Nhạc Sĩ Văn Cao

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhạc Sĩ Văn Cao

Văn Cao, một gương mặt đầy mâu thuẫn của giới Nghệ sĩ Việt Nam vào thập niên 1940s.

Văn Cao là tên thật, họ Nguyễn, sinh ngày 15/11/1923 tại làng Lạch Trai (gần Hải Phòng) mất ngày 10/7/1995 tại Hà Nội. Nguyên quán làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Học tiểu học trường Bonnal, trung học trường dòng Saint-Joseph, ở đây ông được học thêm âm nhạc. Cha là Nguyễn Văn Tề, cai máy nước. Vì cha bị mất việc, Văn Cao phải bỏ học, làm điện thoại viên ở bưu điện Hải Phòng, được một tháng thì bỏ.

Cuối năm 1939, Văn Cao viết ca khúc đầu tiên Buồn Tàn Thu, ảnh hưởng Lê Thương, bản nhạc được Phạm Duy đem đi hát khắp nơi. Năm 1940, Văn Cao đi Hà Nội, Huế, Sài Gòn, tiếp xúc với phong cảnh nên thơ và âm nhạc trữ tình của Huế và thơ Hàn Mặc Tử tại Sài Gòn.

Từ điển văn học ghi: “1940, vào Nam kiếm sống, làm họa sĩ trang trí nội thất cho cho một hãng tư nhân ở Sài Gòn, gần một năm. Bị chủ quỵt tiền công nên bỏ việc ra Bắc”. Chi tiết này không thấy ghi ở các tài liệu khác.

Tựu trung, thời kỳ 1940-43, Văn Cao sáng tác sung mãn nhất. Những ca khúc lịch sử đi đôi với ca khúc lãng mạng trữ tình: Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, Thăng Long Hành Khúc, Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa, Bến Xuân, Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi… và cũng là thời kỳ gắn bó cộng tác văn nghệ và hoạt động cách mạng giữa hai nhân tài: Văn Cao-Phạm Duy.

Năm 1942, Văn Cao lên Hà Nội học dự thính (auditeur libre) trường Mỹ Thuật Đông Dương, và lần đầu tiên, thơ văn của ông được Vũ Bằng đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy.

Năm 1943, ông triển lãm tranh lần đầu ở Salon Unique – Phòng Triển lãm Độc đáo. Bức tranh Les Suicidés – Những Kẻ Tự Sát của Văn Cao gây tiếng vang trong giới hội hoạ, theo Tạ Tỵ, đã có ý thức cách mạng.

Năm 1944, Văn Cao được Vũ Quý, quyền bí thư Thành Ủy Hà Nội, giác ngộ vào Việt Minh, giao công tác viết bài hát cho khoá Quân Chính Kháng Nhật, sáng tác Tiến quân ca.

Năm 1945, Văn Cao vào Đội Trừ Gian. Tháng 7/45, bắn chết Đỗ Đức Phin ở Hải Phòng. Bắn hụt Cung Đình Vận và Võ Văn Cẩm tại Hà Nội. Làm báo Lao Động (bí mật) của Việt Minh. Văn Cao tự tay chép lời và nhạc Tiến quân ca vào đá litho, in trên Lao Động số 1, tháng 11/1944.

Năm 1945, sáng tác bài thơ Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc và các ca khúc: Chiến sĩ Việt Nam, Chiến sĩ Hải quân, Chiến sĩ Không quân, Bắc Sơn. Bài Không quân Việt Nam sau này trở thành bài đoàn ca của Không quân Việt Nam Cộng Hoà.

Ngày 17/8/1945, trong buổi mít-tinh của công chức, bài Tiến Quân Ca được Phạm Duy “cướp micro” hát lần đầu tiên và duy nhất tại nhà Hát Lớn, Hà Nội.

Ngày 19/8/1945, Việt Minh “cướp chính quyền”, dàn đồng ca Thiếu niên Tiền phong do Văn Cao điều khiển hát bài Tiến Quân Ca tại quảng trường Nhà Hát Lớn.

Ngay sau Cách Mạng Tháng Tám, Vũ Quý bị chết trong một hoàn cảnh bí mật.

Đầu năm 1946, Quốc hội khoá I công nhận Tiến Quân Ca là Quốc ca Việt Nam. 1946, Văn Cao sáng tác bài thơ Ngoại Ô Mùa Đông 1946.

Theo Tạ Tỵ và Vũ Bằng, Văn Cao có vợ trước cách mạng tháng Tám. Nhưng có lẽ chỉ mới đính hôn, sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/46, Văn Cao và gia đình Thúy Băng rời Hà Nội ra chợ Đại, gần Hà Đông, thuộc Liên Khu Ba, mới chính thức làm lễ cưới ở thôn Ba Thá.

Ở Liên Khu Ba không được bao lâu, Văn Cao nhận được chỉ thị lên Phú Thọ, rồi Lào Cai, mở Quán Biên Thùy trá hình làm tình báo trong Liên Khu 10, từ xuân 1947 đến thu 1947. Phạm Duy có lên hát ở đây.

Tháng 3/1948, Văn Cao được kết nạp vào Đảng. Sáng tác Ngày Mùa. Cuối 1948, Văn Cao được lệnh về Liên Khu Ba. Gặp lại Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị… Sáng tác Tiến Về Hà Nội. Tổ chức triển lãm chung. Bức tranh Cây đàn đỏ của Văn Cao bị phê bình.

