Những đốm lửa giữa đêm dài (phần 2)
Một lần nữa, tôi lại đến Tân Cảng và lặng lẽ đi theo mọi người bước xuống tầu. Đây là loại thương thuyền chở hàng chạy cận duyên và trong khoang sàn của tôi, có chừng một trăm anh em với nhau.
Mấy ngày đêm lênh đênh vật vờ trên biển mà chẳng hề nhìn thấy được bầu trời một khoảnh khắc nào, chúng tôi cập bến cảng Hải Phòng và lên bờ vào một đêm tối không trăng sao. Chắc đây thuộc khu vực quân sự với những lô cốt đây đó, hàng rào thép gai chạy dài và từng ánh đèn pha cực mạnh chiếu quét, đảo qua đảo lại không ngừng. Dọc theo đường đi, ngoài mấy chiếc xe bọc thép mà họng súng ló ra nơi pháo tháp đầy vẻ đe dọa đậu ở các khúc quanh, rải rác còn có những tên công an sắc phục kaki vàng, khuôn mặt lầm lì, tay giữ chặt sợi dây da, cố ghì lại những chú chó quân khuyển đang hung dữ chồm lên cất tiếng sủa gầm gừ, dù đã bị rọ mõm. Chắc rằng họ muốn uy hiếp tinh thần anh em chúng tôi chăng. Đi bộ ra tới sát ngoài trục lộ có con đường sắt nằm ngay bên cạnh và những toa tầu hỏa trống không đậu sẵn đợi chờ. Sau khi nghe gọi tên, tôi nối đuôi mọi người trong danh sách, mỏi mệt leo lên toa tầu tối tăm vô cùng hôi hám, rồi buông người ngồi vật vạ trên mặt sàn.
Thật bơ phờ, người như bã ra và mụ mị đi, tôi không còn ước tính được thời gian, cũng chẳng biết đoàn tầu chở anh em chúng tôi khởi hành từ lúc nào và hành trình lắc lư chạy qua những đâu trong nửa đêm về sáng hôm ấy.
Vào khoảng trưa hôm sau, chuyến tầu dừng bánh thả chúng tôi xuống Yên Bái. Lại đi bộ tiếp một quãng đường nữa và tập trung ở bến Âu Lâu để chờ phà đưa từng đợt một sang bờ bên kia sông Hồng. Có đám đông người, phần nhiều là đàn bà, tụ tập gần đấy từ bao giờ, đang ra sức xỉa xói hướng về phía chúng tôi rồi hò hét chửi bới bằng những ngôn ngữ the thé vô cùng chói tai, một hai cánh tay dơ cao đòn gánh dứ dứ vào khoảng không, cùng một vài viên gạch đá ném với vô vọng. Tất cả có thể do tuyên truyền kích động, mà cũng có thể là sự thù hận thật sự vì những mất mát đau thương tất yếu nào đó trong chiến tranh.
Khi chiếc phà sắt cũ kỹ di chuyển chậm chạp cách khó nhọc ra đến được giữa dòng sông rộng bao la, tôi quên hết tất cả mọi điều chuyện vừa diễn ra trong lúc chờ đợi trên bờ. Trời thật trong xanh và bất chợt có đám mây nhỏ lững lờ trôi qua thanh thản. Làn gió nhẹ thoảng qua mơn man vỗ về. Nhìn dòng nước đục ngầu phù sa đang cuồn cuộn chảy về xuôi, nhấp nhô tung từng mảng bọt trắng xóa mỗi khi con sóng va vào sườn chiếc phà, phả hắt những hơi nước mát rượi lên mặt mũi và quần áo, như sự gột rửa dịu dàng quá. Tôi mê mẩn với khoảng không gian mây nước ấy trong cái cảm xúc lẫn lộn giữa sự an bình nhẹ nhõm và nỗi buồn man mác đầy cay đắng, khi âm hưởng của một bài hát như đang vang vọng đâu đây…Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê… Hồng Hà chơi vơi dâng nước trên nguồn về khơi…(Du kích sông Thao_Đỗ Nhuận).
Bước lên bờ qua khỏi đoạn dốc ngắn là đến con đường cái. Một cảnh tượng như mùa chiến dịch bi tráng òa vỡ, đập mạnh vào mắt tôi. Một dẫy xe Molotova đậu nối đuôi nhau, dài dằng dặc tới tận mãi đằng xa kia. Ngay bên cạnh đó, thật đông đảo các anh em tôi với đủ thứ trang phục quần áo và đồ đạc cá nhân lỉnh kỉnh. Nhóm đứng, nhóm ngồi, có người vai xách nách mang đang tươi cười di chuyển lui tới, đi tìm xe của mình. Những anh em này cùng vừa từ trong Nam ra và đã sang sông trước chúng tôi nơi các chuyến phà trước. Anh em hân hoan giơ tay vui mừng thăm chào hỏi han nhau như từng thân thiết và nay bỗng gặp lại sau những ngày xa cách. Rất nhiều những khuôn mặt của người lớn tuổi, hẳn là các sĩ quan cấp bậc cao hơn đám Trung úy chúng tôi. Tôi chợt liên tưởng đến những hình ảnh trầm hùng trong cuốn phim Cầu sông Kwai ngày nào.
Thế rồi đoàn xe lăn bánh và không lâu sau, quẹo ngang để tách rẽ dần nơi mỗi đoạn đường. Đến ven một bìa rừng, chiếc có tôi dừng lại cùng với hai ba xe khác. Vùng núi rừng nhiệt đới bờ bên này sông Hồng cũng thuộc về Yên Bái, tôi thoáng đọc được hàng chữ Yên Thành, Yên Bình viết bằng sơn đỏ đã bạc phếch trên cái bảng gỗ xiêu vẹo dựng ven bờ đường, có lẽ tên xã và huyện thì phải. Chúng tôi xuống xe và nhóm anh em chúng tôi chừng hơn một trăm người, lặng lẽ đi theo đám cán bộ hướng dẫn, bắt đầu tiến sâu vào khu rừng dầy đặc cây lá, xuyên qua lối mòn độc đạo rất ít dấu vết chân người đi lại. Qua vài đoạn dốc quanh co, một hai con suối cạn và khi đôi chân bắt đầu rã rời thì đến nơi. Trại mới là đây sao, tôi thoáng rùng mình trong một ý nghĩ lo sợ viển vông. Giữa núi rừng chập chùng, trên một khu đất khá bằng phẳng, có mấy căn nhà làm hoàn toàn bằng tre nứa, từ vách, mái lợp cho đến sàn nằm và hàng rào bao bọc chung quanh cũng thế, có vẻ được dựng lên mới gần đây thôi. Tôi nhớ ngay đến những căn nhà cũng dựng tạm bằng tre lá, dùng làm mục tiêu trong bài học chiến thuật tấn công vào mật khu cộng sản hồi ở quân trường. Tất cả khung cảnh nơi này như báo trước nhiều khổ nhọc và hiểm nguy đợi chờ.
Sau đó ít lâu, do gặp gỡ các anh em cùng cảnh ngộ khi đi lấy nứa chỗ này chỗ kia, tôi biết được rằng có rất nhiều khu trại như trại của tôi đây, rải rác trong vùng rừng núi chung quanh.
Có nhiều lúc, tôi nằm dài trên mặt sàn ọp ẹp ghép sơ sài bằng những mảnh nứa và bỗng thấy gai người vì luồng hơi lạnh của gió rừng luồn thốc từ dưới nền đất ẩm mốc lên lưng. Kiểu giường sàn này tôi cũng đã từng ngả lưng nơi những ngày đi trại dưới Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn Chí Linh Vũng Tầu, nhưng lúc đó là những háo hức tìm tòi khám phá của thời tuổi trẻ, còn bây giờ ở đây là bắt đầu cuộc lưu đầy biệt xứ mới.
Tôi nhớ lời cảnh báo của viên trưởng trại ngay buổi đầu gặp gỡ, về địa thế hiểm trở của khu vực chung quanh và các loại thú dữ, rắn rết có thể xuất hiện bất thình lình ở khắp mọi nơi chỗ, chắc để ngăn ngừa cũng như xóa tan ý tưởng muốn vượt ngục của anh em chúng tôi.
Cùng lứa tuổi sàn sàn và cùng cấp bậc như nhau nên rồi anh em chúng tôi dễ mau chóng hòa đồng trong thân tình. Rất nhiều người xuất thân Trường Đại học Chiến Tranh Chính trị Đà Lạt và họ có thời gian dài sống chung với nhau, qua mấy lần chuyển trại trước đây như Trương Văn Vấn, Trần Lê Việt.., cùng với số đông các anh em bên an ninh quân đội, tình báo, quân báo… cũng như các anh em ngành Chiến tranh Chính Trị các đơn vị. Riêng chỉ mỗi mình tôi và hai người nữa trong số gần một ngàn người ở trại T.5 Long Giao được gửi đi trong đợt này cùng với họ là khác biệt riêng lẻ. Tôi thầm suy nghĩ về trường hợp của mình.Từ hồi ở Hóc Môn, khi bắt đầu khai báo lý lịch, tôi đã không ghi chức vụ chính thức Trưởng ban Biên soạn Tài liệu & Thuyết trình trong ngành Chiến tranh Chính trị, mà khai tránh đi bằng công việc phụ là Thư ký tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân vào giai đoạn cuối hơn một năm trước ngày 30.4.75. Có thể từ đấy họ đã phân loại đưa tôi đi Phú Quốc cùng thành phần với sĩ quan các ngành Quân nhu, Tiếp vận, Mãi dịch, Hành chánh Tài chánh và các sĩ quan biệt phái. Hình như tôi là người duy nhất thuộc ngành Chiến tranh Chính trị tại Hóc Môn đi ra đảo lần đó. Không lẽ khi về Long Giao, họ đã sưu tra lại lý lịch khi gạn lọc, sắp xếp các thành phần để đưa ra Bắc và cho tôi vào danh sách. Tôi mỉm cười khi nhớ lại điều các bạn tù đã nói về phần giới thiệu mấy bài hát của tôi trong chương trình văn nghệ tất niên cuối năm vừa rồi tại đấy và cả quẻ bói của anh Nguyễn Xuân Thiêm hồi còn ở Hóc Môn.
Mấy tháng ở trại Yên Bái, rừng núi bao quanh với những thân cây cao vút, những lưng đồi bạt ngàn cỏ lá dây leo chằng chịt, từng bờ suối mát trong, đã để lại trong tôi nhiều điều quên nhớ. Nếu không đang trong tình trạng tù đầy thì khung cảnh nơi đây thật tuyệt vời quá, hình như đã gợi nhắc và vô cùng kích thích máu phiêu lưu giang hồ vặt của tôi.
Anh em chúng tôi cũng vẫn còn thuộc về sự quản lý của một đơn vị bộ đội mà họ gọi là lực lượng đi làm kinh tế. Đương nhiên sức lực của chúng tôi được sử dụng như thứ nước sông công tù cho hoạt động này. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, theo cảm nhận riêng của tôi thì cũng tương đối còn chịu đựng được vì sức khỏe chưa đến nỗi nào và không gò bó, căng thẳng cho lắm.
