Nhờ đâu cựu Tổng thống Trump được xử trắng án? – Nguyễn Quang Duy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhờ đâu cựu Tổng thống Trump được xử trắng án? – Nguyễn Quang Duy

Tôi dùng từ “trắng án” để nói về kết quả phiên tòa luận tội ông Trump lần thứ hai, nhưng nếu bạn dùng từ “chiến thắng”, hay “tha bổng”, hay “tha tội” theo tôi đều có lý cả.

Mục tiêu của đảng Dân Chủ là kết tội ông Trump nhưng họ đã không đạt được kết quả, nên phía ủng hộ ông Trump có quyền xem đó là chiến thắng của ông ấy và của họ.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell Lãnh đạo phe Thiểu số đảng Cộng hòa cho biết ông không kết tội ông Trump vì ông ấy đã mãn nhiệm, kết tội ông là vi phạm Hiến Pháp.

Nhưng ông McConnell cũng cho biết ông Trump vẫn phải chịu trách nhiệm về lời nói, việc làm và vẫn có thể bị tòa án truy tố trong tư cách một thường dân khi có bằng chứng phạm tội, nên cũng có thể coi như ông Trump đã được ông McConnell tha tội.

Dưới một phiên tòa pháp lý chỉ khi nào tòa án kết tội và người bị cáo buộc không tiếp tục kháng án thì mới bị xem là có tội.

Theo tôi có loại bỏ những định kiến chính trị thì mới có thể hiểu được những gì đã xảy ra trong tiến trình luận tội và lý do ông Trump không bị Thượng Viện kết tội.

Bằng chứng hiển nhiên ông Trump có tội

Ngay sau cuộc bạo loạn xảy ra bên trong Quốc Hội, đảng Dân Chủ đã công khai tuyên bố sẽ luận tội ông Trump dựa trên những bằng chứng hiển nhiên mà mọi người đều có thể chứng kiến trên truyền hình, mạng xã hội và qua báo chí.

Khi ấy chính lãnh đạo Thượng viện đảng Cộng Hòa ông Mitch McConnell tuyên bố những kẻ gây bạo loạn đã bị ông Trump lừa dối phản đối kết quả bầu cử nên ông ủng hộ việc Hạ viện luận tội ông Trump.

Có sự khuyến khích của ông McConnell và hàng chục viên chức cao cấp bên Hành Chánh đồng loạt từ chức, nên đảng Dân Chủ tin rằng rất dễ dàng để họ có được 2/3 số thượng nghị sĩ đồng ý kết tội ông Trump.

Hạ Viện luận tội

Ngày 13/1/2021, tại Hạ Viện không cần điều tra, không cần nhân chứng và ông Trump không có luật sư bào chữa, các Dân biểu đảng Dân Chủ và 10 Dân biểu đảng Cộng Hòa quyết định luận tội ông đã “kích động bạo loạn” với bằng chứng là lời phát biểu của ông trước Tòa Bạch Ốc vào trưa ngày 6/1/2020.

Nhưng khi đó ông McConnell lại công khai từ chối mở ngay phiên tòa với lý do Thượng Viện sẽ chỉ còn họp 2 ngày 19 và 20/1/2021 và đã có chương trình cho cả 2 ngày.

Theo quy định Quốc Hội nếu đảng Dân Chủ đưa Nghị Quyết luận tội lên Thượng Viện trước trưa ngày 20/1/2021, khi đó ông Trump vẫn còn là tổng thống, thì bắt buộc Thượng Viện phải nhận và như thế bản chất của vụ kiện khi Thượng Viện mở phiên tòa vẫn là xử Tổng thống Trump.

Thượng Viện quyết định…

Sau ngày 20/1/2021, khi Hạ Viện đưa Nghị Quyết luận tội lên Thượng Viện thì Chánh án Tối cao pháp viện John Roberts chính thức từ chối chủ tọa phiên tòa, dấu hiệu cho thấy việc luận tội ông Trump có thể đã vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Ngày 26/1/2021 được sự đồng ý của ông McConnell, Nghị sĩ Rand Paul đảng Cộng Hòa đặt vấn đề dùng thủ tục ‘impreachment’ (truất phế) với một tổng thống đã mãn nhiệm là trái với hiến pháp Mỹ, ông đề nghị Thượng Viện tranh luận và biểu quyết.

Qua biểu quyết chỉ có 5 nghị sĩ đảng Cộng Hòa cùng với 50 nghị sĩ đảng Dân Chủ đồng ý việc xét xử là đúng với Hiến Pháp.

Mục tiêu khác của đảng Dân Chủ là gây chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng Hòa nhưng kết quả cuộc biểu quyết cho thấy các chính trị gia đảng Cộng Hòa vẫn rất đoàn kết.

Ngày 28/1/2021, Lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện ông Kevin McCarthy đã phải chính thức xuống tận Câu Lạc Bộ Mar-a-Lago thuộc tiểu bang Florida để gặp ông Trump bàn luận về chiến lược và chiến thuật tranh cử năm 2022.

Theo tôi, hai người hẳn đã bàn và đã đồng ý với nhau về chiến lược tranh biện cho phiên tòa nên ngay sau đó có tin ông Trump đã thay nhóm luật sư biện hộ cho ông.

Phiên tòa bắt đầu…

Vào ngày 9/2/2021, Thượng Viện bắt đầu phiên tòa bằng việc tranh biện giữa các công tố viên và nhóm luật sư bảo vệ ông Trump rằng việc xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm có đúng với Hiến pháp Mỹ hay không.

Phía các công tố viên đảng Dân Chủ có kế hoạch, có tổ chức nên lập luận vững chắc, còn các luật sư bảo vệ ông Trump thì ngược lại lý luận lỏng lẻo, thiếu kế hoạch, thiếu tổ chức.

Nhưng kết quả vẫn chỉ có 6 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng ý với 50 nghị sĩ đảng Dân Chủ là phiên tòa hợp hiến.

Các công tố viên đảng Dân cần phải thuyết phục thêm 11 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng ý ông Trump có tội, thì mới đủ 2/3 phiếu Thượng Viện để kết tội ông Trump.

Lý lẽ đảng Dân Chủ…

Mặc dù kết quả khó đạt được các công tố viên trong vòng 12 tiếng đã trình bày khá chi tiết để lập luận ông Trump gieo rắc mối nghi ngờ có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 nhằm “tập hợp” cuộc biểu tình gây bạo loạn.

Các công tố viên đã sử dụng những video clip với lời nói của ông Trump để cáo buộc ông đã “châm ngòi và kích động” những kẻ bạo loạn đột nhập vào Điện Capitol, và cáo buộc ông chính là tổng tư lệnh của một cuộc nổi dậy nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

Các công tố viên sử dụng các video an ninh Quốc Hội để chứng minh mức độ nghiêm trọng do những người bạo loạn gây ra khiến 5 người chết trong đó có 1 cảnh sát viên và họ quy trách nhiệm do ông Trump gây ra.

Đến phần kết luận, Dân biểu Jamie Raskin, trưởng nhóm công tố, cho biết trong hai ngày qua nhóm công tố đã nhiều lần sử dụng những “lý lẽ thường tình” (common sense), để chứng minh rằng cựu Tổng thống Donald Trump phạm tội cao nhất là kích động nổi dậy.

Ông kêu gọi các thượng nghị sĩ trong vai trò bồi thẩm viên cần cân nhắc sự phán xét của lịch sử khi biểu quyết vì nếu ông Trump không bị kết tội có thể sẽ gây thêm nguy hại cho nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Lý lẽ biện hộ

Nhóm luật sư bảo vệ ông Trump đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ lập luận rằng những “lý lẽ thường tình” của các công tố viên đảng Dân Chủ là dựa trên “hận thù” (hated) đảng phái.

Họ cho chiếu những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin tuyên bố cuộc bầu cử năm 2016 đã bị “đánh cắp”, nhiều người phủ nhận kết quả bầu cử năm 2016 và nhiều người cũng đã thách thức các cử tri đoàn.

Theo họ thách thức kết quả bầu cử của các chính trị gia đảng Dân Chủ không có gì sai trái vì đó là một thủ tục hợp pháp và hợp hiến, tương tự như ông Trump đã làm trong cuộc bầu cử năm 2020.

Họ cho chiếu những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin, tất cả các công tố viên, Chủ tịch phiên tòa Thượng Nghị sĩ Pat Leahy, đương kim Tổng thống Joe Biden và phó Tổng thống Kamala đều đã dùng những từ ngữ như “chiến đấu” (fight hay fighting) hay “chiến đấu đến cùng” (fight like hell) như ông Trump đã dùng trong bài phát biểu ngày 6/1/2021.

Theo họ đó là ngôn ngữ thường dùng của các chính trị gia là tự do ngôn luận được Tu chánh án thứ nhất bảo vệ nên không thể lấy đó làm chứng cớ kết tội ông Trump.

Nhóm luật sư lập luận rằng các công tố viên cố tình bỏ qua việc một số nhóm cực đoan, cả cánh tả lẫn cánh hữu, đã lên kế hoạch gây bạo loạn từ trước ngày 6/1/2021 và đã cố tình cắt xén lời ông Trump kêu gọi người biểu tình phải ôn hòa, phải tôn trọng luật pháp và an ninh trật tự.

