Nhân chứng những giây phút cuối người Mỹ rút khỏi Việt Nam
Thuỷ quân lục chiến Mỹ bố trí bảo vệ cơ quan DAO trong phi trường TSN, 28 tháng tư, 1975- Courtesy of chinhhoiuc.blogspot.com
Đọc bài này để cảm thương cho những người tỵ nạn Phi Châu xấu số đã bỏ mình trên biển cả khi liều mình đi tỵ nạn tại Âu Châu. BBT
Theo RFA Nguyễn Sơn Tùng- Australia 2014-09-15
Tôi là một trong số người may mắn được chứng kiến tận mắt những giây phút cuối cuộc rút lui của người Mỹ khỏi Việt Nam xảy ra tại phi trường Tân Sơn Nhất đêm 29 tháng 4 năm 1975. Suốt thời gian cuối tháng Tư năm 1975 rộ tin đồn bộ đội Bắc Việt thực hiện những hành động ác độc như rút móng tay phụ nữ, hành quyết dân di cư 1954…vì thế tôi muốn trốn thoát khỏi Việt Nam. Sau hai chuyến cố gắng di tản thất bại bằng hàng không, tôi vô cùng lo lắng. Hằng ngày tôi mở máy thu thanh (radio) nghe tin tức và thường bất chợt nghe được những cuộc đàm thoại của người Việt ở nước ngoài thúc giục họ hàng trong nước mau chạy khỏi Việt Nam. Tôi càng sốt ruột. Đa số bạn bè tôi đã ra Vũng Tầu từ tháng trước, mướn thuyền nằm chờ sẵn để tháo chạy khi bộ đội Bắc Việt chiếm được Mièn Nam. Đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao khi đó tôi không hề nghĩ đến việc bỏ nước bằng đường biển trong khi hoàn cảnh rất thuận lợi vì tôi độc thân và nhiều bạn tôi có thuyền. Phải chăng đó chính là ĐỊNH MỆNH. Sáng sớm ngày 29 tháng 4 tôi dùng xe đạp chạy vào sân bay Tân Sơn Nhất. Lính gác khuyên tôi không nên vào vì sân bay đang bị Việt Cộng pháo kích. Nhưng tôi cứ đi bất chấp lời cảnh báo. Thủy quân lục chiến Mỹ đã tạo một khu vực cô lập dành cho cuộc di tản khẩn cấp. Anh nào cũng có điệu bộ nghiêm trọng, mặt lạnh như tiền. Tôi nói với một anh canh gác lối vào : – Tôi là cựu nhân viên Mỹ. Làm ơn cho tôi vào. Anh ta hỏi : – Thẻ chứng minh ? Tôi không thể xuất trình thẻ Đại sứ quán Mỹ cấp cho tôi là thư ký hành chánh của Cơ Quan Viện Trợ Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) vì phải trả lại khi tôi xin thôi việc năm 1966. Bất ngờ một chiếc trực thăng UH1 đáp xuống sát gần. Tôi liền quăng xe đạp và nhảy lên máy bay cùng với khoảng hai chục sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Đây là chiếc trực thăng dân sự của AIR AMERICA do một phi công Việt Nam lái. Chắc anh phi công này thấy nó bị bỏ trong sân bay. Máy bay cất cánh, nhưng không may, chong chóng lái đụng nhằm một đống đá và bị gẫy nên máy bay cứ quay vòng vòng trên không cách mặt đất vài mét, không thể bay được. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may : nếu bay được, có lẽ máy bay sẽ rớt do chở quá tải (trên 40 người, trong khi trọng tải của nó chỉ là 20 người). Vừa mới xuống khỏi máy bay, tôi thấy một chiếc xe hơi trờ tới và ngừng sát cạnh. Tôi xin người tài xế Mỹ cho tôi chiếc xe. Ông ta trao chìa khoá xe cho tôi rồi đi vào khu vực di tản. Tôi lái xe về nhà để ăn cơm trưa. Khoảng 2 giờ chiều tôi dùng xe gắn máy trở lại sân bay cùng với một cháu trai với hy vọng sẽ được di tản. Bên ngoài khu vực di tản la liệt xe cộ nhiều loại : xe du lịch, xe bus, xe gắn máy.. Từng đoàn ba chiếc trực thăng đến hạ cánh rồi lại cất cánh bay đi. Xa xa đạn pháo của Việt Cộng nổ ì ầm buộc chúng tôi nhảy xuống hào trú ẩn dể tránh đạn. Do mưa rào nên tôi phải lên một xe bus để trú mưa. Tôi bấm vào nút một chiếc máy trên xe. Bất ngờ một giọng nói từ máy phát ra : “Phải ông Smith không ?”. Thì ra đó là máy thu phát vô tuyến. Tôi trả lời và biết rằng đó là nhân viên của ông Smith, họ đang nóng lòng chờ ông ấy. Người này nhờ tôi nói lại với ông Smith. Nhưng chỉ có Trời mới biết ông Smith đang ở đâu! Chắc đây là xe của ông ấy bỏ lại trước khi vào khu vực di tản và để nhân viên của mình mòn mỏi chờ đợi. Tôi hy vọng sẽ được di tản vào phút chót. Khoảng một trăm người quanh tôi cùng có ý nghĩ đó. Đêm đến lúc nào cũng không hay. Các trực thăng cứ đến rồi lại đi. Trên trời, hai chiếc phản lực khu trục gầm rú bay vòng vòng. Đạn của súng máy dưới đất vẽ lên bầu trời đen tối những tia chớp sáng ngoằn ngoèo. Đạn súng cối thỉnh thoảng nổ ran nhưng không trái nào rớt vào khu vực di tản. Khoảng mười giờ đêm, một người Mỹ đi xe jeep đến chỗ chúng tôi ngồi và hỏi : “Ai biết lái xe ?”. Có mấy người giơ tay. Ông Mỹ bảo họ lên ba xe bus mở máy và theo ông ta. Tôi nghĩ có lẽ ông ấy đi đón nhân viên. Sau 30 phút ba xe bus trở về trống không. Các tài xế cho biết không thể đến được nơi phải đến vì giới nghiêm. Ông Mỹ bảo chúng tôi lên một xe bus cùng với ông. Lính gác cho phép xe vào khu di tản, nhưng không ai được ra khỏi xe. Thật nhiều xe đậu thành một vòng tròn và tất cả đều mở đèn pha. Ông Mỹ một mình ra khỏi xe và đi vào một căn nhà có thể là sở chỉ huy cuộc di tản. Từ lúc đó chúng tôi không còn thấy ông ấy nữa. Nửa giờ sau đó căn nhà chỉ huy bốc cháy. Chắc người Mỹ đốt cháy căn nhà và các tài liệu trước khi cuộc di tản kết thúc. Một chiếc trực thăng đáp xuống. Chúng tôi nhốn nháo và muốn ra khỏi xe. Khoảng trên mười thuỷ quân lục chiến Mỹ cuối cùng bước lên máy bay, tay cầm súng nhăm nhăm chĩa vào xe chúng tôi, nói : “Mọi người ngồi im, chúng tôi trước”. Máy bay cất cánh trong khi các lính Mỹ luôn chĩa súng vào chúng tôi. 12 giờ đêm. Cuộc rút lui kết thúc và chúng tôi bị bỏ lại. Nếu cuộc rút lui này xét theo nghĩa một cuộc tháo chạy thì người Mỹ đã hoàn toàn thành công vì họ đã ra đi bình an vô sự. Nhưng nếu xét theo nghĩa một cuộc di tản thì họ đã thất bại vì họ đã bỏ lại một trăm người gồm phụ nữ, trẻ em rất muốn được di tản nhưng không được dù hoàn cảnh vô cùng thuận lợi về thời gian, phương tiện vận chuyển, an ninh hầu như tuyệt đối. Sao người Mỹ có thể tự hào được về sức mạnh, lòng nhân đạo, lý tưởng tự do và nhân quyền trong một hoàn cảnh như nêu trên !
Tác giả Nguyễn Sơn Tùng hiện đang ở Australia. Ông viết bài này tại Sài Gòn, năm 1975.