Vào buổi sáng, chúng tôi mỗi người một con dao rựa, rời trại tự đi làm công việc của mình theo sự phân công. Chỉ khi nào một nhóm đông đi làm loại việc cần đến nhiều người thì mới có cán bộ và vệ binh vác súng đi theo. Hàng ngày, một vài người đảm nhận lấy măng cho nhà bếp, còn phần nhiều chúng tôi phải chặt nứa để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy hay đốn gỗ cho đội làm Mộc cưa xẻ thành ván tấm. Cả hai thứ việc này đều khá nguy hiểm. Khi chém phập nhát dao đầu tiên vào gốc nứa, nếu không cẩn thận, cây nứa sẽ xé toác ngược thân rồi bật tung lên rất nhanh như nhát kiếm, dễ dàng gây thương tích, mà vết thương trong trường hợp này cứa rất sâu vào da thịt, máu tuôn ra xối xả. Có nhiều người đã bị như thế. Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng này, tôi không khỏi rùng mình sởn gai ốc. Việc đốn hạ những cây gỗ cao, đường kính từ sáu tấc cho đến gần một thước trên lưng chừng núi, rồi đẩy chuyển dần xuống con suối dưới chân núi để đưa về trại cũng suýt nhiều lần lấy đi mạng sống của chúng tôi, hoặc không chú ý để nhanh chân né tránh kịp thì cũng sẽ mang thương tật suốt đời.
Có lần tôi đi trong toán chặt vầu và giang, để rồi lần đầu tiên biết thêm được hai loại lâm sản này cùng với công dụng của vầu, giang trong đời sống nông thôn ngoài tre, nứa.
Và những tháng ngày trên đất Bắc khó nghèo khổ hạnh, chúng tôi bắt đầu biết thế nào là ăn độn. Rất hiếm khi có được một bữa cơm gạo trắng, thường ra bữa ăn hàng ngày chỉ là thứ bánh bột mì luộc hay hạt bo bo, thật khó tiêu hóa.
Tôi cũng bắt gặp cái cảm giác gai người khi bị lũ đỉa hay vắt, bám chặt vào chân tay, thậm chí cả bên dưới lớp áo, lúc vừa lội ngang con suối hay vượt qua một bụi cây rậm rạp không nhìn thấy ánh mặt trời.
Tôi đã cố gắng quên đi sự khổ cực và nghiệt ngã khi tự đưa mình vào sự mơ màng khung cảnh núi rừng huyền ảo và như thấy mình đang sống trong những trang tiểu thuyết đường rừng đầy phiêu lưu mạo hiểm.
Rừng núi Yên Bái quả thật đầy kỳ bí và hiểm trở quá. Bước chân vào vùng cỏ cây um tùm mỗi ngày, tôi vẫn thường rất để ý và luôn dùng dao phập khứa vào các thân cây để đánh dấu. Nhưng rồi lạc đường thì vẫn cứ lạc, vì rất dễ dàng mất ngay phương hướng bởi độ dầy đặc của những bụi dây leo chằng chịt chung quanh, khi chỉ vừa di chuyển năm ba bước chân sang chỗ khác và mất tập trung quay qua quay lại trong một khoảnh khắc ngắn. Chiều đến, từ trên lưng chừng núi nhìn xuống thấy rõ làn khói tỏa lên nơi mái nhà bếp trong khu trại bên dưới, khoảng cách chỉ vài trăm thước đường chim bay, thế mà có khi phải vất vả loanh quanh cả tiếng đồng hồ mới tìm được lối về. Những lúc như vậy tôi thấy mình giống một nhà thám hiểm và khoan khoái lạ thường làm sao.
Tôi cũng nhớ mãi những lần đi lấy gạo hay thực phẩm trong đêm. Đoạn đường rừng từ trong trại ra đến chỗ xe tiếp tế đậu chờ giao hàng ngoài con đường cái, dài khoảng chừng ba bốn cây số, nhưng chúng tôi di chuyển khá vất vả khó nhọc, nhất là vào những lúc sau cơn mưa, đường rất trơn trượt, phải tháo đôi dép lốp, bấu chặt năm ngón chân xuống mặt đất nhão nhoét nơi mỗi bước chân để khỏi ngã chúi vào bụi rậm ven đường. Thế nhưng lại là một hình ảnh đầy vẻ giang hồ lãng mạn. Trên đường quay về, anh em chúng tôi phải nhìn bám theo nhau mà nối bước, một tay túm giữ miệng cái bao nặng đang đeo trên lưng, còn tay kia cầm chặt cây đuốc soi đường, chỉ là đoạn nứa khô đập dẹp đầu quấn mảnh vải vụn tẩm chút dầu cặn để giữ lửa. Trong đêm tối mịt mùng hơi lành lạnh giữa thâm sơn cùng cốc, từng ánh lửa bập bùng vì gió, rồi cách đoạn lập lòe nhấp nhô loãng xa dần tạo thành một hình ảnh lung linh thật kỳ ảo. Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến những ánh đuốc của các khóa sinh cán bộ xây dựng nông thôn, từ các hướng nẻo doanh trại tiến về vũ đình trường Trung tâm huấn luyện Cán bộ Xây dựng nông thôn Chí Linh Vũng Tầu để chuẩn bị cho Đêm Suy Tư quanh ánh lửa trại, mà có lần tôi được tham dự trước đây. Bầu khí sinh hoạt này thật trang nghiêm mà cũng thôi thúc mãnh liệt, nhắc nhớ người khóa sinh về lịch sử đấu tranh của cha ông, để gọi mời nhiệt huyết phụng sự lý tưởng quốc gia dân tộc. Hồi tưởng đã làm cho bước chân tôi mạnh mẽ và trong lòng thì an nhiên thanh thản hơn..
Một hình ảnh khác hằn sâu trong ký ức tôi là ở lần cùng anh em đi đắp nền đình làng cho một thôn bản khá xa trại. Buổi chiều lúc trở về, khi bước qua cây cầu treo lơ lửng bắc qua hai bờ vách núi, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi bên vệ cỏ ven đường. Nhìn quanh xuống chân núi gần đó thấy cũng có một khu trại giống như trại chỗ tôi. Cách nơi đang ngồi chừng ba chục thước, thấy gian nhà trống hoác nằm trơ trọi chếch trên vạt đất phẳng lưng chừng đồi, tôi tò mò bước lên sát bậc thềm nhìn vào bên trong. Trên cái chõng tre tênh hênh giữa nhà, một thân người mặc bộ quần áo tù nằm bất động, phía dưới cuối đặt bát cơm đầy vun với quả trứng ở trên. Tôi rùng mình, lạnh toát người và bủn rủn cả chân tay. Có tiếng hắng giọng rồi một tên vệ binh, chắc có nhiệm vụ canh gác ở đấy, xuất hiện từ đằng sau nói rằng đây là một ông sĩ quan ngụy cải tạo vừa mới chết sáng nay vì ăn phải lá ngón, một thứ lá rừng rất độc. Tên này nói thêm, đang chờ đóng xong hòm thì sẽ đưa đi chôn. Thật cô đơn trong bi thảm và lạnh lẽo quá, tôi khẽ cúi đầu rồi lặng lẽ quay lui trở xuống.
Tôi thẫn thờ suốt trên đường về và trằn trọc mãi trong đêm hôm đó. Cảm thương cho người anh em xấu số chưa bao giờ gặp gỡ. Rồi ra những người thân yêu của anh có biết được cái chết này và nơi chỗ chôn vùi thân xác anh giữa núi rừng thăm thẳm mịt trùng ở đây.
Tôi cũng đã qua một lần bệnh thừa sống thiếu chết, tưởng rằng phải bỏ xác giống như anh rồi. Dạo ra đến Yên Bái mới được đâu chừng hơn hai tháng, trận kiết lỵ hành hạ và quật ngã tôi nằm bẹp ở trại cả hai tuần lễ, người phờ phạc hẳn, chỉ còn da bọc xương, giọng nói thều thào đi rồi. May sao hồi phục lại được nhờ còn ít thuốc trụ sinh mang theo từ trong Nam và thêm được mấy ống thuốc bổ, dành để phòng thân của anh Nguyễn Doãn Tân, người sĩ quan trợ y làm y tá trại, đã vì yêu mến nên mượn xy ranh trên trại để chích hết cho tôi không một chút ngần ngừ do dự.Tôi thật xúc động và không bao giờ quên được nghĩa cử này. Tôi cũng vẫn còn nhớ mãi vị ngọt lịm của mẩu đường phèn đã thấm lan vào khắp châu thân mình ở lần đau bệnh ấy, và tình nghĩa huynh đệ thương mến của người anh em dấu mặt nào đó, đã đến dúi mẩu đường phèn nhỏ này vào tay tôi trong đêm khuya.
Chắc rằng họ dự trù việc giữ anh em chúng tôi lâu dài tại đây nên vào mỗi sáng Chủ nhật, không được nghỉ ngơi sau một tuần lễ mệt nhọc, chúng tôi phải đi lao động xã hội chủ nghĩa, thay nhau cuốc bạt đất một bên vách đồi, rồi san nện cho bằng phẳng, nhằm thực hiện ý định mở con đường nối trại với trục lộ chính ngoài kia, để cho xe molotova có thể ra vào được gần trong này hơn.
Công việc tiến hành chưa được bao nhiêu, còn đang dở dang thì vào một buổi sáng, chúng tôi bất ngờ được lệnh chuẩn bị chuyển trại. Tính ra thời gian đến rồi đi chưa được sáu tháng. Đâu biết sẽ như thế nào nhưng tất cả đều thở phào nhẹ nhõm vì có sự thay đổi, chứ cứ ở mãi chỗ này sao thấy vô vọng quá.
Đoàn xe chở chúng tôi chạy suốt qua những cung đường dài, nhiều chỗ quanh co lên dốc và không khí càng lúc càng thêm lạnh, lan nhanh vào trong khoang xe phía sau để trống không phủ bạt che. Như thế là ngược lên vùng cao chứ không phải về dưới xuôi rồi.Thỉnh thoảng đọc được những địa danh lạ lẫm trên các cột mốc cây số, cho đến lúc nhìn thấy mũi tên chỉ hướng và chữ Lào Cai trên một tấm bảng nơi ngã ba đường vừa đi qua, anh em chúng tôi nhìn nhau ngao ngán.
Và rồi cũng đến nơi phải đến. Trong buổi chiều nhạt nắng hanh lạnh vùng núi rừng biên giới phía Bắc, cùng với những anh em từ các trại khác lần lượt chuyển đến, chúng tôi tập trung ngồi nơi sân cỏ đối diện cổng chính để chờ nhập trại mới.
Trại nằm trong vùng thung lũng khá rộng, bao quanh xa xa một chút cũng núi rừng trùng điệp ngút ngàn. Tôi nhìn bờ tường thành cũ xỉn xám ngoét rất cao và chạy dài, bên trên còn có thêm mấy lớp rào kẽm gai, trông thật kiên cố. Sát dưới chân tường là một đường hào ngăn cách, có cây cầu gỗ bắc ngang dẫn vào phía cái cổng vòm, bên trong có bóng dáng những tay công an mặc sắc phục vàng, khuôn mặt lầm lì, đang di chuyển qua lại. Tôi thoáng liên tưởng đến hình ảnh một trại quân trong Thủy Hử hay Tam Quốc Chí. Nhìn thấy có vẻ quy mô và đúng kiểu cách một trại giam rồi. Sau đó ít ngày mới biết nơi đây là trại giam Phong Quang nổi tiếng, nằm trong huyện Bảo Thắng của vùng đất Lào Cai, Hoàng Liên Sơn, rất gần với biên giới Trung Quốc.
