Nhật Bản: Doanh nhân Việt chế tạo máy hô hấp cứu hàng triệu trẻ sinh thiếu tháng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhật Bản: Doanh nhân Việt chế tạo máy hô hấp cứu hàng triệu trẻ sinh thiếu tháng

Đến Nhật Bản từ năm 1968, đến nay ông Nguyễn Ngọc Phúc đã trở thành một doanh nhân thành đạt nhờ chế tạo thành công máy hỗ trợ hô hấp, cứu sống hàng triệu trẻ em sinh thiếu tháng trên thế giới

10 -2-2016 – HẢI NGOẠI
Năm 1984, ông Phúc thành lập Công ty sản xuất thiết bị y tế Metran (thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, Nhật Bản) chuyên sản xuất máy hỗ trợ hô hấp. Trải qua hơn 20 năm phát triển, máy thở cao tần số do công ty ông Phúc chế tạo được sử dụng trong hơn 90% phòng điều trị dành cho trẻ sơ sinh tại Nhật, cứu được tính mạng của nhiều trẻ sinh non hoặc thiếu cân. Máy này cũng đang được sử dụng tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khác
Công ty của ông chỉ có 38 nhân viên, song đã cung cấp hàng triệu chiếc máy hỗ trợ hô hấp ra thị trường. Mỗi máy hô hấp nhân tạo có gắn ống thở, màn ảnh ghi số và tình trạng hô hấp của bệnh nhân. Máy hô hấp nhân tạo của công ty chế tạo rất đặc biệt, được đánh giá cao về chỉ số an toàn.
Ông Phúc cho biết, những máy hô hấp thông thường dùng áp lực để dẫn khí vào phổi để bệnh nhân thở được. Những trẻ sinh non, phổi chưa phát triển đầy đủ nên phương pháp dùng áp lực này có thể khiến phổi bị tổn thương. Một cách khác là dùng áp lực không khí thấp như dùng oxy nồng độ cao. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mù mắt.
Máy hô hấp nhân tạo do ông sản xuất, sử dụng một động cơ tạo ra những dao động giống như sóng trong không khí với tần số khoảng 900 lần một phút. Điều này giúp không khí khuếch tán vào trong phổi một cách tự nhiên. Nhờ đó, sẽ giảm nguy cơ để lại di chứng cho trẻ.
“Việc chữa cho một  bệnh nhân có thể ra viện đó là thành công. Đối với tôi, đứa trẻ đó còn nguyên cả một cuộc đời dài của nó. Nếu bị di chứng, nó có thể phải sống khổ sở cuộc đời còn lại. Cái đó khiến tôi miệt mài nghiên cứu dùng phương pháp làm sao để nó không bị di chứng, chữa làm sao để những đứa trẻ được sống cuộc đời hạnh phúc về sau. Đó mới thực sự là thành công”, ông Phúc bày tỏ.
Ông Phúc sinh tại Huế và đến Nhật năm 1968. Lúc đó, Việt Nam còn bị chia cắt bởi chiến tranh, ông từ miền Nam đi du học Nhật Bản. Mục tiêu của ông là học xong sẽ quay về làm ăn ở Việt Nam. Khi vào đại học, ông chọn ngành hóa. Nhờ cha mẹ làm ăn khấm khá, ông Phúc được chu cấp đầy đủ, nên bước đầu việc du học có cuộc sống thoải mái. Thế nhưng không bao lâu, công việc làm ăn của cha mẹ ông thất bại, ông chủ động nói với cha mẹ không phải gửi tiền cho mình nữa và tự đi làm những công việc ngoài giờ để kiếm sống.
Ông trải qua đủ các công việc làm thêm ở quán cà phê, bán bánh kẹo, công nhân xây dựng, tiệm hớt tóc. “Đó là một cái điều không may nhưng nhờ tự lập tôi lại biết được xã hội Nhật nhiều hơn các du học sinh khác. Khi đi làm, tôi đã hòa mình vào nhịp sống thực sự của người Nhật. Năm thứ 3 đại học tôi đã biết tự kinh doanh riêng”, ông kể.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Phúc làm cho một công ty sản xuất thiết bị y tế. Ông kết hôn với một phụ nữ Nhật và có một đứa con. Khi đó, vợ chồng ông đã chuẩn bị trở về Việt Nam để bắt đầu công việc kinh doanh. Tuy nhiên, một vài kế hoạch thay đổi bởi tình hình ở Việt Nam, ông Phúc đã quyết tâm ở lại Nhật.
Chuyện nghiên cứu, chế tạo máy hô hấp nhân tạo đến với ông khá tình cờ. Thời đó, các bệnh viện Nhật Bản dùng các máy hô hấp nhận tạo do nước ngoài sản xuất. Ông Phúc đọc rất nhiều luận văn nước ngoài liên quan đến máy hô hấp nhân tạo. Trong đó, ông phát hiện một luận văn đề ra phương pháp mới trái ngược với những quan niệm trước trong ngành y.
Ông quyết tâm chế tạo máy hô hấp này và nhờ khoa y của một trường đại học tại Nhật giúp đỡ để thực  hành. Ông học hỏi mọi điều từ cơ cấu hô hấp cho đến nhu cầu chữa trị của bệnh viện.
Năm 1984, vợ chồng ông Phúc thành lập công ty hiện này và hoàn thành máy hô hấp nhân tạo cao tần số. Cũng trong năm đó, Viện nghiên cứu y tế của Mỹ tổ chức cuộc thi về các lò máy hô hấp nhân tạo dành cho trẻ sơ sinh và máy của ông Phúc đạt giải tối ưu. Sau đó, viện nghiên cứu này đã đặt mua 85 máy.
Công ty của ông Phúc đi tiên phong trong ngành chế tạo máy hô hấp nhân tạo của Nhật Bản và hiện đã trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh này. Công ty ông đã đoạt nhiều giải thưởng sáng tạo và được Nhật Hoàng đến thăm năm 2012
“Tôi không thể tưởng tượng được, công ty nhỏ, người giám đốc lại đến từ Việt Nam mà được vinh dự đón Nhật Hoàng tới thăm và khen ngợi vì đã cứu được nhiều trẻ em trên thế giới”, ông Phúc tự hào.
Năm 2014, ông Phúc được bầu làm Chủ tịch của công ty. Hiện ông đang truyền đạt lại toàn bộ bí quyết kinh doanh và các mối quan hệ cho vị giám đốc mới người Nhật.
“Chủ tịch Phúc là một phát minh, dù vấn đề có khó đến đâu ông luôn cho rằng vẫn sẽ có cách giải quyết mà người ta chưa tìm ra. Ông không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi tìm ra giải pháp mới thôi. Ông góp ý tích cực cho các nhân viên, không bao giờ phiền trách dù nhân viên đó làm sai”, vị giám đốc công ty cho hay.
Khi công việc áp lực, ông Phúc chọn cách đi du lịch, chụp ảnh thiên nhiên và chơi với các cháu nội của mình. Năm 2012, ông Phúc lập cơ sở tại Việt Nam nhằm đào tạo và tuyển dụng nhân sự viết phần mềm và chế tạo máy hô hấp. Ông muốn chuyển giao cho Việt bí quyết chế tạo cũng như triết lý kinh doanh.
“Tôi muốn truyền đạt lại bí quyết cho Việt Nam vì tôi sinh ra ở đây và trưởng thành, học hỏi ở Nhật Bản. Tôi muốn trả ơn cho đất nước Nhật Bản và Việt Nam”, ông Phúc chia sẻ.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông Phúc cho rằng cần phải cố làm một việc thật tốt, có ý chí mạnh mẽ, sự khiêm tốn, theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn.
Theo Kỳ Duyên (Theo NHK/baonuocviet.org)