Nhật Bản gia tăng sức ép lên TC sau phán quyết về Biển Đông
Tại cuộc họp thượng đỉnh Diễn Đàn Âu-Á (ASEM), Nhật Bản gia tăng sức ép lên TC để đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật Jiji Press, nhân hội nghị thượng đỉnh ASEM ở Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 16/07/2016, thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc lại với các lãnh đạo khác về “nguyên tắc phổ quát” của luật quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ Philippines kiện TC trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07, tòa án này đã cho rằng không có sở pháp lý nào để Bắc Kinh khẳng định “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên ở các khu vực nằm trong đường 9 đoạn, còn được gọi là “đường lưỡi bò”, bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông.
Đây là một phán quyết thuận lợi cho Nhật Bản, vì nước này cũng có tranh chấp chủ quyền với TC trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông.
Tại thượng đỉnh ASEM ngày 16/07, thủ tướng Abe đã kêu gọi các bên có liên hệ tuân thủ phán quyết nói trên của Tòa Trọng Tài Thường Trực và đi đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Trong những ngày qua, Tokyo đã nỗ lực vận động để đưa Biển Đông thành một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEM. Tại Ulan Bator, thủ tướng Abe cũng đã gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay.
Với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Abe đề nghị là Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tăng cường lực lượng trên biển. Còn theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nhật Bản, khi gặp thủ tướng Abe, ngoại trưởng Philippines đã chấp nhận sẽ “hợp tác chặt chẽ” tại các hội nghị của ASEAN trong tương lai để bảo đảm là tất cả các bên sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Trong cuộc hội đàm với thủ tướng TC Lý Khắc Cường ngày 15/07 bên lề thượng đỉnh ASEM, ông Abe cũng đã đặt thẳng vấn đề Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Nhưng Lý Khắc Cường đã đáp trả rằng Nhật Bản, không có liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông, nên “có thái độ kềm chế, không đổ dầu vào lửa và không can thiệp vào vấn đề này”. – Theo RFI