Những bạo chúa thời nay
Aldous Huxley * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch – Trong nhà nước dân chủ nhà tuyên truyền nào cũng sẽ có các đối thủ cạnh tranh với họ để giành lấy sự ủng hộ của công chúng. Trong nhà nước toàn trị không có tự do ngôn luận cho các tác giả và không có tự do chọn lựa cho độc giả của họ. Chỉ có một nhà tuyên truyền tức nhà nước.
Điều thoạt nhìn tưởng như nghịch lý là lịch sử biết đến những nhà cai trị quyền uy tuyệt đối mà thường xuyên xử dụng khủng bố lại là những nhà tuyên truyền tích cực nhất. Nhưng với lưỡi lê ta có thể làm được bao nhiêu chuyện ngoại trừ ngồi trên chúng. Ngay cả bạo chúa cũng không thể cai trị trong bất luận thời gian bao lâu nếu không có sự ưng thuận của thần dân họ.
Tuyên truyền độc tài trước tiên nhắm đến hợp pháp hóa lòng yêu mến của nhân dân đối với chính quyền nhà độc tài. Những chính quyền được thành lập lâu đời không cần tạo ra giấy chứng nhận hợp pháp. Thói quen từ lâu khiến nhân dân cảm thấy chuyện họ nên ở dưới quyền của quân chủ tuyệt đối hay quân chủ lập hiến, của tổng thống cộng hòa, của hoàng thân – giám mục, của thiểu số các dòng họ quý tộc, tùy theo mỗi hoàn cảnh, là điều “tự nhiên”. Những nhà cai trị mới phải chứng minh rằng họ đã không tiếm đoạt chức tước, nhưng có chính nghĩa cao quý hơn rất nhiều để cầm quyền hơn chỉ đơn thuần đã cướp được quyền lực. Sự tiếm đoạt, giống như bất kỳ tội khác, chính nó phải được biện minh theo những bộ giá trị thịnh hành-tức là theo chính hệ thống mà coi sự tiếm đoạt là tội. Chẳng hạn, ở Ý trong thế kỷ mười bốn và mười lăm có hai nguồn quyền lực chính trị được thừa nhận: Đế quốc và Giáo hội. Vì lý do này những người cướp được chính quyền thành phố bằng gian lận hay bạo lực, thường vội vàng tự phong là Đại diện Giáo hội hay Lãnh chúa Thừa kế của Đế quốc. Để có thể cai trị có hiệu quả họ cần tước vị và vẻ ngoài quyền lực hợp pháp. Kể từ Cách mạng Pháp những nguồn quyền lực chính trị được công nhận là Nhân dân và Quốc gia.
Khi các bạo chúa thời nay phải hợp pháp hóa việc tiếm đoạt của họ, họ hợp pháp hóa về chủ nghĩa dân tộc và về dân chủ nhân đạo mà chính họ đã lật đổ. Họ đưa ra tuyên truyền để chứng minh rằng chế độ họ vì lợi ích của nhân dân, hay nếu những thông tin kinh tế khiến sự tuyên bố như thế trở thành vô lý, thì vì thực thể huyền bí, khác hơn và phi thường hơn những cá nhân nhỏ bé tạo nên nó, Quốc gia. Nhưng sự thừa nhận chung rằng chính quyền của y là hợp pháp cũng chưa đủ đối với nhà độc tài toàn trị; y đòi hỏi thần dân y tất cả họ đều phải suy nghĩ và cảm nhận giống nhau, y dùng mọi cách tuyên truyền để làm cho họ đều suy nghĩ và cảm nhận giống nhau. Nhưng năm mươi triệu người nam nữ có nghề nghiệp chuyên môn không thể sống chung với nhau mà không nhấn mạnh đến những khác biệt tự nhiên lẫn nhau. Cho dù có muốn đi chăng nữa, nhà độc tài cũng không có thể nào cô lập mình với tất cả những giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đây là một trong những lý do mà, về lâu dài, y nhất định thất bại.
Trong thời gian ấy y chắc chắn thắng lợi phần nào và tạm thời. Tuyên truyền độc tài đòi hỏi sự phục tùng và cả hy sinh rất nhiều về tài chính và những hy sinh khác; nhưng bù lại tuyên truyền bảo với cá nhân rằng, với tư cách thành viên của quốc gia, nòi giống, hay giai cấp ưu việt, họ tốt hơn tất cả những cá nhân khác trong xã hội; tuyên truyền làm tiêu tan ý thức tự ti cá nhân của họ bằng cách khiến cho họ tưởng vinh quang của cộng đồng là vinh quang của chính mình; tuyên truyền cho họ những lý do để nghĩ tốt về bản thân; tuyên truyền cung cấp cho họ những kẻ thù để họ có thể đổ lỗi cho kẻ thù những khuyết điểm của họ và cũng để cho họ có thể trút lên kẻ thù sự tàn bạo tiềm tàng trong họ và thói thích bắt nạt. Tuyên truyền độc tài, mà luôn luôn là tuyên truyền về dân tộc và cách mạng, khuyến khích nam nữ hoàn toàn tự do thể hiện tánh tự phụ, kiêu ngạo, và những khuynh hướng tự tôn của họ, và cung cấp cho họ những cách tâm lý nhằm khắc phục ý thức tự ti cá nhân nhân ở họ. Tuyên truyền độc tài đề cao hiện thực thành kiến xấu xí và cảm xúc mạnh mẽ lên mức lý tưởng. Những nhà độc tài là những giáo hoàng của chủ nghĩa dân tộc; và tín điều của chủ nghĩa dân tộc là những gì nên tồn tại chỉ là những gì hiện tồn tại, chỉ nhiều điều như thế. Tất cả những cá nhân muốn tìm sự biện minh cho những cảm xúc mạnh mẽ như ghen ghét, căm thù, tham lam quá độ, và tàn ác; nhờ tuyên truyền về dân tộc và cách mạng các nhà độc tài cho họ những biện minh như thế.
Aldous Huxley (1894-1963) là nhà văn Anh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Brave New World (1932).
Nguồn:
Dịch từ tạp chí Mỹ Harper’s số ra tháng Hai 2018.
30/3/2018