Nhật, Mỹ, Pháp hợp sức xử lý tai nạn hạt nhân Fukushima
Chính quyền Nhật Bản sẽ hợp tác với các chuyên gia Mỹ và Pháp để phát triển những công nghệ tối tân nhằm thu hồi các thanh nhiên liệu hạt nhân bị nung chảy trong các lò phản ứng bị hư hại tại Fukushima. Theo một quan chức Nhật Bản vào ngày 14/03/2016, đây là một đề án thiết yếu cho việc vô hiệu hóa nhà máy hạt nhân bị nạn dự trù vào năm 2021.
Theo hãng tin Pháp AFP, việc tháo gỡ các thanh nhiên liệu hạt nhân trong nhà máy bị sóng thần tàn phá cách nay 5 năm là một trong những thách thức lớn nhất của công việc dọn dẹp khổng lồ, một dự án có thể mất đến 40 năm để hoàn thành.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng hiện vẫn chưa có các công nghệ cần thiết cho công việc tháo gỡ thanh nhiên liệu bị nung chảy, do đó cần phải đẩy mạnh công việc nghiên cứu để phát minh ra các loại công nghệ đó.
Phương thức từng được áp dụng tại nhà máy hạt nhân Tchernobyl, bị nổ vào năm 1986 là chôn các thanh uranium trong bê tông, và bỏ hẳn nhà máy. Tuy nhiên, chính quyền Nhật Bản đã loại trừ phương pháp này vì lý do chính trị, do vậy cần phải sáng tạo ra một cách thức mới.
Trong dự án này, bộ Khoa Học và Công Nghệ Nhật Bản sẽ làm việc với bộ Năng Lượng Mỹ và cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp.
Mỹ sẽ giúp Nhật Bản phát triển thiết bị và công nghệ để quản lý và xử lý chất thải phóng xạ cường độ cao, còn Pháp sẽ hợp tác với Nhật Bản trong việc phát triển công nghệ điều khiển từ xa, sử dụng robot và xử lý hình ảnh có thể chịu được môi trường bức xạ cao.
Làm sạch Fukushima và làm cho khu vực trở thành nơi con người có thể sinh sống được là một chính sách quan trọng của Nhật Bản. Tokyo muốn chứng minh rằng hạt nhân là một phương tiện sản xuất năng lượng hữu hiệu cho những nước nghèo tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản.
Mai Vân
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160314-nhat-my-va-phap-hop-suc-xu-ly-tai-nan-hat-nhan-o-fukushima