Họ kêu gọi các Thượng Nghị Sĩ phủ quyết việc kết tội ông Trump vì kết tội ông Trump là vi phạm quyền luận tội, vi phạm quyền tự do ngôn luận và đồng nghĩa với việc kết tội đa số những người đã biểu tình một cách ôn hòa vào ngày 6/1/2021, cũng như kết tội gần 75 triệu cử tri đã bầu cho ông Trump.

Mời nhân chứng

Đảng Dân Chủ muốn mở rộng việc luận tội sang những gì ông Trump đã biết và đã hành động sau khi ông được báo tin cuộc bạo loạn đang diễn ra bên trong tòa nhà Quốc Hội.

Phía luật sư dứt khoát từ chối tranh biện ngoài đề tài luận tội: “ông Trump có kích động bạo loạn hay không?”

Công tố viên Jamie Raskin yêu cầu Thượng viện cho phép mời Dân biểu đảng Cộng Hòa Herrera Beutler làm nhân chứng về cuộc nói chuyện giữa ông Kevin McCarthy Lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng Hòa tại Hạ viện với ông Trump vào trưa ngày 6/1/2021.

Phía luật sư của ông Trump phản đối việc gọi nhân chứng nhưng nếu Thượng Viện quyết định mời họ sẽ mời hằng trăm nhân chứng và như thế phiên tòa sẽ kéo dài hằng tháng.

Thượng Viện đã biểu quyết thông qua với số phiếu là 55/45 muốn gọi nhân chứng, Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham đảng Cộng Hòa vào phút cuối đã thay đổi ý kiến ông cũng muốn gọi nhân chứng.

Ông Graham từng cho biết nếu đảng Dân chủ gọi dù chỉ một nhân chứng tại phiên tòa luận tội ông sẽ đưa FBI ra làm chứng về những tổ chức đã lên kế hoạch tấn công và những thất bại trong việc bảo vệ an ninh Điện Capitol.

Còn Thượng nghị sĩ Mitch McConnell Lãnh đạo phe Thiểu số đảng Cộng hòa tuyên bố với báo chí ông sẽ không kết tội ông Trump vì ông ấy đã mãn nhiệm kết tội ông ấy là vi phạm Hiến Pháp.

Rõ ràng việc kéo dài phiên tòa sẽ không mang lại kết quả như ý đảng Dân Chủ muốn, mà còn ảnh hưởng đến việc Thượng Viện phải bàn cãi để thông qua các Đạo Luật do Chính Phủ Biden và Hạ Viên đưa qua.

Chỉ vài tiếng sau, Thượng Viện tuyên bố các công tố viên đảng Dân Chủ và nhóm luật sư của ông Trump đã đồng ý sẽ đính kèm lời chứng của Dân biểu Herrera Beutler vào biên bản phiên tòa mà không gọi thêm nhân chứng.

Ngay sau đó Thượng Viện đã biểu quyết với số phiếu 57/43, theo đúng Hiến Pháp ông Trump không bị Thượng Viện kết tội đã “kích động bạo loạn” như Hạ Viện cáo buộc.

Nước Mỹ càng chia rẽ

Đây là một phiên tòa lịch sử, một cuộc đấu trí nghị trường Hoa Kỳ được mở công khai, mọi chứng từ và tranh biện hai bên đều đã được công bố, nên bài viết chỉ mong tóm lược các diễn biến để trả lời câu hỏi nhờ đâu ông Trump được trắng án.

Khi bắt đầu việc luận tội đảng Dân Chủ đã hết sức tự tin sẽ có đủ số phiếu ở Thượng Viện để kết tội ông Trump, ngăn chận ông ra tranh cử năm 2024 và gây chia rẽ nội bộ đảng Cộng Hòa.

Nhưng suy tính của đảng Dân Chủ vì các lý do được nêu bên trên đã hoàn toàn thất bại.

Đến bây giờ vẫn chưa có một bằng chứng pháp lý nào dù thật yếu để có thể đưa ông Trump ra tòa để kết tội ông đã “kích động bạo loạn”.

Nay, theo tôi người thương ông Trump vẫn thương và có thể thương hơn, còn người ghét ông Trump thì vẫn ghét và có thể ghét hơn.

Chính trị Mỹ sẽ tiếp tục chia rẽ trái ngược lời kêu gọi đoàn kết hay thống nhất chính trị của Tổng thống Joe Biden.

Nhưng trong một nền chính trị quá tự do, đa nguyên và công khai như nước Mỹ thì phải hết sức “lý tưởng” mới dám nghĩ đến chuyện đoàn kết hay thống nhất.

Cuộc tranh cử và luận tội cuối cùng thắng thua đều đã được xác nhận, người Mỹ lại tiếp tục chạy đua cho cuộc tranh cử giữa kỳ năm 2022 và tranh cử tổng thống năm 2024.

Thấy vậy mà thèm cho Việt Nam quê hương mến yêu của chúng ta không rõ đến bao giờ mới có tranh cử tự do.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

16/2/2021