Nhân hội nghị trung ương, đọc luật về chánh đảng của Việt Nam Cộng Hòa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhân hội nghị trung ương, đọc luật về chánh đảng của Việt Nam Cộng Hòa

Đảng chính trị không được nhận tiền từ ngân sách nhà nước.

“Hội nghị Trung ương” là cách báo giới và thường dân gọi các cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – cơ quan quyền lực thứ hai của đảng này

Khi nói tới “Trung ương”, người ta mặc định đó là cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản.

Khi nói tới “đại hội đảng”, người ta mặc định đó là sự kiện của Đảng Cộng sản.

May be an image of one or more people and text
Ảnh sách: Luật Khoa. Ảnh nền: Wikipedia

Và khi nói tới “đảng”, người ta cũng mặc định đó là Đảng Cộng sản. Không ai chất vấn “đảng” ở đây là đảng nào khi nói “chính sách của Đảng”, “lãnh đạo Đảng”, “đảng viên”. Lý do thì cũng giản đơn, ai cũng hiểu, vì chỉ có một đảng được hoạt động hợp pháp ở nước ta.

Trên thực tế thì thế nào là hợp pháp cũng là câu hỏi không dễ trả lời, bởi không có tài liệu nào cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng ký thành lập ở Việt Nam. Cho đến nay không hề có một đạo luật hay một văn bản pháp luật nào quy định về việc thành lập và hoạt động của đảng phái chính trị ở nước ta. Một trong những người nói nhiều nhất về việc cần có luật về đảng phái chính trị là ông Nguyễn Văn An – cựu chủ tịch Quốc hội. Dĩ nhiên, ông nói khi đã về hưu. [1]

Có lẽ hiếm có người Việt Nam nào từng nhìn thấy một đạo luật về đảng phái chính trị, dù là bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ. May thay, chúng ta luôn có một kinh nghiệm lập pháp gần gũi thời Việt Nam Cộng hòa để biết họ từng làm luật ra sao.

Hôm nay, tôi muốn nói tới Luật số 009/69 ngày 19/6/1969 của Việt Nam Cộng hòa về “quy chế chánh đảng và đối lập chánh trị”. (Xin lưu ý rằng tôi không viết sai chính tả, mà ở miền Nam trước 1975 người ta hay dùng chữ “chánh” thay vì “chính” trong nhiều trường hợp.

Tôi đọc được đạo luật này trong cuốn “Lực lượng chánh trị – Quyển 1: Chánh đảng” của Tiến sĩ Trần Thị Hoài Trân, giáo sư chính trị học của Đại học Luật Khoa Sài Gòn trước năm 1975. Cuốn sách được xuất bản năm 1972, nay đã ố vàng và được lưu trữ tại Thư viện Luật Khoa ở Đài Loan. Sách thì công phu, tôi chưa đọc được hết nhưng xin giới thiệu riêng phần phụ lục của cuốn này, tức là phần đăng toàn văn đạo luật về chánh đảng nói trên, cùng với một số phần bình luận của tác giả cuốn sách. Mời bạn bấm vào link cuốn sách để đọc toàn văn.

Đạo luật số 009/69 này – do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành – không phải là văn bản pháp lý đầu tiên ở miền Nam quy định về đảng phái chính trị. GS. Hoài Trân sẽ cho độc giả biết rằng cho tới trước khi nền Đệ nhị Cộng hòa ra đời năm 1967, miền Nam đã có hai văn bản luật khác điều chỉnh hoạt động của đảng chính trị, gồm có:

  • Dụ số 10 ngày 6/8/1950 của Quốc trưởng Bảo Đại dưới thời Quốc gia Việt Nam về “thể lệ lập hội”;
  • Thông cáo ngày 28/1/1964 của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa về việc khai trình đảng phái.

Tuy vậy, tác giả Hoài Trân cho rằng hoạt động thực tế của các đảng phái ở miền Nam đều vượt ra ngoài khuôn khổ của hai văn bản này. Đến năm 1969 thì mới có Luật 009/69.

Đạo luật này có bảy chương và 44 điều. Xin điểm qua một số nội dung đáng chú ý.

Hai bước để thành lập một đảng chính trị

Để hoàn tất việc thành lập một đảng chính trị, nhóm sáng lập phải trải qua hai bước, có thể kéo dài tới hơn 18 tháng.

Bước một là nộp hồ sơ khai báo với Bộ Nội vụ, trong đó có tờ khai, điều lệ, đảng quy, hồ sơ của các sáng lập viên, và biên bản bầu cử ban chấp hành trung ương.

Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nội vụ có hai tháng để cấp giấy phép thành lập (luật gọi là “cấp phái lai”), trường hợp không cấp phép phải có lý do chính đáng do luật quy định. Nếu Bộ Nội vụ không trả lời trong vòng hai tháng thì coi như chánh đảng đó đã được thành lập hợp pháp.

