Nhật Bản và Biển Ðông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhật Bản và Biển Ðông

Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam là bốn quốc gia Châu Á hoàng chủng, trong cơn mê chánh trị phong kiến, kinh tế nông nghiệp nghèo nàn và khoa học kỹ thuật lạc hậu vào thế kỷ XIX. Cuộc canh tân của Meiji (Minh Trị) năm 1868 là sự Tây phương hoá nước Nhật đã giúp nước này thoát khỏi tình trạng chậm tiến về kinh tế và lạc hậu về phương diện khoa học kỹ thuật. Nước Nhật đã Tây phương hóa, chế độ quân chủ vẫn tồn tại và bản sắc Nhật Bản vẫn được bảo tồn một cách khéo léo. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa Đông- Tây, Bảo Thủ- Tiến Bộ, Quân Chủ- Dân Chủ. Đó là điều khó làm đối với đa số các dân tộc khác trên thế giới nhưng nó không phải là bài toán khó khăn đối với dân tộc Nhật, một dân tộc trọng Thiên Hoàng, trọng kỷ luật và danh dự quốc gia. Trên thế giới không có chế độ quân chủ nào kéo dài từ năm 600 trước Tây Lịch đến nay tức 2616 năm với một dòng Thiên Hoàng duy nhất.

Nhật Bản sớm trở thành một đế quốc Á Châu vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX sau khi:

– đánh bại Trung Hoa, một quốc gia to lớn và đông dân nhất thế giới trên chiến trường Triều Tiên năm 1894

– tham gia Bát Quốc Liên Quân vây hãm Beijing (Bắc Kinh) năm 1901.

– đánh bại Nga, một đế quốc Bạch Chủng có diện tích rộng lớn nhất thế giới trên chiến trường Mãn Châu (1904) và trên eo biển Tsushima (1905).

Chiến thắng của Nhật trước Nga khiến các cường quốc Bạch Chủng cho ra đời hai chữ hoàng hoạ (peril jaune- Yellow peril) khô khan nhưng đáng suy nghĩ và lo ngại cho các cường quốc Bạch Chủng vào đầu thế kỷ XX như Hoa Kỳ, Anh, Pháp. Nhật đã kỹ nghệ hóa và trở thành một cường quốc hải quân trên thế giới sau chiến thắng Port Arthur (Lữ Thuận) (1904) và Tsushima (1905).

Chiến thắng của Nhật trong chiến tranh Hoa- Nhật lần thứ nhất (1894) xóa tan ảnh hưởng lâu đời của Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1910 Triều Tiên trở thành đất bảo hộ của Nhật. Với hiệp ước Hoa- Nhật Shimonoseki năm 1895 Trung Hoa phải nhường đảo Taiwan (Đài Loan) và quần đảo Penghu (Bành Hồ) cho Nhật. Ngay từ lúc đó Nhật đã có viễn kiến bành trướng ảnh hưởng về phương Nam bằng phần biển Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản là một quần đảo. Sự chú trọng của Nhật vào biển cả và hải đảo là vấn đề sinh tồn của dân tộc và đất nước họ.

Hoa Kỳ là quốc gia thấy rõ sự vươn lên và tham vọng bành trướng của Nhật Bản sau chiến thắng của hải quân Nhật ở Tsushima. Tổng thống Theodore Roosevelt làm trung gian cho Nga và Nhật thương thuyết ở Portsmouth, New Hampshire. Một cách gián tiếp Hoa Kỳ giúp đỡ cho Nga (nước bại trận) hạn chế những đòi hỏi của Nhật trên toàn bán đảo Sakhalin. Hội nghị Washington năm 1922 ấn định tỷ lệ sản xuất tàu bè của Nhật thấp hơn tỷ lệ của Hoa Kỳ và Anh Quốc cho thấy Hoa Kỳ đoán biết Nhật theo gương Anh phát triển hải quân hùng hậu với ý định trở thành một đế quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Năm 1932 Nhật thành lập Mãn Châu Quốc (Manchukuo). Năm 1937 chiến tranh Hoa- Nhật bùng nổ. Nhật sớm kiểm soát đông bộ Trung Hoa tức miền duyên hải. Tháng 02 năm 1939 Nhật chiếm đảo Hainan (Hải Nam), một đảo lớn ở cực Nam Trung Hoa rộng 33,000 km2 với 2.2 triệu dân lúc bấy giờ. Ngày 30-03-1939 quân Nhật chiếm quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và đặt tên là Shinnan Shoto tức là Tân Nam Quần Đảo. Đến tháng 04 năm 1939 Nhật chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands). Lúc bấy giờ Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Nhật đặt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới sự bảo hộ của toàn quyền Nhật ở Taiwan (Đài Loan). Nhật lập căn cứ thuỷ phi cơ và tàu ngầm trên đảo Itu Aba hiện do Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan) chiếm đóng dưới tên đảo Taiping (Thái Bình).

