Nhà văn Hoàng Hải Thủy, người phóng tác Đỉnh Gió Hú, qua đời ở tuổi 87

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhà văn Hoàng Hải Thủy, người phóng tác Đỉnh Gió Hú, qua đời ở tuổi 87

Nhà văn Hoàng Hải Thủy qua đời mấy ngày qua nhưng tin tức ông qua đời lãng đãng như nếu không tình cờ biết được chắc cũng không ai nhớ rằng trên đời này đã từng có một cây viết tiếng tăm lừng lẫy một cõi riêng tên là Hoàng Hải Thuỷ. Danh hài Chí Tài mới mất được vài tiếng đồng hồ mà truyền thông và mạng xã hội của người Việt khắp nơi trên hoàn vũ xôn xao sầu muộn. Tôi có đang lỗi thời lạc hậu khi bần thần tưởng tiếc một cây viết vang bóng một thời ở tuổi 87 mà nghe lòng bình lặng với một nghệ sĩ thời thượng ăn khách ở tuổi 62? Không lẽ lối viết xa xôi thâm thúy bất cần đời của ông ảnh hưởng đến riêng tôi từ lâu lắm rồi làm tôi tiếc nuối? 

QP   

Nhà văn Hoàng Hải Thủy, người phóng tác Đỉnh Gió Hú, qua đời ở tuổi 87

Dec 7, 2020 – VIRGINIA (NV) – Nhà văn, nhà báo Hoàng Hải Thủy vừa qua đời lúc 11 giờ 20 phút tối Chủ Nhật, 6 Tháng Mười Hai, 2020, tại bệnh viện Virginia Hospital Center, tiểu bang Virginia, vì tuổi già, hưởng thọ 87 tuổi.

Cô Kiều Giang, ái nữ nhà văn, xác nhận tin này với báo Người Việt và cho biết, “vì trời trở lạnh trong lúc người ông không được khỏe nên ông yếu dần rồi ra đi.”

Nhà văn Hoàng Hải Thủy. (Hình: Blog Hoàng Hải Thủy)

Theo trang blog “Hoàng Hải Thủy, a.k.a Công Tử Hà Đông,” nhà văn Hoàng Hải Thủy, tên thật là Dương Trọng Hải, sinh năm 1933 tại Hà Đông, Việt Nam.”

“Ngoài bút hiệu Hoàng Hải Thủy, ông còn có các bút hiệu khác như Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn…”

Ông tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật từ những năm đầu thập niên 1950 tại Hà Nội.

Di cư vào Nam năm 1951, ông từng trải qua các việc như phóng viên cho nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới. Ông còn là biên tập viên, chuyên về dịch thuật cho USIS (Sở Thông Tin Hoa Kỳ) ở Sài Gòn.

Năm 1952, ông được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn do nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Từ 1956, ông trở thành cây viết phóng sự nổi tiếng và tác giả nhiều bộ tiểu thuyết phóng tác bán chạy hàng đầu tại miền Nam Việt Nam.

“Các tác phẩm đã xuất bản trước 1975 là Vũ Nữ Sài Gòn, Tây Đực Tây Cái, Chiếc Hôn Tử Biệt (tái bản với tên Đêm Vĩnh Biệt), Nổ Như Tạc Đạn, Yêu Lắm Cắn Đau, Bạn và Vợ, Môi Thắm Nửa Đời, Người Vợ Mất Trí, Định Mệnh Đã An Bài, Kiều Giang (phóng tác từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte), Gái Trọ, Đỉnh Gió Hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Như Chuyện Thần Tiên (Scoprion Reef), Điệp Viên 007 (phóng tác), Thầy Nô (phóng tác từ Dr. No), Máu Đen Vàng Đỏ (phóng tác)…

Năm 1977, ông bị CSVN bắt nhốt hai năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết ra nước ngoài. Tháng Năm, 1984, ông bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù sáu năm.

Năm 1990, sau khi được thả, ông trở về Sài Gòn và năm 1994 sang Hoa Kỳ tị nạn, định cư ở Virginia.

Các tác phẩm của ông đã xuất bản sau 1975 là Công Ty Rửa Tiền (The Firm), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber), Báo Cáo Bồ Nông (The Pelican Brief), Tiếng Kêu Của Máu (The Red Dragon), Mùa Hạ Hai Mươi, Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, Dữ Hơn Rắn Độc…

Các bài bình luận, phiếm luận được nhiều người đọc là Mai Sau… Nếu Có Bao Giờ, Nhắc Chi Ngày Xưa Đó…, Chìm Trong Lãng Quên, Sài Gòn và Phụ Nữ Việt trong phim Người Mỹ Thầm Lặng, Đọc Chùa Đàn Xem Mê Thảo, Còn Gốc Mất Gốc, Mưa Cầm, Gió Bắt, Thép Đợi, Gang Chờ…

Đến nay, ông đã hoàn thành và xuất bản hơn 60 tác phẩm gồm nhiều thể loại. 

(Đ.G) [kn]