Giữa 1949, Văn Cao lại được lệnh trở lên Việt Bắc. Chuyến đi rất gian nan nguy hiểm.

Tháng 1/1950, đảng Cộng sản tuyên bố chính thức theo đường lối Trung Quốc, thực hiện đấu tranh giai cấp trên toàn lãnh thổ.

Tại Việt Bắc, Văn Cao tham gia chiến dịch biên giới. Phụ trách giảng dạy ở trường Âm Nhạc Việt Bắc. Sáng tác: Tiểu đoàn Lũng Vài, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Công nhân Việt Nam, Toàn quốc thi đua…

Năm 1952, Văn Cao được cử đi Mạc Tư Khoa trong phái đoàn Trần Huy Liệu. Theo Hoàng Văn Chí, “Văn Cao được gặp nhà nhạc sĩ số một Liên Xô là Chostakovitch”. Các tài liệu khác, không nói đến cuộc gặp gỡ này, vì Chostakovitch cũng có “vấn đề”, số phận trầm luân, tương tự Văn Cao chăng?

Hoàng Văn Chí viết tiếp: “Tuy nhiên sau khi đi Mạc Tư Khoa về, Văn Cao bắt đầu tỏ ý thất vọng: Liên Xô không phải là thiên đường như ông vẫn tưởng tượng. Thêm vào đấy, khi ông về nước thì cuộc đấu tố địa chủ cũng vừa bắt đầu, ông được cử đi tham quan mấy vụ đấu tố điển hình ở Việt Bắc”.

Nguyễn Thụy Kha, viết về chuyến đi Liên Xô như sau:

“Được chọn đi thăm Liên Xô trong phái đoàn của ông Trần Huy Liệu, Văn Cao lần đầu tiên xuất ngoại, lần đầu tiên mở mắt nhìn ra thế giới của chủ nghĩa xã hội – một lý tưởng mà chàng tôn thờ, đeo đuổi suốt tuổi trẻ… Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, cái chết đầy bí hiểm của Vũ Quý -người giác ngộ chàng, dẫn dắt chàng vào con đường cách mạng- đã làm chàng choáng váng… Sang Liên Xô, tận mắt nhìn thấy, tiếp xúc với ‘thành trì của chủ nghiã xã hội’, ‘Thiên đường của loài người’, Văn Cao mới vỡ lẽ ra nhiều”.

Có thể nói, chuyến đi Liên Xô 1952, đối với Văn Cao tương tự như chuyến đi Liên Xô 1936 đối với André Gide: họ đã nhìn thấy mặt thật của “thiên đường”.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Văn Cao phụ trách ban nhạc đài Phát thanh Hà Nội.

Năm 1956, tham gia Nhân Văn Giai Phẩm với bài thơ Anh Có Nghe Không,  đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân. Sáng tác trường ca Những Nguời Trên Cửa Biển, một đoạn in trên Nhân Văn số 4.

Năm 1958, bị kỷ luật, không nặng như các thành viên chính, phải đi thực tế Điện Biên cùng Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng. Đến Hai Lót, Văn Cao đau dạ dày, được đưa về bệnh viện Lai Châu.

Sau Nhân Văn, người ta định chọn Bài ca cách mạng tiến quân của Đỗ Nhuận để thay thế, nhưng rồi Tiến Quân Ca vẫn được giữ lại. Các tác phẩm khác của Văn Cao bị cấm.

Chìm vào quên lãng trong ba mươi năm, Văn Cao sống cô đơn và gian khổ như các thành viên NVGP khác. Ông vẽ bìa sách, minh họa cho các báo, trang trí sân khấu, làm nhạc đệm cho một số phim…

Sau ngày thống nhất đất nước, Văn Cao sáng tác Mùa Xuân Đầu Tiên (1976), không được hát, có lẽ vì những câu “Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”.

Năm 1980, Hiến Pháp mới không ghi Tiến Quân Ca là quốc ca. Trong các buổi chào cờ, người ta cử nhạc. Không lời.

Năm 1981, một cuộc “vận động sáng tác quốc ca” được tổ chức quy mô, có thi tuyển, kéo dài trong 2 năm, nhưng cuối cùng vẫn không chọn được bài nào thay thế.

Năm 1983, lễ mừng Văn Cao 60 tuổi được tổ chức. Các bản nhạc Thiên Thai, Trương Chi, Suối Mơ… được tình diễn trở lại.

Năm 1988, Văn Cao được chính thức “phục hồi” cùng các thành viên NVGP. Tập nhạc Thiên Thai và tập thơ Lá được phép xuất bản.

Ngày 18/8/1991, trên báo Tiền Phong chủ nhật số 26, xuất hiện bài viết: Tiến quân ca có hai tác giả? của Tô Đông Hải. Lập luận: Văn Cao chỉ viết phần nhạc, lời của Đỗ Hữu Ích. Văn Cao trả lời, trong bài phỏng vấn của Nguyễn Thụy Kha ngày 7/10/91.

Năm 1993, Quốc hội xác định: Tiến quân ca là quốc ca Việt Nam.

Văn Cao mất ngày 10/7/1995, tại Hà Nội.

(Nguồn: Nhân Văn Giai Phẩm Và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc củaThuỵ Khuê.)

 

image1.jpeg