Trên bước đường chinh phục các nước Đông Nam Á Nhật dùng:

– đường bộ bằng cách chiếm Việt Nam và đồng minh với Thái Lan

– đường thủy qua những căn cứ quân sự thiết lập trên các đảo Hai Nan (Hải Nam), Hoàng Sa và Trường Sa mà họ chiếm đóng.

Năm 1945 Nhật bại trận. Đảo Taiwan được hoàn trả lại cho Trung Hoa. Thời bấy giờ Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) lãnh đạo Trung Hoa. Nước này được xem là một trong Ngũ Cường thắng trận trong đệ nhị thế chiến. Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek dựa vào chánh sách biển, đảo và con đường bành trướng về phương Nam bằng hải lộ Tây Thái Bình Dương của Nhật để vẽ ra vùng biển hình chữ U 11 đoạn vào cuối năm 1946 và tự nhận chủ quyền trên phần biển rộng 3 triệu km2 nầy.

Có nhiều biến đổi chánh trị to lớn ở Đông Á thời hậu đệ nhị thế chiến.

Năm 1949 Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị phe Cộng Sản Mao Zedong (Mao Trạch Đông) đánh bại phải kéo tàn quân ra đảo Taiwan. Cũng năm nầy cựu hoàng Bảo Đại về nước lãnh đạo chánh phủ Quốc Gia. Năm 1951 thủ tướng Trần Văn Hữu đại diện Việt Nam tại hội nghị San Francisco. Theo tinh thần hiệp ước San Francisco Nhật Bản từ bỏ chủ quyền trên các quần đảo Pratas (đảo Đĩa Bạc theo tên Bồ Đào Nha) mà người Trung Hoa gọi là Dongsha (Đông Sa), Paracel (Hoàng Sa), Spratly (Trường Sa). Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc đòi chủ quyền trên quần đảo Pratas (Đông Sa), Tây Sa (Paracel- Hoàng Sa), Trường Sa (Spratly). Cả Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc lẫn Trung Hoa Dân Quốc đều không được mời tham dự hội nghị San Francisco mặc dù Trung Hoa Dân Quốc là đại diện của Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc nhưng đảo Taiwan và dân số của đảo quá nhỏ so với diện tích và dân số của lục địa. Hoa Kỳ ủng hộ Trung Hoa Dân Quốc. Anh muốn mời Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Cuối cùng cả hai đều không được mời. Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan) chiếm quần đảo Pratas. Hoàng Sa và Trường Sa như ngầm hiểu thuộc Việt Nam vì Pháp đã xem các quần đảo ấy của Việt Nam vào năm 1933.

Chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất kết thúc năm 1954. Việt Nam bị qua phân. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1956 Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island) trong quần đảo Hoàng Sa. Cũng năm nầy Trung Hoa Dân Quốc trở lại tái chiếm đảo Taiping (Thái Bình) trong quần đảo Trường Sa sau khi đã rút khỏi năm 1950. Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1975 Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lúc ấy thân Liên Sô và chống Trung Quốc.

