Nhật Ký Biển Đông: Hoa Lục Chỉ Giả Bộ Làm Hòa
Source: Việt Báo -31/07/2017
Author: Đào Văn Bình
uần báo Newsweek ngày 17/7/2017 loan một tin tức cười và một tin khá buồn.
Tin tức cười: Cô vợ 37 tuổi, nguyên thuộc toán cổ vũ cho đội bóng Dolphins ở Miami, Florida đã ly dị ông chồng luật sư thuộc Đảng Dân Chủ vì cô nhiệt tình ủng hộ Ô. Trump khiến vợ chồng bất hòa. Thế mới hay khác chính kiến cũng có thể đưa đến đất nước chia đôi, anh em chia lìa, vợ chồng đổ vỡ, hận thù muôn đời gỡ không ra.
Tin khá buồn: Một người cha Do Thái theo Ky Tô Giáo đã bị truy tố vì nghi ngờ giết con gái vị thành niên của mình khi cô bé này giao du với một người đàn ông Hồi Giáo. (Israeli authorities on Sunday charged an Israeli Christian father with murder for allegedly killing his teenage daughter because she was having a relationship with a Muslim man.)
Ôi tôn giáo là cái gì mà chia rẽ con người khốc liệt đến như vậy, thậm chí giết cả cô con gái cưng của mình? Thực ra điều này cũng dễ hiểu thôi. Tôn giáo gắn liền với lịch sử, chính trị, văn hóa, phong tục tập quán của một dân tộc. Nay tôn giáo đổi thì tất cả những thứ đó phải đổi theo. Thí dụ: Một tôn giáo không chấp nhận thờ cúng ông bà tổ tiên thì một người cải đạo theo tôn giáo ấy, chắc chắn sẽ quăng bàn thờ, hình ảnh của tổ tiên mình ra ngoài đường. Rồi các lăng mộ, đền đài, miếu mạo thờ phượng các vị anh hùng hay Thánh của dân tộc đó cũng có thể trở thành hoang phế hay đập bỏ. Rồi lịch sử của dân tộc cũng có thể phải viết lại. Nói tóm lại, toàn là những thứ linh thiêng, thần thánh nhất của một dân tộc sẽ bị hủy diệt. Khác biệt tôn giáo đang từ từ trở thành thảm họa cho nhân loại ngày hôm nay.
Chính vì hiểu được điều này mà cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật đã đưa ra quan niệm “khế cơ và khế lý “. Điều đó có nghĩa là Phật Giáo phải truyền vào bất cứ quốc gia nào bằng phương tiện hòa bình. Thứ hai, nó phải tôn trọng và khế hợp với phong tục tập quán xứ người. Phật Giáo không bao giờ chủ trương “tiêu diệt” tôn giáo khác đã đành, mà không bao giờ đụng chạm tới phong tục tập quán và văn hóa bản địa. Nhìn vào bối cảnh toàn cầu của Phật Giáo ngày hôm nay, chúng ta thấy Phật Giáo mỗi địa phương mang một hình thái khác nhau. Phật Giáo Ấn Độ khác với Phật Giáo Á Châu như Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Và ngày hôm nay Phật Giáo Tây Phương (Hoa Kỳ và Âu Châu) cũng khác hẳn với các nước nói trên. Rồi mai đây, Phật Giáo Phi Châu hay Phật Giáo Nam Mỹ cũng sẽ có sắc thái riêng của họ. Nguyên do cũng chỉ vì quan điểm của Phật Giáo là “nhập gia tùy tục”, không cứng nhắc, không cưỡng bách, không ép buộc mà thuận theo lòng người. Cưỡng ép toàn cầu phải theo một thứ văn hóa, một lối sống duy nhất rập khuôn như những “lon đồ hộp” hay những “người máy” không phải là cứu cánh của Phật Giáo.
Phật Giáo chủ trương “tu tâm” để đừng làm khổ mình và khổ người. Cứu cánh của Phật Giáo chỉ có vậy. Tôi đã từng qua tận Thành Phố Saint Louis, Tiểu Bang Missouri tham dự lễ cưới của một gia đình HO theo đạo Cao Đài, có cô con gái lấy một cậu thanh niên Iraq theo Hồi Giáo. Chú rể ngày cưới mặc khăn đóng áo dài vái lậy trước bàn thờ gia tiên. Rồi đám cưới dĩ nhiên là không uống rượu và có múa bụng rất vui mắt. Tôi rất vui khi làm MC cho đám cưới rất lạ này…và lòng chẳng chút “phiền não” gì cả.
