Những bức thư tình mùa Noel: Thư gởi Ông Già Noel và Thư gởi nàng Juliette của Roméo ở Ý – Nguyễn thị Cỏ May

Cac Bai Khac

No sub-categories

Những bức thư tình mùa Noel: Thư gởi Ông Già Noel và Thư gởi nàng Juliette của Roméo ở Ý – Nguyễn thị Cỏ May

Noel đã bao lần qua nhưng những bức thư của trẻ con viết và gởi cho Ông Già Noel mỗi năm từ tháng 11 và tất cả đều lần lược được hồi âm cho tới đầu thàng giêng năm sau trong số đó có không ít những bức thư vẫn thật sự làm rung động lòng người. Vì những ý nghĩ ngây thơ, trong sáng của tuổi trẻ. Cho tới gần đây, riêng ở Pháp, số thư trẻ con mỗi năm viết tay gởi cho Ông Già Noel vẫn còn chiếm con số rất lớn. Dĩ nhiên có nhìều cô cậu được cha mẹ hướng dẩn viết bằng computer. Thời đại tin học mà!

Riêng bức thư của cô bé Virginia O’Hanlon, 8 tuổi, ở Manhattan, NY, viết năm 1897 gởi cho báo The New York Sun hỏi “Ông Già Noel có thật không?” bất ngờ trở thành nổi tiếng và vượt thời gian nhờ bức thư trả lời của báo. Giai thoại này từ hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Noel.

Mùa Noel năm nay, câu chuyện lại được nhắc lại trên mạng thông tin. Và bức thư trả lời của ký giả Francis Pharcellus lại thêm một lần nữa đánh động lòng người:

“ …. Virginia, ông già Noel có thật. Ông có thật cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào ? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.

…, Ông Già Noelvẫn sống và sẽ sống mãi. Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này. Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc “. Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia. Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.

Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.

Cỏ May nhắc lại chuyện Ông Già Noel nhơn mùa Noel vì nó đã làm cho Cỏ May súc động không ít hôm tối 24 vừa qua. Trẻ con vui chơi vì mới 10 giờ tối. Người lớn sửa soạn bửa ăn tối. Năm nay, ở Paris, trời không lạnh. Tây có câu “ Hể Noel đứng được ở bao-lơn thì Phục-sinh phải ngồi trước lò sưởi ”. Tuy không lạnh nhưng cửa sổ vẫn đóng. Thằng bé 7 tuổi tên Lenny, học lớp 1, cứ đòi mở ít nhứt một cửa sổ. Để cho Ông Già Noel tới. Trước khi nghỉ học cuối năm, ở trường, cô giáo nói chuyện cho học sinh trong lớp nghe về Ông Già Noel. Và bảo học trò hảy viết thư cho Ông Già Noel xin quà. Học trò viết như một bài tập. Cậu bé Lenny chăm chỉ viết và gởi cả niềm tin vào trang giấy. Các bạn của nó phần đông không có đứa nào tin. Riêng nó tin có Ông Già Noel.

Tối hôm ấy, bất ngờ, cha của nó làm ngã cây thông. Nó òa lên khóc vừa đau khổ “ Ông Già Noel không tới …”. Nó hiểu như một điềm không lành.

Nó bỏ chạy vào phòng khóc tức tưởi. Và ngủ thiếp đi.

Sau đó, mẹ của nó lấy quà ra bày lên những đôi giày của trẻ con để sáng ra, chúng nó nhận quà.

Ngủ dậy, Lenny thấy có nhiều quà, reo lên mừng rở. Quên những chuyện buồn của tối hôm trước.

Đúng là cái đẹp vẫn ở niềm tin. Và niềm tin của trẻ con đẹp hơn cả!

