Nhân vật Phạm Minh Chính – Lê Minh Nguyên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhân vật Phạm Minh Chính – Lê Minh Nguyên

Quốc hội CSVN hôm 5/4/21 thông qua việc ông Phạm Minh Chính trở thành tân thủ tướng.
Ông Chính sinh ngày 10/12/1958, quê Thanh Hóa, vào Đảng CSVN năm 1986. Từ tháng 2/16 tới tháng 4/21 ông giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từ 2011 đến 2015.
Ông Chính xuất thân là một tướng công an và đi lên từ ngành công an, ông không có kinh nghiệm hay được chuẩn bị để điều hành một nền kinh tế ở tầm vóc quốc gia, đôi giày thủ tướng có vẻ quá khổ chân ông.

Ông là một người tương đối trẻ, được biết đã thân Trung Quốc từ lâu nay. Việc ông nắm thủ tướng nói lên đặc điểm của chế độ trong 5 năm sắp tới: kinh tế VN sẽ hội nhập vào đại kế hoạch Vành Đai Con Đường (BRI) của TQ và công an trị xã hội VN.
Trên RFA 5/4 có bài viết của ông Trần Khải Minh nhận định rằng: Dư luận trong và ngoài VN đều ghi nhận, trong Ban bí thư, trừ ông Trọng ra, không ai kết nối với TQ tốt bằng ông Chính. (https://bit.ly/3mph4PH)
Đề chuẩn bị sự hậu thuẫn cho những việc làm theo ý Đảng nhưng khác lòng dân sắp tới của ông – hội nhập kinh tế VN vào đại kế hoạch BRI của TQ – trong Hội nghị trực tuyến sáng 28/3 quán triệt Nghị quyết Đại hội 13, ông Chính kêu gọi phải “có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm…”
Vở tuồng của Đảng là: ông Nguyễn Xuân Phúc giờ không còn làm thủ tướng nữa mà vào chức vụ nghi lễ nhiều hơn, tức chủ tịch nước, thì nên hứng chịu búa rìu dư luận chống đối 3 đặc khu cho TQ khai thác. Ông Chính bây giờ là người sẽ thực hiện 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhưng dư luận nên nhắm vào người tiền nhiệm vì ông ta chỉ là người tiếp nối. Cho nên khi cũng tại Hội nghị trên, ông đẩy chuyện 3 đặc khu qua cho ông Phúc và ông Phúc kêu gọi cần “tiếp tục nghiên cứu Luật đặc khu”, trong khi trước đây, chính ông Phúc từng chỉ thị phải đối thoại, phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quần chúng… về Luật đặc khu.

Vấn đề “khai thác chung” với TQ trong những vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN trên Biển Đông có lẽ cũng sẽ nằm trong nghị trình ưu tiên của ông Chính. Theo ông Minh, những ai từng biết ông Chính khi còn làm Tổng Cục phó tình báo Bộ Công an, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, thì đều rõ quan điểm của ông Chính: Với TQ, ta chỉ có cách cùng bạn “khai thác chung” mới yên ổn.
Năm 2018, ông bị thất bại khi thúc đẩy dự luật Đặc khu hành chính cho phép nước ngoài thuê đất tới 99 năm. Trong cương vị mới ông sẽ không để cho nó bị thất bại lần hai để bị té ghế.

Ông Phạm Quang Minh, nguyên hiệu trưởng trường ĐH KHXN&NV Hà Nội, nói rằng ở góc độ cá nhân, ông Chính có thể nghi ngờ Mỹ hơn những người tiền nhiệm do những năm ông làm tình báo ở Bộ Công an.
Ông David Hutt trên báo Asia Times 6/4 cho rằng việc ông Chính ngồi vào ghế thủ tướng ví như “Cột tròn đóng vào lổ vuông” (round pegs have been placed in square holes), ông được bố trí vào vị trí không phù hợp với những kinh nghiệm ông có.
Ông Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của TBT Nguyễn Phú Trọng đã bị loại, cho thấy phe ông Trọng bị suy yếu, buộc ông phải ngồi thêm nhiệm kỳ ba để duy trì quyền lực của phe mình, tức phe Đảng-Đảng trong cuộc đọ sức nội bộ với phe Đảng-Chính Phủ (đảng viên nắm chính phủ phía ông Phúc).

