Nhạo báng tôn giáo từ bao giờ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhạo báng tôn giáo từ bao giờ?

Viết từ Sài Gòn – RFA Blog
2017-10-11

Hình ảnh buổi trình diễn thời trang bị cho là xúc phạm Công giáo, diễn ra vào tối ngày 08/10/2017, tại Fame Club, Hà Nội.

Hình ảnh buổi trình diễn thời trang bị cho là xúc phạm Công giáo, diễn ra vào tối ngày 08/10/2017, tại Fame Club, Hà Nội.

 Courtesy of Facebook J.B Nguyễn Hữu Vinh
“Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hòan Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo. Họ đeo chuỗi mân côi, đội khăn giống nữ tu, nhưng phô bày thân thể trong trong các bộ đồ nội y, thậm chí có “người mẫu” nam đính hình cây Thánh giá bên phần hông trái, ngay cạnh bộ phận nhạy cảm của cơ thể…” (trích từ RFA).
Vấn đề nhạo báng tôn giáo có từ bao giờ? Thiết nghĩ lúc này cũng nên có câu hỏi như vậy và ai là kẻ nhạo báng tôn giáo nặng nề nhất? Bởi những câu hỏi này làm rõ hơn vấn đề tự do tôn giáo cũng như nó cho thấy tầm mức văn hóa của người Việt đang ở đâu trong thế giới văn minh này.
Ở câu hỏi thứ nhất: Tôn giáo bị nhạo báng từ bao giờ? Đương nhiên câu hỏi đã được khuôn giới trong địa hạt tôn giáo Việt Nam, nó không thể lan man ra tôn giáo khu vực hay quốc tế được. Và sự thật là tôn giáo tại Việt Nam luôn bị nhạo báng hoặc lợi dụng từ thời phong kiến cho đến thời kỳ độc tài Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Nếu như thời phong kiến, cảm thấy tôn giáo nào có lợi cho sự tồn vong của triều đại, người ta sẽ tìm cách biến tôn giáo đó thành quốc giáo và phổ biến, áp đặt nó trên toàn cõi, bất kì tôn giáo nào khác với “quốc giáo” đều bị đàn áp, chèn ép và tẩy chay. Điều này cho thấy khi người ta thiết lập một hệ thống quốc giáo cũng đồng nghĩa với một thứ tôn giáo độc tài, cực đoan, độc đoán, chuyên quyền đã phủ màu lên đời sống nhân dân. Và người dân không có tự do tôn giáo, không có quyền lựa chọn cho đức tin. Cũng trong chế độ phong kiến, khi thấy tôn giáo không có lợi cho chính trị, người ta sẵn sàng nhạo báng, đàn áp tôn giáo, vua chúa sẵn sàng róc mía trên đầu sư hay bêu đầu cha xứ.
Đến thời độc tài Cộng sản xã hội chủ nghĩa, mọi chuyện có phần tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Những tôn giáo nào không có lợi cho nhà độc tài, họ tìm mọi cách để tiêu diệt, xóa dấu, những tôn giáo nào có thể lợi dụng được, họ tìm cách đầu tư, ủng hộ, cổ xúy và quốc doanh hóa tôn giáo đó để biến nó thành một phần trong hệ thống tuyên truyền của họ. Tình trạng các sư quốc doanh hoặc một số cha xứ quốc doanh sẵn sàng rêu rao như một cái loa phường về tính ưu việt của chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa là một bằng chứng đáng xấu hổ về việc tôn giáo bị chính trị lợi dụng.
Với chính trị, tôn giáo mãi mãi là một phương tiện để truyền bá tư tưởng của kẻ tự xem mình là chính thống, mãi mãi là vậy, sẽ không bao giờ có tự do tôn giáo ở nhà nước phong kiến và Cộng sản độc tài. Ngay cả những quốc gia dân chủ giả cầy, tôn giáo cũng bị lợi dụng ráo riết bởi đảng thắng thế, đảng cai trị. Bởi tự do tôn giáo chỉ xảy ra khi nào nó không bị thổi hơi chính trị vào bên trong. Nhưng tại Việt Nam, tìm ra tự do tôn giáo chẳng khác nào tìm kim đáy biển. Bởi tôn giáo tại Việt Nam đã bị chính trị hóa bằng những giáo hội, giáo đoàn do nhà nước quản lý và cai trị. Mọi phát biểu của các cao niên,chức sắc tôn giáo đều bị kiểm duyệt bởi cơ quan tuyên giáo nhà nước. Vậy thì làm sao có tự do tôn giáo? Vấn đề là tôn giáo bị lợi dụng như thế nào và bị nhạo báng ra sao?