Trong cuộc sống đầy khổ lụy này, đẻ con gái “Cưng như cưng trứng. Hứng như hứng hoa” nay vì khác biệt tôn giáo mà phải giết đi, đau xót biết là dường nào. Nhưng đó là vấn nạn mà loài người đang phải đối đầu ngày hôm nay. Trước tin tức đau buồn đó, Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Bảy ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
– Reuters ngày 16/7/2017: “Một viên chức cao cấp của Ả Rập Sê-út nói rằng cần có giảm sát quốc tế cho cuộc giằng co giữa Qatar và các láng giềng Ả Rập và nói thêm rằng áp lực đặt lên Doha (thủ đô của Qatar) có hiệu quả. Các nước Ả Rập Sê-út, Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrain và Ai Cập đã ban hành lệnh cấm vận lên Qatar ngày 5/6/2017 bao gồm cắt đứt bang giao, vận chuyển và cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố và liên kết với Ba Tư là kẻ thù của các nước Ả Rập vùng Vịnh. Qatar đã phủ nhận những cáo buộc này.”
-Newsweek ngày 18/7/2017: “Nga và Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận hải quân chung tại Biển Baltic vào cuối Tháng Bảy, bao gồm khoảng 10 tàu chiến và 10 máy bay cho một cuộc biểu dương sức mạnh quân sự tại một vùng mà căng thẳng đang gia tăng. Cuộc tập trận có tên là Hợp Tác Trên Biển 2017.”
Đây là sự kiện vô cùng lạ lùng. Thứ nhất: Hoa Lục vươn tới tập trận hải quân tại vùng biển truyền thống thuộc quyền kiểm soát và thống ngự của NATO. Thứ hai: Biển Baltic bao bọc ba quốc gia Lithuania, Latvia, Estonia từ Liên Bang Sô-viết cũ tách ra và gia nhập NATO. Mới đây Hoa Kỳ và NATO đã tiến hành cuộc tập trận tại đây và chỉ cách biên giới Nga chừng một thước. Nay Nga và Trung Quốc tập trận để trả đũa và răn đe ba quốc gia nhỏ xíu này. Sự hợp tác hải quân giữa Nga và Hoa Lục sẽ làm cán cân lực lượng trên mặt đại dương thay đổi. Chưa rõ Hoa Kỳ và NATO phản ứng như thế nào. Cuộc thăm dò tại ba quốc gia này cho biết người dân sợ chiến tranh với Nga sẽ nổ ra hơn là lo sợ các cuộc tấn công của khủng bố. Không biết Latvia và Estonia, có biên giới chung với Nga có thể sống yên một khi gia nhập NATO tức đem những vũ khí tối tân nhất đặt sát biên giới Nga? Hay hai quốc gia này phải theo chính sách Phi Liên Kết? Theo tôi nghĩ, nước nhỏ nằm cạnh một nước lớn mà liên kết quân sự với những nước ở xa để chống lại láng giềng khổng lồ của mình thì sẽ “mệt cầm canh”, đất nước chỉ lo chiến tranh mà không sao phát triển được. Sợ Nga áp chế mình, nhưng lại chui vào cái rọ NATO thì cũng thế. Thà độc lập tự chủ, không chống ai, không theo ai để phát triển đất nước trong yên ổn… là thượng sách và là kế ngàn đời. Tin tức mới nhất cho biết Bộ Chỉ Huy của Hoa Kỳ tại Âu Châu sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận này.
-Business Insider ngày 20/7/2017: “Gia tăng căng thẳng giữa Qatar và Liên Minh do Ả Rập Sê-út cầm đầu khiến Hoa Kỳ lo ngại về căn cứ quân sự khổng lồ Al Udeid tại Qatar nơi mà khoảng 11,000 binh sĩ Hoa Kỳ trú đóng từ đó Bộ Chỉ Huy Trung Ương Mỹ đã tiến hành hầu hết cuộc chiến chống lại ISIS ở Syria, Iraq và A Phú Hãn. Trong khi đó Tổng Thống Donald Trump nói rằng nếu phải rời Qatar thì có tới 10 nơi khác để đóng quân và các quốc gia này sẽ đài thọ chi phí.”
Tin mới nhất cho biết Ả Rập Sê-út đã từ bỏ đòi hỏi Qatar phải đóng cửa hãng thông tấn Al Jazeera mà trong Nhật Ký Biển Đông lần trước tôi đã nói đây là một đòi hỏi rất phi lý. Ngoài ra, sau khi bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói chuyện với giới chức cao cấp nhất của Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là Trung Quốc hy vọng rạn nứt giữa các quốc gia Vùng Vịnh có thể hàn gắn được…thì ngoại trưởng Qatar đã lên đường đi Bắc Kinh để gặp gỡ Ngoại Trưởng Vương Nghị vào ngày 20/7/2017. Theo Reuters ngày 30/7/2017, bốn quốc gia Ả Rập đang cấm vận Qatar nói rằng họ sẽ đối thoại với Qatar nếu nước này thỏa mãn những yêu sách của họ.
Tin tức cho thấy, liên minh Ả Rập đã nao núng, nhưng Qatar tìm cách chống đỡ với cuộc cấm vận bằng cách nương tựa vào Trung Quốc. Và cũng có thể, nếu Ô. Trump dứt khoát đứng về phe với Saudi Arabia, đóng cửa căn cứ quân sự khổng lồ Al Udeid thì có thể Hoa Lục sẽ nhảy vào. Nếu đúng vậy thì đây là thảm họa cho Hoa Kỳ và cho các quốc gia thân Mỹ tại vùng Vịnh Ba Tư. Trung Quốc dư khả năng tài chính để điều hành căn cứ quân sự này và đó cũng là “ước mơ” để cạnh tranh tư thế lãnh đạo thế giới với Hoa Kỳ. Hiện nay Hoa Lục đã có căn cứ quân sự tại Djibouti cách đó không xa và trấn thủ cửa ngõ ra vào Hồng Hải để tiến vào Địa Trung Hải. Rồi theo BBC News ngày 29/7/2017, “Sri Lanka vừa ký một thỏa thuận trị giá 1.1 tỉ Mỹ Kim cho phép Trung Quốc kiểm soát và phát triển một hải cảng nước sâu nằm ở phía nam của Hambantota. Thỏa thuận đã bị chậm lại vài tháng do lo lắng quân đội Trung Quốc có thể sử dụng cảng này. Chính quyền Tích Lan bảo đảm rằng hải cảng chỉ dùng vào mục đích thương mại cho đường chuyển vận giữa Á Châu và Âu Châu. “
Dù không phải là một căn cứ hải quân, nhưng không có gì bảo đảm rằng các chiến hạm của Hoa Lục không dừng chân tại đây trên đường tiến vào Vịnh Ba Tư, Vịnh Aden và Địa Trung Hải. Với sức mạnh tài chính, Hoa Lục từ từ bảo đảm con đường huyết mạch chuyển vận dầu hỏa từ Trung Đông. Hiện nay sự lớn mạnh của Trung Quốc không một sức lực nào ngăn cản nổi. Người ta cứ nói rằng chỉ có tự do, dân chủ thì kinh tế mới phát triển. Thế nhưng một nước độc tài như Hoa Lục lại đang trở thành siêu cường kinh tế. Cũng như trong quá khứ bao đế quốc hùng mạnh lại xây dựng trên một nền độc tài hay quân chủ chuyên chế.
-UPI ngày 20/7/2017: “Các viên chức Ả Rập Sê-út loan báo quyết định của Vua Salman bin Abdulaziz ra lệnh bắt giam một hoàng tử bị cáo buộc đã đánh đập 4 người dân ở Riyadh. Vua Salman còn ra lệnh bắt giam lập tức ông hoàng tử và tất cả những ai có can dự vào vụ này. Các nạn nhân cũng sẽ phải khai trình chứng cớ có ghi âm, Hoàng Tử Saudin sẽ bị giam giữ cho đến khi có phán quyết của tòa án.”
