Nhìn lại hai cuộc Cải Cách Ruông Ðất ở miền Nam mà ít người biết đến

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhìn lại hai cuộc Cải Cách Ruông Ðất ở miền Nam mà ít người biết đến

Ai cũng biết, khoảng thời gian từ 1953 đến 1956, ở Miền Bắc xảy ra cuộc cải cách ruộng đất mà báo chí và các trang MXH gọi là: Long Trời, lở Đất. Tuy nhiên, có hai cuộc Cải cách ruộng đất ở Miền Nam mà rất ít người được biết đến. Cả hai cuộc cải cách ruộng đất ở Miền nam đều bị gián đoạn giữa chừng do biến động chính trị, nhưng cách làm và hệ quả của nó lại trái ngược với cuộc cải cách ruộng đất ở Miền Bắc. Sau đây tôi xin tóm tắt, mong các bạn trẻ đọc và suy ngẫm.

1- Cuộc cải cách điền địa của Đệ nhất Việt nam Cộng hoà từ 1955 đến 1963 (Sau hiệp định Geneve). Là cuộc cải cách nhằm phân phối lại điền địa trong khuôn khổ chương trình “Cải cách nông nghiệp” và “Phát triển nông thôn”. Cuộc cải cách ruộng đất này do tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm thi hành. Vào thời điểm đó, ở VNCH, tình hình đất đai tồn tại nhiều bất cập bất công đó là:

– Sở hữu đất đai chênh lệch quá lớn (2.5% Đại điền chủ sở hữu tổng số 45% đất đai, trong khi đó 73% Tiểu điền chủ chỉ sở hữu 15% đất đai).

– Lúc đó mức tô, thuế mà các Điền chủ đặt ra rất cao (40-60%).

– Việc thuê mướn giữa chủ đất và tá điền lại không có hợp đồng cụ thể dẫn đến thua thiệt lớn có thể đến với tá điền bất cứ lúc nào. Đứng trước tình hình đó, tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ dụ 3 đạo luật chính đó là:

– Dụ về quy định mức thu tô, cho thuê đất giảm xuống còn 10-25% (Dụ số 2- 8/1/1955)- Dụ về bắt buộc phải có khế ước, hợp đồng cho thuê đất giữa chủ điền và tá điền (Dụ số 7- 5/2/1955)

– Dụ về truất hữu đất đai (Dụ số 57- 22/10/1956). Theo đó, các điền chủ chỉ còn sở hữu tối đa là 100ha điền địa và 15ha hương điền (đất hương hoả). Số điền địa còn lại Chính phủ sẽ trưng thu mua lại, chính phủ tạm ứng ngân sách 10% trả trước cho điền chủ, 90% còn lại trả bằng trái phiếu trong 12 năm tuy nhiên có lãi suất (5%/1 năm). Số đất đai chính phủ thu được từ việc truất hữu này phân phối bán trả góp lại cho tá điền, mỗi tá điền được bán tối đa 5ha, cũng trong vòng 12 năm bằng ngang giá mua của các chủ điền, tuy nhiên nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất, tá điền chỉ phải trả 3% lãi suất mà thôi.

Chính phủ VNCH cũng đã ra quy định các đối tượng được ưu tiên mua điền địa, theo thứ tự ưu tiên là:

– Các tá điền đã tá canh từ 2 năm trở lên

– Cựu Chiến Binh

– Dân di cư từ miền Bắc

– Người thất nghiệp.

Kết quả: Cho đến 1958, Chính phủ Việt nam Cộng hoà đã thực hiện thành công chính sách tư hữu điền địa cho các tá điền. Khoảng trên 50% số tá điền đã có ruộng, số tá điền còn lại được lập các khế ước thuê đất với mức thuế rẻ.

Tồn đọng tiêu cực: Năm 1963, ông Ngô Đình Diệm bị ám sát nên cuộc cải cách điền địa bị gián đoạn. Có một số Chủ điền “lách luật” đã chia nhỏ đất cho các thành viên trong gia đình, họ hàng… Vì thế cuộc cải cách đã không triệt để như mong muốn.

No photo description available.

2- Cuộc cải cách điền địa của Đệ nhị Việt nam cộng hoà (1967-1973).

Do tổng thống Đệ nhị VNCH Nguyễn Văn Thiệu thi hành. Với chính sách “Người cày có ruộng” được lưỡng viện Quốc hội lúc bấy giờ chuẩn y vào tháng 9 năm 1967. Tuy nhiên có rất nhiều dân biểu của cả hai viện là những Điền chủ, sợ mất đất, cho nên có rất nhiều cuộc tranh cãi nổ ra, cuối cùng tháng 3 năm 1970, cả hai viện cũng chung quyết đạo luật này. Ngày 26 tháng 3 năm 1970, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh 003/60 tại Cần thơ ban hành đạo luật “người cày có ruộng” Ông Thiệu sung sướng nói: “Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi. Ngày ban hành luật “Người Cày Có Ruộng” được coi là ngày nghỉ lễ toàn quốc”.

Cuộc cải cách lần này khắc phục những tồn đọng nhược điểm của lần cải cách trước do tổng thống Ngô Đình Diệm thi hành, nhằm truất hữu hết số ruộng đất không trực canh (trực tiếp canh tác) của các đại điền chủ còn sở hữu số đất đai quá nhiều để chia cho các tá điền còn chưa có đất. Nội dung chính của đạo luật là:

– Quy định số đất đai trực canh các điền chủ được sở hữu tối đa là 15ha đối với Nam phần, 5 ha đối với Trung phần và Cao nguyên.

– Truất hữu toàn bộ điền địa không trực canh, trưng thu mua lại, trích 20 Ngân khố nhà nước trả trước, số còn lại trả sau bằng trái phiếu chính phủ trong vòng 8 năm

– Số điền địa truất hữu được sẽ cấp không cho tá điền chưa có đất. Tối đa là 3ha đối với Nam phần, 1ha đối với Cao nguyên và Trung phần. Theo đó 1.5 triệu ha ruộng đất được cấp miễn phí cho 850.000 tá điền miền nam.

Ngoài ra đạo luật còn có quy định thêm:

– Địa chủ không có quyền bắt tá điền nộp địa tô thuộc những năm trước.

– Nông dân lãnh ruộng do Việt Cộng cấp cũng được miễn thuế (trong một thời gian) và sẽ được nhận bằng khoán để chính thức sở hữu số ruộng đó.

Kết quả: Chính phủ đã mua bán sòng phẳng đất đai không trực canh (trực tiếp canh tác) của các điền chủ để cấp miễn phí cho dân nghèo, tạo điều kiện cho người cày có ruộng. Chấm dứt hoàn toàn nạn cho thuê đất, thu tô của các điền chủ, từ đó cáo chung chế độ Tá canh ở miền Nam.

Fb Duy Tu Ha