Nói về nhạo báng, xúc phạm tôn giáo, câu chuyện các thanh niên ở Hà Nội chơi trò diễn thời trang gắn biểu tượng tôn giáo vào những vùng nhạy cảm chỉ là chuyện mới nhất, nổi cộm và có tính “xã hội hóa” nhất so với rất rất nhiều chuyện nhạo báng tôn giáo. Ví dụ dễ thấy nhất trong nhạo báng tôn giáo, có lẽ là việc đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt nó vào vị trí ngang với các đấng giáo chủ trong các tôn giáo, treo hình ông này ngang với hình của các đấng giáo chủ ngay tại các cơ sở tôn giáo. Đây mới là sự nhạo báng đáng sợ nhất. Bởi không thể nào biến một ông Cộng sản từng có nhiều tội lỗi trong cải cách ruộng đất, đấu tố… thành một ông Phật và xếp ông ta ngồi ngang với bậc giáo chủ tôn giáo. Đó là chuyện không những xúc phạm, nhạo báng tôn giáo mà còn là sự phỉ báng công khai đối với tôn giáo. Nhưng người ta vẫn làm đấy thôi. Mà không ai làm ngoài những người có chức sắc trong tôn giáo.
Như vậy, nếu nói về những kẻ nhạo báng tôn giao thì có vẻ như chính những chức sắc tôn giáo nhà nước cũng như sự mượn tay, lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền của người Cộng sản là những kẻ nhạo báng tôn giáo mạnh nhất. Và việc nhạo báng này được làm trong một chiến lược ngầm có tên tảng băng trôi, vừa nổi 30% để người ta đủ nhìn thấy một phần, vừa giấu 70% ý đồ chính trị và biến tôn giáo thành con tốt chính trị phía bên dưới.
Việc các thanh niên Hà Nội tổ chức thời trang nhạo báng Thiên Chúa Giáo hay một số tay cờ đỏ, dư luận viên công kích các tôn giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo Thống Nhất, Ki Tô, Tin Lành… đều chỉ là phần nổi, phần 30% chính sách mượn tay tôn giáo đã được xã hội hóa, được công khai. Và đương nhiên bàn tay đạo diễn những trò này mới đáng sợ, chứ những người trẻ bồng bột hay những người trẻ ham vui, những người trẻ hăng hái và manh động đã thực hiện một vai nào đó trong trò chơi mượn tay tôn giáo… Suy cho cùng, họ chỉ là con tốt, là nạn nhân của một cuộc chơi lớn và là nạn nhân của chính tính cách, số phận của họ.
Có thể nói rằng câu chuyện làm bức xúc mấy ngày nay về việc thời trang mạo phạm, nhạo báng tôn giáo chỉ là một phần rất nhỏ trong cả một tiến trình dài lợi dụng, nhạo báng và đập bỏ tôn giáo tại Việt Nam. Bởi đừng bao giờ ngây thơ tin rằng Việt Nam Cộng sản xã hội chủ nghĩa có tự do tôn giáo. Tôn giáo chỉ tự do thực sự khi không có bất kì tôn giáo nào được chọn làm quốc giáo và không có bất kì đảng phái chính trị nào xem mình là vĩ đại, tồn tại mãi mãi, sống mãi để rồi mượn hoạt động tôn giáo phục vụ tuyên truyền như một loại thuốc trường sinh.
Không, người ta đã lợi dụng và nhạo báng tôn giáo ngay từ trứng nước, bởi ngay cả ông tổ của chủ nghĩa Cộng sản như Karl Marx cũng chỉ xem “tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại”. Không hơn không kém!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do