Nhật, Pháp ‘cùng quan ngại’ đảo nhân tạo
Hải quân Mỹ vào cuối tháng trước đã điều lực lượng theo dõi các dự án bồi đắp đảo tại Trường Sa
Theo BBC – 8 tháng 6 2015
Thủ tướng Nhật và Tổng thống Pháp chia sẻ quan ngại về dự án xây đảo nhân tạo mà TC triển khai tại Biển Đông.
Một quan chức Nhật được hãng thông tấn Kyodo dẫn lời nói tại Schloss Elmau, nam Munich, nơi giới lãnh đạo hai nước họp bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm G7.
Ông Abe nói với ông Hollande rằng TC đã và đang triển khai việc xây đảo nhân tạo và các cơ sở khác ”ở tốc độ nhanh” trên Biển Đông.
Hồi giữa tháng Tư năm nay, hội nghị Ngoại trưởng nhóm G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng, làm gia tăng không khí căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tuyên bố có đoạn nói “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn.”
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi sau đó nói TC trước sau như một chủ trương tranh chấp liên quan cần phải do nước đương sự trực tiếp giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương.
Trong một diễn biến đáng chú ý, Kyodo News vào hôm 05/06 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tỏ ý rằng quân đội Nhật có thể tự vệ cho các tàu chiến của Mỹ và tiến hành các hoạt động do thám và cảnh báo tại Biển Đông.
Lực lượng Phòng vệ Nhật bản (SDF) ”có thể tiến hành các hoạt động này chừng nào các hoạt động đó không được xem là việc sử dụng vũ lực và nếu đóng góp cho việc phòng vệ cho Nhật Bản,” Tướng Nakatani nói trong một phiên họp về cải cách dự luật an ninh của quốc hội nước này vào tuần trước.
Tuy nhiên ông cũng cho hay hiện chưa có các kế hoạch cụ thể.
‘Không có ý chỉ trích’
Trong khi đó tin cho hay giới lãnh đạo nhóm G7 vào hôm Chủ nhật đã nhất trí việc phối hợp chặt chẽ để ứng phó với ngân hàng đầu tư cấp vùng do TC khởi xướng, theo dự kiến sẽ được khai trương hoạt động nội trong năm nay.
Phát biểu vào hôm Chủ nhật, ngày đầu của hội nghị thượng đỉnh hai ngày ở Đức, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói ông ”không có ý chỉ trích” một số thành viên của G7 gia nhập để trở thành các thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), nhưng kêu gọi các lãnh đạo G7 khác ”xem xét mọi chuyện theo tinh thần chung” và ”đảm bảo G7 hợp tác chặt chẽ”.
Các thành viên nhóm G7 hiện có phản ứng khác nhau về AIIB với Pháp, Anh, Đức và Ý gia nhập sáng kiến của Bắc Kinh trong khi Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ không tham gia do quan ngại về cung cách quản trị và tính bền vững khi cho vay.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng nước chủ nhà G7, trước đó đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững lên ưu tiên nghị sự hàng đầu tại hội nghị G7 lần này.
Các nhà lãnh đạo theo dự kiến cũng sẽ tập trung vào các vấn đề tăng trưởng, an ninh, đe dọa khủng bố và dịch bệnh.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng vấn đề tham nhũng có sự liên hệ với tất cả những chủ đề trên và cần được thảo luận cởi mở.