Công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc của Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) có kết quả tốt đẹp. Trung Quốc vươn lên và trở thành cường quốc kinh tế và quân sự quan trọng trên thế giới. Trung Hoa thời Quốc Dân Đảng hay Cộng Sản đều nuôi mộng bành trướng như nhau. Cả hai đều không có sáng kiến đặc biệt mà phỏng theo con đường mà Nhật Bản đã vạch ra trong thập niên 1930 và 1940 về tầm quan trọng chiến lược của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek vẽ đường chữ U gọi nôm na là đường Lưỡi Bò gồm 11 đoạn. Trung Hoa Cộng Sản dựa vào đó và giảm bớt hai đoạn để có đường Lưỡi Bò chín đoạn. Nhật đã lập phi đạo, căn cứ tàu ngầm trên đảo Itu Aba thì Trung Quốc bây giờ đắp đảo nhân tạo, lập phi đạo, nhà kho chứa phi cơ và vị trí đặt hỏa tiễn trên các quần đảo mà Nhật đã chiếm vào năm 1939.

Sau khi bại trận năm 1945 Nhật chịu nhiều thiệt thòi của một quốc gia chiến bại: không được có quân đội, không được sản xuất võ khí, bị Nga chiếm quần đảo Kurils ở phía bắc, quân Hoa Kỳ đóng ở Okinawa trong quần đảo Ryu Kyu ở cực nam nước Nhật. Năm 1972 Hoa Kỳ hoàn trả Okinawa và nhóm đảo đá không người ở Senkaku cho Nhật. Senkaku trở thành đề tài tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Taiwan sau khi LHQ cho biết sự phong phú về hải sản và dầu khí quanh quần đảo đá không người ở nhưng đặt dưới sự kiểm soát hành chánh của Nhật từ năm 1972. Sự tranh chấp trở nên quyết liệt vào đầu thế kỷ XXI khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự đáng kể trên thế giới.

Từ năm 1945 đến 1972 Okinawa đặt dưới sự quản trị hành chánh của Hoa Kỳ. Okinawa giúp cho Hoa Kỳ có một địa điểm chiến lược quan trọng ở Đông Bắc Á hướng về Liên Sô và Trung Quốc trong chiến tranh lạnh. Thực tế Nhật sát cánh với Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô. Nhật là trạm tiếp liệu quan trọng cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953). Okinawa cũng có vai trò quan trọng trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Việc Hoa Kỳ hoàn Okinawa cho Nhật như là những báo hiệu cho thấy:

a. Hoa Kỳ đang kết thân với Trung Quốc để chống Liên Sô

b. Hoa Kỳ sắp chấm dứt và giải quyết chiến tranh Việt Nam

c. Hoa Kỳ muốn nhắc nhở Nhật gia tăng ngân sách quốc phòng để tự vệ thay vì núp dưới tàn dù quân sự của Hoa Kỳ để phát triển kinh tế và kỹ nghệ thời bình.

Nhật như đã quen với Hiến Pháp 1946 dân chủ hóa và phi quân sự hoá mà chí thú lo phát triển kinh tế. Mãi đến năm 2015, mặc dù trước sự khiêu khích hung hăng của Trung Quốc quanh nhóm đảo đá Senkaku, ngân sách quốc phòng của Nhật mới tăng đến 42 tỷ Mỹ Kim không đầy 1% GDP của Nhật.

Beijing có về nôn nóng phục thù Nhật. Họ đau đớn vì bị Nhật đánh bại năm 1894. Nhật chi phối chánh trường Trung Hoa dưới thời Yuan Shikai (Viên Thế Khải) và chánh phủ Bắc Dương do các đốc quân đàn em của Yuan Shikai lãnh đạo vào thập niên 1920. Nhật tiếp quản bán đảo Shandong (Sơn Đông) sau khi Đức bại trận trong đệ nhất thế chiến (1919). Nhật tách rời Mãn Châu ra khỏi Trung Hoa khi thành lập Mãn Châu Quốc. Nhật xâm lăng Trung Hoa bằng chiến tranh Hoa- Nhật lần thứ hai năm 1937. Gợi hận thù với Nhật là làm tăng uy tín của chánh quyền Cộng Sản Trung Hoa trong quần chúng. Nhóm lãnh đạo chủ chiến trên lục địa muốn thử sức với Nhật sau khi Trung Quốc được xem là một cường quốc kinh tế thứ nhì và cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới lợi dụng Nhật mất quyền có quân đội và võ trang sau trên nửa thế kỷ. Nếu đánh bại Nhật Trung Quốc loại một đối thủ lợi hại ở Đông Á để nắm quyền bá chủ ở Đông Nam Á và dòm ngó Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan đất rộng thênh thang nhưng dân cư thưa thớt.

