liệt hướng dẫn tôi đi coi bệnh trong trại để bàn giao. Phải mất 3 giờ, đi suốt trại, xem lại từng người bệnh. Anh Tri đã giúp tôi có một ý niệm về cách sinh hoạt tại trại này. Tôi có cảm tưởng trại này sinh hoạt như một viện điều dưỡng (Nursing home).
Tất cả bệnh nhân trong trại đều đã bị thương tích phải tê liệt vĩnh viễn vì chiến thương, bệnh tật hoặc những di chứng của các bệnh khác; họ đã ở đây nhiều năm tháng vì những bệnh lý kinh niên; vấn đề điều trị cấp tính gần như không còn cần thiết nữa. Bệnh nhân cần Vật lý trị liệu và trợ cấp xã hội để làm lại cuộc đời mới, nhưng vì phương tiện của Quân đội không có đủ nên họ không còn chỗ nào khác để sinh sống, họ tiếp tục ở lại trại tê liệt nhiều năm tháng và gia đình, vợ con cũng đến giăng mùng, kê giường tá túc với họ, trông thật tội nghiệp. Mỗi buổi sáng tôi phải ký giấy để họ lãnh thuốc và đồ ăn sống qua ngày.
Công việc hằng ngày của chúng tôi ngoài việc thăm khám bệnh nhân ở trại, còn khám bệnh ngọai chẩn, khám bệnh nhân ra Hội Đồng Miễn Dịch và coi và điều trị bệnh nhân ở phòng Cấp cứu trong ngày trực. Việc khám và phân loại bệnh nhân ở Hội Đồng Miễn dich đối với tôi là một việc mới mẻ mặc dù từ trước chúng tôi đã qua các khoá Hành Chánh Quân Y và Hồi sinh cấp cứu trước khi nhận nhiệm sở. Chúng tôi chưa nắm vững những tiêu chuẩn để phân loaị tàn phế của thương binh để có những quyết định đúng đắn cho thương binh đúng theo điều kiện và quyền lợi của họ. Việc này khá rắc rối và tế nhị vì tôi vẫn biết “bút sa gà chết” nên tôi rất nhiều lần phải chạy tới chạy lui để hoỉ ý kiến của các vị đàn anh.
Khó khăn nhất là trong những phiên trực của tôi thỉnh thoảng có vài anh y tá mang đến cho tôi một số chứng từ nhờ tôi ký cho những bệnh nhân mà tôi không hề biết, với lý do là các vi bác sĩ điều trị, những đàn anh của tôi quên ký mà giấy tờ thì phải cần ký cho kịp ngày giờ… Đó là điều làm tôi lo ngại nhất vì không biết phải làm sao.
Về vấn đề chuyên môn tôi thấy thoải mái và tự tin hơn, tôi không cảm thấy rụt rè hay lo ngại; những điều học hỏi từ trong trường và những kinh nghiệm khi làm nội trú được đưa ra áp dụng cho bệnh nhân và đã được nhiều thành quả tốt đẹp. Anh Phạm văn Lương nhiều lần đến trại xem tôi làm việc và bàn luận về những trường hợp bệnh lý phức tạp, hẳn anh nghĩ rằng tồi vừa mới rời trường Y khoa, còn nhớ nhiều baì vở. Tôi đã đối đáp theo những điều hiểu biết với kiến thức của mình. Có lẽ anh Lương đã tin tưởng ở tôi nhiều hơn, điều này làm tôi tự tin hơn.