Chưa biết tương lai của chế độ quân chủ chuyên chế Saudi Arabia đi về đâu nhưng nhà vua dám trừng trị đám “hoàng thân quốc thích” lộng hành là việc làm sáng suốt và đáng khen ngợi. Ở Việt Nam chưa thấy sử chép về sự lộng hành của các “hoàng thân quốc thích” qua các triều đại. Nhưng sử có ghi sự lộng hành, thao túng của đám kiêu binh có công trong việc trung hưng Nhà Hậu Lê mà đa số tuyển từ đất Thanh-Nghệ đã làm dân tình khốn khổ. Muôn đời, khi quân đội có công trong việc đảo chính, cách mạng hay phục hưng một chế độ…đều trở nên “kiêu binh”. Tại Thái Lan bây giờ, hầu hết các tập đoàn kinh tế hay đại công ty đều do các ông tướng nắm giữ. Chính vì thế mà tại Hoa Kỳ, dân sự, dân cử sẽ lãnh đạo đất nước chứ không phải quân đội. Bất cứ một ông tướng nào được đề cử vào các chức vụ như cố vấn tổng thống, bộ trưởng…đề phải từ giã quân đội ít nhất bảy năm và sẽ không có bất cứ quyền hành và ảnh hưởng nào lên quân đội. Ngoài ra sự thăng thưởng, đề bạt các ông tướng cũng phải được Quốc Hội chuẩn y.
-Foreign Policy Magazine ngày 20/7/2017: “ Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), một địa điểm hành hình được khám phá tại Thành Phố Mosul, Iraq và nói rằng đây là bằng chứng mới nhất để tiến hành cuộc trả thù những người nghi ngờ là Nhà Nước Hồi Giáo do chính quyền thực hiện sau khi đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo tại đây.”
Nếu không có chính sách hòa giải hoặc đại xá, đất nước Iraq sẽ lại lún sâu vào thù hận và sẽ trở thành thủ phạm của diệt chủng hay thảm sát. Sau khi tái chiếm được một vùng đất bị chi cắt hay tách ra khỏi chính quyền trung ương một thời gian dài, cần phải có chính sách bao dung và đoàn kết, xóa bỏ hận thù để mau chóng tạo ổn định. Trả thù là biện pháp tệ hại và nguy hiểm cho nhu cầu đoàn kết dân tộc.
-AFP ngày 23/7/2017: “Trong chuyến viếng thăm Thủ Đô Baghdad, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ba Tư Irfan al-Hayali và người đồng cấp Iraq đã ký kết thỏa hiệp gia tăng hợp tác quân sự. Trong bản ghi nhớ, hai nước láng giềng đã thỏa thuận hợp tác quốc phòng và quân sự trên phạm vi rộng rãi để chống quân khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Ba Tư tuyên bố ủng hộ sự thống nhất của Iraq trong khi vùng đất Iraq thuộc sắc tộc người Kurd tuyên bố sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về nền độc lập của họ.”
-AFP ngày 24/7/2017: “Hoa Lục cảnh cáo sẽ triển khai thêm quân ở vùng biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ và thề sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng mọi giá. Cuộc đối đầu nổ ra cách đây hơn một tháng sau khi Hoa Lục cho làm một con đường tại vùng cao nguyên hẻo lánh nơi mà Hoa Lục và Bhutan tranh cãi về chủ quyền. Ấn Độ đã chuyển quân vào vùng tranh chấp để chặn công việc làm đường trong khi Hoa Lục tố cáo đây là hành vi xâm phạm chủ quyền và yêu cầu Ấn Độ phải rút quân ngay lập tức.”
-UPI ngày 25/7/2017: “Hội Toán Học Hoa Kỳ loan báo Đội Dự Thi Toán Quốc Tế (International Mathematical Olympiad team) của Hoa Kỳ đã đoạt giải tư trong cuộc tranh tài tổ chức tại Rio de Janeiro, Ba Tây bao gồm 110 đội của 110 quốc gia và đem về huy chương vàng và bạc. Đội Hoa Kỳ đã xếp hạng thứ tư, sau Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam.”
