Nhân chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ – Phải đổi mới căn bản quan niệm giáo dục học sinh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhân chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ – Phải đổi mới căn bản quan niệm giáo dục học sinh
12-3-2018

 

Ảnh: internet

 

Chuyện cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung bắt HS quỳ trong tiết học, rồi cha mẹ của HS lại bắt cô “quỳ xin lỗi” 40 phút, tại văn phòng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vào 28.2. 2018 đã gây “bão” trong dư luận xã hội. Hầu như ai cũng có ý kiến về vụ việc này và rất nhiều ý kiến khác nhau. Về vụ này tôi đã viết ngắn trên FB: Cô giáo bắt HS quỳ là sai, nhà trường sẽ kỷ luật; còn phụ huynh bắt cô giáo quỳ để trả thù là hành động côn đồ, vô pháp, vô đạo. Hiệu trưởng thấy CMHS làm sai mà không cản, thấy đồng nghiệp bị làm nhục mà không can thiệp đến cùng, thật không xứng mặt người lãnh đạo!
Nay nhân chuyện này muốn bàn thêm về QUAN NIỆM GIÁO DỤC HS. Vì quan niệm khác nhau, nên có rất nhiều người bênh vực việc GV bắt HS quỳ; một số người lại lên án cô giáo Nhung, cho rằng cô không xứng đáng làm GV nữa; lại có người ca ngợi hành động quỳ của cô, như một cử chỉ sám hối, cao thượng… Tôi có mấy ý kiến sau.
1. Dù với động cơ “muốn HS tiến bộ”, “Yêu cho roi cho vọt”, giữ “Truyền thống kỷ cương giáo dục”… gì gì nữa, thì việc bắt HS quỳ cũng như tất cả các hình thức xúc phạm đến thân thể, tinh thần HS như: Đánh đập, nhiếc mắng, đe dọa, bắt đứng úp mặt vào tường, làm nhục, làm tổ thương nhân phẩm, danh dự … HS đều không còn phù hợp với quan điểm giáo dục tiến bộ. Nền giáo dục áp đặt, hà khắc khiến HS ta ra thế giới văn minh sẽ thụ động, sợ sệt, kém thích ứng, không dám tự do thể hiện, năng động, sáng tạo… Còn người đã trưởng thành, ra thế giới, đem theo cách giáo dục lạc hậu trên dạy con bằng roi vọt, đánh mắng, đe dọa là vi phạm Quyền Con người, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em… Điều đó cho thấy xã hội ta, nền giáo dục ta phải thấm nhuần và thực thi đúng đắn hai Quyền trên mới tiến tới văn minh.
2. Sai lầm trên không chỉ từ truyền thống mà chính từ “quan điểm XHCN” cho rằng: Giáo dục là “đào luyện con người mới” theo những tiêu chuẩn a, b, c, d, … và tất cả HS phải phấn đấu theo gương những HS tiến tiến để đạt mục tiêu giáo dục đã xác định. Đó là quan niêm “bình quân về nhân cách”, HS nào khác đi là “chậm tiến”, “cá biệt”, “trệch hướng vừa hồng, vừa chuyên”… Cùng với nó là GV phải “Thi đua phấn đấu” để lớp mình chủ nhiệm, môn mình dạy đạt được các chỉ tiêu định lượng a, b, ,c, d, … Với sức ép đó GV phải dùng đủ mọi biện pháp, thủ đoạn (kể cả việc nhục hình, gian dối) để ép HS của mình đạt các chỉ tiêu. Các GV đăng ký tiên tiến, chiến sĩ thi đua, các lớp/trường đăng ký phấn đấu thành lớp/ trường chuẩn, lại càng “ra sức phấn đấu, quyết liệt” hơn và gian dối nhiều hơn để “đạt chuẩn”, “trên chuẩn”! Tất cả những sai lầm đó đã làm cho bản chất của giáo dục biến dạng; quan hệ GV – HS – CMHS và bản chất của việc dạy – học méo mó đi. Những sai lệch nói trên đã kéo dài mấy chục năm, làm tha hóa, hủy hoại cả nền giáo dục (chứ đâu gì chỉ cô giáo Nhung)!
3. Quan niệm đúng đắn về giáo dục
– Chỉ nói từ HS lớp Một. Cha mẹ và nhà giáo dục phải chấp nhận mọi trẻ em như bản tính nó vốn có, yêu thương, tôn trọng và giúp nó “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của mỗi em” (Hồ Chí Minh, 1945). Mỗi trẻ em là một cá thể độc đáo, có một không hai, không lặp lại; giáo dục phải giúp “mỗi trẻ em phát triển trở thành chính nó” (Hồ Ngọc Đại, 1979). Cho nên cha mẹ và GV thấy trẻ phát triển không theo đúng “mục tiêu” mình đặt ra mà thất vọng, bực tức trừng phạt trẻ, thì đó là vì mình, chứ không phải “vì HS thân yêu”!
– Giáo dục cũng như nuôi dưỡng. Muốn trẻ lớn lên khỏe mạnh thì phải chế biến cho trẻ những đồ ăn, thức uống đủ dinh dưỡng, phù hợp từng giai đoạn phát triển và hướng dẫn trẻ tự ăn, uống (bắt đầu ngay từ việc mút vú, cầm chén uống nước, tự xúc ăn…), rồi trẻ tự tiêu hóa và lớn khỏe lên… Người lớn không thể ăn thay trẻ, càng không thể chỉ nói, dọa, đánh đòn, thi đua, hô khẩu hiệu… mà trẻ cứ lớn lên theo ý mình! Một điều nữa cần nhận thấy là, dẫu có chế độ nuôi dưỡng như nhau, thì lớn lên mỗi đứa trẻ một khác, cao, thấp, gầy, béo, dáng hình, khuôn mặt… chẳng đứa nào giống đứa nào! (Nó mà giống y như nhau thì lẫn lộn hết, chết cha)! Giáo dục cũng thế. Vậy mà người ta muốn tất cả HS đều phải đạt “mục tiêu” như nhau! (100% HS vở sạch chữ đẹp, 60% HS giỏi, 40% tiên tiến)!?
– GV giống như người “bảo mẫu” dọn “thức ăn” cho cả lớp, hướng dẫn cách ăn, nhưng có em “ăn yếu” chỉ “ăn”, tiêu hóa được 50% khẩu phần; có em “ăn khỏe”, làm 2 suất luôn… GV có thể khen em “ăn khỏe” nhưng không được phê phán, trách phạt em “ăn yếu”, mà cần động viên và quan tâm xem vì sao, có biện pháp cùng cha mẹ em, giúp em cải thiện tình hình… Như vậy giáo dục là tổ chức (cung cấp vật liệu, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi,…) cho trẻ tự học (như tự ăn) để lĩnh hội trị thức; cảm thụ cái hay, đẹp, ý nghĩa của bài học; hình thành phương pháp (kỹ năng) học tập, làm việc một cách hợp lý, hiệu quả. Vì vậy vật liệu cung cấp cho các em cũng như như “đồ ăn”, phải BỔ ÍCH và LÝ THÚ để trẻ lĩnh hội ngon lành.
– Như vậy phương pháp giáo dục /dạy học của GV là tổ chức, hướng dẫn HS làm việc (cá nhân và nhóm) phù hợp với từng môn học, bài học để HS tự làm (theo cách tối ưu mà GV hướng dẫn), tự trải nghiệm, lĩnh hội, thể hiện… GV nói càng ít càng tốt, chỉ vừa đủ hướng dẫn HS làm việc. Tất nhiên có em chậm hiểu, GV chỉ bảo thêm để biết làm; làm ra kết quả, không bằng bạn, nhưng đó là của riêng em; em đã tiến bộ hơn so với chính mình, đó mới là điều quan trọng.
– Động cơ học tập, niềm hạnh phúc lớn nhất của trẻ là mỗi ngày đi học lại biết thêm “cách làm” hay, lĩnh hội thêm được nhiều điều MỚI LẠ , thấy mình lớn khôn lên, trưởng thành hơn. Khơi dậy, kích thích niềm hứng thú nhận thức, sự tự do suy nghĩ, cảm thụ, sáng tạo, tự do thể hiện; thân ái làm việc, chia sẻ, tranh luận cùng bạn bè để khẳng định mình… tất cả những cái đó tạo nên động lực từ bên trong đứa trẻ, chứ không phải từ áp lực bên ngoài. Đối với trẻ em không gì sướng hơn là thấy mình lớn lên, hiểu biết hơn, giỏi hơn lên mỗi ngày. Phát triển, trưởng thành là hạnh phúc lớn nhất của HS.
– Nói như vậy không có nghĩa là “tự do vô kỷ luật”! Trái lại trẻ càng được tôn trọng, tự do, càng làm cho các em có ý thức tự trọng, có trách nhiệm với bản thân và tập thể. Ví dụ, có em hay trêu chọc bạn, mất trật tự, em sẽ bị nhắc nhở, phê bình và cần thì phạt, cho ngồi một mình, tại “Bàn cô đơn” một thời gian; nếu em đánh hỏng đồ dùng của ban, đánh bạn, hay làm vỡ cửa kính nhà trường chẳng hạn, hành vi đó phải lập biên bản, em ký vào, các bạn làm chứng ký vào; cha me và bản thân phải xin lỗi, chuộc lỗi, đền bù. Phải làm thật đàng hoàn tử tế, nghiêm minh, để mọi HS và cha mẹ HS thấy rằng, làm sai thì phải nhận, có lỗi thì phải chuộc lỗi; cái xấu, cái ác không được phép hoành hành, mà phải bị trừng phạt công minh, nhưng không hề xúc phạm nhân cách HS. Tập thể HS cũng có thể tự đề ra kyrv luật, chẳng hạn, có em HS hay phá quấy, nếu không sửa chữa, có thể không được đi tham quan cùng lớp, vì “sợ rằng bạn ấy lại phá quấy, ảnh hưởng xấu đến danh dự của lớp ta”! Kỷ luật làm sao để HS có sai lầm và các em khác rút ra bài học từ những sai lầm, nhưng không được xúc phạm nhân cách HS. Có vậy các em mới trưởng thành đàng hoàng, tử tế.
Tóm lại, giáo dục là tổ chức sự trưởng thành cho thế hệ trẻ của cả dân tộc (Phạm Toàn, 2016). Trẻ phải tự hoạt động, tự học, tự trải nghiệm mới từng bước trưởng thành được. Lên bậc THCS, hứng thú và năng lực của HS có sự phân hóa, nên cần có dạy học tự chọn một số môn; lên THPT không chỉ có phân hóa mà còn có cạnh tranh, sàng lọc… Đó chính là động lực bên trong của việc học ở phổ thông.
Còn đào tạo Nghề và Đại học lại là câu chuyện khác. Ở đó, ngay tuyển chọn đầu vào đã phải đạt tiêu chuẩn và có sự cạnh tranh, sàng lọc khắt khe trong quá trình đào tạo, để người học luôn có ý thức tự học, tự rèn luyện mình đáp ứng yêu cầu chất lượng công việc mà thị trường lao động trong nước và quốc tế đòi hỏi.

Nhân chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ – Phải đổi mới căn bản quan niệm giáo dục học sinh