Phiên trực được phân chia mỗi 4 ngày trực một ngày. Trong ngày trực 2 Bác sĩ làm việc trong Bệnh viện, hai bác sĩ ứng trực taị nhà, chờ tăng cường nếu tình hình đòi hỏi. Trong phiên trực, chúng tôi phải lo giải quyết tất cả mọi trường hợp cần phảỉ giảỉ quyết gấp. Tôi lo ngại nhất là khi phải đối phó với những trường hợp không thuộc về chuyên môn của mình ví dụ nhu các trường hợp về thần kinh giải phẩu; còn anh Hiếu thì rất ngại ngùng khi phải đốí phó với những thương tich ở bụng ngực, ruột gan. Chúng tôi có chung niềm lo lắng với những trường hợp không thuộc chuyên mon của mình. Chúng tôi thoả thuận với nhau: Anh Hiếu chuyên về Thần Kinh Giaỉ Phẩu sẽ giùp tôi khi tôi gặp trường hợp Thần Kinh Giaỉ Phẩu, và tôi sẽ giúp anh nếu anh gặp những trường hợp khẩn cấp về bụng ngực hay các thuơng tổn phần mềm, mạch máu… Tôi chưa có một chút kinh nghiệm nào về Thân Kinh Giải Phẫu, chưa bao giờ khoan sọ; giờ đây nhờ lời hứa của anh Hiếu tôi cảm thấy an tâm. Và như thế tôi và anh Hiếu an tâm làm việc cho đến ngày cuối cùng phải từ giã Tổng Y viện Duy Tân.
Nhưng mọi việc nhiều lúc không theo sự tính toán và xếp đặt của mình, chỉ một tuần lễ sau khi chúng tôi nhận nhiệm sở, trận chiến trở nên khốc liệt. Ban Mê Thuột nguy kịch và thất thủ sau mấy ngày kịch chiến, Quân đoàn II triệt thoái từ Pleiku qua ngả Phú Bổn như một cuộc hành quân không được định liệu kỹ lưỡng đưa đến những suy sụp khó cứu chữa làm mọi người hoang mang. Chúng tôi lo lắng cho số phận những người bạn đồng khoá được bổ nhiệm về Quân khu II: Nguyễn Chí Vỹ, Trần ngưu Tử, Thái Văn Châu, Phan Ngọc Hà, Thịnh “điếc”, Tân, Nghĩa, Khuê, Cương, …, Nhất là Khuê, Nguyễn Phan Khuê, chàng Thủ Khoa chân chỉ hạt bột, chỉ biết có sách vở không biết có đủ khéo léo và can đảm trong cuộc đào thoát này?
Chúng tôi đã mất liên lạc với nhau từ ngày rời Trường Quân Y, cuối tháng 2 năm 75, và Nguyễn Đình Ngọc, người bạn thân đồng khoá về Sư đoàn I cùng với Chu Kỳ Đức, Nguyễn Đỗ Quan cũng đã mất liên lạc từ dạo đó.
Một tuần sau khi đáo nhậm nhiệm sở, Phan Thanh Hải được phép 7 ngày về Trường Y khoa trình luận án tốt nghiệp nên thoát dược “cơn hồng thủy” ở Đà nẵng. Thấy tình hình ở Đà nẵng đã có những bất ổn và suy sụp nhanh chóng, nhân dịp Hải về lại Saigòn tôi gửi về Gia đình vài vật tuỳ thân trong ấy nhớ có quyển Principal of Surgery của Sabiston và chiếc béret màu tím than mà tôi đã dùng từ năm đầu tiên vào Trường Quân Y.
Tình hình chiến sự từng ngày càng bi quan: Qui nhơn, Quảng Ngãi , Quảng Tín mất liên lạc vô tuyến, chúng tôi ở Đà nẵng bị cô lập như một hòn đảo giữa đại dương cách lìa Quê hương, đất nước và gia đình, tuy vậy chúng tôi vẫn phải làm việc để chu toàn trách nhiệm của một y sĩ; hằng đêm lúc ngồi nghỉ mệt giũa các ca mổ chúng tôi chỉ biêt nghe đài BBC và VOA để theo dõi tình hình nhưng chỉ nghe được toàn những tin tức bi quan làm cho chúng tôi chỉ biết tuyệt vọng.