Trại có nhiều căn nhà giam cách biệt nhau bằng những khoảng sân và những bờ tường cao quá đầu người. Nhóm khoảng hơn bẩy mươi anh em chúng tôi được tách ra đưa vào một căn nhà lớn, rất cũ kỹ tối tăm, có sàn gỗ hai tầng làm chỗ nằm chạy song song theo chiều dài và được giao nhiệm vụ phụ trách khu trồng rau rau của trại. Thế là bắt đầu giai đoạn mới nữa của bước đường lưu đầy biệt xứ.
Buổi sáng ngồi chờ ở sân để đợi ra cổng đi làm, tôi nhìn sang các đội bên cạnh thấy có rất nhiều khuôn mặt của người lớn tuổi là các sĩ quan cấp bậc cao trong quân đội.
Chúng tôi phải làm việc liên tục qua những công việc hàng ngày bên những luống rau củ các loại như rau cải, bầu bí, dưa leo, su hào, cải bắp…từ tưới nước, cuốc đất, làm cỏ, bón phân…và đối diện với nhiều thử thách mới vì sức khỏe suy giảm dần mà nhịp độ công việc đòi hỏi sức lực luôn phải dẻo dai mới đảm đương nổi. Vai oằn xuống trên từng đôi quang gánh vục xuống hố nước bốc mùi hôi thối tanh nồng, rồi đôi chân bơ phờ đi tưới cho hết diện tích các chỗ. Khi tay cuốc tay xẻng nơi mỗi vuông đất đầy cỏ dại thì cũng vô cùng uể oải mỏi mệt.
Những khi nghỉ giải lao, tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây nhìn về phía rặng núi xa thẳm trước mặt, mơ màng thả hồn đắm chìm vào từng trang tiểu thuyết của ông Hoàng Ly, có bối cảnh miền sơn cước với dẫy Thập vạn đại sơn, có nhân vật giang hồ hảo hán tung hoành trên yên ngựa, ngang dọc chiến đấu với các tay thổ phỉ thảo khấu, suốt dải đất vùng biên cương giữa những tiếng súng Pạc hoạc nổ vang náo động cả núi rừng, quên đi mọi thứ nhọc nhằn quanh mình.
Thời tiết chuyển mùa và anh em chúng tôi đón lấy mùa đông đầu tiên trên đất Bắc. Ai cũng co ro rét buốt vì thân hình bắt đầu hom hem tiều tụy. Dù đã khoác lên người tất cả các loại quần áo có được, vẫn không đủ sức chống chọi với từng cơn gió bấc giá lạnh căm căm. Những bước đi của chúng tôi khi di chuyển thật lừ đừ nặng nhọc, nhiều khi run rẩy trong cơn mưa phùn, đến nỗi như không còn muốn nhấc chân lên nữa. Vào buổi sớm, khi mặt trời chưa lên, sương núi lùa vào dầy đặc trong phòng, hai bên dẫy sàn nằm không nhìn thấy rõ được mặt nhau. Đêm về co quắp người trong tấm chăn mỏng, thêm cái đói hành hạ vì bữa ăn tối mỗi ngày, thường cũng chỉ có lưng bát ngô đá khô khốc, để rồi thèm nhớ biết mấy bữa cơm mái ấm gia đình và không khí sum vầy.
Một buổi tối mùa đông, sau những chuẩn bị công phu nơi mấy ngày trước, từ việc cắt một tay áo may ô khâu túm lại thành túi vợt thay cho phin lọc, góp nhặt mấy que phên cót làm củi đun, tôi và ông bạn Trần Liêm nằm cạnh đã trùm chăn kín mít để nấu được hơn nửa lon sữa bò nước sôi, rồi dìm túi vợt đựng cà phê vào. Khi mọi sự xong xuôi, vuông chăn dạ vừa mở ra, một hương thơm quen thuộc đã lâu lắm mới ngửi thấy, ngào ngạt lan tỏa khắp gian nhà trong tiếng hít hà, xuýt xoa đây đó. Có lẽ đây là lần uống cà phê nhớ đời nhất của tôi. Chỉ tiếc dúm bột cà phê cuối cùng còn sót lại được vét ra để pha chế trong đêm đông ấy chỉ đủ truyền tí hơi ấm, dù chả bõ bèn gì, cho một hai anh em gần quanh chỗ nằm, chứ không đủ san sẻ thêm cho nhiều người khác.
Tết Mậu Ngọ năm 1978 ở trại Phong Quang là cái Tết thứ ba xa nhà của chúng tôi và để lại một kỷ niệm nhớ đời, chung quanh việc ăn uống, giữa những tháng ngày khổ hạnh trong tù. Chuyện từ bữa cơm tất niên và ngày mùng Một Tết, nấu bằng gạo trắng hoàn toàn không bị độn khoai sắn, thức ăn cũng đặc biệt hậu hĩnh với rau xào, canh cải và thịt trâu cùng lưng bát thịt heo kho váng mỡ, thêm hai ca dưa hành đầy tú hụ. Lại có nửa gói thuốc lá thơm Thủ đô và nguyên gói Sông Cầu để phì phèo mấy ngày xuân.
Không biết có phải vì bao tử đã nhiều ngày dài cứ toàn đồ ăn độn thiếu thốn các chất, nên khi cùng lúc được tiếp nhận, rồi sự tương tác qua lại giữa mấy món thức ăn linh đình ngày Tết, có chất mỡ béo của thịt heo, chắc chắn hơn nữa là do hiệu ứng đặc biệt của dưa hành, đã làm cho anh em chúng tôi sấm động Phong Quang suốt, ngay sau bữa cơm tối hôm ấy và kéo dài hai ba ngày sau. Hết người này đến người kia, từ đầu nhà đến cuối dẫy, liên tu bất tận. Thoạt đầu tôi còn cố nín nhịn, kìm hãm bớt, nhưng sau rồi đành phải để tự nhiên cho nhẹ bụng. Tối mùng Một lên hội trường dự buổi văn nghệ mừng Xuân do đội văn nghệ cây nhà lá vườn của trại trình diễn, mới biết tình trạng này gần như xẩy ra với rất nhiều người ở các đội khác nữa. Nơi góc cuối hội trường chỗ chúng tôi ngồi, thỉnh thoảng có những âm thanh đặc biệt thay nhau phát ra cùng lúc từ đâu đó chung quanh, nghe rõ hơn cả tiếng đàn giọng hát trên sân khấu, cộng thêm cái mùi vị đặc trưng bốc tỏa nồng nặc, anh em chúng tôi nhìn nhau cười. Trước cảnh ngộ này, một ông bạn trong phòng đã trịnh trọng giải thích rằng khi áp suất của đường ruột lên cao, tác động vào thành hậu môn nên bật ra tiếng kêu gọi là rắ…và đấy là hệ quả đương nhiên của chu trình tiêu hóa thực phẩm về phương diện hóa lý. Cách giải thích như vậy không đúng với y học, nhưng dẫu sao cũng ghi lại một kỷ niệm thú vị khó quên nơi ngày tháng đó.
Sau Tết, đội chúng tôi được tách giảm bớt chỉ còn bốn mươi người và chuyển sang căn nhà khác gần bên. Tôi vẫn nhớ cái tâm trạng ngạc nhiên khi bước vào nơi chỗ mới. Căn nhà hình như vừa mới xây cất xong, chưa có ai vào ở, vôi tường còn hơi ẩm, sơn cửa chưa khô hẳn và vụn dăm bào sót lại nằm vương vãi đây đó trên dẫy sạp gỗ dài làm chỗ nằm, cũng như hộc tủ để đựng đồ đạc bên dưới. Quan sát khắp nơi thấy cũng sáng sủa gọn ghẽ, khang trang. Phòng ăn riêng biệt sát ngay bên cạnh với tủ chạn và bàn ghế đàng hoàng, Ngoài sân có bể nước, bếp lò, chảo gang lớn để đun nước nóng dùng cho mùa đông. Chắc hẳn còn nhiều căn nữa chung quanh đây vì tôi nhìn thấy được những mái ngói đỏ nhô cao khỏi các bờ tường ngăn cách, cũng rất mới mẻ giống nhau. Chúng tôi bị cô lập hoàn toàn riêng rẽ trong từng căn nhà kiểu này.
Tôi nghĩ việc chuẩn bị nơi ăn chốn ở như vậy nằm trong tính toán cho việc giam giữ chúng tôi lâu dài tại đây. Những buổi chiều tối, cánh cửa ngoài sân và cửa phòng đều bị khóa lại sau khi điểm danh, chỉ được mở ra vào sáng hôm sau. Nhiều lúc tôi thẫn thờ nằm dài trên sàn rồi đâm ra lo nghĩ viển vông và thấy cũng hơi bi quan xao xuyến. Nhưng rồi nhớ tới gia đình ngày đêm đang ngóng chờ, nên tự trấn tĩnh mà nhủ lòng phải mạnh mẽ, đừng để gục ngã trong hoàn cảnh vô vọng chưa biết sẽ ra sao.
Tôi mỉm cười với cách gọi văn vẻ dinh thự Đào Lê mà anh em chúng tôi đảo ngược chữ đề lao để đặt tên cho căn nhà mới này. Tôi lại tìm quên khi hồi tưởng về những tháng ngày quân trường ở Thủ Đức hay khóa học Chiến tranh Chính trị trên Đà Lạt, có biết bao kỷ niệm êm đềm tươi vui bên đồng đội, bạn hữu và một thời hò hẹn yêu thương.
Mọi thứ cứ bình lặng qua đi đều đặn và tôi cũng chẳng còn nhớ gì đến ngày tháng. Thế rồi khi thời tiết chớm lạnh để sắp bước vào một mùa đông nữa thì chúng tôi bất ngờ được lệnh chuyển trại. Thời gian ở Phong Quang này chưa quá một năm.
Trước đấy ít lâu, tôi có nghe loáng thoáng chuyện anh đội trưởng đội bên cạnh, trước là Thiếu tá Chi khu trưởng, cùng với một cựu đại úy khác trong đội, vốn gốc người sắc tộc họ Nông, đã biệt tích không quay về lúc có lệnh thu quân sớm, sau một buổi chiều vừa ra khỏi trại đi lao động chưa được bao lâu. Thường ra, mỗi khi bất chợt sương núi buổi chiều kéo về phủ dầy đặc khắp nơi, chúng tôi được lệnh trở về trại ngay dù chưa hết giờ làm việc. Cũng có thêm chi tiết từ đám tù hình sự đồn đại rằng, qua trung gian móc nối của một tù trọng án người Mường, hai anh đã từng gặp thám báo Trung Quốc bên kia biên giới cải trang tìm sang dò la tìm hiểu tình hình anh em trong trại, và hôm đó phải bỏ đi luôn vì lúc quay lại chỗ làm việc thì đội đã về trại mất rồi. Sau sự việc này, cán bộ trại giam cảnh giác và kiểm soát chúng tôi rất gắt gao, chặt chẽ hơn. Qua gần một tháng tiếp theo, có tin anh cựu đại úy bị bắt trở lại trong tình trạng trọng thương khắp người, còn anh đội trưởng, đám cán bộ nói đã trúng đạn chết trong hẻm núi.