-Los Angeles Times ngày 28/7/2017: “Hôm nay, Nga đã ra lệnh từ ngày 1/9/2017 Hoa Kỳ phải giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao – một biện pháp trả đũa vì quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua đạo luật gia tăng cấm vận Nga. Bộ Ngoại Giao Nga đã đưa ra công bố nói rằng số lượng nhân viên ngoại giao của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Moscow và bốn tòa lãnh sự phải giảm xuống còn 455- ngang với số nhân viên ngoại giao của Nga tại Mỹ. Bộ ngoại giao cũng còn tịch thu một số tài sản của tòa đại sứ Mỹ ở Moscow và ngoại ô. Tổng Thống Donald Trump không nói rõ có ký ban hành đạo luật mà Thượng Viện đã thông qua vào ngày 27/7/2017 hay sẽ đề nghị thay đổi. Tuy nhiên Điện Cẩm Linh quyết định hành động ngay và không chờ đợi thêm nữa và cũng không mong nội dung mới của luật cấm vận.” Trong khi đó theo Reuters, Liên Hiệp Âu Châu (EU) cảnh cáo là họ sẽ hành động ngay trong vài ngày để chống lại quyết định gia tăng cấm vận Nga của quốc hội Hoa Kỳ.
Bằng hành động mới này, chúng ta thấy rõ ràng quốc hội Hoa Kỳ đã “cướp” hoặc trói tay tổng thống trong thẩm quyền ngoại giao được ghi trong hiến pháp. Nguyên do cũng chỉ vì Ô. Trump đang lún sâu vào vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, cho nên ông đã không dám sử dụng quyền phủ quyết của tổng thống. Nước Mỹ vô tình du mình vào cuộc chiến với Nga, mâu thuẫn với Âu Châu không do nhu cầu của đất nước mà do sự đấu đá quyền lợi giữa hai đảng và một số thượng nghị sĩ trong Đảng Cộng Hòa thù ghét Ô. Trump. Tổng thống chế cho tổng thống nhiều quyền có thể dẫn tới độc tài, nhưng tổng thống chế với “check and balance” cho quốc hội nhiều quyền, có thể khiến đất nước tê liệt và du mình vào những cuộc chiến do tự ái hay do nhu cầu mị dân kiếm phiếu của các dân biểu, thượng nghị sĩ. Theo AFP ngày 30/7/2017, Tổng Thống Nga Putin đã giám sát một cuộc biểu dương sức mạnh đầy phô trương (pomp-filled) của Hải Quân Nga kéo dài từ vùng Biển Baltic tới bờ biển Syria. Khoảng 50 tàu chiến và tàu ngầm đã có mặt dọc theo Sông Neva và Vịnh Phần Lan ngoài khơi của Saint Petersburg được lệnh diễn hành trên một quy mô lớn.”
-AFP ngày 30/7/2017: “Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence bắt đầu chuyến công du ba nước thuộc vùng Baltic và là thành viên của NATO, tới Estonia để bàn về hỗ trợ quân sự và có thể bán hỏa tiễn phòng không. Chuyến đi xảy ra vào giữa lúc Estonia, Latvia và Lithuania tìm kiếm sự bảo đảm từ Hoa Kỳ sau những năm Nga bành trướng quân sự. Ô. Pence tiếp tục thăm Georgia, Montenegro với cùng mục đích.” Theo AFP, thủ tướng Estonia cho biết Hoa Kỳ có thể triển khai hỏa tiễn Patriot tại đây. Như vậy tình hình vùng Baltic sẽ diễn biến vô cùng phức tạp, chưa biết phản ứng của Nga như thế nào. Nếu Hoa Kỳ triển khai hệ thống hỏa tiễn Patriot tại đây, Nga có thể trả đũa bằng cách cùng Hoa Lục hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên thì Hoa Kỳ sẽ dính líu vào một cuộc chiến vô cùng thảm khốc. Chính trị thế giới là “ăn miếng trả miếng” và làm áp lực với nhau.
-Reuters ngày 30/7/2017: “Hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B của Hoa Kỳ đã bay trên bầu trời của Bán Đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh quân sự vào ngày hôm nay sau khi Bắc Triều Tiên vừa bắn thử thành công một hỏa tiễn liên lục địa có khả năng tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ khiến Tổng Thống Donald Trump phải cảnh báo quân đội.”
Tình hình Syria:
– AP ngày 15/7/2017: “Những cuộc giao tranh bùng phát ở tây bắc Syria giữa hai phe phiến quân mạnh nhất khiến gia tăng lo sợ bạo lực lan tràn tại Tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát.”
