Nhật Bản và Đông Timor hết sức quan ngại về tình hình Biển Đông
Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak (T) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày 15/03/2016. – REUTERS/Franck Robichon/Pool
Theo RFI – Trọng Nghĩa – 17-03-2016
Ngày 15/03/2016, Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak đã tiếp xúc với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân chuyến ghé thăm Tokyo. Hai nước đã bày tỏ thái độ « quan ngại nghiêm trọng » trước việc TC áp đặt một cách hung hăng quyền kiểm soát trên vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Lập trường của Đông Timor gây ngạc nhiên vì nước này cho đến nay được xem là thân TC.
Trong một tuyên bố chung, hai lãnh đạo Nhật Bản và Đông Timor ghi nhận «mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình gần đây ở Biển Đông», nhưng không lên án đích danh TC. Hai bên tuyên bố sẽ «phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng.».
Nếu lập trường của Nhật Bản không có gì lạ, thì thái độ của Đông Timor đã khiến giới quan sát ngạc nhiên. Lý do là vì tiểu quốc nằm cạnh Indonesia này không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, chưa từng lên tiếng công khai về Biển Đông, và nhất là thường được xem là thân Bắc Kinh, được TC hỗ trợ tài chính đáng kể từ nhiều năm nay.
Một bằng chứng được nhật báo Úc The Sydney Morning Herald nêu bật vào năm ngoái là từ phủ tổng thống, toàn bộ cơ sở của bộ ngoại giao, cho đến nhiều cơ sở quân sự của Đông Timor, đều được TC xây dựng.
Bản thân tổng thống Đông Timor Ruak mới đây đã thăm TC vào tháng Chín năm 2015, và đến tháng Giêng 2016, tàu chiến TC đã thăm cảng Đông Timor để trao đổi kinh nghiệm «chống khủng bố» và đẩy mạnh quan hệ giữa lực lượng hải quân hai nước.
Về phần Nhật Bản, nước này từ lâu đã thể hiện thái độ chống lại các hoạt động bị cho là coi thường luật pháp quốc tế của TC trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Tokyo đã không ngần ngại viện trợ cho Philippines và Việt Nam các phương tiện để đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh.