Nhìn vào phong trào ‘thoát Trung’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhìn vào phong trào ‘thoát Trung’

Hàng vạn người Việt khắp nơi xuống đường phản đối Trung Cộng trong thời  gian qua

Nguyễn Hùng – BBC Tiếng Việt – 15:09 GMT – thứ  Ba, 12 tháng 8, 2014

Những đòi hỏi thay đổi mối quan hệ ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’  giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc không phải là điều  mới.

Nhưng việc các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho hạ đặt giàn khoan trong vùng biển mà  Hà Nội coi là vùng kinh tế đặc quyền của mình đã thổi lửa làm bùng lên phong  trào ‘thoát Trung’ đã âm ỉ từ lâu. Thực tế có cáo buộc rằng người đang chịu án tù 12 năm, blogger Điếu Cày, tức  Nguyễn Văn Hải, bị bắt hồi năm 2008 và bị kết án lần đầu 30 tháng tù giam một  phần vì các hoạt động chống Trung Quốc. Các cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh ở Việt Nam cũng để lại những hình ảnh và  câu chuyện đáng nhớ. Đảng viên Nguyễn Chí Đức đã bị  công an, theo lời anh, “khống chế như một con lợn” và bị đạp vào mặt trong một  lần đi biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2011. Hai năm sau ông Đức viết đơn bỏ  Đảng Cộng sản và trong các lý do ông đưa ra có “mối quan hệ thiếu minh bạch và  bất tương xứng giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam với Đảng Cộng Sản Tàu.” Giàn khoan nổi trị giá hàng trăm triệu đô la mà Trung Quốc mang ra Biển Đông  tạo ra điều mà nhiều người xem như cơ hội để Việt Nam nhìn lại quan hệ với Trung  Quốc. Nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, Giáo sư Jonathan London từ Đại học City  University of Hong Kong nhận xét: “Vấn đề không phải là thoát Trung vì Việt Nam vẫn luôn ở cạnh Trung Quốc và  như vậy phải cố gắng để tạo ra quan hệ tốt nhất có thể tạo được… phải thay đổi  cơ bản quan hệ giữa hai nước. “Rất có ích khi so sánh quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc so với quan hệ  giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi vì chẳng bao giờ có chuyện Hàn Quốc sẽ gọi mình  là em và Trung Quốc là anh.”

‘Thời kỳ đô hộ mới’

Chính quan hệ đồng chí và anh em giữa hai nước cộng sản ít ỏi còn lại trên  thế giới làm cho nhiều người Việt Nam cảm thấy bất an. Một khảo sát hồi tháng Bảy cho thấy người Việt Nam đứng thứ nhì trong số những nước không ưa Trung Quốc ở châu Á mà nước đứng đầu là Nhật Bản.  Ông Đặng Xương Hùng, cựu quan chức ngoại giao vừa từ bỏ Đảng Cộng sản sau 30 năm và hiện đang xin tị nạn tại Thụy Sĩ, nói: “Muốn thoát Trung phải nhìn thấy âm mưu của Trung Quốc và phải nhìn thấy  chính mình.

Ủy viên Quốc vụ viên Dương Khiết Trì (trái) gặp ông Nguyễn Phú Trọng hồi tháng Sáu

Quan hệ Việt – Trung đã rạn nứt trông thấy trong mấy tháng  qua

“Vì quyền lợi của quốc gia, của đất nước hay vì quyền lợi của Đảng Cộng sản  Việt Nam hay của các phe nhóm lãnh đạo. “Người Pháp [khi đô hộ Việt Nam] đã kéo Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của  Trung Quốc và bộ mặt của Việt Nam đã tách rời khỏi Trung Quốc. Chính người Pháp  đã làm cho chúng ta Hiệp ước Pháp – Thanh [về biên giới]. Ông Hùng dẫn lời cựu Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói về hội nghị Thành Đô  hồi năm 1990 khi các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc bí mật ký thỏa ước về quan  hệ song phương: “Đó là một thời kỳ đô hộ mới của Trung Quốc với Việt Nam.” Cũng như nhiều người khác, vị cựu ngoại giao đòi phải công khai những gì ký  kết ở Thành Đô và kêu gọi lãnh đạo Việt Nam cứng rắn hơn nhằm chống lại “cuộc  chiến tranh không có súng đạn” của Bắc Kinh. Ông nói: “Lãnh thổ, lãnh hải của chúng ta đã bị gặm nhấm dần dần và cách gặm  nhấm của Trung Quốc rất êm dịu, tức là làm cho chúng ta có thể nghĩ họ sẽ không  làm cho chúng ta mất một cái gì quá lớn để chúng ta giật nảy mình lên. “Bằng những kỹ thuật mà chính chúng ta lại giải thích là chúng ta mất như thế  là hợp lý như mất Bản Giốc, mất Ải Nam Quan.” “Nó như cuộc chiến tranh không có súng đạn.”

Lũng đoạn kinh tế?

Một số người khác lại lo ngại về điều có thể coi là lũng đoạn kinh tế của  thương lái và các nhà thầu Trung Quốc trong một số lĩnh vực.

