Nhìn Lại Lịch Sử: Bác sĩ Tín, chuyện về người làm ra chai dầu xứ Việt
Những ai đã sống qua thời miền Nam tự do, ắt cũng phải nhớ đến chai dầu khuynh diệp. Sản phẩm nội hoá của người Việt được tin dùng trong toàn dân, đã vậy lại là một phần lịch sử đáng nhớ của người Sài Gòn nói riêng, và miền Nam Việt Nam nói chung.
Chai dầu của các thế hệ người Việt tự do
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín bắt đầu phổ biến vào những năm 1950 của thế kỷ trước trên toàn miền Nam. Vào những năm ấy, trong túi các bà nội trợ, nhưng người buôn bán và các học sinh lúc nào cũng có chai dầu gió khuynh diệp Bác sĩ Tín.
Ngoài công dụng trị tứ thời cảm mạo, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín luôn gắn với các sản phụ và trẻ sơ sinh. Trong một gia đình có người ở cữ, mùi dầu khuynh diệp luôn thoang thoảng quanh nhà. Một nồi nước xông cũng cho vô vài giọt. Sản phụ sau khi xông xong, mùi khuynh diệp bao trùm cả người.
Đứa bé cũng thế, tắm rửa xong được xoa dầu ở lòng bàn tay, chân, ở thái dương. Người lớn, đau bụng cũng xoa. Đau răng, có người dùng cây tăm quấn bông gòn nhúng dầu chấm vào lỗ răng sâu. Người già nhức lưng đau tay chân cũng được xoa bóp bằng dầu khuynh diệp.
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín là một loại dầu màu xanh – sau này một số họa sĩ thường gọi là màu xanh khuynh diệp – đựng trong những chai nhỏ từ 5cc đến 100cc như trong một trích đoạn truyện ngắn: “Trước giờ chuyến xe đò Phi Long chuyển bánh đưa cậu con trai lên Sài Gòn trọ học, một bà má miền Nam, móc túi lấy ra một chai dầu tròn tròn, màu xanh lá cây đậm đang xài còn khoảng 2/3 đưa cho thằng con nói: “Con cất chai dầu khuynh diệp, phòng khi trái gió trở trời…”.
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín ra đời khoảng cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, sau khi Bác sĩ Bùi Kiến Tín chuyển nhà thuốc Đông Dược vào Sài Gòn thành lập nhà thuốc Bác sĩ Tín, bào chế ra loại dầu gió có thương hiệu cùng tên.
Ông sinh ra tại làng Bảo An, Điện Bàn (Quảng Nam) nhờ vậy lúc nhỏ ông biết được người dân quê ông hay dùng dầu tràm nấu từ lá chổi (chuổi). Sau khi tốt nghiệp y khoa tại Đại học Paris (1942), ông về nước và bắt đầu sản xuất loại dầu này và mua bản quyền dầu khuynh diệp của ông Viễn Đệ ở Huế. Ngoài dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín còn có thuốc ho Bác sĩ Tín, thuốc bổ Bác sĩ Tín. Các sản phẩm của Bác sĩ Tín đều được ưa chuộng.
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín có công thức đặc biệt riêng của nó. Đây là một loại dầu gồm hỗn hợp các loại tinh dầu như dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu. Nhưng chủ yếu vẫn là tinh dầu khuynh diệp. Tràm, bạc hà, hay hương nhu… thì thời đó Việt Nam có thể trồng và chưng cất được, nhưng tinh dầu khuynh diệp với tinh chất Eucalyptol (lấy từ cây hồng tràm, tên khoa học là Eucalyptus) phải nhập từ Bồ Đào Nha.
Nhưng Bác sĩ Tín là ai?
Bác sĩ Bùi Kiến Tín sinh ngày 25 Tháng Chín năm 1912 (15-8 Nhâm Tý) tại quê ngoại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nguyên quán làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông còn có tên là Bùi Thứ. Ông là trưởng nam của ông Bùi Biên (ông Cửu Thứ) và bà Phan Thị Yến.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và hào phú, gia đình ông là người khai hoang lập ấp ở vùng Trung Phước, huyện Quế Sơn và trở nên một gia đình giàu có vào hạng nhất nhì huyện ở tỉnh Quảng Nam trước Thế chiến thứ hai.
Năm 1930, đúng 18 tuổi, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Hòa con gái lớn của ông bà Nguyễn Liệu, tục gọi ông Nghè Liệu, ở làng Quảng Hóa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông bà sanh hạ bảy người con gồm bốn trai, ba gái.