– Reuters ngày 16/7/2017; “Quân đội của chính phủ Syria hỗ trợ bởi những cuộc không kích dữ dội của Nga đã chiếm giữ một chuỗi những giếng dầu nằm ở tây nam Tỉnh Raqqa trong lúc quân Nhà Nước Hồi Giáo rút lui để bảo vệ phẫn lãnh thổ còn lại.”
-AFP ngày 17/7/2017: “Thủ Tướng Netanyahu của Do Thái chống đối thỏa hiệp ngừng bắn ở tây nam Syria do Nga và Hoa Kỳ bảo trợ vì cho rằng sẽ giúp Ba Tư củng cố sự hiện diện quân sự tại đây.”
-Reuters ngày 19/7/2017: “Hai viên chức Hoa Kỳ cho biết, bộ tham mưu của Tổng Thống Donald Trump vừa quyết định đình chỉ chương trình trang bị và huấn luyện cho một vài nhóm phiến quân đang chống lại chính quyền của Tổng Thống Assad- một hành động mà Ô. Assad và Nga trông đợi từ lâu. Một viên chức nói rằng quyết định này là một phần của nỗ lực nhằm cải thiện mối liên hệ với Nga đang phối hợp với những nhóm ủng hộ Ba Tư thành công rất lớn trong việc duy trì chính quyền của Ô. Assad qua sáu năm nội chiến.”
Chưa biết nhóm phiến quân nào sẽ tan rã, buông súng để trở thành dân hay lại đầu quân cho nhóm khác hay gia nhập các nhóm khủng bố?
-AFP ngày 20/7/2017: “Hoa Kỳ phản ứng tức giận khi cơ quan thông tin của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ vị trí của các cơ sở đóng quân của Mỹ trên đất Thổ, trong một vài trường hợp còn nói rõ số binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đang thi hành nhiệm vụ. Ngũ Giác Đài nói rằng việc này làm nguy hại tới binh sĩ.” Dấu hiệu cho thấy một sự rạn nứt nặng nề giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không ngoài lập trường Mỹ ủng hộ, vũ trang và chiến đấu bên cạnh nhóm YPG (Syrian Kurdish People’s Protection Units) để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo.
-AP ngày 24/7/2017: “Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nga cho biết Nga vừa triển khai quân cảnh/hiến binh để giảm sát ngưng bắn tại Vùng An Toàn của khu vực ngoại ô phía đông của Thủ Đô Damascus.”
Tình hình Biển Đông:
-AFP ngày 21/7/2017: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte thề sẽ không bao giờ thăm viếng một nước Mỹ “chết tiệt ” (lousy)cho dù có lời mời đã được triển hạn bởi Tổng Thống Donald Trump. Sở dĩ Ô. Duterte nói như vậy để bày tỏ tức giận với Ủy Ban Nhân Quyền Hạ Viện Hoa Kỳ đã nghe các nhóm nhân quyền điều trần tấn công ông về chiến dịch đẫm máu tiêu diệt nạn xì ke ma túy.”
Đây là sai lầm tệ hại của Ô. Duterte. Ông không biết rằng cho dù Hạ Viện có mở các cuộc điều trần về chiến dịch tiêu diệt ma túy của ông, nhưng tổng thống là người lãnh đạo chính sách ngoại giao, vẫn có thể sẽ phớt lờ quan điểm của quốc hội và mời ông qua vì quyền lợi của nước Mỹ. Đối với quốc hội Mỹ, mình phải có chính sách mềm dẻo hoặc “lobby” chạy cửa hậu thì mới được. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, các chư hầu phải hối lộ cho các quan đại phu để tâu lên thiên tử Nhà Chu có quyết định thuận lợi cho đất nước mình. Ngày nay, nước Mỹ thống trị toàn thế giới còn mạnh hơn thiên tử Nhà Chu. Các nước nhỏ muốn sống yên phải thuận theo tổng thống Mỹ đã đành, mà còn phải “mua chuộc” Quốc Hội Mỹ nữa. Ông dân biểu, thượng nghị sĩ nào cũng cần tiền. Tiền là Tiên là Phật. Tiền có thể mua chuộc bất cứ ai. Tiền, phẩm vật và gái trinh còn mua chuộc được cả Thần Linh, huống chi là con người? Chúng ta phải noi gương người Nam Hàn, hối lộ cả trăm ông dân biểu, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ để Mỹ không bỏ rơi Nam Hàn. Vụ “scandal” này nổ ra ở thập niên 1980 nhưng vì tay ông nghị nào cũng “nhúng chàm” cho nên nội vụ “chìm xuồng” . Xin nhớ cho, ngay tổng thống Mỹ còn “ngán sợ ” quốc hội Hoa Kỳ. Mình là nước nhỏ, sức mấy mà đòi chống lại quốc hội Mỹ. Dùng tiền mua chuộc giống như Do Thái là xong. Đó là sự thực “đau lòng” về nền chính trị của Hoa Kỳ đó nghe bà con.