Giữa tháng 3 năm 1975, anh Truong Ngọc Thạch đi phép, tôi được kiêm nhiệm thêm phần điều trị cho các bệnh nhân của anh Thạch, trại Giải Phẩu lồng ngục, tôi thầm mơ ước một ngày đẹp trời nào sẽ chính thức về làm việc tại đây theo đúng chuyên mon và sở thích của tôi, nhưng điều mơ ước này đã không bao giờ thành hiện thực vì…
Ngày 25 tháng 3 là ngày sinh nhật của tôi. Dù không phải là ngày trực, vì công việc rất bận rôn, bệnh nhân tràn ngập, tôi phải cố gắng giải quyết công việc mãi đến 10 giờ đêm mới có thể ra về, quá mệt mỏi nằm lăn ra ngủ. Ngày hôm đó, là ngày Huý nhật của cụ Phan Châu Trinh, năm nào Trường Phan Châu Trinh cũng tổ chức buổi lễ rất trang nghiêm để nhớ ơn cụ, tôi đã chờ đợi và mong mỏi được trở lại mái trường xưa trong ngày lễ này để ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu, nhưng vì quá bận rộn không về sớm được mà tình hình chiến sự thì ngày một cam go, Quảng trị, Huế đã bị bỏ rơi, hàng trăm ngàn người dân tị nạn ào ào chạy về đà nẵng. Đường phố đông nghẹt người và xe cộ. Dân tị nạn đổ dồn về bất cứ nơi nào họ có thể tạm tá túc: nhà thờ, chùa chiền, trường học nên buổi lễ Húy nhật cụ Phan không thể thực hiện được.
Ngày 27 tháng 3 nhằm phiên trực của tôi và anh Tuấn, thương bệnh binh rất đông, anh Phạm Bá Khả vào tăng cường. Lúc 8 giờ sáng vào phòng cấp cứu tôi phải đối phó với trường hợp một em bé trạc 3-4 tuổi bị thương nặng vì trúng đạn pháo kích rơi vào nhà cướp ngay sinh mạng của 5 người trong nhà, chỉ còn em bé còn thoi thóp với vết thương sọ não. Tôi đến nơi em vừa ngưng thở. Cấp cứ tim phổi bằng cách xoa bóp lồng ngực (CPR) mong cố hồi sinh cho em nhưng với phương tiện thiếu thốn, không còn ống thông khí quản để giúp thở, nước biển còn rất ít, thuốc men gần cạn sạch, tôi chích 1 ống epinephrine, tiếp tục xoa bóp tim phổi nhưng vô hiệu; nửa giờ sau phải khai tử cho em. Người cha khóc lóc kêu gào bên xác con làm tôi ứa lệ. Lời khóc than rưng rức: “tại sao ông trời lại để một mình ông sống sót khi quả đạn nổ trong nhà lúc nửa đêm?”.
Chiến tranh thật là tàn nhẫn khiến dân lành chịu nhiều mất mát thiệt thòi. Suốt ngày hôm ấy, bệnh nhân tràn ngập phòng cấp cứu, mỗi đợt xe cứu thương mang về hàng chục nếu không muốn nói hàng trăm thương binh. Bệnh binh thì nhiều mà nhân lực, phương tiện tiếp liệu và thì giờ thì quá eo hẹp, dù chúng tôi tả xung hữu đột cũng không cách nào chữa trị cho tất cả mọi người. Những người ngắc ngoải sắp chết chúng tôi chỉ biết để cho họ ra đi êm thắm, chúng tôi phải dành thì giờ, nhân lực và thuốc men cho những người có cơ may sống còn. Thuốc men, y cụ, nước biển còn rất ít, không còn dồi dào như thuở Thanh Bình trước đây. Giống như anh bạn tôi y sĩ Trung úy Phạm Anh Dũng ở SĐ3 tả lại: Binh sĩ tại đơn vị anh vì thiếu đạn dược đã có người phải bỏ tiền túi ra để mua đạn.
Vì số thương binh tràn ngập , suốt ngày hôm đó có 3 bác sĩ giải phẫu ứng trực làm việc suốt ngày cùng với 2 phòng mổ và nhân viên làm việc liên tục từ sáng sớm.
Chúng tôi mổ xẻ, rửa ráy vết thương, bó bột và băng bó vết thường rồi chuyển bệnh nhân về trại. Một bệnh nhân bị thương ở đầu gối, động mạch bắp chân (popliteal artery) bị tổn thương, tuần hòan tắc nghẽn và chân tím, lạnh ngắt. Tôi mổ xẻ và mất gần 3 giờ đồng hồ để khâu vá lại động mạch, tái lập tuần hòan cho hạ chi từ dưới đầu gối và may mắn cứu được cái chân bị thương của người bệnh đó.
