Nhật triệu Đại sứ TC vì vụ tranh chấp biển đảo
Bắc Kinh hôm nay bác bỏ một cảnh báo của Tokyo, vài giờ sau khi chính phủ Nhật phản đối việc một chiến hạm TC tiến gần tới một nhóm đảo ở Biển Đông Trung Hoa do Nhật kiểm soát.
Bộ Quốc phòng TC hôm nay nói rằng quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) là lãnh thổ của TC và hải quân nước này có quyền hoạt động trong vùng biển đó.
Trước đó trong ngày hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki đã triệu tập Đại sứ TC Trình Vĩnh Hoa vào lúc hai giờ sáng giờ địa phương, trong lúc vụ việc đang diễn ra, để bày tỏ “quan tâm sâu sắc” và đưa ra kháng nghị.
Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, hôm nay cho báo chí biết rằng Nhật Bản sẽ bảo vệ quần đảo Sensuku “bằng mọi phương tiện” và việc chiếc tàu của hải quân TC tiến sát lãnh hải Nhật Bản là một vấn đề nghiêm trọng và là “một hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng”.
Trước đây, những chiếc tàu tuần của TC thỉnh thoảng đã tiến gần hoặc tiến vào vùng biển mà Nhật Bản cho là lãnh hải của mình, nhưng vụ việc ngày hôm nay là lần đầu tiên một chiếc tàu hải quân TC đi vào vùng biển có tranh chấp.
Các giới chức Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị các giới chức hữu quan phối hợp với Hoa Kỳ và các nước khác về vụ việc này.
Chiếc Setorigi, một khu trục hạm gắn phi đạn điều hướng, của Nhật xác nhận chiếc tàu TC đã đi vào một khu vực được bảo vệ ở mạn đông bắc đảo Kuba, một phần của quần đảo Senkaku, và lưu lại ở đó hai tiếng rưỡi đồng hồ.
Ông Yoichiro Sato, một nhà phân tích an ninh của Đại học Á châu Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Tokyo, cho đài VOA biết rằng vụ việc hôm nay là quan trọng nhưng không phải là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Sato: “Đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Hoa, chứ không phải là tàu hải giám dân sự, đi vào vùng biển tiếp cận lãnh hải Senkaku. Việc tàu chiến nước ngoài đi vào vùng biển tiếp cận lãnh hải 12 hải lý mà không có sự tán thành của nước liên hệ mặc dù không vi phạm luật quốc tế, nhưng vẫn là một vụ việc nghiêm trọng.”
Giáo sư Sato cho rằng hành động hôm nay của TC là một thông điệp gởi tới Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước ASEAN.
Ông Sato nói: “Đây là một diễn tiến quan trọng vì sau cuộc Đối thoại Shangri-la, trong đó TC bị nhiều nước chỉ trích vì những hành động hung hăng ở Biển Đông, tôi nghĩ rằng TC muốn đánh đi một thông điệp cho Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước ASEAN là TC có thể tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với những quần đảo có tranh chấp.”
Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 3 chiến hạm của Nga cũng tiến gần tới khu vực mà Nhật Bản cho là lãnh hải của mình.
Hãng thông tấn Fiji cho hay các chiếc tàu của Nga đã tiến vào khu vực này vào khoảng 9 giờ 50 tối thứ tư và rời khỏi khu vực vào khoảng 3 giờ 05 sáng nay.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói “Chúng tôi đang điều tra và phân tích để xem hai vụ này có liên hệ với nhau hay không.”
Trước đó, Nhật Bản cảnh báo rằng bất cứ tàu nào của nước ngoài tiến vào lãnh hải của Nhật vì bất kỳ lý do nào ngoài lý do thông qua vô hại đều bị tàu tuần Nhật Bản ra lệnh trục xuất.
Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã xác nhận rằng dựa trên Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Nhật, các lực lượng của Mỹ có bổn phận giúp đỡ Nhật Bản trong trường hợp quần đảo có tranh chấp này bị tấn công. – Theo VOA