-Reuters ngày 24/7/2017: “Hai phi cơ chiến đấu Trung Quốc đã nghênh cản một phi cơ tuần thám của Hoa Kỳ trên không phận Biển Đông. Một chiếc đã tới gần phi cơ Mỹ chỉ cách 91 thước.”
-Los Angeles Times ngày 24/7/2017: “Công kích Hoa Kỳ trong thông điệp đọc trước quốc dân, Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte yêu cầu Hoa Kỳ hoàn lại ba chiếc chuông nhà thờ của làng Balangiga đã bị Hoa Kỳ tịch thu như chiến lợi phẩm cách đây hơn một thể kỷ.”
Thế ra bây giờ mới biết Hoa Kỳ cũng có những hành vi tước đoạt của cải của nước bị chiến bại giống như hành vi của Quân Phiệt Nhật, Đức Quốc Xã hay các đế quốc La Mã, Hồi Giáo, Mông Cổ thời xưa, bắt cả đàn bà con gái đem về hành lạc hoặc làm nô lệ.”
-AFP ngày 30/7/2017: “Một thị trưởng Phi Luật Tân bị cáo buộc có liên hệ với việc buôn bán ma túy đã bị bắn chết cùng với vợ, em và 12 người khác trong chiến dịch càn quét tại Phi Luật Tân.”
Thật chưa thấy một ông tổng thống nào hành động ghê gớm như vậy, tuy được lòng dân nhưng lại bị Tây Phương lên án.
Nhận Định:
Trong hai tuần cuối của Tháng Bảy, nổi bật ba tin tức quan trọng liên quan đến Biển Đông:
1) Theo Business Insider ngày 22/7/2017, “Tổng Thống Donald Trump đã chấp thuận kế hoạch kiểm soát (tức theo dõi từng bước và sẽ có hành động) việc Hoa Lục quân sự hóa và gia tăng hành động tại Biển Đông.
2) The Guardian ngày 27/7/2017: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Boris Johnson cam kết đưa hai HKMH mới toanh tới diễn tập tại Biển Đông là vùng đang tranh chấp dữ dội. Trong lời tuyên bố nhắm thẳng vào Hoa Lục mà việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng của Hoa Lục khiến các cường quốc Tây Phương bực bội. Ô. Boris đã nói như vậy khi chiếc HKMH hạ thủy và được đưa vào chiến đấu.”
3) Theo Reuters ngày 28/7/2017, “Việt Nam nói rằng quốc gia khác phải tôn trọng quyền khai thác dầu nằm trong hải phận của Việt Nam giữa lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông. Việc khoan dầu bắt đầu vào giữa Tháng Sáu tại Lô 136/3 đã cấp giấy phép cho tập đoàn dầu khí quốc doanh Việt Nam, Repsol Tây Ban Nha và Công Ty Mubada của Ả Rập Thống Nhất. Lô này nằm trong Đường Lưỡi Bò bao gồm một khu vực rộng lớn cùng vùng trùng lấn mà Hoa Lục tuyên bố chủ quyền và là vủng nhượng địa dầu của họ. Hoa Lục đã thúc giục Việt Nam ngưng khoan dầu vào ngày 25/7/2017.