Dù hung hăng hiếu chiến, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Beijing cũng còn dè dặt khi Nhật gia tăng ngân sách quốc phòng lên 42 tỷ Mỹ Kim so với 600 tỷ Mỹ kim của Hoa Kỳ và 146 tỷ Mỹ kim của Trung Quốc! Gần đây chánh phủ Abe đề nghị gia tăng ngân sách quốc phòng năm 2017 lên 52 tỷ Mỹ kim để đủ sức đối phó với Trung Quốc và Bắc Hàn. Nhật âm thầm võ trang và tự cho có trách nhiệm giúp các đồng minh trong khu vực nếu bị một quốc gia khác tấn công. Họ không chỉ đích danh quốc gia nào nhưng ai cũng biết là ám chỉ Trung Quốc. Như vậy với ngân sách quốc phòng bằng 30% ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, Nhật đủ làm cho Trung Quốc giựt mình. Người Nhật rất thầm lặng và tự trọng nhưng có tinh thần cạnh tranh và quyết thắng rất cao. Người Nhật làm nhiều hơn là nói và khi làm phải làm cho đến nơi đến chốn với kết quả tốt đẹp. Từ một nước chiến bại năm 1945 nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế sau Hoa Kỳ sau 30 năm bại trận. Một điều đáng lưu ý là lực lượng sản xuất ở Nhật chủ yếu là đàn ông. Một số khá lớn phụ nữ có học ở nhà lo việc giáo dục con cái khi có gia đình.

Cộng Sản Trung Hoa không ngớt tuyên truyền chống Nhật, gợi sự hận thù của người Trung Hoa đối với Nhật bằng sự thảm sát Nanjing (Nam Kinh). Dưới sự lãnh đạo của Abe Nhật tỏ ra không nhân nhượng Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền trên chòm đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Diaoyu (Điếu Ngư). Tokyo phản bác vụ thảm sát Nanjing. Họ cho rằng sau khi Nanjing thất thủ Chiang Kaishek họp báo 220 lần nhưng không hề đề cập đến vụ thảm sát. Nhật Bản cho rằng con số 300,000 nạn nhân trong vụ thảm sát Nanjing mới hình thành dựa vào tổng số nạn nhân bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki mà ra. Trên lục địa Trung Hoa xảy ra những cuộc đập phá trụ sở các công ty Nhật và hành hung kiều dân Nhật. Trong khi Nhật vẫn tôn trọng sinh mạng và tài sản của người Hoa trên đất nước họ nhất là ở Yokohama. Do sự kích động hận thù và đề cao chủ nghĩa dân tộc tỷ lệ nhân dân Trung Quốc oán ghét người Nhật lên đến 81% so với 70% vào mười năm trước. Trái lại chánh phú Nhật không khích động người Nhật thù ghét người Hoa nhưng, theo sự thăm đó dư luận, có 86% người Nhật không mấy cảm tình với người Hoa so với 71% vào thập niên trước.

Trung Quốc khiêu khích và muốn đánh phủ đầu Nhật. Họ lượng thấy có thể thành công nhưng còn dò xét thái độ của Hoa Kỳ vì hai nước Nhật, Hoa kỳ đã ký kết hiệp ước an ninh hổ tương từ lâu.

Lập trường của Nhật và Hoa Kỳ về Biển Đông luôn luôn gắn bó nhau:

– không chấp nhận Lưỡi Bò Chín Đoạn của Trung Quốc

– giải quyết các tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei bằng ngoại giao và trên căn bản luật pháp quốc tế.

– ủng hộ phán quyết của Toà Án Trọng Tài Quốc Tế La Hague ngày 12-07- 2016

– kỳ vọng Trung Quốc tôn trọng phán quyết này để đảm bảo quyền tự do hàng hải, an ninh và hòa bình khu vực.

Ở Biển Đông Trung Quốc vẫn tiếp tục việc xây đắp đảo nhân tạo, lập phi đạo cho chiến đấu cơ, ngăn chặn các nước quanh Lưỡi Bò thăm dò dầu khí, cấm ngư phủ Việt Nam hay Phi Luật Tân đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tức quận Nansha (Nam Sa) của Trung Quốc bây giờ.

Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tức là mất mặt tiền hướng ra Thái Bình Dương. Hoàng Sa và Trường Sa là trung tâm của Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2 chế ngự các quốc gia Đông Nam Á quần đảo. Những quần đảo này trở thành trạm kiểm soát tàu bè chuyên chở dầu và hàng hoá từ Âu Châu, Trung Đông sang Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Nếu Trung Quốc làm chủ 3 triệu km2 Biển Đông với 140 hải đảo thì họ làm chủ Đông Nam Á rộng 4.5 triệu km2 với thị trường 600 triệu dân và một trữ lượng hải sản và dầu khí khổng lồ.

Nhật nằm xa Lưỡi Bò trong Biển Đông nhưng dầu hỏa mà Nhật mua của Saudi Arabia, Qatar, UAE (United Arab Emirates) chở từ Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) về Nhật phải đi ngang qua Biển Đông và quận Nansha (từ Hoàng Sa và Trường Sa) do Trung Quốc kiểm soát.

Nhật mua than đá của Indonesia, bắp, lúa mì của Úc Đại Lợi. Tất cả được chở ngang qua Biển Đông trước khi về đến Nhật. Đó là hải lộ gần và ít tốn kém đối với Nhật. Đó là lý do tại sao Nhật quan tâm đến vấn để Biển Đông. Nhật luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ trong việc bảo vệ và duy trì quyền tự do hàng hải trong khu vực nhưng cả hai nước đều đứng ngoài cuộc tranh chấp biển đảo giữa các quốc gia trong vùng với nhau và với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực sự làm chủ Biển Đông thì Nhật Bản rơi vào cảnh bị phong tỏa kinh tế và các nguồn tiếp liệu. Sự sinh tồn của Nhật như bị bóp nghẹt vì thiếu nguồn sống.

Sau đệ nhị thế chiến hạm đội Hoa Kỳ có mặt khắp các đại dương trên thế giới. Chỉ mỗi Đệ Thất Hạm Đội Thái Bình Dương mà Trung Quốc không thể thôn tính đảo Taiwan suốt gần ba phần tư thế kỷ. Trong một canh bạc ai cũng muốn mình là người thắng chớ không ai muốn bạn mình thắng bao giờ. Trong một trận đấu thể thao đội chỉ nặng phần THỦ không thể là đội thắng. Hoa Kỳ nắm vững qui luật thắng, thua nầy nên không bao giờ tự rút lui khỏi Biển Đông.

Cho đến khi đệ nhất thế chiến chấm dứt đảng Cộng Hòa của Hoa Kỳ vẫn còn trân quí chủ nghĩa tự cô lập (isolationism). Đảng Dân Chủ đẩy mạnh Hoa Kỳ ra khỏi lục địa Mỹ Châu khi tham dự đệ nhất thế chiến vào năm 1917, đệ nhị thế chiến (cuối năm 1941), chiến tranh Triều Tiên (1950), chiến tranh Việt Nam (1965). Tổng thống Nixon (CH) Việt Nam hóa chiến tranh (1969) và chuẩn bị giải kết chiến tranh Việt Nam lần thứ hai với hiệp định Paris (1973). Chánh sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á chưa đạt được kết quả mong muốn. SEATO giải tán và được thay thế bằng ASEAN. Trước khi rời khỏi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ chứng kiến Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sạ thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hoà (1974). Sau năm 1975 Hoa Kỳ hầu như lãng quên vùng Đông Nam Á mặc dù còn hiện diện ở Subic Bay, Phi Luật Tân. Họ quan tâm đến Trung Đông, Âu Châu và Đông Bắc Á nhiều hơn. Sự xoay trục về Á Châu chỉ được tổng thống Barack Obama, vị tổng thống Da Đen đầu tiên của Hoa Kỳ, sinh ở Hawaii và sống ở Indonesia lúc ấu thời, đề cập mà thôi. Tổng thống Obama hứa đưa 60% tiềm năng Hải Quân Hoa Kỳ sang Châu Á. Dù vậy cho đến nay kết quả sự xoay trục vẫn còn mù mờ.