Không hiểu chuyện của hai anh có liên quan gì đến việc chuyển trại của chúng tôi, nhưng dù thế nào cũng là một điều may vì được thay đổi, thoát khỏi cái nơi chỗ mà địa danh dễ gợi nhắc đến một vùng ma thiêng nước độc. Sau này về dưới Vĩnh Phú, qua tin tức báo chí khi trận chiến biên giới 17.02.1979 nổ ra, tôi đoán ra lý do quan trọng khác, đó là chính quyền Hà Nội biết phía Trung Quốc đã bắt đầu có những chuẩn bị về quân sự nơi mấy tỉnh sát biên giới với Việt Nam cùng vào thời điểm đó.
Trên đường chuyển trại lần ấy, chúng tôi bị còng tay cứ hai người một với nhau. Tôi cũng thấy hơi căng thẳng vì lần đầu tiên bị còng như thế. Nhưng lúc bắt đầu trông thấy những nương đồi, vườn cây, phố chợ có đông người đi lại, rồi từng mảnh ruộng và đàn chim bay lượn trên khoảng trời, rải rác xuất hiện hai bên đường qua khung cửa xe, lòng tôi thật nhẹ nhõm vì biết đã xuống đến vùng trung du ấm áp hơn. Và như vậy nơi chỗ mới hẳn sẽ không hiểm trở, lạnh cóng rét buốt như trại cũ Phong Quang Lào Cai.
Quả thế, hơn hai năm tiếp theo trên đất Bắc tại trại Vĩnh Quang A tỉnh Vĩnh Phú, là quãng thời gian khá yên lành với tôi. Nơi đây là trại thứ sáu mà tôi trải qua những bước chân lưu đầy và cũng để lại nhiều vui buồn trong tháng năm khổ ải. Tôi vui mừng được gặp lại rồi ở cùng đội với Nguyễn Văn Chúc, đã mấy năm trời xa cách mỗi đứa mỗi trại, từ sau dạo chung một nhà tại Hóc Môn. Tôi cũng có thêm nhiều giao tình huynh đệ thân thiết mới. Chúng tôi bắt đầu làm quen với công việc của nhà nông vì thuộc về một đội nông nghiệp.
Hôm đầu tiên tôi và Chúc vừa đặt chân xuống một mảnh ruộng bậc thang nhận lấy trâu, cầm sợi dây buộc mũi, chưa kịp tra vào cầy thì con trâu bỗng dưng trở chứng, lồng lên bỏ chạy băng qua mấy bờ ruộng khiến hai đứa tôi vất vả đuổi theo mãi mới ghì lại được. Khi viên cán bộ phụ trách đội nói tôi lấy cuốc đi mở các bờ tràn (khe hở để nước chảy qua), tôi đã đứng ngớ người ra, anh ta tưởng tôi muốn phản đối điều gì nên cau mặt, định lên giọng quát tháo. May có người tù hình sự vừa chuyện trò trao đổi với chúng tôi trước đó đang đứng bên cạnh ra vẻ hiểu biết, giải thích rằng chúng tôi chưa hề bao giờ biết đến cái cầy con trâu và công việc đồng áng ra sao, mọi việc mới êm xuôi. Người tù này được giao nhiệm vụ hướng dẫn công việc ruộng nương cho anh em chúng tôi. Ông ta chân tình dặn rằng cứ mặc kệ đám cán bộ nói gì thì nói, đừng nên làm nhiều quá, phải giữ gìn sức khỏe cho chính mình. Tuổi trạc ngoài bốn mươi, ông tự giới thiệu là trưởng phòng thương nghiệp ngoài Hà Nội, vướng vào một vụ tham ô nên bị án tù vài năm. Có lẽ vì thế thấy viên cán bộ quản giáo cũng hơi nể nang. Trong câu chuyện, ông ta hỏi tôi rằng dạo Noel năm bẩy hai, đang đánh ác liệt thế sao tự dưng lại ngưng ngang, cứ dội bom thêm ít ngày nữa là hàng ngay rồi, để bây giờ khỏi phải khốn khổ đưa nhau ra đây như thế này. Tôi đâu biết trả lời cho câu hỏi ấy như thế nào.
Một người tù hình sự khác tên Thái, cũng khá lớn tuổi, phụ trách trông giữ nhà lô, nơi chỗ để các dụng cụ, vật liệu tại khu vực sản xuất bên ngoài trại và cũng là người chỉ dẫn thêm mọi điều về ruộng vườn cho tôi, được giao làm đội phó kế hoạch kiêm thư ký của đội. Đầy vẻ chân chất và bộc trực, ông cho biết bị đi tù vì bắn chết người trong thời gian làm xã đội trưởng ở Cát Dài Hải Phòng, nhưng cũng sắp sửa mãn hạn rồi. Rất thành thật, cứ tha thiết dặn tôi khi nào được thả ra, nhớ ghé qua chỗ quê ông chơi ít ngày rồi hãy về trong Nam. Thỉnh thoảng gặp lúc, vẫn hay dúi cho tôi củ khoai luộc và bát nước chè tươi lúc nghỉ giải lao. Ông còn lưu ý và dặn chừng tôi phải cẩn thận với đám tù hình sự hỗn độn, ngổ ngáo, chân tay mình mẩy xâm trổ đủ thứ cổ quái, ở cùng trại nhưng khác khu, thỉnh thoảng đến cuốc đất, làm cỏ quanh gần khu vực chúng tôi. Chỉ qua vài phơi bầy, quan sát thấy gần bên như thế, tôi biết được một bộ mặt khác của xã hội miền Bắc.
Mọi công việc rồi cũng quen dần với anh em chúng tôi và thành nề nếp sau một ít lâu.
Những tưởng sẽ lại có thay đổi nữa khi xẩy ra sự kiện quân sự chấn động tại biên giới Việt-Trung lúc chúng tôi về đây mới được vài tháng và đã sống trong thấp thỏm một thời gian dài qua những buổi thực tập di tản bất ngờ khỏi trại trước đó.
Rạng sáng ngày 17.2.1979 ấy, khi nghe tin Trung Quốc vừa xua quân đồng loạt tấn công sang mấy tỉnh vùng biên giới, tôi đã có tâm trạng phân vân giằng xé chưa biết phải quyết định chọn lựa thái độ như thế nào, lúc chợt nghĩ nếu chiến trận sẽ lan đến đây. Và ý nghĩ này chỉ thoáng qua rất nhanh trong đầu cũng như điều đó không xẩy ra thực sự.
Còn nhớ, chúng tôi đang trong giấc ngủ thì giật mình thức giấc vì hệ thống loa phóng thanh của trại đặt ngoài sân trước mở sớm bất thường và to hơn thường lệ. Bắt đầu phát ra nhạc hùng ca liên tục rồi giọng người xướng ngôn viên xúc động loan tin chiến tranh đã bùng nổ, giặc phương Bắc lại thêm một lần mưu toan xâm lăng tổ quốc và kêu gọi toàn thể quân dân cả nước sẵn sàng chiến đấu. Suốt ngày hôm đó và nhiều ngày sau, nghe những bản tin chiến sự dồn dập, trong tôi có một điều gì thật nao nao khó tả.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi và sinh hoạt của anh em chúng tôi trong trại trở lại đều đặn bình thường với thứ công việc một ngày như mọi ngày.
Và thời gian sau, có vẻ tôi đã trở thành một ông nông dân thứ thật chứ chẳng phải chơi. Hầu như tôi rất thành thạo mọi công việc và kỹ thuật canh tác nhà nông, từ việc ủ thóc giống làm mạ ba sôi hai lạnh, đến giai đoạn chuẩn bị cầy ải, bừa xới đất, tháo bớt nước từ những bờ ruộng bậc thang bên trên xuống để điều tiết, rồi gieo cấy cùng tiếp theo nữa là làm cỏ sục bùn, bón phân các loại, nào phân xanh, phân chuồng, phân đạm…cuối cùng ở những ngày đi gặt đông vui.
Mấy đứa trẻ trong xóm Tân Tiến gần đó thường hay la cà ra khu Đồng Khế ngồi xem chúng tôi làm việc, thấy tôi đeo kính cận thị đứng dưới ruộng bên cạnh trâu, chúng gọi là ông máy cầy hai đèn pha. Tôi nhớ mãi cái tên gọi ngộ nghĩnh này.
Giữa các vụ lúa, chúng tôi gieo trồng vài loại nông sản khác như ngô, khoai sắn, dưa leo, đậu phọng…Thành thật mà nói, trực tiếp trải qua những công việc như thế, đã cho tôi cảm nhận trọn vẹn với đời sống cầy sâu cuốc bẫm, cơ cực lam lũ, một nắng hai sương của người dân quê trên khắp miền đất nước.
Chúng tôi lại nhận được tiếp tế đều đặn của gia đình cứ vài tháng một lần nên thấy thật vui và như được gần với những người thân yêu hơn. Nhờ có việc tiếp tế này mà những ngày nghỉ thêm thoải mái rất nhiều với chúng tôi. Mỗi nhóm trải chiếu chiếm lấy một góc hè phía sau nhà để bắt đầu một ngày nấu nướng món này thức kia, thay đổi hương vị những bữa cơm tù nhàm chán thiếu thốn ngày ngày. Bắt đầu vào buổi sáng bao giờ cũng cà phê và nước trà rồi phì phèo khói thuốc. Đây là thời gian mà thỉnh thoảng chúng tôi được đón tiếp mấy sĩ quan cao cấp ở dẫy nhà bên trên thuộc đội trông coi vườn rau, ghé xuống chỗ các đàn em ngồi chơi, thăm hỏi chuyện trò trong thân tình huynh đệ, dù chỉ được một thời gian ngắn ngủi, qua sự linh động mở cổng thông ra ngoài sân lớn, rồi làm ngơ cho việc đi lại, của Trật tự trại là ông cựu Trung tá nhẩy dù Lã Quý Trang.
Cựu Đại tá Huỳnh văn Tư, một thời làm Quân trấn trưởng Sàigòn-Gia Định, có lần cười cười nói cái tướng cách của tôi dám chắc ngày trước từng phải ra vào Quân vụ thị trấn chỗ ông. Tôi cũng nhớ mãi khuôn mặt tươi vui thật ung dung của cựu Đại tá Trần Khắc Kính, có thời gian chỉ huy Biệt khu 44. Ông luôn động viên tinh thần đám trẻ chúng tôi và khi ra về bao giờ cũng mỉm cười nói bon voyage thay cho lời chào. Tôi vô cùng ngưỡng phục từ hôm nghe ông phát biểu trên hội trường. Trong buổi sinh hoạt lần ấy, một tên cán bộ trại xấc xược nhai lại lối nói năng ấu trĩ giẻ rách và cũ rích về cái điều gọi là cải tạo, giáo dục các thành phần xấu xa tội lỗi của chế độ cũ trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Đến phần phát biểu, ông đứng lên nói rằng điều đó hơi ảo tưởng và thiếu thực tế. Cải tạo và giáo dục chỉ có thể áp dụng cho trẻ con, lứa tuổi còn thơ dại chưa hiểu biết gì, cũng giống như muốn uốn nắn một cây tre thì phải thực hiện từ lúc còn non, đến lúc tre đã già thì đâu làm gì được nữa, mà cứ cố ra sức để uốn theo ý mình thì coi chừng bị bật ngược lại trúng vào người rất nguy hiểm.