Sự kiện cho thấy việc Mỹ đối phó với Hoa Lục tại Biển Đông đã trở thành “kế hoạch” chứ không còn là “chủ trương” hay “lo lắng” như dưới thời Ô. Obama. Và như tôi đã nói nhiều lần, nếu Hoa Lục từ từ lấn chiếm hết Biển Đông thì Mỹ và Nhật Bản phải đầu hàng, sau đó là Âu Châu. Nếu tình hình đòi hỏi, chắc chắn một lực lượng hải quân quốc tế sẽ có mặt tại Biển Đông nói là “bảo vệ tự do hàng hải” nhưng thực chất là để ngăn chặn “Ông Con Trời” với sự tham gia mới nhất của Anh Quốc. Đây lại thêm một mối lo cho Bắc Kinh vì Anh Quốc là một cường quốc hải quân, thừa hưởng hệ thống tiếp vận từ những căn cứ quân sự của Mỹ nằm rải rác ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho nên Hải Quân Anh có thể dễ dàng hiện diện dài hạn ở Biển Đông.
Còn vụ lên tiếng đòi hỏi Việt Nam phải ngưng khoan dầu ở Lô 136/3, Hoa Lục chỉ làm chiếu lệ, chẳng lẽ lại không lên tiếng. Nhưng dù có tranh cãi, theo các nhà quan sát, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tìm cách làm giảm căng thẳng vì chỉ bất lợi cho cả hai phía. Tại Biển Đông, Trung Quốc đang tứ bề thọ địch. Xung đột với Việt Nam sẽ vô cùng bất lợi. Còn Việt Nam, nếu nổ ra chiến tranh với Hoa Lục, dù chỉ là chiến tranh trên biển, vì là nước nhỏ cũng sẽ là một biến động lớn về cả hai mặt kinh tế lẫn quân sự. Rồi sau cùng, dù thế nào cũng phải “làm hòa” với Trung Quốc như ngàn đời Đại Việt đã làm. Một nước nhỏ không thể cứ thù nghịch mãi với một nước lớn. Nhưng cho dù có làm hòa với Bắc Kinh, chiến lược sống còn của Việt Nam vẫn là phải “đi” với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, nay thêm Anh Quốc trong kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc, trước mắt cũng như lâu dài. Có thể rồi đây HKMH tối tân của Anh sẽ ghé Cam Ranh. Nếu chiến hạm này ghé Cam Ranh thì Bắc Kinh sẽ điên lên rồi cũng chẳng làm được gì cả.
Nhìn vào các diễn biến hiện nay, Trung Quốc chỉ giả bộ làm hòa với Việt Nam. Nếu thực sự làm hòa với Việt Nam thì sẽ phải ngưng kế hoạch lấn chiếm Biển Đông. Nhưng đó là tham vọng lớn nhất của Trung Quốc. Làm sao Trung Quốc có thể hòa với Việt Nam để bỏ đi một kế hoạch sống còn, cho nên chỉ tung hư chiêu mà thôi.
Còn Việt Nam cũng tương kế tựu kế, tung hư chiêu, giả bộ làm hòa với Hoa Lục để giữ yên đất nước, nhưng lại đi với Mỹ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ nay thêm Anh Quốc để phòng thủ. Hai bên đều có “hư chiêu” và “thực chiêu” đề lừa nhau. Nhưng theo tôi, vận mệnh của Biển Đông hay của thế giới vẫn nằm trong tay Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ quyết tâm làm mạnh, Biển Đông sẽ “bể lặng gió êm”. Còn nếu Hoa Kỳ “xìu xìu ển ển” thì Biển Đông sẽ mất vào tay Trung Quốc và thế chiến sẽ thể nổ ra.
Kế hoạch lớn nhất nhưng “bá đạo” của Trung Quốc là lấn chiếm Biển Đông để thu gom hết tài nguyên của vùng này, mở rộng khu vực phòng thủ từ xa, biến các đảo tân tạo thành tiền đồn để đối phó với kẻ thù chính là Hoa Kỳ. Kế hoạch này đã đẩy Việt Nam và thế bị bao vây, o ép rồi từ từ phải khuất phục và tạo một nguy cơ tiểm ẩn cho Hoa Kỳ. Nếu Hoa Lục quyết tâm đi tới, thế chiến khó tránh khỏi. Chiến lược của Hoa Kỳ luôn luôn là “phòng bệnh”, tức dập tắt nguy cơ trước khi nó nổ ra. Điều đó có nghĩa là: Hoa Kỳ không bao giờ để bất cứ quốc gia nào đe dọa nền an ninh của Hoa Kỳ.
Đào Văn Bình
(California ngày 31/7/20