Nhân quyền Việt-Mỹ với Điếu Cày ra tù
Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải được trao trả tự do sau 6 năm bị tù giam.
Trao đổi với cuộc tọa đàm của BBC Việt ngữ với chủ đề ‘Nhân quyền và quan hệ Việt – Mỹ nhân sự kiện Điếu Cày ra tù’ hôm 23/10/2014, kỹ sư tin học Nguyễn Trí Dũng từ Sài Gòn nói: “Tất nhiên khi bố tôi ở trong tù, mục đích chính của tôi là mong muốn ông được tự do, ngay khi này, khi ông đã được tự do rồi, có thể nói ông đã được an toàn ở xứ sở tự do rồi, thì tôi nghĩ không có lý do gì để tôi ngừng lại cả. “Vì cái quan trọng nhất đối với tôi là… không phải tôi đấu tranh vì bố tôi, đã là người đấu tranh, mà tôi đấu tranh vì bản thân tôi thức tỉnh được cái nhận thức của mình về chuyện dân tộc mình như thế nào. “Và qua những gì của bố tôi, chính là bàn đạp để tôi thức tỉnh, qua những việc làm của chính quyền Việt Nam đối với bố tôi, thì đó chính là một cái để tôi tiếp tục đấu tranh, chứ không phải là một cái để tôi chấm dứt đấu tranh,” con trai của blogger Điếu Cày nói.
‘Trong quá trình lớn hơn’
Một số ý kiến trong dự luận gần đây đặt câu hỏi về việc một số tù nhân ‘chính trị hay lương tâm’ khi được chính quyền Việt Nam thả ra tù lại bị ‘trục xuất’ hoặc ‘đưa đi ngay ra nước ngoài’ như các ông Điếu Cày hay Cù Huy Hà Vũ. Khi được hỏi điều này có ý nghĩa gì, Phó Giáo sư Jonathan London, từ Đại học Thành thị Hong Kong, nói:
“Cũng có khá nhiều người (lấy làm) tiếc về việc này, nhưng chúng ta cũng có thể đồng ý khi mà ông Nguyễn Văn Hải, dù tôi vẫn chưa gặp lần nào, đã hy sinh rất nhiều, và đã đấu tranh hết sức mình cho một Việt Nam có thể đạt được những giá trị tốt nhất. “Và vì thế, hy vọng trong tương lai một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có điều kiện mà những người có chính kiến khác so với lãnh đạo Việt Nam, thì họ sẽ có điều kiện để ở lại Việt Nam. “Và ví thế tạm thời chúng ta có thể đón nhận Nguyễn Văn Hải là một di sản của Phong trào vì một Việt Nam dân chủ hơn.” Khi được hỏi đâu là lý do thực sự của việc Điếu Cày được ra tù và đi Mỹ, Tiến sỹ London nói:
Hy vọng trong tương lai một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có điều kiện mà những người có chính kiến khác so với lãnh đạo Việt Nam, thì họ sẽ có điều kiện để ở lại Việt Nam. Và ví thế tạm thời chúng ta có thể đón nhận Nguyễn Văn Hải là một di sản của Phong trào vì một Việt Nam dân chủ hơn – Phó Giáo sư Jonathan London
“Bây giờ có một bối cảnh rất phức tạp và thú vị giữa Mỹ và Việt Nam, và trong bối cảnh này, Việt Nam rất cần nâng cao sự gần gũi giữa hai nước, và phía Mỹ đã nói rất cụ thể là muốn tiến bộ trong quan hệ của hai nước thì phải có những bước đi rất cụ thể. “Mà như chúng ta cũng đã biết, cách đây mấy năm rồi, ông Obama (Tổng thống Mỹ) cũng đã nêu rõ tên của Nguyễn Văn Hải và một số tù nhân lương tâm khác, và vì thế, chúng ta nên xem cái đó là một sự kiện trong một quá trình lớn hơn. “Và như ai cũng biết, hiện nay có một đặc phái viên của chính phủ Mỹ phụ trách về nhân quyền đang ở Hà Nội và sẽ ở lại Việt Nam khoảng 3-4 ngày, và vì thế chúng ta cũng có thể và nên chờ đợi những sự kiện khác nữa.” Theo học giả người Mỹ này, có thể tới đây sẽ có một số tù nhân lương tâm khác nữa được chính quyền Việt Nam thả ra.
‘Thả vì nhân đạo?’
