Những gặp gỡ thân tình – Đoàn Thanh Liêm
Nhân dịp Đại Hội Thường Niên năm 2014 của Ân Xá Quốc Tế Phân Bộ Hoa Kỳ.
Sự kiện: Annual General Meeting / Amnesty International USA
Địa điểm: JW Marriott Hotel, Chicago Illinois.
Thời gian: Ngày 4, 5 và 6 tháng Tư năm 2014
Mùa Xuân năm nay 2014 đến chậm tại nơi mà thường được bà con gọi là “Thành phố Gió” này (Windy City). Tôi đáp máy bay từ California đến Chicago vào ngày 2 tháng 4, tức là đã hai tuần lễ sau Ngày Xuân Phân 21 tháng 3 – mà nơi đây trời vẫn còn khá lạnh, có lác đác mưa với nhiệt độ ban ngày chỉ vào khỏang trên dưới 5 độ C. Nhất là mỗi khi có gió thổi mạnh, thì người cảm thấy buốt giá vô cùng – đó là cái hiện tượng gọi là “Wind Chill” thường gặp ở khu vực phía bắc nước Mỹ sát với biên giới Canada. Cây cối ở đây giờ này vẫn còn trơ trụi với những cành nhánh khẳng khiu vì không có lá – khác hẳn với ở California thiên nhiên tràn ngập những màu xanh của lá non vừa đồng loạt bừng nở khắp mọi nơi dọc theo miền Bờ Biển Phía Tây của lục địa nước Mỹ (West Coast).
Công việc chính yếu của tôi tại đây là tham dự Đại Hội Thường Niên (viết tắt là AGM) của tổ chức Ân xá Quốc tế Phân bộ Hoa kỳ mà tôi là một thành viên đã tham gia hoạt động từ nhiều năm gần đây. Chủ đề chính của Đại Hội năm nay là: “Đem Nhân Quyền về tận mỗi Địa Phương” (Bringing Human Rights Home). Cũng như mọi năm, lịch trình sinh hoạt của AGM 2014 này thật là bận rộn, sôi nổi năng động với tất cả 5 Phiên họp Khóang đại (5 plenary sessions) và gần 20 chục Phiên họp Nhóm.
Có đến con số cả ngàn tham dự viên đến từ khắp các địa phương trong nước Mỹ và cả 60 – 70 vị khách được mời đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thành phần sinh viên trẻ cỡ trên dưới 25 tuổi tính ra cũng lên tới trên 300 người chiếm đến một phần ba nhân số của AGM. Với khí thế đày vẻ lạc quan phấn khởi nô nức vào lúc bế mạc Đại Hội hồi trưa ngày Chủ nhật mồng 6 tháng 4, Ban Tổ chức cho biết đây là AGM thành công nhất và có nhiều người tham dự nhất từ trước đến nay.
Những chi tiết lý thú và thật là bổ ích về AGM 2014 này sẽ được ghi lại sau này trong một bài tường thuật đầy đủ hơn về nội dung. Vì thế, trong bài viết này, tôi xin tập chú vào các cuộc gặp gỡ trao đổi với một số bạn cùng tham dự AGM 2014 trong suốt ba ngày vào đầu tháng Tư tại Chicago là thành phố lớn thứ ba của nước Mỹ, chỉ đứng sau có New York và Los Angeles mà thôi.
I – Những người bạn đã từng gặp trong các AGM trước đây.
Từ năm 2010 tới nay, qua tất cả 5 lần tham dự AGM, tôi đã có dịp gặp gỡ trao đổi thân tình với rất nhiều các bạn tham dự viên. Năm nay, tôi cũng gặp lại một số bạn mà đã từng quen biết từ nhiều năm trước, xin ghi ra một số trường hợp đáng chú ý sau đây :
1 – Chị Kristy Hagersheimer từ tiểu bang Nebraska.