Trung Quốc trở thành con khủng long đe dọa chẳng những các nước Đông Nam Á mà còn đe dọa luôn cả Nhật Bản nữa. Sự đe dọa của Trung Quốc khiến cho Nga, Anh, Pháp, Do Thái, Hòa Lan có cơ hội bán phi cơ, tàu chiến và võ khí cho các quốc gia Đông Nam Á. Nga vừa bán phi cơ, tàu bè và võ khí cho Việt Nam vừa bán cho Trung Quốc. Hoa Kỳ thỉnh thoảng tuần tra trên Biển Đông bằng tàu hay phi cơ với những lời cảnh cáo theo công thức có sẵn từ phía Trung Quốc. Trung Quốc bực tức Hoa Kỳ cản trở sự bành trướng của họ. Trắng trợn hơn họ đề nghị cùng Hoa Kỳ chia đôi thiên hạ: đông Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và tây Thái Bình Dương của Trung Quốc. Đường lối của Hoa Kỳ là chống lại chủ nghĩa đế quốc. Các nước Cộng Sản như Liên Sô, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn không ngớt gọi Hoa Kỳ là đế quốc Mỹ nhưng chính họ thực thi chủ nghĩa ấy muộn màng hơn các nước Tây Phương. Nga tóm thu các quốc gia nhỏ bé láng giềng để lập Liên Sô rồi thiết lập các chánh quyền Cộng Sản bù nhìn ở Đông Âu, thẳng tay đàn áp những cuộc nổi dậy của nhân dân Ba Lan, Hung Gia Lợi (1956) và Tiệp Khắc (1968); xâm lăng Afghanistan (1979). Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng (1959), quần đảo Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988). Cộng Sản Việt Nam bành trướng ảnh hưởng ở Lào (1975) và xâm lăng Cambodia (1978) dưới chiêu bài hoàn thành nghĩa vụ quốc tế do Liên Sô chỉ đạo.

Hoa Kỳ không gặp khó khăn ở Âu Châu với tổ chức NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) nhưng họ không gặp điều kiện trơn tru với SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á) và ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á). Các quốc gia Âu Châu cùng mầu da, cùng văn hóa và trình độ kinh tế và chánh trị với Hoa Kỳ trong khi các quốc gia Đông Nam Á là những quốc gia có quá khứ thuộc địa, kinh tế nghèo nàn, trình độ khoa học kỹ thuật và ý niệm dân chủ non trẻ, cư dân hấp thụ nhiều nguồn văn hóa và tôn giáo khác nhau (Phật Giáo Tiểu Thừa, Phật Giáo Đại Thừa, Hồi Giáo từ Ấn Độ, Trung Hoa và Trung Đông. 90% người Phi Luật Tân theo Thiên Chúa Giáo do ảnh hưởng của người Tây Ban Nha đô hộ nước nầy từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX). Hoa Kỳ không thành công ở Đông Nam Á với SEATO và chiến tranh Việt Nam lần thứ hai mặc dù năm 1965 Hoa Kỳ thành công trong việc chận đứng sự bành trướng đáng sợ của đảng Cộng Sản Indonesia thân Trung Quốc dưới thời tổng thống Sukarno. Ở Đông Bắc Á Hoa Kỳ thành công vì có hai đồng minh Á Châu có nền kinh tế hưng vượng, trình độ khoa học kỹ thuật cao với nền chánh trị dân chủ tiến bộ như các nước Âu- Mỹ. Nền dân chủ Nhật trưởng thành từ năm 1946. Nền dân chủ của Đại Hàn mới chớm nở từ năm 1990. Nhưng trước đó Đại Hàn đã kỹ nghệ hóa và có một nền kinh tế đầy hứa hẹn.

Những khó khăn mà Hoa Kỳ gặp ở Đông Nam Á trước sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc, thái đó lấp lửng thập thò của Việt Nam, Phi Luật Tân, sự lo sợ Trung Quốc và ngờ vực sự thay đổi chánh sách Hoa Kỳ của các quốc gia ASEAN làm cho Trung Quốc được nhiều lợi thế.