Tôi cũng học được thái độ an nhiên tự tại của Đại tá Lý Bá Phẩm, cựu Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Khánh Hòa (Nha Trang) khi bình thản trả lời cán bộ trại về một câu hỏi như muốn móc mỉa ông. Thường sau mỗi tối ra sân ngồi xem xi nê, ngày hôm sau chúng tôi phải lên hội trường để thảo luận, học tập về nội dung của phim đã xem và trình bầy cảm nhận của từng người khi được yêu cầu. Tôi nhớ ở lần xem Tự thú trước bình minh, cuốn phim tuyên truyền cho trận đánh của cộng sản vào Nha Trang hồi cuối tháng Ba và đầu tháng Tư năm 1975, có đoạn tài liệu chiếu cảnh Đại tá Lý Bá Phẩm lên trực thăng đi thị sát chiến trường, anh em chúng tôi nhận ra ông nên nhất loạt vỗ tay. Hôm sau, khi tên cán bộ gọi đích danh để bắt phát biểu cảm tưởng cũng như tâm trạng, ông đã thản nhiên nói rằng con người xuất hiện trong cuốn phim ấy đang làm nhiệm vụ của cấp chỉ huy, còn bây giờ người chỉ huy đó đã thất thế, là một trại viên trại cải tạo thì chẳng có gì để nói vì hai con người, hai hoàn cảnh khác hẳn nhau.
Tôi còn được nghe tâm sự não nùng đầy cay đắng ê chề trong ân hận tiếc nuối, do sự tính toán sai lầm, của những người trở về trên tầu Việt Nam Thương Tín, từ đảo Guam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tất cả cũng chỉ vì nỗi day dứt trong tình nghĩa gia đình, bỗng chốc chia phôi, người đi kẻ ở nơi thời điểm đầy sôi động, biết ngày nào gặp lại nên mới trở thành cơ sự. Riêng ông Thiếu úy Không quân cựu hoa tiêu vận tải Đặng Đình N. (gia đình có công ty Đặng Đình Đáng, đại lý nhập cảng xe Puch ba số ba đèn quen thuộc một thời) lại thật thanh thản chấp nhận dễ dàng. Quan lái tầu bay hào hoa ngày nào chuyển sang việc điều khiển củi lửa dưới nhà bếp và thỉnh thoảng gửi trực buồng cho tôi ca nước lạc tiên.
Tôi cũng chia sẻ và cảm thông với nỗi niềm riêng của nhiều anh em trong đội, mà từ lâu bặt tin tức gia đình, không thư từ, tiếp tế. Có trường hợp biết được tình nghĩa đã đổ vỡ xót xa, nhờ nhắn tìm từ những lần thăm nuôi gặp mặt của người này người kia.Trước những hoàn cảnh đau lòng chung quanh, tôi cảm thấy mình là một người may mắn.
Cuộc sống có những điều nhỏ nhặt, nhưng nếu nhận ra ý nghĩa, sẽ lại trở thành niềm vui giữa lúc khổ đau buồn sầu. Trong bẩy mươi hai con người của đội Nông nghiệp này, ngoài phần đông đám trung úy chúng tôi, còn thêm những ông Đại úy, Thiếu tá mà tôi có sự tái ngộ cũng khá lý thú và vui vui với một hai người.
Người thứ nhất là Thiếu tá Lê Lương Thủy, vẫn cặp kính trắng và khuôn mặt nghiêm trang đạo mạo như một ông giáo ngày nào. Tôi biết ông lần đầu trên trường Bộ Binh Thủ Đức vào giữa năm 1969 và nhớ mãi cái ánh mắt ông nhìn tôi có vẻ không mấy thiện cảm. Ông phục vụ tại Khối Chiến tranh Chính trị của trường và tôi là sinh viên sĩ quan trong ban Báo chí & Phát thanh của khóa, thỉnh thoảng lên đấy để gặp Trung úy Trịnh Cung, người trực tiếp phụ trách chúng tôi. Mỗi khi thấy tôi đã xong việc, còn nán lại chuyện trò tí tỉnh với ông chuẩn úy Nguyễn Tường Thiết (gia đình nhà văn Nhất Linh) và Thiếu tá Nguyễn Tuyên Thùy (một huynh trưởng Hướng đạo) mà bàn làm việc gần bên, thỉnh thoảng ông cứ đưa mắt nhìn sang. Thế rồi sau khi mãn khóa đi đơn vị, tôi lên trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt để thụ huấn một khóa sĩ quan Căn bản Chiến tranh Chính trị, lại đụng đầu ông ở đây. Ông đã thuyên chuyển về trường làm Liên đoàn trưởng Khóa sinh và tôi là anh chàng sĩ quan khóa sinh được ông chiếu cố tận tình nhất, dù rằng ông chẳng nhớ ra gã sinh viên sĩ quan ở Thủ Đức năm trước. Không tuần nào mà tôi không bị ông nhắc nhở về sự thiếu gọn gàng ngăn nắp chỗ giường nằm, về tác phong lè phè và hay trốn giờ học trên giảng đường vù ra phố, không thì cũng lỉnh xuống câu lạc bộ ngồi uống cà phê. Bây giờ gặp nhau trong cảnh ngộ này, tôi làm đội phó thuộc ban tự quản của đội với nhiệm vụ theo dõi nhắc nhở mọi người, trong đó có ông, về vệ sinh trật tự nội vụ, tức là sự gọn gàng ngăn nắp đồ đạc, nơi chỗ chiếu nằm cũng như sinh hoạt hàng ngày. Tôi kể cho ông chuyện cũ và hai chúng tôi cười vui vì như được sống lại khoảnh khắc ngày nào. Sau này khi ra trại, thỉnh thoảng tôi gặp lại ông đôi lần bên khu Bà Chiểu và Hàng Sanh.
Còn ông kia là Thiếu tá Nguyễn Quang Hà, cũng một đội phó của đội như tôi, người em kế của anh Văn Quang mà tôi thoáng biết từ những năm đầu sáu mươi, nên chúng tôi dễ nhanh chóng thân mật gần gũi. Hồi đó mới học đệ ngũ đệ tứ, tôi có ông bạn rất thân thiết cùng lớp, là vai em con chú bác với anh Văn Quang. Thỉnh thoảng cùng đi với anh chàng ghé chỗ anh ấy vì việc nhà, hay mỗi khi gia đình bạn tôi có giỗ chạp đông đủ họ hàng, tôi cũng thường đến dự nên biết các anh và cũng được coi như em. Anh Văn Quang đi tù cải tạo ngoài Bắc và khi đó chuyển về cùng tỉnh Vĩnh Phú nhưng trại bên Phú Thọ. Gia đình trong Sài Gòn không ra thăm được nên thường nhờ mấy người cháu dưới quê nhà Quỳnh Phụ Thái Bình lo việc gửi thực phẩm tiếp tế cho hai anh. Không hiểu do đâu mà tin đồn ở ngoài nói anh Văn Quang đã chết trong tù và gia đình bên Hoa Kỳ đặt di ảnh trên bàn thờ rồi. Bà xã tôi biết được điều này vì cô bạn thân bên hàng xóm, cùng là độc giả tiểu thuyết của anh Văn Quang với nhau từ hồi đi học và gọi chị Văn Quang bằng dì. Trong một lần thăm nuôi, nghe kể chuyện như vậy, tôi có nói về cái tin không đúng ấy.
(Sau này gặp lại nhau ở Sàigòn, anh Văn Quang cười vui cám ơn tôi đã giúp đưa anh xuống khỏi bàn thờ để về lại đời thường. Anh ở lại Việt Nam từ sau ngày ra tù. Đã được phỏng vấn theo hồ sơ đoàn tụ, nhưng rồi sau đó anh quyết định không đi vì một lý do riêng hơi tế nhị. Anh cũng không làm hồ sơ chương trình H.O. Gia đình anh Nguyễn Quang Hà thì định cư bên Cali).
Nhiều buổi tối trong tâm trạng trống vắng buồn tênh, Nguyễn Văn Chúc đàn hát tình tang dăm ba bài tình ca Trịnh Công Sơn cho anh em quây quần ngồi nghe, vơi quên mọi điều chuyện. Thỉnh thoảng Lưu Anh Dũng cũng hát vài bản nhạc ngoại quốc. Những thời gian khác, bên ngoài mưa gió sụt sùi, chúng tôi tìm đến nằm khểnh từng nhóm bên nhau, chuyện trò vu vơ về cuộc đời, về kỷ niệm đời lính một thời.
Thường làm danh sách đội nên tôi vẫn nhớ mãi những cái tên, nhớ từng khuôn mặt thân quen gắn bó vui buồn bên nhau nơi năm tháng ấy. Từ Hồ Xèng đội trưởng là ông Thiếu úy già trong đoàn mô tô hộ tống thuộc Phủ Tổng Thống rồi đến những ông Trung úy , Đại úy, Thiếu tá thuộc dẫy ngoài như Trịnh Đình Tiến, Đặng Đình Tùng, Trần Văn Bẩy, Phạm Huy Dũng, Nguyễn Thành Lợi, Phan Minh Khánh, Nguyễn Duy Khiêm, Nguyễn Khoa Tiên, Vương Trọng Thiện, Nguyễn Văn Bông, Phạm Văn Cư, Nguyễn Văn Vang, Nguyễn Bá Thuận, Nguyễn Văn Kiên, Huỳnh Văn Quan, Trần Văn Lân, Diệp Văn Sa (cựu Thiếu tá Nha Nhân viên Bộ Quốc Phòng, ông từ trần dạo cuối năm 1979),Trần Văn Đạo…và dẫy đối diện, bắt đầu từ anh Nguyễn Quang Hà, rồi đến Lưu Anh Dũng, Trịnh Đình Thư, Trương Đình Khải, Lê Văn Hưng, Trình Tấn Viễn, Phạm Văn Phố, Trần Hữu Kim, Lê Bá Tòng, Hạ Vĩnh Tho, Trần Văn Dĩ, Trầm Hưng Đạo…
Bên căn phòng nhỏ sát cạnh cùng với tôi có bác Đinh Văn Vượng, Nguyễn Quang Tuyến, Lê Ngọc Khanh, Lý Văn Đèo, Nguyễn An Vượng, Trần Nam Dương, Nguyễn Văn Lễ, Nguyễn Văn Mai, Hồ Đăng Khoa, Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Văn Robert, Võ Thành Phương, Nguyễn Danh Hồng (anh chàng này đi Pháp theo sự bảo lãnh của gia đình)…
(Sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O., phần đông các anh em cùng đội với tôi sống tập trung ở Bắc và Nam California. Lưu Anh Dũng đã thành lập Hội Thân hữu Yên Bái- Phong Quang-Vĩnh Quang, có một trang mạng riêng và là người vẫn thường đứng ra tổ chức các kỳ Hội ngộ để mọi người được dịp gặp gỡ hàn huyên. Ở Houston chỗ tôi hiện nay có bác Vượng, Kim, Phố và Tòng, anh chàng nhỏ người nhưng nhanh nhẹn ngày nào ngoài Vĩnh Quang, giờ đã phải ngồi xe lăn).
Cuộc sống cứ tiếp diễn đều đặn trong bình lặng. Chừng như tôi cũng như mọi người đã chai sạn và quá quen rồi nên cứ thây kệ, chẳng còn gì để bồn chồn xao xuyến thấp thỏm như những tháng năm trước đây nữa. Có lẽ nhờ nhận thư và sự tiếp tế của gia đình thường xuyên, cũng như được gặp mặt nên chẳng còn loanh quanh lo nghĩ đến ngày về. Phần khác, bầu không khí chung trong trại cũng như ở đội khá êm ả dễ chịu, không xẩy ra điều gì căng thẳng đến nỗi trở thành vấn đề để bận tâm.