Ở vào tuổi 70, Kristy là một giáo sư đại học tại tiểu bang Nebraska, nay đã nghỉ hưu. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên kể từ AGM 2010 tại New Orleans Louisiana và trở thành đôi bạn thân tình trong tổ chức Amnesty. Trong AGM 2012, tại thành phố Denver Colorado, Kristy giới thiệu tôi với một vài người bạn khác rằng: “ Anh bạn luật sư này là một tù nhân lương tâm từ Việt nam (POC = prisoner of conscience). Anh là một “ thứ tài nguyên của Amnesty “ (an Amnesty asset) đấy…”
Năm nay, trong phiên họp nhóm thảo luận về đề tài : “Tội phạm của giới doanh nghiệp và cuộc tranh đấu cho Công lý về Môi sinh” (Corporate Crimes and the Struggle for Environmental Justice), Kristy phát biểu thật đanh thép như sau: “Giới doanh nghiệp đã tàn phá môi sinh suốt từ Nebraska qua Montana sang đến cả Canada gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia súc và nhất là cho các sắc dân thiểu số bản địa (indigenous). Vì thế, mà chúng tôi đã thành lập một thứ CIA mới để tranh đấu chống lại sự khai thác tàn phá đó. CIA này chính là tổ chức Liên minh “Cowboys Indigenous Alliance” của chúng tôi đấy…” Kristy lại còn là một thành viên trong Hội đồng Quản trị (Board member), nên chị có trách nhiệm nặng nề hơn và phải đi họp nhiều hơn so với đa số chúng tôi chỉ là những thành viên bình thường.
2 – Sara Schmidt và Kalaya’an Mendoza của văn phòng Khu vực miền Tây (Western Region) – trụ sở tại thành phố San Francisco.
Hai bạn trẻ này là nhân vật chủ chốt của văn phòng Khu vực miền Tây gồm đến 9 tiểu bang. Họ là những thành viên rất năng nổ trong các AGM. Năm 2012 tại Denver, tôi còn thấy Sara đưa cả bà mẹ ở Arizona đến tham dự AGM nữa. Tôi nói: “Như vậy là đang có cả 2 thế hệ trong một gia đình cùng tham gia sinh hoạt với Amnesty đấy nhỉ.” Tức thì bà mẹ nói luôn với tôi: “Trước đây trên 15 năm, thì chính má của tôi cũng đã từng hoạt động với Amnesty nữa đấy…” Như vậy, thì đã có cả 3 thế hệ trong gia đình của Sara mà cùng dấn thân nhập cuộc với Amnesty.
Còn Kalaya’an là người gốc Phi Luật Tân, anh bạn trẻ cỡ tuổi 35 – 37 này thật là năng nổ say mê nhiệt thành. Anh luôn là một mũi nhọn lôi cuốn nhiều bạn trẻ khác tích cực tham dự các phiên họp riêng theo từng nhóm – như nhóm gốc Á châu hay nhóm của riêng các thành viên thuộc khu vực miền Tây xen kẽ với các tiết mục chính thức của AGM. Đặc biệt, Kalaya’an còn quen biết cả Jacques Kilchoer người gốc Thụy Sĩ mà làm Trưởng Nhóm 178 Irvine của tôi trong Orange County California nữa. Vì thế, mà chúng tôi dễ có sự thông cảm gần gũi nhau hơn.
3 – Luật sư Leila Ann Chacko từ thành phố Orlando Florida.
Leila Chacko sinh tại Mỹ trong gia đình có cha mẹ đều là người di dân từ Ấn Độ. Trong AGM 2012 tại Denver, tôi đã có dịp quen biết với Leila và trao cho chị bản Phúc trình về tình hình Nhân quyền ở Việt nam do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam soạn thảo mỗi năm. Sau đó, trong dịp thăm viếng bà con người Việt ở Orlando Florida, tôi lại có dịp gặp Leila đang hành nghề luật sư tại đây. Là đồng nghiệp, mà cũng đều là dân gốc Á châu mà cùng theo đuổi công cuộc tranh đấu cho nhân quyền, nên chúng tôi chuyện trò trao đổi với nhau thật tương đắc và thường liên lạc thông tin với nhau qua e-mail. Leila còn sinh hoạt với Nhóm Pax Romana ở Mỹ – đây là một tổ chức của giới trí thức công giáo mà hồi xưa vào đầu thập niên 1960 tôi cũng đã tham gia sinh hoạt ở Saigon.