Bước thứ hai được gọi là “hợp thức hoá”. Trong vòng 18 tháng kể từ khi được cấp phép thành lập, chánh đảng phải hội đủ một trong hai điều kiện:

  • Có 10 ban chấp hành tỉnh, thị bộ; mỗi tỉnh, thị bộ có ít nhất 500 đảng viên;
  • Có 5 ban chấp hành tỉnh, thị bộ; mỗi tỉnh, thị bộ có ít nhất 500 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên là đại diện dân cử trong Quốc hội.

Hội đủ một trong hai điều kiện này thì chánh đảng chính thức có tư cách pháp nhân, tức là có thể tự mình giao dịch thay vì phải giao dịch qua cá nhân người đứng đầu.

Đảng chính trị không được nhận tiền từ ngân sách nhà nước

Chuyện này có lẽ mới với nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi từ khi cướp được chính quyền đến nay, họ hoạt động dựa vào trợ cấp từ ngân sách nhà nước, mặc dù không công khai cụ thể. Lấy ví dụ, bảng quyết toán chi ngân sách trung ương năm 2019 của Quốc hội có mục “chi hoạt động của cơ quan QLNN, Đảng, đoàn thể” với số tiền quyết toán là 44,4 nghìn tỷ, tính ra cũng khoảng gần 2 tỷ đô-la Mỹ. [2]

Hồi năm 2015, một văn bản của Bộ Tài chính tiết lộ Văn phòng Trung ương Đảng được dự toán 1.973 tỷ đồng, tức khoảng 100 triệu đô-la Mỹ. [3] Và đó chỉ là cấp trung ương của Đảng Cộng sản, chưa tính các đảng bộ địa phương.

Quay lại với Luật 009/69 của Việt Nam Cộng hòa, Điều 13 nói rõ:

“Chánh đảng không có quyền nhận tặng dữ hoặc tiền trợ cấp của ngân sách Quốc gia, ngân sách địa phương hay một pháp nhân công pháp nào khác, hoặc của một xí nghiệp quốc doanh hay hợp doanh trong đó chánh quyền có quá bán tổng số cổ phần.”

Luật cũng quy định hình phạt cho những quan chức cấp tiền ngân sách quốc gia cho đảng chính trị và những lãnh đạo đảng đó, với cả hình phạt tiền lẫn án tù từ 2-5 năm.

Không chỉ có vậy, luật cũng cấm các đảng chính trị sử dụng công ốc làm trụ sở, văn phòng.

Quyền đối lập chính trị

Ở ta mà nói tới “đối lập chính trị” thì nhẹ cũng bị cho là khùng, nặng thì “chăn kiến” trong trại. Nhưng Hiến pháp 1967 của Việt Nam Cộng hòa thì có hẳn một chương và bốn điều nói về “Chánh đảng và đối lập”, trong đó nói rõ “Quốc gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng”.

Chiểu theo quy định đó, Luật 009/69 làm rõ hơn quyền này tại Điều 27, theo đó, quyền đối lập chính trị bao gồm:

  • “Quyền tự do trong việc phê bình, chỉ trích đường lối, chủ trương của Chánh phủ, quyền tố cáo các hành động áp bức, tham nhũng của nhân viên Chánh quyền các cấp.
  • Quyền được có cơ quan ngôn luận chánh thức, phổ biến các loại truyền đơn, bích chương, biểu ngữ, tổ chức những buổi nói chuyện công khai sau khi thông báo với Chánh quyền sở tại”

***

Giáo sư Trần Thị Hoài Chân cho rằng Luật 009/69 không đạt được mục đích của nó là hạn chế nạn lạm phát đảng phái. Trên thực tế là tới năm 1972, Việt Nam Cộng hòa đã có tới 23 đảng chính trị và hai đảng mới chưa được hợp thức hoá. Bà cũng chỉ rõ luồng ý kiến phản đối một số quy định của đạo luật này vì can thiệp quá sâu vào hoạt động của đảng chính trị

Nhưng đó là chuyện của Việt Nam Cộng hòa. Với thế hệ hậu sinh chúng ta, đáng tiếc thay, nội việc được đọc một đạo luật về đảng chính trị bằng tiếng Việt, do người Việt Nam viết, cũng đã là cả một điều may mắn vì chúng không được phổ biến và theo một cách không chính thức thì bị coi là sách cấm.

Trịnh Hữu Long – Tuesday, October 4 ,2022

https://www.luatkhoa.com/2022/10/nhan-hoi-nghi-trung-uong-doc-luat-ve-chanh-dang-cua-viet-nam-cong-hoa/?fbclid=IwAR1ijq6RGApF2LCcm1VvbMgkK780qmMEIDmtmebECk7pOeuqdUNNWpehO3w