Nhiều nỗi băn khoăn trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ
28/05/2017
Cali Today News – Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là ông Donald Trump, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 29-31/05/2017. Chuyến đi của Thủ tướng Phúc diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam được dư luận đánh giá là có rất nhiều biến động và thách thức. Liệu đây có là một chuyến đi gặt hái nhiều kết quả như mong đợi của cá nhân Thủ tướng Phúc nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung?…
Sức mạnh chính nghĩa đặt hy vọng ở Thủ tướng Phúc có được hay không?
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai-nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết cho đây là một thời điểm rất có ý nghĩa khi mà Việt Nam cử một người lãnh đạo sang Hoa Kỳ, tức là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hiện nay, bối cảnh xã hội Việt Nam có nhiều biến động, biến động cả tình hình trong nước lẫn biến động tình hình ngoài quốc tế khiến Chính phủ của ông Thủ tướng Phúc đứng trước nhiều vấn đề:
-Về Chính trị: Người dân Việt Nam đang yêu cầu sự đối thoại nghiêm túc, khi đối thoại yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấm dứt việc khủng bố những người đấu tranh cho độc lập, cho dân chủ, cho công bằng ở Việt Nam.
-Về Kinh tế: Trước khi ông Phúc sang Hoa Kỳ, ông đã họp với nội các để khẳng định sẽ cố gắng vực dậy nền kinh tế nhưng vực dậy trong điều kiện nào? Điều kiện về nợ xấu, điều kiện về thâm hụt ngân sách, điều kiện có khả năng đạt GDP là 6.5 hay không? Đặc biệt là vấn đề về sự thâm hụt ngân sách đã đụng đáy, chuẩn bị xuống đáy thứ hai…đây là những vấn đề nghiêm trọng đang hiện hữu tại Việt Nam. Ngoài ra, những vấn đề như; tư nhân hóa, cổ phần hóa các doanh nghiệp cho đàng hoàng, sự thất thoát của các doanh nghiệp nhà nước do làm ăn thua lỗ lâu năm. Như vậy, vấn đề kinh tế cũng rất gay gắt và cũng là hành trang để Thủ tướng Phúc đem sang Hoa Kỳ.
-Về biển Đông: Sự ổn định là một vấn đề quan trọng tuy các bên liên quan vẫn nói với nhau rất nhiều về điều này nhưng Trung Quốc nói một đàng làm một nẻo, vừa nói với ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang xong là ngay lập tức lắp đặt súng, lắp đặt pháo với cớ đưa ra là để đối phó lực lượng người nhái của Việt Nam ở Trường Sa, dậy sóng biển Đông. Rồi, Trung Quốc còn cảnh báo phía Philippines nếu khoan dầu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines thì chiến tranh có thể xảy ra, tức là Trung Quốc muốn dùng chiến tranh để giải quyết và đe dọa Philipines, gây căng thẳng tình hình biển Đông. Việc tố cáo sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông thì Việt Nam cũng như Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới nói chung là chỉ đưa tin mà thôi, đúng ra là phải có những biện pháp cụ thể để lên án.
Bản thân Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, ông kêu gọi cần phải có một Tòa án lương tâm tố cáo Trung Quốc đã có hành động dùng quân sự, dùng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp. Giáo sư Mai vạch trần những tội ác của Trung Quốc đối với Việt Nam:
“Trung Quốc bảo Hoàng Sa là của Trung Quốc rồi sau đó dùng quân sự để cướp trên tay hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Chính thể của miền Nam Việt Nam trước 1975, từng quản lý quần đảo Hoàng Sa), tiếp nữa là vào năm 1979, Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam rồi sau đó chiếm nhiều địa điểm trên đất liền của Việt Nam. Cuối cùng là vào năm 1988, Trung Quốc lại dùng chiến tranh để chiếm nhiều đảo nổi ở Trường Sa do Việt Nam quản lý và hiện nay đã biến thành những khu quân sự. Những hành động của Trung Quốc như thế này mà theo tôi thấy thế giới chỉ có đưa tin, đúng ra phải tổ chức lên án. Cho nên, tôi muốn nhắn gửi các bạn ở Cali là phải làm sao bàn tiếp, làm sao vận động các văn sĩ trí thức đứng ra cùng với bạn bè quốc tế tố cáo tội ác của Trung Quốc là luôn luôn nghĩ đến việc dùng quân sự, dùng chiến tranh và đưa hành động đe dọa Philippines vừa rồi ra làm cái cớ, liên kết các tư liệu lịch sử đặng phê phán thái độ hung hăng của Trung Quốc.”