Đặc biệt vì cha mẹ xuất thân từ tiểu bang Kerala là nơi đã có thời người cộng sản Ấn độ nắm giữ chính quyền vào hồi thập niên 1950 – 60, nên Leila có sự hiểu biết sâu sắc về chế độ độc tài chuyên chế cộng sản tại địa phương quê nhà của mình. Vì thế mà chị rất thông cảm với các nạn nhân của sự đàn áp của chính quyền cộng sản ở Việt nam cũng như ở Bắc Triều Tiên và cả ở Trung quốc hiện nay.
Năm 2014 này, chúng tôi lại gặp nhau ở Chicago. Leila vui mừng cho biết là đã nhận được mấy bài viết mới đây của tôi và rất tán thành nhận định của tôi về mối nguy cơ của Việt nam trước sự bành trướng lấn áp của Trung quốc. Tôi nói thêm: Người Việt chúng tôi mong ước được nhân dân Ấn Độ tích cực hỗ trợ bênh vực trong vai trò làm một thứ “đối trọng” cụ thể ở Á châu (counterbalance) – nhằm hóa giải được mối hiểm nguy đó. Leila gật gù bày tỏ sự đồng thuận đối với lập trường của tôi.
II – Những người bạn mới quen biết lần đầu tại AGM 2014.
Năm nay tại Chicago, tôi có dịp quen biết và trao đổi chuyện trò thân tình với nhiều người bạn mới nữa. Lý do là trong suốt 3 ngày cùng sinh sống, cùng làm việc trong một khách sạn có nhiều phòng hội họp, nhiều hành lang, phòng khách, phòng ăn …, chúng tôi dễ có thời gian rảnh rỗi xen kẽ với các phiên họp nhóm để mà hàn huyên tâm sự với nhau. Xin ghi lại một số cuộc trao đổi đáng chú ý như sau:
1 – Chuyện trò với Jonathan, giáo sư môn Pháp văn tại Alabama.
Thấy tôi là người Việt nam lại lớn tuổi, nên Jonathan bắt đầu hỏi tôi ngay: “Chắc là ông cũng nói được tiếng Pháp đấy nhỉ?” Tôi trả lời bằng tiếng Anh: “ Tôi thuộc thế hệ người Việt sinh ra dưới thời Pháp thuộc, nên phải học tiếng Pháp ngay từ các lớp bậc Tiểu học và sau này cũng tiếp tục học nhiều về Pháp văn ở bậc trung học. Do đó mà chúng tôi khá quen thuộc với văn hóa của dân tộc Pháp…” Từ đó, Jonathan liền chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Pháp với tôi. Phải nói là anh nói tiếng Pháp khá trôi chảy.
Ở vào tuổi ngoài 50, Jonathan với khổ người cao lớn và dáng điệu thật nhanh nhẹn tháo vát cương nghị. Anh cho biết mình là một giáo sư dậy môn Pháp văn tại một trường trung học (lycée) ở thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama. Năm nay, anh dẫn một số người trẻ cùng đi tham dự AGM 2014. Tôi mở laptop cho anh xem một số bài tôi mới viết gần đây, trong đó có cả một bài thơ bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Bài thơ này nhan đề là “Tặng bạn về hưu” chỉ có 4 câu với hai câu cuối như sau:
Phong cách buông lơi phường quân tử
Trách chi bá tánh bỏ quên nhà?
Dịch qua tiếng Pháp:
Les patriciens ayant négligé leurs bonnes manières
Pourquoi reprocher que la masse s’abandonne?
Jonathan tinh ý nói ngay: Anh ngụ ý nói “Noblesse oblige”, phải không? Và cả hai chúng tôi dễ dàng thông cảm tâm đắc với nhau. Trước khi chia tay, Jonathan nói với tôi: “ Xin lỗi, tôi phải đi quy tụ những gà con của tôi (Excusez moi, je vais ramasser mes poussins). Chúng mình sẽ tiếp tục trao đổi với nhau qua e-mail. Tôi nhận thấy công chuyện anh làm thật là có ý nghĩa và rất đáng chú ý…”
2 – Chị Jan Black từ Monterey, California.