“Trung Quốc là bậc thầy về đưa đút lót trong  khi Việt Nam là bậc thầy nhận đút lót.” – Một nhà quan sát bình luận

Họ nói thương lái Trung Quốc được thoải mái thu mua nông sản mà không có giấy  phép cần thiết. Thực tế con số thống kê của Việt Nam và Trung Quốc về buôn bán giữa hai nước  cũng khác nhau. Có nhà quan sát nói trong khi Việt Nam cho biết họ nhập khẩu của Trung Quốc  28,8 tỷ đô la và xuất khẩu 12,8 tỷ sang nước láng giềng, con số tương ứng của  Trung Quốc lại là 34 tỷ đô la và 16,2 tỷ đô la. Vẫn nhà quan sát này nói nhà thầu Trung Quốc cũng thắng thầu phần lớn các dự  án xi măng và nhiệt điện. Lý do ông đưa ra là “Trung Quốc là bậc thầy về đưa đút lót trong khi Việt Nam  là bậc thầy nhận đút lót.” Những chuyên gia như ông Vũ Quang Việt, cựu quan chức thống kê cao cấp của  Liên Hiệp Quốc, lại đặt câu hỏi tại sao các nhà thầu Việt Nam không thể thắng  trong ngay cả những dự án tưởng chừng như đơn giản, không đòi hỏi công nghệ  cao.

Tiến sỹ Việt nói thu nhập của người Việt ngày càng thấp so với  người TQ

Ông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc chỉ cần nhờ Nhật Bản giúp đỡ trong một dự án  làm tàu cao tốc là họ đã có thể học để tự làm và thậm chí còn xuất khẩu được  công nghệ sang Hoa Kỳ. Tiến sỹ Việt nói cách phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào gia công của Việt  Nam đã khiến khoảng cách thu nhập đầu người giữa Việt Nam và Trung Quốc càng  tăng trong những năm vừa qua. Sự tham gia của Trung Quốc vào những dự án khai thác tài nguyên như hai dự án  bauxite hiện nay ở Tây Nguyên càng làm những người phản đối Trung Quốc thêm lo  ngại. Họ sợ rằng môi trường tự nhiên và môi trường sống của người thiểu số sẽ bị  hủy hoại trong khi thế hệ tương lai sẽ không được thừa kế tài nguyên mà họ cho  rằng đang bị khai thác tối đa.

Ủng hộ quốc tế

Một nhà quan sát khác, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói sự phụ thuộc Trung Quốc là  khó tránh khỏi nhưng ‘lệ thuộc’ mới là điều cần xem xét: “Cái ý mà tôi nghĩ rằng những thảo luận thoát Trung muốn nói là cố gắng làm  sao để chúng ta không lệ thuộc, lệ thuộc chứ không phải là phụ thuộc, vào Trung  Quốc về mọi mặt kể cả tư tưởng, kinh tế và quan trọng nhất là hoạt động chính  trị, hoạt động ngoại giao, hoạt động quân sự của mình.”

“Chúng ta có thể bỏ qua thoát Trung và thoát  luôn cả châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm. Họ đã thoát khỏi chính họ,  thoát khỏi cả tư tưởng châu Á, những tư tưởng có tính chất bó hẹp … đến với  những giá trị phương Tây để đưa đất nước đi xa hơn nữa.” – Cựu quan chức ngoại giao Đặng Xương  Hùng

Đây cũng là điều được nhà văn Võ Thị Hảo chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến hồi  đầu tháng này. Bà nói: “Ở đây vấn là làm sao cho Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc, thoát khỏi  sự vũ kỹ lạc hậu. Càng vận hành thể chế này càng như sự tự sát nên phải thoát  Trung và trước hết là phải thoát chính mình. “Nếu không thoát Trung hay không thoát chính mình thì sẽ lao xuống dốc và đi  về phía địa ngục.” Tiến sỹ Jonathan London trong khi đó nhấn mạnh giờ đã là Thế kỷ 21 và Việt  Nam cần thoát khỏi “quan hệ không tốt” với Trung Quốc. Ông bình luận: “Vấn đề chủ yếu của Việt Nam là muốn chống lại những hành vi  phi lý, hành hung của Trung Quốc thì chắc chắn phải có ủng hộ quốc tế và chỉ có  một con đường duy nhất để lấy được sự ủng hộ quốc tế là cải cách trong nước.. để  thế giới thấy Việt Nam là một nước nên ủng hộ. “Việt Nam phải cho thế giới những lý do để ủng hộ vì thế tôi thấy vấn đề  thoát Trung chủ yếu là vấn đề cải cách thể chế trong nước Việt Nam để có thể chế  dân chủ, minh bạch và có thể đạt được [phát triển] kinh tế ở mức cao hơn.”

Ông Jonathan London nói Việt Nam cần ủng hộ quốc tế để thoát  Trung

Nhà cựu ngoại giao Đặng Xương Hùng thậm chí nói Việt Nam cần ‘thoát Á’: “Chúng ta có thể bỏ qua thoát Trung và thoát luôn cả châu Á như Nhật Bản hay  Hàn Quốc đã làm. “Họ đã thoát khỏi chính họ, thoát khỏi cả tư tưởng châu Á, những tư tưởng có  tính chất bó hẹp … đến với những giá trị phương Tây để đưa đất nước đi xa hơn  nữa.” Mặc dù vậy, điều các chính trị gia cao cấp Việt Nam quan tâm hơn cả vào lúc  này có lẽ là sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào đầu năm 2016. Một nguồn thạo tin bình luận rằng sẽ có những lãnh đạo sẵn sàng có cách tiếp  cận thân Trung Quốc để đảm bảo sinh mạng chính trị của chính mình.