Đang tối tăm mày mặt, ngẩng mặt lên thấy Nguyễn Đình Ngọc, người bạn thân di tản từ Sư đoàn 1. Không cần hỏi tôi đã biết Sư đoàn 1 đã tan rã và Ngọc là một trong số rất ít người may mắn thoát hiểm sau thảm hoạ ở Huế và Thuận an, về Đà nẵng tìm tôi. Ngọc hôm nay đen kịt, quần áo lấm lem rách rưới với những thay đổi trong bộ quân phục: hai bông mai màu đen, bảng tên màu màu đen trên nền xanh olive cùng với huy hiệu Sư đoàn 1 cũng màu xanh-đen. Tôi mừng rỡ ôm chầm lấy Ngọc. Nhìn Ngọc tôi sực nhớ cho đến giờ, gần một tháng phục vụ tại Duy Tân, tôi vẫn còn mặc quân phục của Trường Quân y vói 2 bông mai vàng trên cổ áo, bảng tên màu đen trên nền trắng và nhất là huy hiệu màu đỏ của Trường Quân Y vẫn còn trên bờ vai trái. Biến chuyển chung quanh quá dồn dập khiến tôi không có thì giờ để nhìn lại mình đang mặc một bộ quân phục không hợp thời.
Nhìn Ngọc đang rã rời, xác xơ tơi tả tôi biết Ngọc đã trải qua một cuộc đào thoát hiểm nguy và gian khổ, tôi tìm một ít đồ ăn và đưa Ngọc về phòng trực của tôi nghỉ ngơi cho lại sức. Sau đó tôi lại ra tay quần thảo với hàng chục bệnh nhân đủ mọi loại vết thương cần băng bó, rửa ráy mổ xẻ và thuốc men. Tôi mổ 3 ca lớn từ sáng cho đến khoảng 6 giờ chiều. Lúc này bệnh nhân đã ổn định, tôi đi tìm Ngọc rủ đi ăn tối, nhờ anh Hiếu thay tôi khi tôi vắng mặt. Gặp anh Lương đi vào kiểm tra và thăm dò công việc, và hỏi tôi có cần giúp gì không. Tôi báo cáo mọi việc xảy ra từ sáng , anh có vẻ hài lòng vì hầu hết bệnh nhân mới về đã được chăm sóc và chữa trị chu đáo, và anh đồng ý cho phép tôi ra ngoài ăn tối với Ngọc.
Trời đã nhá nhem tối, đèn đường đã lên, chúng tôi ngồi trên vỉa hè một quán ăn và gọi đồ dùng bữa tối. Sau vài lời thăm hỏi, Ngọc khuyên tôi phải tìm cách đào thoát càng sớm càng tột, ráng tránh cái thảm hoạ mà Ngọc biết sẽ xảy đến với chúng tôi bất cứ lúc nào, cái thảm hoạ mà Ngọc vừa mói trải qua ngày hôm trước và vì đó những người bạn đồng khoá của chúng tôi ở mặt trận Huế, Quảng trị đều hòan toàn biệt tăm. Tôi nghĩ đến Vũ Đức Giang và Nguyễn Tiến Dũng, hai người bạn đã tình nguyện về Thuỷ Quân Lục Chiến khi chọn nhiệm sở. Họ tình nguyện về đơn vị thật sự “đánh đấm“, giờ này hai người bạn nghệ sĩ ấy, một tay chơi trống và một tay chơi Tây ban cầm, nhạc cổ điển giờ xoay xuở ra sao? Và còn Bá Linh, Châu, Sĩ, Hiền, H Đ Đại, Bùi Ngọc Sĩ…các bạn ra sao?
Tôi tự hỏi có thể làm được gì trong đêm tối này và nhất là tôi còn phải làm nhiệm vụ trực bệnh viện đêm nay và còn biết bao nhiêu thương binh đang cần sự giúp đỡ chữa trị.