Ông Bùi Thứ thuở nhỏ học chữ Nho với một ông thầy đồ. Năm 1918 ông được gởi về bên ngoại đi học chữ Quốc ngữ tại trường làng Bảo An. Năm 1919, ông được gởi đi theo ông Giáo Hồ (anh cả của bà Cửu Thứ) làm hương sư ở làng Văn Cù tỉnh Thừa Thiên, ông bắt đầu học chữ Pháp. Năm 1925 học Đệ nhất niên trường Quốc Học Huế, nhưng sau đó một năm 1926 ông bị đuổi khỏi trường Quốc Học vì có tên trong sổ đen của sở Mật thám Pháp với lý do Hai Thứ thường hay lui tới chùa Từ Đàm nơi thực dân Pháp đang giam lỏng nhà Đại cách mạng Phan Bội Châu và tham gia vào phong trào bãi khóa tại trường Quốc Học cùng lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Cùng năm đó, Hai Thứ ra Hà Nội theo học tại trường Albert Saraut và đổi tên là Bùi Kiến Tín.
Tháng Tám năm 1932, Bùi Kiến Tín đậu Tú tài Tây. Cả làng, tổng, phủ, huyện, họ hàng bên nội, bên ngoại, bên vợ, đều tổ chức đón rước “Vinh quy Bái tổ” rất là trọng thể. Cờ trống võng lọng với một đoàn người cưỡi ngựa đi rước cậu Tú như rước một Trạng nguyên thuở xưa. Đám rước đi theo đường bộ từ đền thờ Khổng Tử ở Hội An (Faifo) về đến Vĩnh Trinh (bên nội), qua Bảo An (bên ngoại), đến Quảng Hóa (bên vợ), rồi đến Trung Phước. Đến đâu cũng “đóng quân” lại, mổ bò trâu, cúng bái, tiệc tùng mấy ngày đêm. Hồi đó cho đến 1935, cả tỉnh Quảng Nam trên 900,000 dân mà chỉ có hai người đậu Tú tài Tây, Lê Nhiếp đậu bên Pháp và Bùi Kiến Tín đậu ở Hà Nội.
Tháng Hai năm 1935, sau một thời gian học luật tại Đại học Luật khoa Hà Nội, ông được học bổng du học ở Pháp theo học ngành y khoa bác sĩ. Năm 1937 được tin thân mẫu từ trần, ông về nước thọ tang, xong trở qua Pháp học tiếp. Trong những năm tại Pháp ông đã cố công xem xét các phương pháp điều chế thuốc của Âu Mỹ, lại có cơ hội thí nghiệm những thảo mộc ở nước nhà gửi sang, lọc những nguyên chất dùng vào việc chế thuốc, thâu nạp cái hay của người đặng nâng cao giá trị những dược phẩm dồi dào của xứ mình.
Năm 1940 ông tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Năm 1942 Bác sĩ Tín cùng với Bác sĩ Trương Đình Ngô và Dược sĩ Trương Xuân Nam lập một cơ sở sản xuất Âu Dược tại Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, về sau vì thời cuộc, cơ sở nầy được dời vào Sài Gòn, Bác sĩ Tín chuyển sang nghiên cứu Đông Y. Năm 1944, ông đưa cả gia đình từ Quảng Nam vào lập nghiệp tại Sài Gòn và lập ra viện bào chế Đông dược miền Nam gọi là Nhà thuốc Bác sĩ Tín tại Phú Lâm Sài Gòn, Nhà thuốc Bác sĩ Tín được thành lập từ đó và phát triển không ngừng cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975 và tạo nên thương hiệu “Dầu Khuynh Diệp Bác sĩ Tín”.
Bác sĩ Tín là vị bác sĩ Tây y người Việt Nam đầu tiên đem kiến thức Tây y để nghiên cứu các vị thuốc Nam (Việt Nam) vốn có rất nhiều tại nước ta và thuốc Bắc (Trung Hoa) kết hơp với nhau để bào chế ra những loại thuốc bình dân, rẻ tiền và công hiệu như VITOPORCE BST; ĐẠI Bổ BST; SIRO NHAU BST… và nổi tiếng nhất là “Dầu Khuynh Diệp Bác sĩ Tín” là một nhãn hiệu thương mại đã được cầu chứng tại Việt Nam trước 1975, ông sử dụng tiếng Việt trên các toa nhãn nhằm quảng bá rộng rãi đến công chúng, nhất là bà con nghèo ở thôn quê biết đến loại dầu gió do người Việt sản xuất. Khoảng năm 1959-1960 ông đã tiến hành quảng cáo tiêu dùng sản phẩm với giải thưởng trúng một chiếc xe sản xuất tại Anh Quốc hiệu AUSTIN… nên cũng có thể coi ông là người đầu tiên khai sinh ra môn Marketing ở Việt Nam.