Thành thật mà nói, viên Thượng sĩ Nguyễn Thanh Nhàn phụ trách đội chúng tôi hơi lè phè và xuê xoa, không có kiểu nói năng lèm bèm nhiều lời. Hàng ngày anh ta chỉ giao tổng quát công việc phải làm và để cho chúng tôi sắp xếp phân công với nhau. Trong các báo cáo định kỳ hoạt động và kết quả sản lượng mỗi mùa thu hoạch, tôi thường dùng câu chữ và con số thật giả lẫn lộn nên đội đều được xếp vào loại đạt thành tích cao, nhờ đó mọi việc luôn yên ổn thoải mái, không bị để ý dòm ngó gì nhiều.
Tôi cũng rất thích thái độ sòng phẳng và thẳng thắn của viên Thượng úy Phân trại trưởng Vũ Hữu Tánh. Ông ta không dấu diếm quanh co và đã công khai nói hẳn rằng chúng tôi là tù còn phía ông ta có nhiệm vụ coi tù. Rồi việc ngày nào chúng tôi được về là do ở cấp trên của ông ta cũng như phụ thuộc vào tình hình bên ngoài. Cho nên thời gian phải cùng sống với nhau tại trại, mong rằng có sự cảm thông hiểu biết giữa hai bên để mọi sự dễ dàng, đừng gây nên điều gì phức tạp mất vui. Ông ta cũng chân thành nói rằng đám thuộc hạ dưới quyền phần đông còn trẻ, chữ nghĩa học hành không bao nhiêu, thành ra thái độ hành xử nhiều khi cộc lốc hỗn hào, dù luôn được nhắc nhở. Nếu lỡ xẩy ra chuyện với đám này, chúng tôi nên nhín nhịn cho an toàn và báo lại để ông giải quyết sẽ hay hơn. Ông ta hứa tôn trọng sự thật cũng như không bao giờ bênh che cho lỗi lầm của cấp dưới. Có lẽ nhờ vậy mà đám vệ binh ngày ngày vác súng đi theo canh giữ chúng tôi ngoài chỗ lao động cũng luôn chừng mực trong ăn nói, không lấc cấc xấc xược gì.
Chẳng thà huỵch toẹt thế và nếu họ dám thẳng thắn thừa nhận điều đó ngay từ thời gian đầu như viên cán bộ phụ trách trại này, có lẽ đã đỡ bực mình và nhàm tai.
Tôi cũng nhớ những điều trình bầy của viên Cục phó Cục Quản lý trại giam trong một lần từ Hànội xuống trại nói chuyện với chúng tôi nhân đợt Tổng thu hoạch,là dịp họ muốn chúng tôi viết lại công việc và kinh nghiệm của từng người tại đơn vị trước đây. Ông này cho rằng do sự tuyên truyền quá đáng nên báo chí, văn nghệ, phim ảnh… nhà nước cộng sản cứ bôi nhọ mỗi khi tả các sĩ quan quân lực mình như những người không ra gì, khiếp nhược nơi chiến trận và ăn chơi phè phỡn trác táng trong cuộc sống.Và đánh giá kiểu đó đã vô tình hạ thấp chiến thắng của chính họ. Ông ta cũng hiểu chiến thắng của họ là một biến cố nằm ngoài sự tính toán thông thường nơi phía chúng ta. Sự phân tích và đánh giá này khác hẳn với sự tuyên truyền thường thấy. Ông ta nói đã biết hầu như toàn bộ thành phần sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa đều được đào tạo, huấn luyện thật căn bản vững chắc từ các quân trường. Thêm nữa rất nhiều người được trang bị thêm những kiến thức chuyên môn đa ngành giá trị và hiện đại từ các nguồn trong nước cũng như ngoại quốc nên trình độ càng nâng cao. Đây là điều hơn hẳn mà quân đội bên ông ta còn thiếu và chưa thể nào có nổi. Và như vậy, không được phép xem thường mà phải cố gắng tìm hiểu để học hỏi tiếp thu, nhằm cải tiến dần dần rồi mới có thể chính quy hóa, hiện đại hóa quân đội phía ông ta. Sự thật nhất định là thế và hẳn rằng đây không phải người duy nhất có suy nghĩ và nhận biết đúng đắn vấn đề trên.
Tôi tin ông ta có phần nào chân thành mà không phải là sự tâng bốc vuốt đuôi để mị phỉnh những người thua cuộc cay đắng. Cũng không loại trừ khả năng miệng lưỡi một thứ cáo già khôn lỏi trong cách đưa đẩy câu chuyện nhằm mong khai thác thêm được chút gì từ anh em chúng tôi, nhất là những người chỉ huy đơn vị có nhiều năm thâm niên quân vụ đầy kinh nghiệm. Tuy thế, trong hoàn cảnh đó, chắc hẳn các huynh trưởng của tôi thừa biết phải làm gì. Dẫu sao cũng cảm thấy được tự mãn và vui lòng đôi chút.
Tôi ám ảnh mãi cái cảm giác hụt hẫng ở lần mẹ tôi và bà chị cả cùng đi với vợ và hai đứa con lặn lội ra Vĩnh Quang thăm tôi lần đầu. Giây phút gia đình trùng phùng hàn huyên chưa được bao lâu, chỉ khoảng mười lăm phút, tôi bị tên cán bộ giáo dục phụ trách trực tại khu thăm nuôi hôm ấy bắt từ giã để vào trại. Hắn ta nói tôi thuộc thành phần chống đối, tư tưởng chấp hành nội quy chưa tốt nên không được gặp gia đình dài thời gian. Tôi sững người, đã định lên tiếng phản ứng về sự vô cớ này, nhưng nhìn ánh mắt lo ngại can ngăn của những người thân yêu, đành nhẫn nhịn quay bước đi vào.
Ít lâu sau khi có dịp, tôi trình bầy câu chuyện và khiếu nại với viên trại trưởng. Ông ta hứa sẽ dành mọi thuận lợi cho tôi khi gia đình ra thăm lần tới.
Chắc rằng tên cán bộ ấy hằn học để bụng từ lần nhắc nhở tôi về bộ râu mép không cạo. Tôi nêu lý do không có lưỡi lam, hơn nữa nơi 25 điều lệnh nếp sống văn hóa mới của trại chỉ thấy ghi cấm không được để râu dài mà thôi. Nhưng sâu xa hơn, các bạn trong đội từng nhắc chừng tôi cái ánh mắt khó chịu của hắn khi nhìn thấy cô cán bộ kế toán trẻ hay tủm tỉm cười khi ngồi đối chiếu sổ sách với tôi.Thường thì anh em chúng tôi được nhận tiền của gia đình, nhưng phải gửi vào lưu ký của trại. Mỗi lần có đợt mua hàng hóa hay thực phẩm do trại bán ra, phải làm danh sách ghi lại phần chi tiêu của từng người, và tôi phụ trách công việc này. Rồi sau đấy cứ hai hoặc ba tháng, kế toán tài vụ của trại xuống đội để đối chiếu kiểm soát các con số. Ngồi làm việc cạnh nhau và đôi khi cũng chuyện trò vu vơ qua lại, chẳng biết sao cô cán bộ kế toán Hồng Đ. dân Hà Nam Ninh ấy cứ hay cười mỉm như e thẹn một điều gì đó. Thế mới sinh chuyện vì dường như tên cán bộ nhiễu sự với tôi ngấp nghé tán tỉnh cô nàng từ lâu thì phải. Cũng có thêm một chuyện nữa trong tù để nhớ mãi.
Nhưng thật khó phai nhòa và còn đọng lại mãi hoài trong tâm tưởng cùng ký ức là lần vợ chồng tôi được sum vầy đoàn tụ đầm ấm bên nhau suốt một ngày đêm, chỉ mấy tháng sau đó, nhân chuyến bà xã tôi đi một mình ra thăm nuôi lần nữa. Bù đắp cho sự hụt hẫng dở dang tiếc nuối lần trước, tôi đã trải qua những giờ phút dừng chân bình yên và thần tiên như một cơn mơ, nơi hành trình đi qua tháng năm vô định hoang mang dài xa thăm thẳm. Bữa cơm gia đình trong căn nhà tranh vách đất thôn dã buổi trưa và chiều tối ngày hôm đó của chúng tôi sao mà ngọt ngào hương vị và đằm thắm đến thế. Tôi đã háo hức như trẻ nhỏ và cũng lặng người trong nỗi xúc động khôn cùng.
Và rồi đêm ấy là một đêm tuyệt diệu của bồi hồi đón đợi bất ngờ. Ngoài trời mưa to gió lớn, sấm chớp liên hồi và phía chân núi đằng xa, tiếng nước từ trên cao đổ xuống như thác, vọng lại nghe ầm ì đều đặn, lùa vào căn phòng chút hơi lạnh vỗ về những nhớ nhung. Chúng tôi có một đêm vợ chồng đắm đuối yêu thương đầy rạo rực, bối rối quấn quít bên nhau quá đỗi nồng nàn tình tứ, như thể đêm tân hôn ngày nào. Những tháng năm tình yêu trải dài biết bao kỷ niệm rồi làm đám cưới và cuộc sống gia đình đầm ấm chỉ vừa vỏn vẹn được hơn hai năm là xa cách biền biệt thương nhớ, mãi cho đến lúc ấy mới được thật sự gần gũi tìm lại hơi thở và da thịt của nhau, để cho những giọt nước mắt mừng tủi ướt đẫm bờ vai, trôi quên mọi lo âu thấp thỏm đã trĩu nặng từng phút giây nơi cuộc sống cô đơn khổ nhọc của người vợ trẻ. Tôi lặng người trong hạnh phúc ngập tràn mà ngỡ như đang trở về với Đà Lạt ngày tháng cũ của tình yêu, có tiếng gió reo vui lùa từng nốt nhạc len qua hàng thông xanh trên đồi vắng, giữa cơn mưa bụi bay bay nơi những buổi chiều hò hẹn, và chúng tôi đan chặt vào nhau quyến luyến không rời.
Ngày vui qua đi, trở lại với sinh hoạt thường ngày, tôi ngẩn ngơ mãi rồi mới hết cái cảm giác lâng lâng vì một nỗi bâng khuâng dịu dàng. Dường như có nguồn lực vô hình nào đấy vừa tiếp truyền cho tôi được mạnh mẽ thêm lên.Tôi thật yên lòng vì biết gia đình nhỏ của tôi vẫn luôn được nội ngoại cưu mang đùm bọc và thấy mình thanh thản để bất chấp mọi điều gì sẽ còn nữa nơi phía trước.
Ngày Tết Dương lịch năm 1981 được nghỉ ở nhà, không phải đi lao động, tôi quanh quẩn trò chuyện với người này người kia qua hết buổi sáng. Khi về chỗ của mình, tôi nằm thừ người và nhẩm tính rồi chợt nhớ ra đã là cái Tết thứ sáu xa nhà, thời gian cũng gần sáu năm. Cũng chỉ còn gần tháng nữa lại đến Tết ta. Đội văn nghệ bên cạnh đã bắt đầu tập dượt các tiết mục của chương trình mừng Xuân cùng với những chuẩn bị cho hoạt động tranh tài thể thao. Tôi nghĩ đến việc sẽ ra khu hội chợ mấy ngày Tết như năm ngoái để thong thả ngồi hút thuốc và ung dung uống chai bia Trúc Bạch, một chuyện thoải mái chỉ có mỗi năm một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Và giây phút đó mới cảm nhận đến tận cùng nỗi cô đơn khi nhớ về không khí gia đình, rồi miên man hồi tưởng những hình ảnh từng mùa Xuân cũ.
