Nhân ngày tưởng niệm chiến sĩ Hoàng Sa
Ngày 19/1 là ngày tưởng niệm 75 chiến sĩ VNCH đã hy sinh bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Điều chúng tôi cảm thấy vô cùng lạc quan cho tương lai đất nước là hàng năm, nhất là những năm gần đây, thanh niên, người dân trong nước đã tổ chức những buổi lễ tưởng niệm họ.
Tại sao Bắc Kinh quyết định đánh chiếm Hoàng Sa, và đã có sự đồng ý trước của Hoa Kỳ hay không , vẫn còn là một bí mật của lịch sử. Nếu không biết chắc chắn Đệ Thất Hạm Đội sẽ không can thiệp, Bắc Kinh khó thể mạo muội làm điều này. Lúc bấy giờ, hải quân Trung Cộng so ra còn yếu kém hơn Hải quân VNCH. Ngay 4 chiến hạm tham gia trận chiến Hoàng Sa của 2 bên, các chiến hạm VNCH cũng tân tiến hơn.
Nhiều nghi vấn đã được nêu lên:
Thứ nhất: Tại sao viên cố vấn Gerald Kosh đã đòi lên đảo Hoàng Sa trước khi hải chiến diễn ra, rồi sau đó viên cố vấn này ra lệnh, cho nên quân đội trú phòng trên đảo buông súng đầu hàng!
Thứ nhì: Tại sao Hoa Kỳ đã ngăn cản không cho phi cơ F-5 ở phi trường Đà Nẵng cất cánh. Theo nhiều chuyên gia, phi cơ F-5 ở Đà Nẵng có khả năng bay ra Hoàng Sa tấn công địch trong vòng thời gian 20 phút.
Thứ ba- VNCH đã yêu cầu Hạm Đội 7 giúp đỡ, nhưng bị từ chối, thậm chí Hải Quân Hoa Kỳ cũng đã không tham gia cứu giúp quân nhân VNCH đang trôi giạt trên biển.
Thứ tư: Trong thời gian chiến sự cơ quan DAO thông báo cho Hải Quân VNCH rằng thì là..radar của Đệ Thất Hạm Đội cho thấy một số tàu chiến rất lớn của Trung Cộng đang từ Hải Nam ra Hoàng Sa tăng viện, nhưng hoàn toàn không có điều này.
Sau khi chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng đã ca tụng lòng dũng cảm của quân nhân họ: “Tương quan sức mạnh của hai bên có sự chênh lệch quá lớn, hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh hải quân. Hải quân Việt Nam Cộng hòa được đánh giá là có sức mạnh nằm trong Top 10 thế giới, trong khi phi cơ chiến đấu của Trung Quốc không thể bay tới Tây Sa (Hoàng Sa), hạm đội Nam Hải phải gánh vác trọng trách lớn nhất trong trận đánh. ..Mặc dù hải quân Trung Quốc kém hơn về trang bị, nhưng binh sĩ có lòng can đảm và tinh thần chiến đấu tốt..” !!!
Chiến tranh VN vẫn đang còn nhiều bí mật. Nhiều tài liệu cho biết, lúc bấy giờ ảnh hưởng của Nga đối với Hà Nội rất lớn, Trung Cộng không muốn Bắc Việt chiến thắng, giữ nguyên trạng phân chia, nhưng Hoa Kỳ đã muốn bỏ VNCH nên đã để Trung Cộng chiếm Hoàng Sa nhằm sau này ngăn chận hạm đội Nga, và khó biết phải như vậy hay không? Năm 1974, tình hình Nam VN đã nguy ngập, cho nên khó lòng đưa ra kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa! Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân chứng cho biết, VNCH đã có những kế hoạch tái chiếm, nhưng cũng đã bị Hoa Kỳ cảnh cáo và phải dẹp bỏ.
Chiếm Hoàng Sa năm 1974, thì vào đầu năm 1988, Trung Cộng đã đưa quân đánh các chiếm bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Xu Bi, Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao. CSVN đã đưa quân ra tái chiếm theo kế hoạch CQ-88. Chiến cuộc hai bên xảy ra vào ngày 14-3-1988, phía CSVN mất 3 chiếc tàu, 64 thủy quân. Và chỉ chiếm lại được đá Len Đao. Từ năm 1988 đến nay, Trung Cộng tiếp tục chiếm giữ 7 hòn đá trong quần đảo Trường Sa, ra sức biến các đảo đá này thành đảo nhân tạo.
Vào tháng 11/2007 Quốc Hội Trung Cộng tuyên bố thành lập quận mới đặt tên Tam Sa Thị gồm quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), Trung Sa (Macclessfiled Bank) và Trường Sa (Nam Sa) đã tạo nên một cuộc phản đối của người Việt khắp hải ngoại, và lần đầu tiên thanh niên Việt Nam trong nước đã “dám” xuống đường biểu tình khi chưa “được phép” của chính quyền Hà Nội. Thành phố Tam Sa đã được thành lập trong tháng 7 năm 2012 trên đảo Phú Lâm.
Quần đảo Hoàng Sa có tên quốc tế là Paracel Islands, Trung Cộng gọi là Tây Sa quần đảo gồm 130 hòn đảo, đá ngầm, cồn cát nằm trải rộng trên Biển Đông trong một vùng dài 250 cây số, rộng 150 cây số. Đảo Phú Lâm, Trung Cộng gọi là đảo Vĩnh Hưng, là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo, dài 1.3 cây số, rộng khoảng 1 cây số, được chọn mà nơi đặt cơ sở hành chánh cho Tam Sa Thị.
Quần đảo Trường Sa, Tàu gọi là Vạn Lý Trường Sa hay Vạn Lý Thạch Đường gồm 148 đảo, cồn san sô, bãi cát ngầm có địa danh và trên 600 trăm cồn, đụn, đá ngầm vô danh khác. Tuy diện tích đất tổng cộng chỉ khoảng 5 cây số vuông, nhưng nằm trải rộng trên một diện tích 410.000 cây số vuông, là vùng vựa cá, hải sản hiếm quý và có trử lượng dầu lửa và dầu khí rất lớn. Ước tính khoảng 17.7 tỷ tấn dầu. Sau khi chiếm 7 hòn đá, Trung Cộng đã nỗ lực mở rộng biến thành đảo nhân tạo. Cho tới nay Trung Cộng đã xây các hải cảng, và xây 3 phi trường ở Trường Sa là Vĩnh Thử trên đá Chữ Thập, Chử Bích trên đá Xu-bi và Mỹ Tế trên đá Vành Khăn. Phi trường Vĩnh Thử có thể dùng cho phi cơ phản lực chiến đấu, phi cơ vận tải hạng nặng. Theo Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI – Trên các đảo Tư Nghĩa, Ga Ven, Gạc Ma, Vành Khăn, Chữ Thập, Xu-Bi, Châu Viên, Trung Cộng đều đã xây những công sự phòng không, súng nặng..
Để nêu ra chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Cộng đã tìm cách đưa ra nhiều chứng minh lịch sử. Những dẫn chứng lịch sử của Trung Cộng gồm: Dương Phúc đời Đông Hán viết sách Nam Châu Dị Vực Chí đã nói tới các hải đảo, bãi đá ngoài biển “Thương Hải” tức biển đông ngày nay. Đời Tam Quốc, Ngô Quyền đã phái Khang Thái đi sứ Phù Nam và Khang Thái đã viết cuốn sách Phù Nam Truyện nói về các đảo trên biển Đông. Uông Đại Nguyên đời nhà Nguyên đã viết sách nói về Nam Sa, những danh từ Vạn lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, Vạn Lý Ba Bình đã có từ đời Tống, đời Nguyên v.v. Đời Minh, Thái Giám Trịnh Hòa cũng đã vẽ bản đồ hải hành ở Biển Đông, trên bia mộ của viên tướng trấn đóng trên đảo Hải Nam đời Minh tên là Tiền Thế Tài nói rằng viên tướng này đã đưa hàng chục ngàn quân đi tuần xa trên biển hàng ngàn lý v.v.
Những dẫn chứng lịch sử dù “lâu đời” của Trung Cộng có thực đi nữa cũng không có giá trị để có thể nói những quần đảo trên biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Cộng. Sự hiểu biết địa lý giống như Trương Khiên đời Hán Vũ Đế đi sứ Tây Vực, nói tới các nước Trung Á ngày nay rồi những nước này phải thuộc chủ quyền của Trung Cộng! Hay nếu Kha Luân Bố trên đường đi tới Mỹ Châu, gặp hòn đảo nào ghi lại trên chuyến hành trình của ông thì những đảo đó phải thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha! Hạm đội Hoa Kỳ đi tuần khắp nơi trên thế giới thì những đảo ngoài hải phận quốc tế phải thuộc Hoa Kỳ! Khi biết nhưng không lấy, không chiếm giữ của vẫn là của giữa trời, ai chiếm giữ, chứng tỏ có chủ quyền trước thì người đó là chủ.