Jan Black đã ở tuổi 70. Biết tôi là tù nhân chính trị từ Việt nam, chị nói hồi còn trẻ vào giữa thập niên 1960, chị tham gia phong trào phản chiến thật sôi nổi ở California. Mà sau 1975, thì lại thấy người cộng sản chiến thắng lại gây ra chuyện “boat people” thật là một thảm trạng cho người Việt. Chuyện chị nói làm tôi nhớ đến trường hợp của danh ca Joan Baez – trước kia là một dân phản chiến rất nổi tiếng, mà sau này lại là người chỉ trích chính quyền cộng sản Việt nam rất mạnh mẽ. Tôi đã gặp người ca sĩ này trong dịp chị đến trình diễn âm nhạc tại AGM 2011 ở San Francisco – đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Amnesty bắt đầu ở London Anh quốc (1961 – 2011).
Tôi nói với Jan: “Chị quen biết với bà Anita Sagan đấy chứ? Đó là một vị ân nhân lớn của các tù nhân chính trị chúng tôi ở Việt nam đấy. Bà đã qua đời vào năm 2000!” Jan nói: “Tôi tham gia với Amnesty, đó là lý tưởng suốt đời của tôi (for ever). Anita quả là một gương mẫu tuyệt vời của người chiến sĩ nhân quyền (human rights activist) tại miền Bắc California của chúng tôi…”
3 – Chị Lniestze từ Latvia miền biển Baltic.
Sau lễ bế mạc vào trưa chủ nhật 6 tháng 4, tôi gặp chị Lniestze trong khi cùng ngồi trong phòng khách chờ đợi xe đến đón. Tôi hỏi thăm quê quán, thì được chị cho biết là cha mẹ là người gốc ở Latvia xưa kia nằm trong Liên Bang Xô Viết. Tôi hỏi: “Vậy là chị nói được tiếng Nga đấy chứ?” Chị nói: “Tôi được sinh ra trong một trại tỵ nạn ở nước Đức hồi sau thế chiến 2, sau đó thì theo cha mẹ qua định cư ở Canada và rồi cuối cùng là qua Mỹ. Hiện tôi sinh sống trong tiểu bang Michigan, gần với thành phố Detroit…”
Tôi kể cho chị nghe là vào chiều thứ sáu vừa rồi, tôi gặp mấy người trong Nhóm “Occupy Chicago” phản đối giới tư bản tài phiệt quá tham lam nên gây ra nhiều bất công xã hội. Giới này chỉ có chừng 1% dân số mà chiếm giữ tài sản nhiều hơn của 99% dân số. Tôi cũng gặp cả Nhóm “Occupy Denver” vào lúc tham dự AGM 2012 tại thành phố này nữa. Lniestze liền nói với tôi: “Đáng lý ra ban tổ chức AGM nên cho mời Nhóm này đến phát biểu ở đây nữa, để cho các đại biểu có dịp hiểu rõ hơn về công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội hiện nay – mà khởi đầu là do Nhóm “Occupy Wall Street” ở New York từ nhiều năm trước nữa. Chị còn nói thêm: “Mặc dầu chính quyền cũng như giới tài phiệt (corporate) Mỹ có nhiều sai lầm, nhưng quả thật là dân tộc Mỹ thì thật là có tinh thần nhân đạo bác ái – họ đã mở rộng vòng tay để đón nhận bất kỳ người di dân nào đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó là điều khiến cho tôi lạc quan tin tưởng nơi đất nước này, dân tộc này…”
Phát biểu của chị thật là đúng với quan niệm của tôi là: “Quần chúng nhân dân mới chính là cơ sở vững chắc nhất để cho xã hội được vận hành tốt đẹp. Như cha ông chúng ta vẫn dậy từ xưa “Quan nhất thời, Dân vạn đại”. Và đó là lý do khiến tôi chủ trương cổ võ công cuộc xây dựng và phát triển xã hội dân sự – để người dân có thể tự cứu lấy mình – chứ không thể cứ thụ động phó mặc mọi việc và trông đợi nơi lòng tốt của những cán bộ viên chức nhà nước để mà có được tự do, dân chủ và nhân quyền.
Dĩ nhiên là trong AGM 2014 này, tôi còn có dịp gặp gỡ trao đổi thân tình với nhiều con người có tấm lòng vàng và trí tuệ sáng suốt ngay thẳng. Nhưng mà bài viết đến đây đã dài rồi, tôi xin tạm ngừng bút nơi đây và xin hẹn sẽ viết thêm về AGM 2014 trong một dịp khác nữa vậy.
Bolingbrook, Illinois ngày 9 tháng Tư 2014
Bút ký của Đoàn Thanh Liêm