Thế nhưng khoảng mười ngày sau Tết Dương lịch, một biến cố bất ngờ đã đảo lộn tất cả mọi thứ. Tôi thật bàng hoàng xúc động nơi buổi sáng hôm ấy, khi rất đông người trong toàn trại được gọi tên ra tập trung ngoài sân để được thả về, riêng đội chúng tôi có hơn mười người. Mấy năm ở đây, chỉ thấy duy nhất một hai người lẻ tẻ được về và đến khi đó là lần đầu tiên có số lượng nhiều đến thế. Mừng cho người về mà người ở lại cũng vô cùng ngẩn ngơ xao xuyến, dù biết rằng đã đến lúc chính quyền cộng sản giải quyết tình trạng giam giữ chúng tôi. Bịn rịn chia tay nhau và những lời chào chúc giã từ nghẹn ngào vì cảm động. Hẹn gặp nhau ở Sàigòn và ai cũng hứa sẽ đến thăm gia đình tôi thật sớm để báo tin.
Không khí trầm lặng bao trùm mọi sinh hoạt thường nhật suốt những ngày sau đó. Tôi như vừa bị mất đi một cái gì rất thân tình quen thuộc gần gũi. Vào buổi tối, khi ánh điện yếu ớt được mở lên, nhìn từng chỗ sàn xi măng bỏ trống đây đó không còn người nằm, tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Buồn tênh và trống vắng quá.
Vẫn chưa hết phân tâm và hoang mang xao xuyến thì ngay tuần lễ kế tiếp, lại có thêm một đợt về nữa và tôi ở trong số này cùng với cũng hơn mười người khác của đội. Lặng người trong nỗi òa vỡ rưng rưng, nơi giây phút ấy tôi run rẩy nắm chặt tay từ biệt từng người bạn vẫn còn phải ở lại, nước mắt ứa ra khi nhìn nhau mà không nói được lời nào.
Khi ngồi ngoài khu văn phòng trại làm thủ tục, tôi biết vì không có đủ vé xe lửa cùng một lúc cho tất cả mọi người, nên trại đã phải chia thành từng đợt, cũng thật nhẹ nhõm thở phào. Rồi sau này đoán biết thêm, có lẽ chính quyền cộng sản đã ấn định mức án tù cho những người tù cải tạo chúng tôi bằng những mốc thời gian từ ba đến sáu, chín năm hay nhiều hơn là tùy theo cấp bậc, chức vụ và đơn vị, ngành chuyên môn phục vụ trước đây. Cũng vì sự giảm bớt một vài tháng khi tính toán sắp xếp cho từng đợt thả về, nên nhiều người rơi vào tình trạng không đủ thời gian tối thiểu ba năm, để hội đủ điều kiện đi định cư tại Hoa Kỳ, theo như chương trình H. O. đòi hỏi.
Chúng tôi được trả lại các vật dụng cá nhân, đồng hồ đeo tay, nhẫn, dây chuyền, tiền bạc…và nhận thêm mỗi người một ít tiền trợ cấp đi đường cùng nắm cơm vắt.
Khi đoàn xe Molotova chở chúng tôi bắt đầu chuyển bánh, tôi bùi ngùi ngoảnh nhìn lại lần cuối nơi chỗ dẫu sao cũng đã ghi dấu biết bao vui buồn quên nhớ đầy cảm xúc trong hơn hai năm trời.
Trời nắng nhẹ và nhiều gió, mui xe mở toang hoàn toàn để trống, không phủ bạt kín mít như những lần chuyển trại. Tôi hân hoan hít thở căng lồng ngực đang phơi phới niềm vui giữa khung trời tự do lồng lộng. Khuôn mặt anh em chung quanh ai nấy đều rạng rỡ tươi cười sung sướng trong nỗi hân hoan mừng vui.
Khi đoàn xe dừng để nghỉ tại quán nước nhỏ ven đường một khu dân cư, tôi vô cùng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng vì vừa bước vào đã nghe thấy bài Diễm xưa qua tiếng hát Khánh Ly đang phát ra từ cái máy cassette cũ nơi góc nhà, chắc hẳn trong Sàigòn đem ra. Ông bạn Nguyễn Bá Thuận ở chung đội, vốn gốc Biệt Động Quân và xuất thân khóa 2 trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, như thể một trượng phu vừa được đánh thức khỏi cơn ngủ mê, đã cùng tôi hào hứng chia nhau uống hết cút rượu trắng địa phương, không biết chưng cất bằng thứ gì mà chua ngoét. Chút lát sau, chẳng hiểu do thấm men hay như để giải tỏa ẩn ức bị dồn nén từ bấy lâu, ông bạn tôi lên tiếng nói năng huyên thuyên đủ thứ chuyện, giọng điệu rất mạnh bạo, chẳng cần kiêng dè gì cả, tôi phải nhắc chừng kìm bớt lại.
(Khi sang Hoa Kỳ, Nguyễn Bá Thuận viết văn với bút hiệu Thảo Nguyên, là tác giả quyển truyện Qua đồi trinh nữnói về đời lính Biệt Động Quân một thời chiến trận, rất được người đọc đón nhận).
Lúc qua bên kia bờ sông Hồng chỗ Chèm thì trời cũng về chiều, nắng nhạt dần và đoàn xe đi thêm một đoạn đường nữa rồi ngừng lại ở một bãi cỏ vùng ven đê Yên Phụ gần Nghi Tàm, ngoại thành Hànội. Viên cán bộ phụ trách hướng dẫn thành thật nói rằng cũng muốn đưa chúng tôi đi quanh một vòng thăm thành phố, nhưng ngồi trên xe Molotova trông không được đàng hoàng. Vả lại chúng tôi cũng nhếch nhác quá, cho nên đợi tối trời một chút mới vào nội ô rồi sẽ ra ga Hàng Cỏ.
Chúng tôi ngồi nghỉ ở đó khoảng gần một giờ đồng hồ và tôi cố ăn nốt miếng cơm vắt, phần cơm tù cuối cùng còn lại trên đường về với gia đình.
Nắng tắt hẳn, trời bắt đầu tối dần, đoàn xe ba chiếc nối đuôi nhau chầm chậm đi vào Hànội vừa lên đèn. Bầy ra trước mắt tôi dưới ánh điện vàng vọt là một khung cảnh cũ kỹ nghèo nàn và xô bồ. Chẳng thấy không khí rộn rã đón Tết dù đã qua rằm tháng Chạp, tuy đường phố cũng khá đông người qua lại. Xe chạy lướt qua những khu phố xa lạ, từng ngã tư đường, chợ Đồng Xuân, một công viên ven hồ nào đó. Thành phố đầy những bộ áo quần bộ đội và công nhân, lác đác một vài tà áo cánh vải hoa lẻ loi giữa thật nhiều mầu kaki Nam Định nâu xanh trên những chiếc xe đạp phóng nhanh vội vàng. Những căn nhà mặt phố với bờ tường gạch loang lổ, hàng hóa bầy biện lộn xộn trước cửa.Tôi như bị lẫn lộn trong ký ức, giữa hình ảnh một Hànội thanh lịch ngày tháng nào, còn chập chờn thoáng qua nơi những trang tiểu thuyết và từng đoạn phim tài liệu về một Hànội ngơ ngác tiêu điều sau 1954, khi người cộng sản đã tiếp thu thành phố. Trong trực cảm thoáng qua, tôi cũng không nhận ra một Hànội gần gũi nơi trí nhớ của cậu bé con lên bẩy là tôi, được người chị lớn dẫn đi chơi khắp đây đó, ở thời đoạn sau Hiệp định Geneve tháng 7/1954, khi cả nhà tôi từ Phát Diệm lên đây chầu chực chờ đợi hàng tháng trời để tới lượt lên máy bay di cư vào Nam.
Tại ga Hàng Cỏ, chúng tôi được phát vé lên tầu và những lờì dặn dò về chuyến đi. Gửi bạn trông chừng dùm đồ đạc, tôi cùng một hai người nữa thả bộ loanh quanh gần đó. Bụng thấy đói, rủ nhau vào một tiệm phở có lèo tèo dăm ba người khách, nhưng rồi phải nhai trệu trạo nuốt cho hết tô phở nhạt nhẽo không mấy ngon miệng.
Quay trở lại khu vực chờ đợi tại nhà ga, chúng tôi có cuộc gặp gỡ chẳng thể nào ngờ. Không biết từ đâu, sáu bẩy người xa lạ xúm lại vây quanh bọn tôi và ân cần hỏi han tíu tít đủ thứ chuyện như đã thân quen. Nghe giọng nói miền Bắc của tôi khi trả lời, họ rất sửng sốt vì dường như không biết gì về cuộc di cư năm 1954. Một người vồn vã nắm lấy cánh tay tôi mà lắc mạnh mừng rỡ.Tuy cũng cảnh giác nhưng tôi nhìn thấy cử chỉ, ánh mắt chân thành và cả sự tò mò nơi họ. Có lẽ thành phố đã rất xôn xao bàn tán ở từng đợt ra trại đông đảo và liên tiếp của anh em tù cải tạo chúng tôi trong những ngày này. Nhớ lại trước đây, lúc gặp mặt gia đình khi thăm nuôi, đã nghe kể về dư luận bên ngoài, cũng như một lần đi đắp đường ngoài xã Đạo Trù gần trại, được tiếp xúc ít nhiều với dân chúng địa phương, tôi tin chắc rằng theo thời gian, thái độ của người dân miền Bắc nhìn anh em chúng tôi thay đổi nhiều rồi, hiểu biết hơn và không còn thành kiến kiểu cực đoan quá khích vì bị tuyên truyền căm thù như hồi đầu chúng tôi mới ra đất Bắc.
Mấy tay con buôn tiến đến gạ chuyện hỏi mua các thứ món đồ dùng như chăn màn quần áo, ga men, bi đông…quân đội mà có người còn mang về theo, bất kể cũ mới. Tôi đâu biết họ sẽ tiêu thụ những thứ này như thế nào, nhưng riêng tôi, thanh toán được cái mùng cá nhân và tấm chăn dù mấy năm không giặt giũ, đã định vứt đi mà chưa biết phải làm sao, bỗng dưng có cách giải quyết lại thêm được tí tiền tiêu pha dọc đường thì quá tốt rồi. Hơi áy náy, tôi đưa cả bộ quần áo tương đối còn khá mới, nhưng nặng mùi ẩm mốc vì để trong túi đựng đồ đạc không mặc đến từ lâu. Cũng nhẹ hẳn cái túi đeo vai, chỉ còn lại vài thứ vặt vãnh đem về làm kỷ niệm.
Chuyến tầu kéo còi khởi hành lúc gần nửa đêm, qua khung cửa toa tầu, nhìn những khuôn mặt không quen biết còn đứng dưới sân ga đang tươi cười đang giơ tay vẫy chào, bất giác tôi mỉm cười vu vơ và thấy thật nhẹ nhõm như vừa trút bỏ được một điều nặng nề vô hình nào đó từng dai dẳng đeo bám.