Tôi tìm cách trấn an Ngọc và khuyên Ngọc sáng hôm sau tìm mọi cách thoát hiểm về miền Nam, còn tôi, tôi còn nhiệm sở, tôi cũng sẽ tìm cách xoay xuở tuỳ theo tình thế biến chuyển thế nào. Tôi không thể bỏ đơn vị vào lúc này. Sau nhiều lần thuyết phục mà không lung lạc được tôi, Ngọc bật khóc: “nếu tôi thoát hiểm và về được Sài gòn một mình tôi sẽ nói sao vói bà xã Thuý San của Thức và Gia đình Thức “.
Tôi thuyết phục Ngọc rằng tôi tôi chỉ có một mình cũng dễ xoay trở và khi tình hình cho phép sẽ có quyết định đúng. Hẹn gặp lại Ngọc một ngày gần đây.
Bữa ăn chấm dứt, tôi không nhớ tối hôm đó chúng tôi ăn những gì, đưa Ngọc về phòng trọ của tôi trong thành phố để tránh pháo kích, còn tôi trở lại bệnh viện tiếp tục quần thảo với thương binh.
Tôi làm việc thâu đêm. Vừa xong một ca mổ trở xuống phòng cấp cứu đã 3 giờ sáng, gặp một bệnh nhân bị thương ở ổ bụng đã 2 ngày và rõ ràng đã bị viêm phúc mạc (péritonite), tôi đưa bệnh nhân lên phòng mổ và quyết đinh mổ ngay. Nhóm Y tá làm việc với tôi đêm đó than phiền: “Bác sĩ bắt chúng em làm việc nhiều quá ai cũng mỏi mệt kiệt lực hết, ngày trước các Bác sĩ Phạm Hà Thanh, Nguyễn Quang Huấn, … họ có phải làm việc nhiều như thế này đâu?”. Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi họ đem tên tuổi của các đại huynh trưởng ra hù doạ tôi, nhất là thời các vị đó làm việc ở đây, chiến tranh đâu đã khốc liệt như bây giờ. Tôi trả lời với họ rằng chính tôi, tôi cũng đã mệt mỏi vì tôi đã làm việc không nghỉ từ sáng hôm qua. Nhưng đây là việc cần phải làm chúng tôi phải làm ngay và tôi hỏi lại họ nếu đây là thân nhân của họ, họ có muốn đi ngủ, bỏ bẽnh nhân lại cho phiên trực ngày mai không? Và chúng tôi đã mổ bệnh nhân đó với vết thương bụng lủng ruột làm viêm phúc mạc. Ca mổ chấm dứt lúc 6 giờ sáng, tôi có một giờ để chợp mắt trong phòng trực.
Bảy giờ rưỡi sáng, một đợt thương binh 5-7 người được đưa đến phòng cấp cứu. Nhóm bệnh nhân này không có gì trầm trọng, chỉ những vết thương ở phần mềm tứ chi, chúng tôi rửa ráy thay băng và cho thuốc ổn định thì nhóm bác sĩ trực ngày hôm sau, (ngày 28 tháng 3) vừa đến. Gặp Y sĩ Đại Úy Nguyễn Ngọc Khôi, tôi bàn giao phiên trực, anh Khôi nói: “toa khỏi bàn giao bệnh nhân cho moa, ra mà bàn giao với VC ngoài hàng rào kia kìa”.
Tôi giật mình bừng tỉnh và ý thức được rằng tình hình tuyệt vọng đang xảy ra trong thành phố.
Ngay sau đó chúng tôi được lệnh tập họp ở văn phòng trưởng khu Ngoại khoa để gặp anh Lương. Giờ phút này tôi tin rằng những điều Ngọc nói đêm qua là đúng. Tình hình đã tuyệt vong, đã đến lúc phải thoát hiểm.
Buổi họp hôm đó có hầu hết mọi người trong khu Ngoại khoa: anh Lương, anh Khôi, anh Vũ Quốc Cương, anh Tuấn anh Khá (phó trưởng khối ngoại khoa), anh Hiếu, anh Khưu Ngọc Tiên và cả Nguyễn Đình Ngọc (thuộc Tiểu đoàn 1 QY), cả anh Trương Ngọc Thạch vừa đi phép ở Saigòn mới ra trình diện sáng nay. Mọi người xúm lại hỏi tại sao anh Thạch dại vậy. Anh Luong thông báo với chúng tôi là tình hình đã hòan toàn suy sụp, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 đã di tản, không còn gì có thể cứu vãn được nữa; anh không thể điều hành và chịu trách nhiệm về chúng tôi đuợc nữa. Anh nói đến lúc này các anh nên tự lo liệu thoát thân. Lệnh tan hàng đã chính thức ban ra, chúng tôi hết sức lo lắng, cuống quít chẳng biết làm gì.