Úc Đại Lợi ý thức Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất đảm bảo an ninh của họ. Nhưng họ trở nên dè dặt vì quyền lợi kinh tế của Úc gắn liền với Trung Quốc.

Ấn Độ của Modi cải tiến bang giao hữu hảo với Hoa Kỳ. Ấn còn vướng bận với Pakistan, đồng minh thân thiết của Trung Quốc.

Sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông gặp nhiều thuận lợi lại còn được Nga ủng hộ. Họ mạnh dạn xem thường phán quyết của Toà Án Trọng Tài La Hague ngày 12- 07-2016.

Phi Luật Tân được xem như thắng vụ kiện quốc tế này nhưng tân tổng thống Phi Luật Tân Duterte không quan tâm đến sự thắng kiện này của nước ông. Ông buông lời mắng chửi đại sứ Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân, tổng thống Obama, đức Giáo Hoàng Francis, Liên Âu và Liên Hiệp Quốc bằng những ngôn từ mà bất cứ người nào dù có học hay không đều tránh dùng. Duterte công khai chống Hoa Kỳ và hướng về Trung Quốc và Nga theo gương Việt Nam. Thái độ sổ sàng của Duterte đối với Hoa Kỳ khiến cho nước này có thể không thi hành hiệp ước an ninh Hoa Kỳ- Phi Luật Tân khi cần? Nữ tổng thống Aquino há không yêu cầu Hoa Kỳ rời khỏi Subic Bay? Duterte há không tuyên bố không cần Hoa Kỳ trong việc đánh dẹp phiến loạn? và không diễn tập với Hoa Kỳ? Ông đề nghị Trung Quốc lập ra một tổ chức quốc tế khác cạnh tranh với LHQ và hứa sẽ mua võ khí của Nga và Trung Quốc v.v. Beijing dồn dập gọi tổng trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam, thủ tướng Việt Nam và tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam sang Trung Quốc để dò xét, hạch hỏi và răn đe mặc dù bề ngoài vẫn trải thảm đỏ và tiếp rước có vẻ long trọng lắm. Những sự kiện ghi trên làm nổi bật vai trò của quốc gia Á Châu đồng minh sát cánh của Hoa Kỳ là Nhật Bản về vấn đề Biển Đông.

Trên thế giới không quốc gia nào nắm vững vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa bằng Nhật vì họ chủ động trong chuyện nầy cách đây 77 năm. Năm 1939 họ chiếm Trường Sa trước khi chiếm Hoàng Sa. Năm 1988 khi Trung Quốc đánh chiếm Johnson South Reef (Gạc-ma) trong quần đảo Trường Sa các quan sát viên quốc tế nhất là Nhật tiên đoán tình hình bất ổn định trong vùng sau trận chiến Gạc- ma giữa Trung Quốc và Việt Nam. Sự bất ổn đó bắt đầu diễn ra khi Beijing thành lập huyện Nansha (Nam Sa) và tự nhận chủ quyền trên Lưỡi Bò Chín Đoạn rộng 3 triệu km2 trên Biển Đông.

Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra gây hấn, hù doạ các nước nhỏ láng giềng, thách thức luật pháp quốc tế, và cố tình gây hấn với Hoa Kỳ và Nhật.

Tháng 08 năm 2016 thủ tướng Abe của Nhật bổ nhiệm một nữ tổng trưởng bộ Quốc Phòng. Đó là bà Tomomi Inada, một luật gia tốt nghiệp đại học Waseda. Bà thuộc đảng Tự Do dân Chủ của thủ tướng Abe. Bà thường xuyên thăm viếng đền Yasakuni và thuộc khuynh hướng cực hữu. Năm 2005 bà đắc cử dân biểu Hạ Viện. Từ năm 2012 đến 2014 bà Inada là tổng trưởng đặc trách cải tổ Hành Chánh và Chiến Lược. Ngày 03-08- 2016 bà Inada được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ Quốc Phòng. Trước bà có nữ tổng trưởng Quốc Phòng Yuriko Koike hiện là đô trưởng Tokyo. Bà Koike giữ chức vụ nầy vỏn vẹn 01 tháng vào năm 2007. Nếu bà Inada thành công trong chức vụ mới thích hợp cho tướng lãnh hay nam giới hơn là nữ giới thì tương lai bà có thể là nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật. Tháng 09 năm 2016 bà sang Hoa Kỳ và tuyên bố hợp tác với Hoa Kỳ trong việc tuần tra Biển Đông trong khuôn khổ bảo vệ quyền tự do hàng hải do luật biển quốc tế cho phép. Trung Quốc phản ứng tức thì bằng cách:

– đưa ra tối hậu thơ buộc Nhật và Hoa Kỳ chấm dứt các cuộc tuần tra gần các đảo nhân tạo. Hoa Kỳ và Nhật không công nhận Lưỡi Bò Chín Đoạn thuộc chủ quyền Trung Quốc cũng không xem các đảo cát do Trung Quốc xây là đảo.

– đưa tàu và phi cơ ra hải phận và không phận Senkaku để khiêu khích Nhật như ngầm cảnh cáo Nhật đừng nghĩ đến vấn để Biển Đông vô ích.

– cùng với Nga tập trận trên Biển Đông.

Tổng thống Nga tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về việc bác bỏ phán quyết của Toà Án Trọng Tài La Hague ngày 12-07-2016 tại hội nghị G-20 tại Hangzhou (Hàng Châu).

Nhật nghiêm khắc cảnh cáo Trung Quốc cho tàu chiến và phi cơ hoạt động trong hải phận và không phận Senkaku. Nhật cũng cho phi cơ bay kè sát các chiến đấu cơ của Trung Quốc.

Nhật phối hợp cùng Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông có nghĩa là Nhật không chỉ bảo vệ chòm đảo đá Senkaku, quần đảo Ryu Kyu mà còn chú trọng đến hải lộ trên Biển Đông, hải lộ huyết mạch trong việc nhập cảng dầu hỏa, than đá, lúa mì, bắp từ Trung Đông, Hắc Hải, Úc Đại Lợi và việc xuất cảng hàng hoá của Nhật sang Đông Nam Á, Nam Á, Phi Châu và Âu Châu. Việc Nhật cải tạo đảo Okinotorishima và xem đó là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ: exclusive economic zone) cho thấy Nhật quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Okinotorishima (Shima: đảo; okinotori: chim vùng xa xôi hẻo lánh) là đảo san hô rộng 8,482 m2 nằm trong biển Phi Luật Tân gần đảo Taiwan và quần đảo Ryu Kyu của Nhật và đảo Luzon của Phi Luật Tân, cách thủ đô Tokyo 1,700 km. Trung Quốc và Đại Hàn phản đối việc biến đảo Okinotori thành vùng đặc quyền kinh tế vì đó không phải là đảo!

Không quốc gia nào chấp nhận Trung Quốc có chủ quyền trên Lưỡi Bò Chín Đoạn do họ vẽ ra. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên Âu đều muốn giải quyết mối tranh chấp biển đảo bằng ngoại giao và luật pháp quốc tế. Phán quyết của Toà Án Trọng Tài La Hague ngày 12-07-2016 bị Trung Quốc xem là trò hề, tờ giấy lộn.

Sau khi rời khỏi Nam Việt Nam, ảnh hưởng của Hoa Kỳ suy giảm ở các quốc gia Đông Nam Á. Mã Lai không thân thiện với Hoa Kỳ. Thái Lan, quốc gia có quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ sau đệ nhị thế chiến, bắt đầu hướng về trục quyền lực mới ở Đông Ả vào giữa thập niên 1970.

Phi Luật Tân dưới thời nữ tổng thống Aquino lạnh nhạt với Hoa Kỳ vì cho rằng Hoa Kỳ đã ủng hộ nhà độc tài Marcos, người ra lịnh ám sát chồng bà. Và, điều đáng ngạc nhiên là vị tổng thống mới đắc cử của Phi Luật Tân hiện nay, Rodrigo Duterte, có vẻ thân Trung Quốc và Nga hơn là Hoa Kỳ.

Có phải chăng đã đến lúc Nhật Bản có vai trò quan trọng ở Biển Đông và Đông Nam Á để giải quyết những phức tạp trong khu vực bằng phương thức Á Châu?

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.