 

Viết thư gởi Ông Già Noel

Trẻ con Pháp viết thư gởi Ông Già Noel hoàn toàn miển phí. Ban thư ký của ông là Bưu điện và địa chỉ gởi thư là:

Ông Già Noel

14, đường sao xẹt trên Trời

33 500 Libourne – France (Miền Tây-Nam Pháp – Gần Bordeaux)

Theo tin mới nhứt, cập nhựt ngày 28 tháng 12 năm 2014, Ban Thư ký của Ông Gìà Noel đã được mở cửa làm việc trở lại. Đó là tin mừng cho tất cả trẻ con ngoan, học giỏi, vì có thể viết thư gởi miển phí cho Ông Già Noel, xin ông quà. Ông sẽ mang tới đặt dưới chân cây thông vào ngày Noel năm tới.

Hằng năm, vào tháng 11, Bưu điện mở Văn phòng truyền thống tọa lạc ở Thành phố Libourne thuộc Tỉnh Gironde. Năm 2012, Văn phòng nhận được 1, 7 triêu bức thư và ăn mừng năm thứ 52. Năm rồi, Văn phòng nhận được 1, 2 triêu bức thư viết tay và cả 200 000 e-mails của trẻ con trong đó có những hình vẻ và sự mong ước nhận được những món quà và đồ chơi. Những bức thư này gởi tới từ 126 quốc gia trên thế giới. Năm 1962, Văn phòng mới thành lập chỉ nhận được có 5000 thư. Ngày nay, Văn phòng có 60 nhơn viên trả lời thư.

Ngày hằng năm, trẻ con bắt đầu viết thư gởi Ông Già Noel, là ngày 6 tháng 11. Với danh sách kèm theo liệt kê những món quà mong đợi. Tất cả thư nhận được đều được Ban Thư ký đọc kỷ và trả lời liền. Điều đặc biệt là thư không đề địa chỉ đầy đủ, như chỉ ghi « Ông Già Noel », dán lại, bỏ vào thùng thư cũng tới tận Văn phòng của Ông Già Noel và được hồi âm kịp lúc.

Chánh Văn phòng của Ông Già Noel là Bà Teulières. Bà rất súc động khi đọc qua những bức thư của tác giả từ 3 tới 9 tuổi vì đó là những dòng chữ, những hình vẻ ngoằn ngoèo bộc lộ đầy sự ngây ngô trong sáng, vô cùng dễ thương, gởi cho người sẽ đem tới những niềm vui vào ngày cuối năm.

Qua hơn năm mươi năm hoạt động, Ban Thư ký của Ông Già Noel đã có tên tuổi khắp thế giới.

 

Những bức thư tình

Chuyện tình ngang trái của Juliette và Roméo đã đi vào lịch sử tình yêu được nhà văn Anh Shakespeare  đưa vào kịch nghệ nay trở thành bất hủ.

Juliette vẫn trả lời hằng năm 4000 bức thư gởi tới nhà ở Vérona, Ý, nay trở thành bảo tàng viện lịch sử.

Juliette và Roméo là hai người yêu nhau nhưng cả hai trở thành nạn nhơn của sự xung đột của hai gia đình. Gia đình Capulet của Juliette và Montaigu của Roméo cùng ở thị trấn Vérona, miền Đông-Bắc Ý, vào thời Phục Hưng. Những bức thư tình từ trên khắp thế giới gởi tới để tâm sự với Juliette vì cũng đồng cảnh ngộ.

Phần nhiều người viết thư cho Juliette không biết rỏ địa chỉ, chỉ ghi ngoài bao thư « Juliette, Vérona ( Vérone), Italie ». Nhưng Bưu điện ý vẫn đưa thư tới vì biết thư gởi cho Juliette là những lời tâm sự.

Tại ngôi nhà xưa của Juliette nay là bảo tàng viện, có 10 phụ nữ làm việc tự nguyện để trả lời thư từ. Một bà cho biết những thư tâm sự đó phần lớn gởi từ Pháp, Đức và Huê kỳ. Tác giả những bức thư này là phụ nữ. Có cả những cô gái vị thành niên.