Anh Khưu Ngọc Tiên than phiền rằng phải chi lệnh tan hàng ban bố sớm hơn, vào đêm hôm qua thì tôi có thể đưa các anh lên tàu Đồng nai vì tàu vẫn còn đậu ở sông Hàn tối hôm qua, bây giờ không biết phải làm sao! “Chúng tôi vội vã bắt tay nhau và rời bệnh viện. Tôi đến chào từ biệt anh Phạm Văn Lương. Thiếu tá Lương bắt tay tôi và nói: “rất tiếc, anh mới ra đơn vị, chúng tôi chưa làm lễ tiếp đón anh mà bây giờ chúng ta phải chia tay.” Anh hỏi tôi sẽ làm gì, tôi đáp: “em phải tìm cách xuôi Nam về với gia đình”. Anh chúc tôi may mắn. Tôi hỏi lại anh sẽ làm gì. Anh trả lời (nguyên văn): “tôi không thể sống được với chế độ cũ nhưng cũng sẽ không thể sống được với chế độ mới”. Đó là câu nói cuối cùng của anh đối với tôi. Lúc bắt tay anh, nhìn xuống bàn giấy tôi còn thấy 2 quả lựu đạn trong chiếc xắc tay đang để mở của anh. Chúng tôi rời TYV Duy Tân lúc 10 giờ sáng và chạy ra bến tàu. Thành phố ngập xe cộ, giao thông tắc nghẽn, mọi sinh hoạt đều tê liệt, mọi người đều hốt hoảng tìm cách chạy lấy thân.
Năm giờ chiều, sau nhiều giờ ngược xuôi chen lấn trong hàng chục ngàn người chạy loạn, như một phép lành, tôi và Ngọc lên được một chiếc tàu đậu ở quân cảng Đà nẵng. Tàu Trường Sơn là chiếc tàu dân sự duy nhất còn lại. Chúng tôi bỏ lại hết mọi thứ chỉ lo chạy lấy thân. Chỉ 15-20 phút từ lúc tôi và Ngọc nhảy được lên tàu, tàu nhổ neo và chỉ chở khoảng 100 người tị nạn. Tàu đậu lại qua đêm ở vịnh Đà nẵng và nhổ neo xuôi Nam sáng hôm sau khi thành phố đã đổi chủ.
Đó là những kinh nghiệm và kỷ niệm của tôi trong những ngày cuối cùng phục vụ tại TYV Duy Tân. Những đóng góp của chúng tôi cho quân đội quá ít ỏi nếu không muốn nói là không đáng kể. Quê hương và đất nước đã sớm mất trước khi chúng tôi có dịp đóng góp kiến thức và khả năng cho xã hội. Các bạn đồng khóa 21QY Hiện dịch với tôi cũng đã tan tác trong biến cố di tản từ miền Trung, nhiều bạn đã hy sinh, nhiều bạn bị bắt cầm tù và một sộ bạn may mắn thoát được về Nam, để rồi sau đó một số lớn phải vào trại tập trung của Cộng sản sau ngày sụp đổ của nền Cộng Hòa non trẻ của quê hương Việt nam.
Ngày 28 tháng 3 năm 1975 là ngày cuối cùng tôi từ giã Tổng Y viện Duy Tân và các đồng nghiệp đàn anh với lời chúc may mắn. Anh Phạm Văn Lương tôi không còn dịp nào gặp lại nữa, anh đã tự vận trong trại tù Cộng sản khoảng năm 1976. Tôi không có tin tức gì về anh Tuấn và anh Phạm Bá Khá. Các anh Nguyễn Ngọc Khôi, Trương Ngọc Thạch và Vũ Quốc Cương định cư ở miền Nam California ( anh Cương vừa tạ thế 2-3 năm trước), anh Khưu Ngọc Tiên hình như đang ở Fresno, miền Trung California, anh Hiếu đang ở San Jose. Phan Thanh Hải vẫn ở lại Saigon và ngày nay đã trở thành một đại gia.