Bình luận về lý do mà chính quyền Việt Nam, qua người Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra, theo đó giải thích ông Nguyễn Văn Hải được ra tù và đi Mỹ vì lý do nhân đạo, ông Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội nói: “Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không được phép dùng chữ ‘nhân đạo’ ở đây, họ đã cực kỳ ‘trơ tráo’ khi sử dụng chữ nhân đạo, trong tuyên bố này. “Nếu như nhà nước nhân đạo, thì họ đã không bắt anh Điếu Cày hay là nhiều tù nhân lương tâm khác vào tù chỉ vì họ, những công việc của họ không làm hại đến ai, mà chỉ để cho đất nước này đạt được giá trị tốt đẹp hơn.
“Cho nên bất cứ hình thức giảm nhẹ nào, trong việc nhận định về cái hành động của họ thì không thể chấp nhận được,” kỹ sư Lân Thắng nói với cuộc tọa đàm.
Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không được phép dùng chữ ‘nhân đạo’ ở đây, họ đã cực kỳ ‘trơ tráo’ khi sử dụng chữ nhân đạo, trong tuyên bố này – Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng
Một trong các blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày đã được chính quyền Việt Nam trao trả tự do và tới Mỹ hôm 21/10/2014 sau 6 năm bị tù giam vì các tội “trốn thuế” và “phổ biến thông tin cùng các tài liệu chống nhà nước.” Còn từ Sài Gòn, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị nêu quan điểm: “Nhà nước Việt Nam nêu lý do thả anh Hải vì lý do nhân đạo, thì theo Trung cũng đúng một phần vì anh Hải cũng lớn tuổi rồi. “Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều, những người tù nhân chính trị, lương tâm khác mà Trung biết là đang ở trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt ở trong tù,” nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền từng bị kết án trong vụ án Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long nói.
‘Đổi chiến thuật quan hệ?’
Từ Hoa Kỳ, nhà báo, đạo diễn điện ảnh Trần Nhật Phong cho rằng Việt Nam, qua việc thả các nhân vật như Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, đã thay đổi ‘chiến thuật’ quan hệ với Hoa Kỳ. Ông Phong nói: “Khi ông Phạm Bình Minh qua Mỹ, thì được nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương chứ không phải giải tỏa, sau đó thì phía Việt Nam mới thả anh Điếu Cày ra.
“Cho thấy rằng là phía Việt Nam, họ đã bắt đầu kinh nghiệm cách đối phó với lại sự đòi hỏi của phía Hoa Kỳ, tức là lần nào họ đưa ra trước, thì điều họ được, đều không như ý. “Cho nên lần này, họ giữ cho đến khi nào mà họ đạt được điều đó rồi, họ mới nới lỏng. “Và rõ ràng là trước khi ông Phạm Bình Minh qua Mỹ, không có một nhân vật bất đồng chính kiến nào được trả tự do cả.
Việt Nam, họ đã bắt đầu kinh nghiệm cách đối phó với lại sự đòi hỏi của phía Hoa Kỳ, tức là lần nào họ đưa ra trước, thì điều họ được, đều không như ý. Cho nên lần này, họ giữ cho đến khi nào mà họ đạt được điều đó rồi, họ mới nới lỏng – Nhà báo, đạo diễn Trần Nhật Phong, từ Mỹ
“Đó là góc nhìn của tôi, từ Hoa Kỳ nhìn về,” nhà báo Trần Nhật Phong nêu quan điểm. Blogger Điếu Cày, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Quốc Quân ở trong số các tù nhân chính trị tại Việt Nam được quốc tế nhắc đến nhiều và liên tục trong thời gian nhiều năm qua. Liệu việc blogger này ra tù là chỉ báo cho thấy nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện thực sự và bền vững, hay chỉ là ‘thêm một trường hợp tù nhân chính trị và lương tâm’ được thả do thỏa thuận song phương?
Điều gì sẽ xảy ra với hàng chục, có thể là hàng trăm các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, cùng nhiều tù nhân chính trị và lương tâm khác đang bị giam giữ có án? Về phần mình, liệu các ông Điếu Cày, Hà Vũ sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả, nếu đó là lựa chọn của các ông, cho sự nghiệp ‘tranh đấu vì tự do, nhân quyền và tiến bộ xã hội’ ở trong nước? Đây là một trong số các vấn đề mà BBC và các vị khách tham gia tọa đàm trực tuyến trao đổi trong chương trình ngày thứ Năm, bên cạnh các khía cạnh về quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới đây, trong đó ngoài nhân quyền, còn có các khía cạnh hợp tác khác từ kinh tế, an ninh cho tới quân sự, chính trị v.v… Chương trình được phát trên các kênh Google Plus và YouTube của BBC Việt ngữ từ 19h30 đến 20h00 theo giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể theo dõi toàn bộ cuộc tọa đàm trên trang nhà của BBC Tiếng Việt tại đây. Các ý kiến quan tâm, đóng góp, xin vui lòng gửi về cho chúng tôi qua hộp thư điện tử: vietnamese@bbc.co.uk