Nhật xóa bỏ nhận xét hữu hảo về Trung Quốc trong tài liệu ODA
Báo chí Trung Quốc liên tục khẳng định Điếu Ngư, trong tiếng Nhật là Senkaku, thuộc về Trung Quốc – REUTERS /Shannon Stapleton
Trọng Nghĩa Thứ bảy 22 Tháng Hai 2014
Thái độ không khoan nhượng của Nhật Bản đối với Trung Quốc ngày càng được thể hiện rõ nét trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng lấn lướt và khiêu khích Nhật Bản để đòi chủ quyền quần đảo Senkaku, hiện do Tokyo kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh cho là của họ.
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ vừa qua, có thêm hai động thái của chính quyền Tokyo cho thấy là Nhật Bản đã mất kiên nhẫn đối với Trung Quốc, trong đó có ý nghĩa hơn cả là việc xóa bỏ công thức hữu hảo đối với Trung Quốc trong quyển Sách trắng về Viện trợ cho Phát triển ODA vừa được công bố.
Theo nhật báo Asahi Shimbun số ghi ngày hôm nay, 22/02/2014, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vào hôm qua, 21/02/2014 đã công bố quyển Sách trắng mới nhất của Tokyo về ODA – ấn bản 2013. Điều đáng chú ý là trong tài liệu này, cụm từ từng được dùng trước đây để mô tả tính chất quan hệ song phương Nhật-Trung đã bị xóa bỏ hoàn toàn.
Khái niệm được ghi nhận là «mối quan hệ hai bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung» giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã hoàn toàn biến mất. Trong những tài liệu trước đây, cụm từ này thường được đưa vào để tượng trưng cho mong muốn của Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc.
Điều thể hiện rõ chuyển biến trong lập trường của Nhật Bản đối với Trung Quốc là chính dưới thời ông Shinzo Abe làm thủ tướng Nhật Bản lần đầu vào năm 2006 mà câu nói hữu hảo này trở nên thông dụng. Vào khi ấy ông Abe đã cùng với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đạt được thỏa thuận về việc hướng tới một mối quan hệ như vậy nhân một cuộc họp thượng đỉnh Nhật-Trung.
Cụm từ hữu hảo này xuất hiện lần đầu tiên trong quyển sách trắng về ODA, ấn bản năm 2008. Trong các phiên bản sau đó, vào hai năm 2011 và 2012, nhóm từ này vẫn tồn tại, và được lồng vào trong một câu nói thận trọng hơn: «Trong bối cảnh mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc hiện nay nhằm hoàn thành và làm sâu sắc thêm một ‘mối quan hệ hai bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung’, điều quan trọng là cùng nhau xây dựng một loại hình hợp tác mới.»
Với việc xóa hẳn cụm từ “hữu hảo” kể trên trong ấn bản mới nhất của tài liệu về ODA Nhật Bản, chính quyền Tokyo đã cho thấy thái độ cứng rắn hơn của họ đối với Bắc Kinh.
Giới quan sát cũng gắn liền thái độ cứng rắn đó với việc chính quyền Nhật tỏ ra nghiêm khắc hơn đối với tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi phạm pháp trong vùng biển Nhật Bản. Sự vụ mới nhất cũng xẩy ra vào hôm qua, khi một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị chận bắt ngoài khơi thành phố Goto thuộc tỉnh Nagasaki của Nhật Bản.
Chiếc tàu với thủy thủ đoàn gồm 9 người, đăng ký tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), đã bị buộc tội có «hải trình hoạt động không đúng sự thật» và bị đưa về tạm giữ ở Hakata thuộc tỉnh Fukuoka.
Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Fukuoka đã yêu cầu Chính quyền Nhật Bản bảo đảm an toàn cho các thủy thủ và viên thuyền trưởng, đồng thời xử lý vụ việc một cách đúng đắn.
Vụ bắt giữ chiếc tàu cá Trung Quốc lần này khiến giới phân tích nhớ lại sự cố năm 2010, khi một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản tại vùng Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo khi ấy đã cho bắt giữ viên thuyền trưởng Trung Quốc. Thế nhưng trước sức ép ghê gớm của Bắc Kinh, huy động những cuộc biểu tình bài Nhật rầm rộ, chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ đã phải lùi bước và trả tự do vô điều kiện cho viên thuyền trưởng này.