Thôi chào nhé và chẳng hò hẹn gì ngày quay trở lại nơi này và những năm tháng đã qua. Tôi chập chờn trong giấc ngủ giữa âm thanh đều đặn của nhịp bánh xe nghiến xuống đường ray. Thoảng chốc có tiếng ai đó nhắc đến từng cái tên ga xép… Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình… mơ hồ quen thuộc lắm nhưng rồi cũng vụt qua rất nhanh theo tốc độ đoàn tầu.
Đến khoảng nửa đêm của ngày tiếp theo trên hành trình, còn đang mơ màng vật vờ, tôi đã tỉnh hẳn người khi nghe anh bạn ngồi bên cạnh nói rằng đang qua sông Bến Hải. Không ai bảo ai, tự nhiên chúng tôi cùng đứng lên nhìn ra ngoài, nghẹn ngào và xúc động quá. Sắp tới phần đất quê nhà thân yêu rồi đây và chúng tôi đang trên đường trở về thực sự. Từ bên trong ánh điện mờ nhạt của khoang tầu, nhìn qua ô cửa kính, dòng sông ngăn cách đôi bờ đất nước ngày nào lặng lẽ và im lìm ẩn hiện trong màn đêm rồi cũng khuất dần.
Lúc vào ga Huế, có lẽ cũng còn khuya lắm, được thông báo là tầu sẽ dừng chừng một tiếng đồng hồ, tôi khoan khoái xuống xe và tìm đến dẫy hàng cơm gánh phía trong ăn một đĩa cơm vô cùng ngon miệng. Ơi Huế thơ mộng bên ngoài kia của một thời tuổi trẻ giang hồ vặt, vẫn đang chìm trong giấc ngủ, sao thật gần mà cũng như trở thành xa cách lắm rồi. Bỗng dưng tôi thấy bùi ngùi xốn xang quá.
May nhờ có được ít tiền mà việc tiêu pha ăn uống dọc đường về của tôi khá thoải mái, không đến nỗi phải bận tâm. Và cũng là dịp để biết thêm nhiều món ăn địa phương, từ cháo cá Lăng Cô khi tầu dừng để chuẩn bị lên đèo Hải Vân, kẹo mè xửng Đà nẵng…cho đến gà luộc nguyên con ở ga Quảng Ngãi.
Đến ga Diêu Trì, biết được tầu cũng còn ở lại cả tiếng đồng hồ nữa, tôi vào khu vực nhà vệ sinh, cởi nhanh quần áo ngoài rồi xối lên người những ca nước mát lạnh để cho trôi đi mọi nhọc mệt và nặng nề của thân xác cũng như tinh thần. Thật khỏe khoắn đầy sảng khoái, tôi quay về toa và khi tầu tiếp tục chạy được một lúc là tôi ngủ thiếp đi ngon lành.
Và rồi, khoảng cách lùi dần về phía sau để thật gần thêm nữa khi nhìn thấy những tên ga Long Khánh, Dầu Giây,Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Dĩ An,Thủ Đức và… Bình Triệu.
Tôi bắt đầu nôn nao bồn chồn và như đang nghẹn đi trong nỗi vui lâng lâng khó tả. Hồi hộp làm sao khi tưởng tượng đến nét mặt của từng người thân yêu ở giây phút trùng phùng sắp đến. Vợ con đang tá túc bên nhà ngoại ở cư xá kiến thiết gần ngã ba Hàng Sanh ngay bên kia cầu, chỉ còn một đoạn đường ngắn ngủi nữa thôi.
Tôi xuống tại ga Bình Triệu và nhẩy lên ngồi sau lưng một ông xe ôm. Tai ù đi, tôi không còn nghe rõ được những lời thăm hỏi gì đó khi người lái xe bắt đầu rồ máy và sang số chạy đi. Xuống khỏi dốc cầu, con đường dài hút vắng lặng trong đêm thật tĩnh mịch và chừng như tôi cảm nhận được nhịp tim mình bắt đầu đập rộn ràng hơn lên.
Xe dừng ngoài mặt đường của con hẻm. Từng bước chân tôi run run sải vội dưới ánh điện vàng vọt giữa ngõ khuya không một bóng người. Căn nhà ngay đầu dẫy có cánh cổng tôn mầu xám và vuông sân nhỏ cùng giàn hoa giấy quen thuộc đây rồi. Tôi lặng người cố ngăn giọt nước mắt đang ứa ra làm nhòe đi mọi thứ chung quanh. Chốn cũ bình yên ngay trước mặt mà sao vẫn ngỡ như đang trong cơn mơ. Nơi góc sân sát bờ tường nhà phía trong, bố vợ tôi đang đứng tập Dịch cân kinh. Hai cánh tay ông khoan thai chậm rãi đưa lên đưa xuống đều đặn. Tôi cố trấn tĩnh lên tiếng khẽ gọi, ông dừng tay và nhìn ra rồi bỗng dưng quay người bước lên bậc thềm lẳng lặng mở cửa đi vào nhà. Chẳng lẽ ông không trông thấy tôi trong khoảng tối bên ngoài. Chừng như cả nhà đã đi ngủ. Tôi nhớ ra hôm nay là hai mươi ba tháng chạp, ngày ông Táo về Trời. Có một cơn gió nhẹ phảng phất thoảng qua đâu đó mùi nhang trầm ấm áp dễ chịu.
Tôi đi men theo bờ tường gạch vòng ra phía căn phòng nhỏ đằng sau, chỗ ở của vợ con và cất tiếng gọi nhỏ. Cũng vẫn im ắng. Tôi trở lại đằng trước gõ nhẹ vào cánh cổng và lên tiếng gọi tên một cậu em. Trong nhà nghe có tiếng người lao xao rồi cánh cửa sổ được mở hé ra và đèn sân bật sáng. Thế rồi tất cả òa vỡ trong nỗi vui mừng khôn xiết vì mấy đứa em đã nhận ra ông anh đang đứng bên ngoài cánh cổng.
Cả nhà thức dậy vây quanh lấy người về còn đang bàng hoàng ngơ ngác vẫn cứ đứng chết lặng giữa phòng khách. Mãi rồi mới lấy lại được tự nhiên để trò chuyện với mọi người.Tôi vòng tay ôm thật chặt bờ vai yêu dấu rồi quàng lấy cậu con trai và cô con gái, đang rụt rè khép nép đứng ngay bên cạnh mẹ. Ngày tôi đi đứa đầu còn thơ dại, đứa sau vẫn phải bế ngửa. Bố vợ tôi nói có nghe tiếng tôi gọi, nhưng trong một khoảnh khắc nhìn ra bóng đêm, tự dưng ông cảm thấy tiếng gọi sao thật mơ hồ như từ đâu vọng về chứ không phải ngay trước cổng nhà nên thất thần bỏ vội vào trong là vì thế.
Liên tiếp nhiều ngày liền ở tuần lễ trước đó, các bạn tôi về đợt trước đã tìm đến thăm hỏi và báo tin tôi bình an khỏe mạnh ngoài trại. Cả nhà bỗng đâm ra hoang mang lo lắng khi không thấy tôi được về như họ và bị ám ảnh ngay một điều thật xấu gì đó có thể đã xẩy ra cho tôi mà mọi người muốn dấu không nói. Sự trở về của tôi khi năm cùng tháng tận cận kề là cả một bất ngờ và chẳng một ai trong gia đình dám nghĩ tới.
Lại có một trắng đêm của thổn thức và hạnh phúc ngập tràn với gia đình nhỏ thương yêu của tôi ở buổi tương phùng.
Sáng hôm sau tôi đạp xe đưa vợ con đến sở làm, đến trường mẫu giáo rồi về bên nhà bố mẹ. Bố tôi đang ngồi uống trà và đọc báo ở nhà ngoài. Tôi bước vào và cất tiếng chào, ông sững sờ nhìn lên và buông rơi tờ báo. Xúc động mất một lúc, ông mới nở nụ cười tươi vui rồi hỏi han tôi về sức khỏe và những tháng năm lao tù khổ nhọc. Ông bảo lúc tôi bị đưa ra Bắc, lên tận Yên Bái rồi Lào Cai thì từ trong thâm tâm, ông đã thoáng nghĩ rằng tôi sẽ không có ngày về, hoặc nếu về, chắc cũng thân tàn ma dại mà thôi.
Mẹ tôi còn ở ngoài chợ, tôi nôn nóng vội đi tìm bà ngay sau đó. Một người hàng xóm tốt bụng đã mau mắn cất công ra tìm mẹ tôi ngoài chợ để báo tin tôi về. Chưa qua hết khúc quanh gần nhà, đã thấy mẹ tôi đang tất tả bước chân như chạy từ đằng xa. Bà buông giỏ xách đựng mấy bó rau, gói thịt cá rơi xuống đất, nắm chặt lấy hai tay tôi mà òa lên khóc trong mừng vui nghẹn ngào. Rồi thật tự nhiên bà hỏi tôi sao mà đi biền biệt mãi bây giờ mới về.Tôi đứng lặng người, nước mắt ứa ra làm nhòe cả hai bên kính.
Đấy là lần đầu tiên tôi xa gia đình, xa những người thân yêu trong một thời gian dài lâu đến vậy, và để lại cho mọi người bao nhiêu thương nhớ lo âu. Tôi bỗng thấy mình như đã lỗi lầm tệ bạc quá, nhưng đâu biết làm thế nào giữa hoàn cảnh đau thương chung của đất nước, nào của riêng tôi và gia đình.
Bên cạnh nỗi nhọc nhằn, tháng ngày đằng đẵng ấy trôi qua với thật nhiều những yêu thương, buồn vui, những khuôn mặt thân quen -từng kỷ niệm ghi nhớ ở mỗi một khung cảnh nơi chỗ, – trải dài suốt những chặng đường lưu đầy thương khó. Tất cả như những đốm lửa nhỏ nhoi, đã gần gũi vỗ về và lặng thầm đồng hành, soi rọi dẫn đưa tôi đi qua hết đêm dài mỏi mệt tưởng chừng vô vọng, để trở về vây quanh chiếu ngồi thương yêu.
Và chân dung thời đoạn này cũng đã được cất giữ trong ký ức, bên cạnh bao điều nhớ quên khác, để sẽ còn mãi đi cùng năm tháng cho đến cuối đời tôi.
Houston tháng 12/2016.
Trước 1975, thơ Ngọc Tự toát lên một nỗi buồn . . . thế hệ. Thứ nỗi buồn có gốc rễ trong nỗi uất ức vì tuổi trẻ lúc nào cũng bị bóng ma của chiến tranh rình rập, vì thân phận con người trở nên bé mọn bởi sự thống trị của những chủ nghĩa , vì tình yêu đồng nghĩa với chia ly, với đau khổ, với sự chết.
Sau 1975, thơ Ngọc Tự cũng vẫn toát lên một nỗi buồn. Nỗi buồn này lại vẫn mang dấu ấn một thế hệ. Một thế hệ bị nguyền rủa, ra khỏi chiến tranh không phải để bước vào hòa bình, mà là khởi đầu cho những cuộc lưu đầy. Cuộc lưu đầy trên chính quê hương. Cuộc lưu đầy nơi xứ người xa tít tắp.
https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/01/14/nhung-dom-lua-giua-dem-dai-ngoc-tu/2/