Họ viết thư để bày tỏ tâm sự trong tinh yêu và hỏi Juliette cho những lời khuyên bảo để ứng xử. Nhiều người không biết làm thế nào để tỏ tình, để bảo vệ tình yêu, …kẻ khác tỏ bày niềm hạnh phúc, sự đau khổ, … Đôi khi thư kèm theo một bức tranh, tấm hình của hai người yêu nhau, hoặc một bài thơ tình.

Văn phòng của Juliette trả lời tất cả thư nhận được. Bằng tiếng pháp, tiếng ý, tiếng anh, tiếng nhựt, tiếng nga. Những thứ tiếng mà mười phụ nữ tự nguyện ở đây có khả năng.

Những bức thư trả lời được viết tay, sát theo từng trường hợp của người gởi. Không hề có thứ trả lời chung, một cách kiểu mẫu. Người trả lời viết theo cảm hứng của mình, theo nhịp tim của mình sau khi đọc thư.

Trong năm, có hai mùa, Văn phòng Juliette nhận nhiều thư hơn hết : mùa Lễ Tình Yêu và Noel.

Cỏ May ghi ra đây địa chỉ Văn phòng Juliette để bạn đọc (Các Bà trong các Hội Cao niên) có thể viết thư không lo thư bị thất lạc :

Via Galilée

37133 Verona – Italia

 

Bao-lơn lịch sử Juliette

Du khách tới Verona không thể không đưa mắt ngước nhìn bao-lơn nơi Juliette đứng nhận lời tỏ tình của Roméo. Verona là một thành phố nhỏ đầy chất lảng mạn nhứt của nước Ý. Nhờ chuyện tình bất diệt  của cặp tình nhơn Roméo và Juliette. Thật ra chuyện tình này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thế kỷ thứ XIX, vào năm 1930, biến thành câu chuyện tình hấp dẩn du khách thế giới.

Từ đó, bao-lơn trước ngôi nhà của Juliette được mọi người tới Verona không thể bỏ qua. Nó trông ra cái sân nhỏ, hằng ngày đông đầy du khách tứ phương. Họ chụp hình nhau với « phong » là bao-lơn. Hoặc chụp với pho tượng Juliette trong vườn.

Theo truyền thuyết, mỗi ngưới tới đây, trước khi ra đi, phải gởi lại Juliette một cái gì. Vì vậy, ngôi nhà của Juliette như được gói bằng những tờ giấy lớn, nhỏ, ghi vội những lời yêu đương nồng nàng, hay những lời đầy nước mắt của những ngưòi yêu nhau trong cảnh ngang trái. Hoặc những món nữ trang nho nhỏ. Cả miếng chewing-gum nắn thành trái tim dán lên tường …

Nếu du khách muốn viếng bảo tàng tình yêu của Juliette, đứng trên bao-lơn,  thì phải đóng góp 6e cho chi phí quản lý cơ sở lịch sử này.

Do ảnh hưởng lịch sử chuyện tình bao trùm ngôi nhà của Juliette mà những người tới đây, sau chốc lác nhìn ngắm khung cảnh xong, khó mà không ôm nhau hun người đi bên cạnh mình.

Cũng theo lời kể lại. Các bà, các cô vào đây, nên rờ vú mặt của pho tượng Juliette để lấy hên như giử tình yêu bền vững, có đông con.

Còn rờ cả hai vú thì sẽ gặp được người trong mộng. Các ông ế vợ mà rờ cả hai vú của Juliette sẽ có vợ sớm. Chẳng những có một vợ mà tới hai vợ.

Không biết thật sự chuyện này ứng nghìệm như thế nào. Chớ nhiều cặp yêu nhau và thường cải nhau, tới đây, rờ vú Juliette, họ được cơm lành canh ngọt suốt ba năm!

Nếu không tin, xin mời bạn đọc nào, hai người thường cải nhau, tới đây, rờ cả hai vú Juliette thử để biết chuyện sẽ ứng nghiệm tới đâu. Cả những anh chàng ế vợ…