Quần đảo Hoàng Sa đã được Việt Nam làm chủ từ thời Vua Lê, Chúa Nguyễn. Sách Đại Nam Thống Nhất Chí viết: “ Hồi đầu bản triều, đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm, cứ tháng 3, là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 thì do cửa Tư Hiền về nộp; lai đặt ra đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo… Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa. Đầu đời Minh Mệnh thường sai người đi thuyền đến đấy thăm dò đường biển… Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá…” Theo Đại Nam Thống Nhất Toàn Đồ năm 1838 lãnh thổ Việt Nam đã được bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sau khi Việt Nam bị Pháp đô hộ, Pháp vẫn coi hai quần đảo là đất Việt Nam, tiếp tục bảo vệ và chính thức tuyên bố chủ quyền với thế giới. Trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai, hai quần đảo lọt vào tay Nhật. Hội nghị San Francisco năm 1951, gồm 51 nước tham dự để ký hiệp ước hòa bình với Nhật, Thủ tướng Trần Văn Hữu đại diện chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị đã tuyên bố hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam cũng không nước nào phản đối. Trong thời gian Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ đã đưa quân đóng giữ Hòang Sa và Trường Sa. Có thể nói hai quần đảo này đã được Việt Nam khai thác, chiếm giữ liên tục từ thế kỷ thứ 17.
Sau năm 1974, Hà Nội đã mặc nhiên công nhận sự chiếm đóng của Trung Cộng ở Hoàng Sa. Rồi Từ năm 1988 tới nay Hà Nội vẫn nằm im, không chứng tỏ ý chí quyết tâm tranh chấp với Trung Cộng đối với quần đảo Trường Sa, mặc nhiên công nhận sự chiếm đóng của Trung Cộng. Đây là điều đáng tức giận.
Trước việc Trung Cộng bắt bớ ngư dân người Việt chúng ta đã nhiều lần đứng lên chống đối mạnh mẽ, thể hiện lòng yêu nước của con dân Việt. Sự xuống đường của sinh viên, thanh niên Việt Nam trong nước càng đáng kính phục và ngưỡng mộ. Đây là điều chứng tỏ thế hệ mới của Việt Nam trong nước sẽ làm nên lịch sử. Sẽ không còn mãi cúi đầu trước bạo quyền.
Tuy nhiên, nhân cơ hội này, có lẽ người Việt chúng ta cũng cùng phải nghĩ lại là phải làm gì thực tế hơn để cứu lấy non sông? Chúng ta chống Trung Cộng chiếm biển đảo, nhưng chính quyền, quân đội, tư cách pháp nhân vẫn nằm trong tay Việt Cộng, một tập đoàn sẳn sàng bán nước, dâng đất dâng biển thì phải chăng chúng ta cũng khó làm được điều gì! Phải chăng nhu cầu cấp thiết nhất để cứu lấy non sông vẫn là phải lật đổ cho được chế độ bán nước.
Để có thể sẳn sàng giành lại Hoàng Sa, Trường Sa trên mặt pháp lý trước Tòa Án Quốc Tế, hay biện pháp nào khác đi nữa, Việt Nam phải có một chính phủ quyết tâm, thật sự đại diện cho toàn dân, cho quyết tâm của toàn dân, chứ không phải là một chính phủ tay sai Tàu Cộng.
Để có thể giành lại chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam phải có một chính phủ hoàn toàn mới, không phải là chính phủ của chế độ đã từng gởi công hàm bán nước cho Tàu Cộng.
Hy vọng rằng tinh thần yêu nước của người Việt trong và ngoài nước sẽ được hướng dẫn đúng mục tiêu, thấy rõ chúng ta bị bọn bán nước cai trị, phải giải quyết thành phần này, cáo chung chế độ này trước khi tìm cách lấy lại đất đai, hải đảo và biển cả đã mất.
Huệ vũ