Những gì còn lại sau lũ miền Trung
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-10-21
Nước dâng quá nhanh, không kịp trở tay
Chị Lý, một người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, buồn bã chia sẻ: “Nước vào nhà là gần hai mét nhưng nó chảy khủng khiếp lắm, trôi dạt hết đồ đạt, trôi mất bức tường sau của nhà em. Khi đó mình nghĩ mình chết rồi, điện cho người thân nói rằng có thể bị chết trongt trận lũ. Nước nó chảy nhanh…Giờ đồ đạt trong nhà không có chi nữa hết, chừ chẳng biết lấy chi mà xây dựng lại bức tường sau đây, đã nghèo rồi còn thêm như thế này nữa!” (khóc).
Chị Lý cho biết thêm là chưa bao giờ chị nhìn thấy một trận lũ có tốc độ dâng nước cao và mạnh kinh hoàng như cái đêm 14 tháng 10 vừa qua. Chỉ trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ, từ lúc 10 giờ đêm đến 12 giờ đêm, nước tăng tốc một cách thất thường. Nếu như lúc 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm, nước chỉ ngấp nghé ngoài ruộng như bao trận lụt bình thường và người dân quan sát thấy có vẻ như lụt đang đà rút nước, chỉ dọn dẹp một số thứ trong vườn, đưa một số thứ vật dụng và lương thực lên gác và đi ngủ vì nước bắt đầu rút.
Đùng một cái, lúc 10 giờ đêm, lũ dâng lên lại và tốc độ nước dâng nhanh chưa từng thấy, chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, nước dâng lên thêm trên hai mét, nước từ ngoài ruộng đi vào ngõ chỉ chừng độ mươi phút và tiếp tục vào sân, vào thềm nhà, vào nhà, lên bàn thờ và chấm gác. Lúc này không ai kịp dọn dẹp đồ dùng, nhất là ti vi, tủ lạnh và trâu bò, không tài nào có thể dắt trâu bò lên đường 1A để chạy lũ. Bên cạnh đó, tốc độ nước chảy mạnh không thể tưởng tượng được.
Trong lúc chị Lý và các con ngồi trên gác gỗ nhìn nước dâng lên cao dần và chấm đà gác thì bất ngờ nước xô bức tường sau căn nhà của chị đổ ầm, cả căn gác đong đưa vì thiếu bệ đỡ. Lúc này mấy mẹ con chị Lý vừa cầu nguyện Chúa thương tình cứu giúp vừa ôm nhau để nếu lở bị sụp gác, bị nước cuốn trôi thì cũng chết cùng ngày, giỗ cùng ngày. Vì càng lúc căn gác càng có dấu hiệu oằn xuống, sụm dần và có thể sụp xuống bất kì giờ nào. Trong khi đó, nước cuốn điên cuồng, sâu hoắm và có thể đưa bất kì thứ gì ra sông, ra biển.
Nhưng rồi có lẽ nhờ Chúa thương tình đã dang tay che chở cho gia đình chị nên trên căn gác sắp sụp, không có bệ đở chính ở mặt sau, chứa năm con người và gần nửa tấn lúa, vật dụng, bếp núc, đôi khi tụt xuống một nhịp rồi lại đứng im ở nhịp đó, nước chạm dần vào gác, chiếu trải trên gác ướt mèm… Cuối cùng, gia đình chị Lý cũng sống sót qua trận lũ. Có vẻ như mọi đồ vật trong nhà chị đã đi thay cho mạng sống của gia đình chị. Sống sót sau lũ, nhà chẳng còn gì để ăn, đói, lạnh, ướt, thèm được ăn chén cơm, thèm được khóc cho thỏa cơn tuyệt vọng, thèm được nhìn thấy đồ vật mà mình nâng niu lâu nay cho dù nó đã hư hỏng, nằm chỏng vơ ngoài ruộng chăng nữa!
Nhưng dường như không còn thứ gì. Cái điệp khúc “chằng còn gì, chẳng còn gì, chẳng còn gì…” cứ lặp đi lặp lại trong mắt, trong tâm tưởng chúng tôi khi chúng tôi đi qua vùng lũ. Cái nghèo, cái đói, cái lạnh cứ hiện ra khắp mọi nơi. Có nhà ăn cơm thiu và coi đó là hạt ngọc trời mà may mắn mình còn có được bởi vì ít ra cũng còn cơm mà ăn.
Như lời ông Thành, một cư dân xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình: “Ngày qua thì riêng hộ gia đình cá nhân tôi thì nước vào sâu chừng 1,8 mét, lúa ướt hết, chẳng biết tính sao đây! Còn ở trong địa bàn thôn thì dân thiệt hại nhiều, trâu bò, súc vật bị trôi nhiều lắm!”.
Hà Tĩnh chìm trong biển nước, kẻ cười người khóc
Một người dân trong vùng lũ Hương Khê, Hà Tĩnh, tên Hưng, chia sẻ: “Nước lên một mét rưỡi, nước chảy xiết quá, đồ đạc gì cũng trôi hết..”.
Ông Hưng cho biết thêm là chuyện xả lũ của thủy điện Hố Hô đối với người dân Hương Khê chẳng có gì là xa lạ, thậm chí quá quen thuộc, năm nào mà chẳng có xả lũ, có chết heo gà, trâu bò. Bởi sống Ngàn Sâu chảy qua Hương Khê vốn là cửa xả lũ chính của thủy điện Hố Hô. Chỉ có điều năm 2010 và năm 2016 này, thủy điện Hố Hô xả quá mạnh nên nước dâng quá cao, quá nhanh khiến nhiều nhà bị ngập nặng, nước chấm nóc nhà.
Thiệt hại năm nay ở Hương Khê cũng tương đương với thiệt hại trận xả lũ năm 2010. Khi chúng tôi hỏi thăm về chế độ đền bù cho người dân ở trận xả lũ năm 2010 và những trận xả lũ sau này như thế nào thì ông Hưng chó biết là người dân Hương Khê chưa có ai nhận được bất kì đồng đền bù nào của thủy điện Hố Hô. Chuyện họ xả lũ, họ cho rằng đúng qui trình, mà thứ gì đã đúng qui trình thì những ai bị thiệt hại là do sai qui trình của họ nên phải tự chịu lấy.
Ông Hưng chua chát cho biết thêm là kể từ khi thủy điện Hố Hô đi vào hoạt động, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình mỗi năm vào mùa mưa luôn phải nhận vài trận xả lũ vừa vừa, đủ để nước vào nhà, ngập không đến nỗi chết choc nhưng ướt vật dụng và hư hỏng mùa màng. Và khi nổi hứng thì làm một phát xả lũ, cả khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình trở thành biển nước.
Ông Hưng lắc đầu, chua chát nói rằng biển thì bị độc tố do Formosa gây ra, sống lưng chừng giữa núi và biển, đến mùa mưa thì thủy điện xả lũ, chẳng biết sống dựa vào đâu! Ông Hưng nói vui là một ngày nào đó, Hố Hô và Formosa bắt tay nhau, thay vì xả độc vào mùa nắng, Formosa chuyển sang xả độc vào mùa mưa và liền sau đó thì Hố Hô xả lũ để đẩy độc ra khơi và để đẩy trách nhiệm về một hướng khác nữa thì chắc là người dân hết đường sống!
Lời nói đùa của ông Hưng tuy bâng quơ nhưng khiến chúng tôi cảm thấy ớn lạnh, thực sự là quá ớn lạnh nếu chuyện này xảy ra! – RFA