Tất cả những vấn đề Giáo sư Mai đưa ra cho thấy, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ lần này nhìn tình hình Việt Nam rõ đang đứng trước nhiều băn khoăn, bối rối, có nhiều tiêu cực xảy ra, cho nên không có thế mạnh. Nhưng không phải là một “dấu chấm tối” to tướng mà không có hy vọng. Giáo sư Mai nói:
“Nếu biết thể hiện chính nghĩa thì mình sẽ có sức mạnh của chính nghĩa, điều này tôi không biết đặt hy vọng ở ông Phúc có được hay không? Nhưng nếu ông Phúc bày tỏ sự chính nghĩa, Việt Nam phải trở thành một lực lượng hòa bình, dân chủ, tiến bộ để phản đối Trung Quốc ngang ngược ở biển Đông sẽ làm cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên, rồi Việt Nam cam kết sẽ cùng với Hoa Kỳ buôn bán, làm ăn đàng hoàng, hai bên dần dần tiến đến sự cân đối, Hoa Kỳ phải tiếp sức giúp Việt Nam tạo ra sự cân đối ấy mà hiện nay Tổng thống Donald Trump đang nói sự mất cân đối và ông muốn đòi cái này. Thế thì ta bàn với nhau cũng dễ giải quyết, nếu làm được như vậy thì Việt Nam có những điều tạm gọi là tính chính nghĩa, tăng thêm uy thế, tăng thêm sức mạnh về phía mình, chứ nếu không có những điều này thì Việt Nam sẽ không là gì đối với Hoa Kỳ cả.”
Tiếp nữa, Giáo sư Mai còn chia sẻ thêm về đường lối đối thoại giữa Thủ tướng Phúc và Tổng thống Trump, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hoàn cảnh này Việt Nam cần nói với Hoa Kỳ là tiến trình của Việt Nam phát triển đồng thời với dân chủ hóa, với tôn trọng nhân quyền, với tôn trọng dân quyền để cùng với nhân loại tiến bộ sống được đàng hoàng trong thời điểm thế kỷ XXI này.
“Nếu mà biết làm được như thế thì trước con mắt của người Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam nói chung và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng có cơ hội được người ta trọng thị. Đây cũng là điều mà nhân dịp này tôi muốn nhắn gửi đến ông Phúc, Thủ tướng của Việt Nam mình.”
Nhiều vấn đề ở Việt Nam đang đè nặng lên vai Thủ tướng Phúc, nhiều thách thức mà Thủ tướng Phúc đem sang Hoa Kỳ trong chuyến đi này. Dư luận tuy không đánh giá cao khả năng cầm cán của Thủ tướng Phúc nhưng theo Gíao sư Mai không lạc quan thì cũng buộc phải lạc quan, phải đối diện, còn gặt hái được kết quả thế nào thì phải đợi thời gian sau mới có câu trả lời nhưng có một điều…
“Tôi thấy nhất định họ phải đổi mới, họ phải khác trước chứ không thể duy trì theo lối lừa mị người Hoa Kỳ được, ngồi họp với họ thì đánh lừa họ là tôi sẽ thế này tôi sẽ thế khác nhưng khi về trong nước thì không thực hiện, không thực hiện những cam kết ngay cả chữ ký của Chính phủ trong những Hiệp định lớn của quốc tế mà không thể không cam kết, không thể không thực hiện. Nếu mà cứ tiếp tục như thế, dưới con mắt của thế giới vị thế của Việt Nam, của Chính quyền Việt Nam là sẽ rất thấp. Cho nên tôi hy vọng rằng, họ bắt đầu thấy ngấm đòn, thấy rằng không thể như trước và với một người như ông Tổng thống Trump thì không thể đánh đu, đánh lừa họ được nên là phải sòng phẳng như tôi nói mấy điều ở bên trên.”- Lời của Giáo sư Mai.
Một vấn đề đáng bàn nữa là tình hình nhân quyền Việt Nam, hầu hết trong những cuộc gặp bang giao với Việt Nam, phía Hoa Kỳ luôn đưa ra vấn đề Nhân quyền Việt Nam, yêu cầu Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền. Chuyến sang Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng Phúc chắc chắn cũng không tránh khỏi vấn đề nhân quyền mà phía Hoa Kỳ đưa ra. Người dân Hoa Kỳ, xu thế thời đại đòi hỏi giữa con người với con người cần đối xử văn minh, coi trọng hơn kết hợp với phong trào đấu tranh trong nước Việt Nam, sức đấu tranh kiên cường và dũng cảm của con người Việt Nam hẳn Chính phủ Việt Nam mà đứng đầu ở đây là Thủ tướng Phúc không thể tiếp tục coi như không biết, không quan tâm. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai chia sẻ:
“Tôi thấy thế giới bắt đầu đặt ra những vấn đề như luật Magnitsky chẳng hạn, là một điều thúc ép họ không thể tùy tiện được. Tiếp nữa là phong trào đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ sẽ là một tiến bộ của xã hội Việt Nam, một xã hội Việt Nam biết tôn trọng văn minh, biết tôn trọng luật lệ và biết tôn trọng những lợi ích chính đáng của con người. Việt Nam cũng muốn thể hiện mình là có văn hóa, trong điều kiện hiện nay xu thế đấu tranh trong nước và ngoài nước đã tạo ra một áp lực, họ kiên cường đến mức bỏ tù thì bỏ tù, ra tù vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi những quyền lợi chính đáng cho người dân thì đấy là điều mà bất cứ nhà cầm quyền nào có thể nhắm mắt, làm ngơ coi như không thấy đây là sự thật được. Đây là điều tôi tin tưởng, tôi tin tưởng là vì mình biết dựa vào sức mạnh, sự kiên cường và trí tuệ của người dân trong và ngoài nước.”
Cần phải nói thêm, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa các mối quan hệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người thứ 3 với cương vị Thủ tướng sang thăm Hoa Kỳ sau chuyến sang thăm chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải (2005) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2008)./.
THIÊN HÀ
CaliToday