Bác sĩ Tín được nhiều người biết đến không chỉ riêng trong lãnh vực Đông y dược mà ông còn là một nhà kinh doanh ở nhiều lãnh vực khác như về kỹ nghệ và tài chánh: Ông và trưởng nam Bùi Kiến Thành là đồng sáng lập viên công ty Bình Điện VABCO ở Biên Hòa (nay là nhà máy ACCU Đồng Nai), ông thành lập Đông Phương Ngân Hàng và Việt Nam Công Thương Ngân Hàng tại Sài Gòn. Trong ngành Địa ốc, ông thành lập công ty Địa ốc Tân Ba. Về Âu dược ông và các con lập ra các viện bào chế Tiandi tại Chợ Lớn và viện bào chế Hana tại đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận. Ngoài ra Bác sĩ Tín còn có ý định thành lập một khu giải trí theo kiểu Disneyland tại khu đất đối diện Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Dự án đang tiến hành thì miền Nam bị cưỡng chiếm vào 30 Tháng Tư 1975 nên hoài bão của ông đành dang dở.
Về lãnh vực văn hóa xã hội, Bác sĩ Tín cũng đã đóng góp rất nhiều công của cho các tôn giáo, hội đoàn, xây dựng nhiều công trình hữu ích cho hậu thế như Thích Ca Phật Đài tại Vũng Tàu; Viện Đại học Vạn Hạnh; trường Trung Học Bồ Đề tại Sài Gòn. Bác sĩ Tín cũng sáng lập và gia nhập nhiều tổ chức ái hữu, từ thiện và chuyên môn như Hội Khoa học và Kỹ thuật; Hội Ái hữu Quảng Đà; Hội Bùi Gia Vĩnh Thế; Phù Luân Hội (Rotary Club) khu vực Á châu và toàn thế giới. Khi di tản ra ngoại quốc, có lần Bác sĩ Tín đã cùng với cụ Phan Quảng Nam, ông Phan Bá Phụng, nhà thơ Phùng Minh Tiếng… vận động tái lập lại Hội Đồng hương Quảng Nam lại Nam Cali, nhưng công việc còn đang dang dở thì cụ Phan Quảng Nam bị thảm sát tại San Diego và Bác sĩ Tín phải về Pháp với gia đình nên công việc này đành xếp lại.
Về chính trị, Bác sĩ Tín đã tham gia vào nội các của Thủ tướng Ngô Đình Diệm với chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông Tin (1954). Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thiết lập, ông không tham chính và được trưng tập phục vụ trong quân đội với cấp bậc y sĩ Trung tá làm việc tại Huế và Cà Mau một thời gian, sau đó ông được cử giữ chức Y sĩ Trưởng Phủ Tổng thống và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống (1960).
Năm 1969 ông ra tranh cử dân biểu Quốc Hội tại Sài Gòn nhưng thua phiếu Luật sư Trần Văn Tuyên. Kể từ đó ông chú tâm vào việc kinh doanh, công tác xã hội và tôn giáo cho đến ngày rời khỏi nước vào giờ phút chót của Tháng Tư năm 1975.
Đối với Bùi Tộc Vĩnh Trinh ông đóng góp rất nhiều công sức và tâm huyết cho tộc ta, giúp đỡ tạo điều kiện công ăn việc làm cho nhiều bà con còn khó khăn, lập Bùi Gia Vĩnh Thế Tương Tế Hội, lập Xá Lợi Phật Đài ở đồi Bác sĩ Tín (Biên Hòa), làm nơi cho bà con tộc Bùi giỗ tổ hằng năm xem như từ đường của Bùi Tộc trước 1975.
Với một tinh thần hiếu học và có tính cộng đồng xã hội cao, những năm 60-70 của thế kỷ 20 ông đã lập một quỹ học bổng cho những thanh niên ưu tú nhất của Quảng Nam có điều kiện được ra nước ngoài du học, góp phần canh tân đất nước bằng con đường giáo dục…
Ông mất ngày 23 Tháng Tám 1994 nhằm ngày 17-7 năm Giáp Tuất, thượng thọ 83 tuổi. Ông ra đi để lại bao tiếc thương cho con cháu, bà con dòng tộc và những người chịu ơn ông lúc sinh thời. Năm 1994 tại Sài Gòn có làm lễ truy điệu tưởng nhớ ông với rất nhiều người tham dự. Ông được an táng tại nghĩa trang thành phố Carqueiranne, Var, Pháp.
Sau năm 1975, chính quyền Bắc Việt chiếm hữu rất nhiều thứ ở miền Nam, bao gồm luôn cả công thức sản xuất dầu khuynh diệp. Hiện nay một số xí nghiệp dược phẩm Việt Nam đã dùng công thức của Bác sĩ Tín để tái sản xuất dầu khuynh diệp mang tên ông – nhưng lạ thay, một chai dầu đã đi theo cùng nhiều thế hệ, được yêu mến, nhưng rồi khi được sản xuất ra từ chế độ mới, nó cũng như phai nhạt dần và gần như bị quên lãng.
(Tài liệu trích từ văn bản do Thế thứ 18 cung soạn, Ban tu chính phổ hệ Bùi Kiến Tiến – Bùi Kiến Quang)
Source: Internet