Nguyễn Đình Ngọc và tôi thoát được về Miền Nam, tôi may mắn thoát khỏi Việt nam vào ngày cuối cùng của chế độ Cộng hòa, trôi dạt sang Mỹ từ năm 1975 và may mắn không “được đi học tập cải tạo” như những người bạn khác; nhưng Nguyễn Đình Ngọc bị kẹt lại ở quê nhà, tinh thần suy sụp trong cảnh “nước đau dân khổ” và vừa mất vì bạo bệnh khoảng 3-4 năm trước.
“Những người muôn năm cũ.”
“Hồn ở đâu bây giờ?”
Hồi tưởng lại những kỷ niệm 40 năm trước, ngày tôi rời Đà nẵng và Tổng Y Viện Duy Tân, là những ngày cuối cùng tôi phục vụ đất nước và quân đội. Chúng tôi đã chu toàn nhiệm vụ của một quân Y sĩ cho đến phút cuối cùng khi có lệnh đào thoát trước khi Đà nẵng rơi vào tay Cộng sản. Chúng tôi không tự rời bỏ nhiệm sở như những người khác đã nói và đã làm..
Gần đây, có một bài báo đăng trên tuần báo KBC viết về Quân Y (tháng 11/2014), tác giả là một Quân Y sĩ của Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, đã tả lại những ngày giờ cuối cùng ở Đà nẵng (bên cạnh các vị chỉ huy cao cấp ở vùng 1) với những chi tiết về ngày giờ khác hẳn những gì chúng tôi đã trải qua ở Duy Tân.
Tác giả đã viết rằng: “Tổng Y Viện Duy Tân đã hòan toàn bỏ ngỏ vì tối ngày 25/ 3/75, ông vào Bệnh viện và thấy Bệnh viện trống trơn, tối om chỉ có vài y tá còn làm việc. Ông tìm mãi mới thấy một bóng người đơn độc đi trong bóng tối, mang quân phục Nhảy Dù và đeo lon Thiếu Tá, hỏi ra mới biết đó là Y sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương”. Theo ông kể: Bác sĩ Lương nói rằng mọi người đã bỏ đi hết rồi.
Thật sự, trong suốt thời gian làm việc tại Tổng Y Viện Duy tân, tôi chưa bao giờ thấy Thiếu tá Lương mặc quân phục Nhảy Dù và tôi nhớ rất rõ những thời điểm này vì ngày 25/3 là ngày sinh nhật của tôi, tôi và các bạn đồng ngũ đã làm việc bất kể giờ giấc ngày đêm và mãi đến sáng ngày 28 tháng 3 chúng tôi mới đào thoát khi có lệnh tan hàng. Chính anh Trương Ngọc Thạch (hiện ở Pomona) trở lại trình diện đơn vị sau những ngày phép ở Sài gòn cũng có mặt sáng hôm 28/3 ấy cùng với hầu hết các Quân Y sĩ cơ hữu của Khối ngoại thương Tổng Y Viện Duy Tân.
Có lẽ vì lý do TYV Duy Tân đã bỏ ngỏ từ ngày 25/3/75, mà người đồng nghiệp Thuỷ Quân Lục Chiến đã đưa Đại tá Nguyễn Thế Lương, Lữ Đoàn Trưởng Lữ đoàn 147 TQLC với vết thương với mảnh đạn còn nằm ở đầu gối về Bệnh Xá Cam ranh để tự mổ, thay vì đưa vào Duy Tân để chữa trị.
Xong rồi một cuộc can qua dai dẳng, nhưng dâu bể khó quên. Tổng Y viện Duy Tân ngày nào sinh hoạt nhộn nhịp, chẳng biết bây giờ ra sao. Có chăng là:
Dấu binh lửa nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
(Đoàn Thị Diểm: Chinh Phụ Ngâm)
Passadena, Tháng 3/2015