Trong việc giao bộ máy chính quyền cho ông Chính, phe Đ-Đ đã áp đặt ý chí của Đảng lên bộ máy Chính Phủ, trong khi nền kinh tế và xã hội VN thì ngày càng trở nên phức tạp hơn, buộc bộ máy CP phải có quyền tự chủ lớn hơn, tức các bộ trưởng thường đưa ra quyết định mà không có chỉ thị của Đảng. Điều này đương nhiên tạo ra sự tranh giành quyền lực giữa hai định chế Đảng và Chính Phủ.
Mỹ và các quốc gia tây phương thì luôn luôn muốn giao thiệp với định chế CP, nhưng đối với những người Đ-Đ muốn lấy chủ nghĩa làm chính danh để độc quyền cai trị của phe ông Trọng, thì sự trỗi dậy của các nhà kỹ trị đặt ra một vấn đề lớn, vì các chính sách có thể cần thiết cho tiến bộ kinh tế hoặc xã hội nhưng có thể làm cho Đảng mất đi quyền lực, thí dụ như để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thì CSVN phải chấp nhận pháp trị – tức luật pháp đứng trên Đảng – và quyền sở hữu tư nhân. Nhưng những cải cách như vậy có nghĩa là Đảng phải từ bỏ sự thống trị của mình đối với tòa án và quy trình pháp lý.

GS Carl Thayer cho rằng trong khi phe Đ-Đ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ tư tưởng để tạo chính danh cho chế độ độc đảng và liên tục cảnh báo về âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch thì phe Đ-CP ủng hộ việc hội nhập VN với nền kinh tế toàn cầu. Một bên muốn đạp thắng, một bên muốn nhấn ga. (https://bbc.in/2Q9yzYw)
Ông Chính gốc công an, vừa lên thủ tướng thì chào ra mắt bằng cách bắt Nguyễn Thuý Hạnh, một người chỉ hoạt động xã hội và không nguy hiểm cho chế độ. Nó có vẻ như là một sự nắn gân Mỹ khi Mỹ đang lấy nhân quyền làm trọng tâm cho chính sách ngoại giao. (https://bbc.in/3fSehgW)
Ông Minh cho rằng TQ chống lưng cho bàn tay sắt của ông Chính để đưa “đứa con hoang đàng” trở về “đất mẹ” như lời của ông Dương Khiết Trì hiệu triệu năm 2014. Ông Chính sẽ đẩy mạnh hơn nữa 15 thoả thuận giữa Đảng CSTQ và Đảng CSVN ký hồi tháng 1/2017. VN là quốc gia xếp thứ hai về nhận vốn đầu tư từ BRI, chỉ sau Pakistan, với tổng số tiền đầu tư năm 2020 là 2 tỉ 460 triệu đôla cho các dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng và Điện than Nam Định 1.

Ông Chính đứng sau những hoạt động kinh tế không minh bạch, làm ăn với nhóm Nguyễn Đức Chung, Nhàn “AIC”, Thái Minh “Ba Vàng” và nhiều bê bối khác, nhưng chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng không hề đụng chạm gì đến các “sân sau” của ông Chính. (https://bit.ly/3dIXHNA)
Facebook Phan Thái Bình gọi Chính là “kẻ gian hùng” khi nhân danh Trưởng ban Tổ chức Trung ương, mượn lò ông Trọng để ném vào đấy tất cả những ai từng là đối thủ nặng kí của Chính, điển hình là kỷ luật một loạt tướng Công an. Facebook Trịnh Anh Tuấn nói rằng từ năm 2013 Chính đã cộng tác chặt chẽ với TQ và người cố vấn cho Chính trong vụ Vân Đồn chính là bà Đào Hiếu Đào, kiến trúc sư trưởng của Tập Cận Bình trong đại chiến lược BRI. Những hình ảnh Chính cộng tác với TQ được đăng trên website của Đại học Thẩm Quyến ngày 14/3/2013. Khi Chính làm bí thư Quảng Ninh thì Nguyễn Văn Đọc làm Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân và cả hai cộng tác chặt chẽ với TQ để phát triển Vân Đồn, viên gạch địa kinh tế đầu tiên để TQ bước ra Đông Nam Á. (https://bit.ly/3wzQw36)
Tham vọng của ông Chính không dừng ở ghế thủ tướng mà còn muốn cao hơn. Ông ta được biết đến như một người dám làm và cơ hội. Sự đối đầu Mỹ-Trung càng ngày càng nhiều hơn sẽ là một thách thức lớn cho ông ta. Ông ta sẽ bị giằng co giữa một bên là dùng Đảng để khống chế Chính Phủ, cũng như giữ cho VN nằm trong quỹ đạo kinh tế của TQ và một bên là cơ hội thu tóm quyền lực vào trong tay thay vì lãnh đạo tập thể như hiện nay, và để thực hiện được điều này ông ta hoặc sẽ làm như Tập Cận Bình, hoặc sẽ giải quyết vấn đề lỗi hệ thống để phục vụ cho tham vọng của ông ta. (https://bit.ly/3msMDrT))
Lê Minh Nguyên 7/4/21